Quyền giữ sổ BHXH của người lao động: Vì sao khó thực hiện?

11/07/2016 08:48 AM

Người lao động được tự giữ và quản lý sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) của mình từ 1-1-2016 là một thay đổi trong Luật BHXH khiến người lao động không khỏi vui mừng. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn cho công tác triển khai luật.

bảo hiểm xã hội

Từ 1-1-2016 người lao động sẽ được giữ sổ BHXH của chính mình

Lạ lẫm với quy định mới

Luật BHXH 2014, áp dụng từ ngày 1-1-2016 quy định người lao động có quyền tự quản lý sổ BHXH thay vì chủ sử dụng lao động như hiện hành. Hàng năm, người lao động sẽ được cơ quan BHXH xác nhận về việc đóng BHXH, được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan BHXH cung cấp thông tin về đóng BHXH. Luật cũng quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động định kỳ 6 tháng phải niêm yết công khai thông tin về việc đóng BHXH cho người lao động và niêm yết công khai thông tin BHXH do cơ quan BHXH cung cấp hàng năm.

Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh, việc để người lao động giữ sổ BHXH sẽ giống như giữ sổ tiết kiệm. Đây là quy định bắt buộc bởi việc làm này có thể giúp người lao động dễ dàng quản lý việc đóng BH của mình, tránh tình trạng DN trục lợi tiền đóng BHXH của người lao động.

Khi được biết về quyền lợi này của mình, bà Cao Thị Tâm (Thanh Xuân, Hà Nội) tỏ ra khá vui mừng. Theo bà Tâm, với một người sắp về hưu với hơn 30 năm công tác, việc giữ sổ BH sẽ giống như giữ sổ tiết kiệm của chính mình. “Nếu như trước đây tôi không hề biết đến việc đóng BHXH của mình như thế nào thì giờ tôi có thể biết mình đã đóng bao nhiêu tiền, mức hưởng hàng tháng ra sao, khi về hưu có đảm bảo không… Quy định như vậy sẽ khiến người lao động chúng tôi yên tâm hơn cả khi đóng và hưởng”, bà Tâm chia sẻ.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, phần đông người lao động vẫn chưa biết đến quyền lợi của mình và dù có biết cũng không biết phải làm như thế nào để được hưởng quyền lợi đó. Anh Nguyễn Thành Trung (công nhân khu công nghiệp Thăng Long) cho biết: Tôi chưa hề biết đến quy định này. Từ khi vào công ty đến nay, việc làm sổ hay đóng BHXH như thế nào tôi chỉ biết đến duy nhất một lần qua việc kí kết hợp đồng lao động. Từ đó đến nay, việc hàng tháng đóng BHXH như thế nào là do công ty thực hiện, tôi cũng không nắm được mình đã đóng bao nhiêu tháng với tổng cộng bao nhiêu tiền. Quy định được giữ sổ BHXH áp dụng từ 1-1 nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa thấy công ty nhắc đến và thực hiện.

Cũng giống như người lao động, trước quy định mới này, ngay cả doanh nghiệp cũng tỏ ra khá hoang mang khi luật đã áp dụng rồi nhưng vẫn chưa hề có hướng dẫn thực hiện. Theo anh Trịnh Xuân Mạnh, cán bộ hành chính Công ty Nissan Electrolux Hà Nội: “Theo quy định thì từ năm 2016, doanh nghiệp phải giao toàn bộ số BHXH cho người lao động giữ . Nhưng hiện BHXH Hà Nội vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện quy định này nên doanh nghiệp chúng tôi chưa thể triển khai và cũng chưa biết là làm thế nào để triển khai phù hợp”.

Chưa có văn bản hướng dẫn

Theo quy định, BHXH Việt Nam sẽ cập nhật thông tin về tình hình đóng BHXH 6 tháng một lần và in sổ tờ rời quá trình đóng một năm cho người lao động. Nhưng Luật BHXH đã được thông qua hơn hai năm và có hiệu lực hơn sáu tháng mà việc triển khai cấp trả sổ cho người lao động vẫn chưa được thực hiện rộng rãi.

Ông Ngô Xuân Giang, Phó Trưởng phòng cấp sổ thẻ, BHXH thành phố Hà Nội cho biết: “BHXH Hà Nội hiện nay đang quản lý trên 1,3 triệu người lao động đang cùng tham gia BHXH và BH y tế tương đương trên 50 ngàn đơn vị sử dụng lao động. Theo kế hoạch, đến 31-12-2016 chúng tôi sẽ thực hiện xong việc trả sổ cho người lao động. Tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn nên mọi việc vẫn đang ở khâu chuẩn bị. Quy định mới nhằm quản lý việc đóng hưởng BHXH tốt hơn, nhưng một lần nữa lại vẫn bị chậm trong việc triển khai thực tế so với thời gian có hiệu lực của Luật BHXH”.

Theo ông Giang, khi người lao động được giữ sổ BHXH, sẽ giảm thiểu được khá nhiều thủ tục hành chính cho người lao động và doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy trình trả sổ chưa được rõ ràng dẫn đến việc doanh nghiệp cũng như người lao động chưa thể phối hợp để thực hiện, chưa kể với những doanh nghiệp đang chậm đóng, nợ BHXH thì việc trả sổ cho người lao động sẽ càng khó khăn hơn.

Một khó khăn nữa mà ông Giang chia sẻ đó là từ 2009 đến nay, BHXH mới thực hiện việc quản lý dữ liệu trên máy tính. Trước đó, cơ quan BH cấp sổ BHXH bằng phương pháp thủ công, sổ giấy, viết bằng tay, nên hiện nay cũng đang xây dựng quy trình nhập dữ liệu bổ sung để cấp tờ rời BHXH hàng năm. Sau đó, mới thực hiện bàn giao sổ cho người lao động.

Hiện BHXH Việt Nam đang chỉ đạo cơ quan bảo hiểm các cấp cùng với chủ sử dụng lao động rà soát lại số lượng lao động, số lượng sổ BHXH đã được cấp và tình trạng của sổ có còn tốt, có bị rách hỏng hoặc có bị mất hay không. Nếu sổ BHXH bị mất, mất tờ rời thì BHXH sẽ tiến hành cấp lại. BHXH Việt Nam đang tập trung nhập dữ liệu, đảm bảo khớp hồ sơ giấy với hồ sơ điện tử. Việc quản lý hồ sơ điện tử sẽ thuận tiện cho việc quản lý của BHXH Việt Nam và ngay cả khi bị thất lạc, người lao động vẫn có thể được cấp lại với đầy đủ thông tin, số liệu. BHXH Việt Nam khẳng định sẽ hoàn tất việc này trước ngày 31-12-2016.

Thùy Linh

Theo Báo Hải quan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 22,641

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn