Hàng loạt vụ án liên quan đến ngân hàng: Các quy định còn quá nhiều kẽ hở?

26/08/2016 15:14 PM

Chưa bao giờ số vụ án liên quan đến sai phạm ngân hàng bị phát hiện nhiều như thời gian qua, với mức gây thiệt hại từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Trong 10 vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã, đang và sẽ bị đưa ra xét xử, có tới 8 vụ liên quan tới ngân hàng.

Vì sao các đối tượng có thể rút được một số tiền quá lớn chỉ trong một thời gian ngắn? Vì sao sự vi phạm pháp luật luôn bị phát hiện chậm khiến hậu quả rất nặng nề? Mới đây nhất, vụ án Phạm Công Danh cùng các đồng phạm gây thiệt hại hơn 9000 tỷ đồng, xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) cho thấy bài học từ những kẽ hở của chính các quy định liên quan.

Nguyên Chủ tịch HĐQT VNBC Phạm Công Danh hầu tòa vào ngày 19/7 tới vì gây thiệt hại cho VNBC 9.000 tỷ đồng.

Còn nhiều kẽ hở?

Sau khi được tái cấu trúc vào tháng 9/2012, Ngân hàng Đại Tín đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam với dàn lãnh đạo mới đến từ Tập đoàn Thiên Thanh do Phạm Công Danh làm Chủ tịch.

Chỉ chưa đầy 2 năm sau, Phạm Công Danh cùng các đồng phạm đã lập nhiều bộ hồ sơ khống để hợp thức hóa việc vay một số tiền khổng lồ. Toàn bộ số tiền này đều được chuyển về cùng một địa chỉ. Đó là tài khoản của Phạm Công Danh. Thiệt hại gây ra cho Ngân hàng Xây dựng là hơn 9.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý là tại thời điểm đó, Ngân hàng Xây dựng đã được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt của Tổ giám sát - Ngân hàng Nhà nước.

Theo thống kê của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, trong các năm 2010 - 2011 có 69 vụ vi phạm liên quan đến ngân hàng bị phát hiện. Trong đó có 40 vụ bị khởi tố và tổng thiệt hại là hơn 8.000 tỷ đồng.

Riêng năm 2014 có 300 vụ án liên quan đến ngân hàng bị khởi tố với tổng thiệt hại lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo quy định, một cổ đông nếu là cá nhân thì không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một ngân hàng. Nếu là tổ chức không được quá 15%. Cổ đông và những người có liên quan không quá 20%. Tuy nhiên, quy định này bị vi phạm tại các ngân hàng cổ phần bằng cách nhờ người đứng tên hộ. Thậm chí, có thể nắm cổ phần chi phối như trường hợp Đoàn Văn An nắm hơn 50% vốn điều lệ tại GPBank hay Phạm Công Danh nắm tới 84% tại Ngân hàng Xây dựng.

Điểm chung của các vụ án liên quan đến ngân hàng cổ phần, là lãnh đạo không được đào tạo về quản trị ngân hàng. Ngoài thủ đoạn rút tiền bằng hồ sơ, dự án kinh doanh khống phổ biến và nguy hiểm nhất là thủ đoạn thành lập ra nhiều công ty sân sau chỉ với mục đích phát hành trái phiếu, phục vụ rút tiền.

Bộ Công an cho biết, từ năm 2013 trở về trước, thanh tra ngân hàng phát hiện nhiều vi phạm nhưng không vụ việc nào được chuyển cho cơ quan điều tra nên thiệt hại không được ngăn chặn triệt để kịp thời. Đến nay, hậu quả từ các vụ án liên quan đến ngân hàng cơ bản đã được khắc phục. Bộ Công an đánh giá, công tác quản lý điều hành đối với hệ thống ngân hàng thương mại đã được điều chỉnh, bổ sung hợp lý. Kể cả vấn đề kiểm toán, kiểm soát nội bộ nên mọi hành vi vi phạm quy định cho vay tín dụng sẽ bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Nguyễn Sơn

Theo VTV

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,012

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn