Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16: Không phải là phong tỏa TP.HCM

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Quý Nguyễn
08/07/2021 11:52 AM

Chiều ngày 07/7/2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thông tin, TP.HCM sẽ áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg bắt đầu từ 0 giờ ngày 09/7/2021 và áp dụng trong vòng 15 ngày. Việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg không phải là phong tỏa TP.HCM như một số hiểu lầm đang xuất hiện trên các diễn đàn, mạng xã hội.

Sau hơn một năm thì TP.HCM lại áp dụng Chỉ thị 16 trên diện rộng. Và vẫn xuất hiện những câu hỏi như “Có phong tỏa TP.HCM hay không?” “Chỉ thị 16 áp dụng như thế nào?”… Để giải đáp những thắc mắc đó thì THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin giải thích lại một lần nữa để quý độc giả hiểu rõ.

1. Áp dụng Chỉ thị 16, người dân TP.HCM cần phải lưu ý gì?

Những thắc mắc kể trên không phải lần đầu xuất hiện. Mà nó đã tồn tại từ đợt bùng dịch đầu tiên tại Việt Nam năm 2020. Có nhiều ý kiến thắc mắc liệu áp dụng Chỉ thị 16 có phải là “phong tỏa” hay không.

Tại thời điểm đó, để giải đáp thắc mắc thì tại thời điểm đó Văn phòng Chính phủ có ban hành Công văn 2601/VPCP-KGVX để hướng dẫn thực hiện. Cụ thể, khi áp dụng Chỉ thị 16 thì người dân cần lưu ý một số vấn đề như sau:

1/ Người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết.

Trường hợp cần thiết ở đây được Văn phòng Chính phủ giải thích rõ:

- Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;

- Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,...

- Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở khác như sản xuất kinh doanh dịch vụ thiết yếu, bổ trợ doanh nghiệp...(Xem chi tiết tại Mục 3 dưới đây).

2/ Khi ra đường phải đảm bảo một số nguyên tắc:

- Ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn;

- Không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

3/ Các doanh nghiệp được duy trì hoạt động:

- Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng;

- Cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...);

- Cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...),

- Chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...

-  Người đứng đầu các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực kể trên khi hoạt động phải đảm bảo  an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch, trong đó có các biện pháp:

+ Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế;

+ Yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp;

+ Tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động;

+ Tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động (nếu có) đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh.

Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động.

2. Không có chuyện phong tỏa TPHCM

Việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg là biện pháp mạnh để giải quyết dứt điểm các mầm mống dịch bệnh đang ở trong cộng đồng. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là “ngăn sông, cấm chợ”, không có nghĩa là sẽ phong tỏa TP.HCM như nhiều ý kiến thắc mắc đang đưa ra.

Tại phiên họp Chính phủ trong cao điểm chống dịch năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã nêu rõ cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, không phải "ngăn sông cấm chợ", chưa phải phong tỏa xã hội. Người dân vẫn được ra ngoài trong trường hợp cần thiết, NLĐ vẫn đến cơ quan làm việc trong các trường hợp đã nêu ở mục 1.

Cho nên việc TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg lần này về nguyên tắc áp dụng cũng không có gì khác với đợt cao điểm năm 2020. Sẽ không có chuyện ngăn sông cấm chợ, không có chuyện phong tỏa TP.HCM.

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin thông tin một lần nữa tới quý độc giả.

Qúy Nguyễn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 30,259

Bài viết về

Phòng chống COVID-19

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn