Giải đáp thắc mắc về quyền tác giả phần mềm

22/12/2015 16:02 PM

Bạn Trung Hiếu (tỉnh Bình Dương) có thắc mắc như sau:

Trước kia tôi có đi làm tại một công ty về lập trình. Trong quá trình làm việc tại đó, tôi có cài đặt phần mềm quản lý nhà hàng café. Sau khi hiểu rõ về phần mềm, tôi có viết một phần mềm về quản lý nhà hàng café khác nhưng tôi dùng cơ sở dữ liệu của công ty làm mẫu rồi sửa lại cơ sở dữ liệu đó theo ý của tôi. Sau đó tôi dùng cơ sở dữ liệu đó viết lại một phần mềm cho riêng mình. Vậy tôi mang phần mềm này đi kinh doanh thì có bị công ty kiện hay vi phạm bản quyền của công ty không?

Trả lời:

Chào bạn Trung Hiếu! Với câu hỏi của bạn Luật sư Phạm Đình Hưng – Công ty TNHH Sài Gòn Á Châu tư vấn như sau:

luật sư phạm đình hưng

Luật sư Phạm Đình Hưng

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 và Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi là Luật SHTT) có quy định, chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu là loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả cũng như một tác phẩm văn học.

Do đó, theo như bạn trình bày, thì chủ sở hữu của Quyền tác giả đối với phần mềm máy tính về quản lý nhà hàng café và cơ sở dữ liệu là Công ty nơi bạn làm việc căn cứ theo Điều 19a Nghị định  100/2006/NĐ-CP ngày 21/09/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Dân sự ,Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 85/2011/NĐ-CP).

“Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sáng tạo chương trình máy tính là chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng quyền công bố quy định tại khoản 3 Điều 19 và các quyền tài sản độc quyền quy định tại Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ.”

Vì vậy, Công ty của bạn có đầy đủ các quyền tài sản đối với phần mềm máy tính về quản lý nhà hàng café và cơ sở dữ liệu này theo Điều 20 Luật SHTT trong suốt thời gian bảo hộ quyền tác giả.

Vì vậy, việc bạn dựa trên phần mềm về quản lý của công ty cũ, dựa trên cơ sở dữ liệu đã có sẵn rồi sau đó viết lại “phần mềm riêng cho mình” và “sửa lại cơ sở dữ liệu theo ý của mình”, thì hành vi của bạn có thể được xác định là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điều 28 Luật SHTT như sau:

“Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền tác giả

5. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.

8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.”

Vì vậy, Công ty cũ nơi bạn làm việc (với tư cách là chủ sở hữu quyền tác giả) hoặc chính người viết ra phần mềm (với tư cách là tác giả của phần mềm) có thể khởi kiện hành vi xâm phạm quyền tác giả của bạn tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền căn cứ theo quy định tại Điều 44 Nghị định 100/2006/NĐ-CP.

“Điều 44: Quyền khởi kiện dân sự về quyền tác giả, quyền liên quan

1. Các chủ thể quyền sau đây có quyền khởi kiện tại Toà án có thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan:

a. Tác giả;

b. Chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan;”

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,299

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn