Tiêu chuẩn xác định tài sản cố định vô hình

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
01/03/2022 11:01 AM

Tài sản cố định vô hình là những tài sản không có hình thái vật chất nhưng xác định được giá trị của nó và do doanh nghiệp nắm giữ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách xác định loại tài sản cố định này. Vậy tiêu chuẩn xác định tài sản cố định vô hình là gì?

Tiêu chuẩn xác định tài sản cố định vô hình

Tiêu chuẩn xác định tài sản cố định vô hình (Ảnh minh họa)

1. Tài sản cố định vô hình là gì? 

Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 45/2013/TT-BTC, tài sản cố định vô hình được quy định là những tài sản không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư thỏa mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định vô hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh, như một số chi phí liên quan trực tiếp tới đất sử dụng; chi phí về quyền phát hành, bằng phát minh, bằng sáng chế, bản quyền tác giả… 

2. Tiêu chuẩn xác định tài sản cố định vô hình

2.1 Tiêu chuẩn xác định tài sản cố định

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC, tư liệu lao động là những tài sản hữu hình có kết cấu độc lập, hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào thì cả hệ thống không thể hoạt động được, nếu thỏa mãn đồng thời cả 03 tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:

- Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;

- Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;

- Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên.

2.2 Tiêu chuẩn xác định tài sản cố định vô hình

Tiêu chuẩn xác định tài sản cố định vô hình dựa theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC. Cụ thể, mọi khoản chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi ra thoả mãn đồng thời cả 03 tiêu chuẩn xác định tài sản cố định nêu trên, mà không hình thành TSCĐ hữu hình được coi là TSCĐ vô hình.

Những khoản chi phí không đồng thời thỏa mãn cả 03 tiêu chuẩn nêu trên thì được hạch toán trực tiếp hoặc được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

Riêng các chi phí phát sinh trong giai đoạn triển khai được ghi nhận là TSCĐ vô hình tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp nếu thỏa mãn đồng thời bảy điều kiện sau:

- Tính khả thi về mặt kỹ thuật đảm bảo cho việc hoàn thành và đưa tài sản vô hình vào sử dụng theo dự tính hoặc để bán;

- Doanh nghiệp dự định hoàn thành tài sản vô hình để sử dụng hoặc để bán;

- Doanh nghiệp có khả năng sử dụng hoặc bán tài sản vô hình đó;

- Tài sản vô hình đó phải tạo ra được lợi ích kinh tế trong tương lai;

- Có đầy đủ các nguồn lực về kỹ thuật, tài chính và các nguồn lực khác để hoàn tất các giai đoạn triển khai, bán hoặc sử dụng tài sản vô hình đó;

- Có khả năng xác định một cách chắc chắn toàn bộ chi phí trong giai đoạn triển khai để tạo ra tài sản vô hình đó;

- Ước tính có đủ tiêu chuẩn về thời gian sử dụng và giá trị theo quy định cho tài sản cố định vô hình.

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 30,891

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn