Hai thiếu nữ bị vu khống hiếp dâm: Những lượt “share” vô tình gây tội ác

12/07/2017 11:54 AM

Đang sống yên lành thì 2 cô gái trẻ N. và H. gặp phải cú sốc khủng khiếp khi hình ảnh của mình được các trang mạng dùng để minh họa cho thông tin bịa đặt ác ý. Hàng trăm ngàn lượt “share” (chia sẻ), “comment” (bình luận) trên mạng xã hội càng khiến 2 cô gái thêm phẫn uất, thậm chí là có ý định tự tử.

Mấy ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội lan truyền thông tin 2 nữ sinh bị Công an huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) bắt giữ vì hiếp dâm 1 nam thanh niên khiến người này tử vong. 2 cô gái liên quan sự việc này được nêu tên tuổi rất cụ thể, các trang mạng cũng đăng rõ hình ảnh 2 cô gái trẻ khá xinh đẹp để chú thích cho thông tin nói trên.

Sau đó, thông tin trên đã được Công an huyện Tánh Linh xác nhận là bịa đặt. Tuy nhiên, thông tin dù chỉ là bịa đặt thì vẫn kịp lan truyền trên mạng bằng hàng trăm ngàn lượt chia sẻ, bình luận ác ý đối với 2 cô gái trẻ khiến N. và H. không có cơ hội biện minh, phẫn uất vì bị vu khống một cách độc ác.

Để làm rõ trách nhiệm các bên liên quan, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi cùng luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Hãng luật Đức Chánh.

Nguyễn Đức Chánh

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, hành vi chia sẻ vô tội vạ những thông tin ác ý có khi còn nguy hại hơn cả bản thân thông tin ác ý đó

- Thưa luật sư, ông đánh giá như thế nào về vụ việc 2 cô gái trẻ bị dùng hình ảnh gán ghép vào thông tin bịa đặt, vu khống ác ý đến vậy?

- Thông tin này mấy hôm nay làm xôn xao dư luận. Với góc độ là 1 con người, tôi không ngờ lại có người dựng chuyện ghê gớm đến vậy. Nếu chẳng may nạn nhân nghĩ quẩn, làm việc gì đó không ngờ thì hậu quả thật sự rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, hành vi này càng trở nên nguy hại hơn khi được “giúp sức” bởi việc chia sẻ vô tội vạ mà không hề xem rõ nguồn gốc thông tin có xuất phát từ báo chí chính thống hay không của những người tham gia mạng xã hội. Những lượt share, comment ác ý trên mạng xã hội có thể vô tình góp tay gây ra tội ác nếu tinh thần nạn nhân không đủ sức vượt qua cú sốc.

Chính vì vậy, nếu chỉ lên án hành động vi phạm pháp luật của đối tượng tung tin đồn, dựng chuyện, vu khống… thôi thì chưa đủ, mà những người tham gia mạng xã hội cũng cần phải xem xét, kiểm điểm lại trách nhiệm của mình trong việc chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng. Đồng thời, rút kinh nghiệm trong việc này nhằm giúp không phát tán những thông tin sai sự thật, gióp phần ngăn chặn những hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Điều quan trọng nhất, tôi nghĩ mọi người tham gia mạng xã hội cần có trách nhiệm khi chia sẻ thông tin, khi share hay comment những nguồn tin chưa kiểm chứng thì nên cẩn trọng. Đừng để vô tình tiếp tay cho kẻ xấu!

- Hiện nay tình trạng các trang mạng không rõ nguồn gốc cố tình dựng chuyện, tung tin gây sốc nhằm thu hút người xem xuất hiện ngày càng nhiều. Đứng về mặt pháp lý phải xử lý tình trạng này như thế nào thưa luật sư?

- Theo tôi, nhà nước không thể bỏ mặt tình trạng này xảy ra vì nó gây hại rất lớn cho xã hội. Cơ quan điều tra cần vào cuộc xử lý mạnh từng vụ việc cụ thể để răn đe. Vì ai cũng có thể là nạn nhân của trò dựng chuyện, tung tin thất thiệt ác ý như thế này. Khi xảy ra chuyện, nạn nhân được minh oan thì hậu quả đã xảy ra, khó khắc phục hết được.

Do đó, tôi nghĩ cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp để chấn chỉnh hoạt động của trang mạng xã hội cũng như xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội. Điều này góp phần là lành mạnh hóa thông tin và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cá nhân, tổ chức trong thời đại internet hiện nay.

- Đối tượng dựng chuyện, tung tin sai sự thật như vụ việc này sẽ bị xử lý như thế nào thưa ông?

- Tùy vào mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi này có thể xem xét xử phạt hành chính theo điểm g khoản 3 điều 66 Nghị định số 174/2013. Điều khoản này quy định xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.

Nếu tính chất và mức độ của hành vi xuyên tạc, xúc phạm, vu khống là nghiêm trọng, và có đủ căn cứ, thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo tội “làm nhục người khác” hoặc “vu khống”.

Cụ thể, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể bị phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ từ 3 tháng đến 3 năm về tội làm nhục người khác quy định tại điều 121 Bộ luật Hình sự.

Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ từ 3 tháng đến 7 năm về tội vu khống quy định tại điều 122 Bộ luật Hình sự.

- Vâng, xin cảm ơn ông!

Tùng Nguyên (ghi)

Theo Dân trí

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,949

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn