Chính sách mới >> Tham nhũng 31/08/2017 08:39 AM

Tố cáo nặc danh có cơ sở thì phải xem xét

31/08/2017 08:39 AM

Từ một lá đơn nặc danh tố cáo ông Hoàng Minh Quân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc “quy hoạch” con trai sinh năm 1982 làm phó giám đốc Sở, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã quyết định thành lập Đoàn kiểm tra vì nhiều nội dung tố cáo có cơ sở. Điều này một lần nữa đặt ra câu hỏi: có nên đưa quy định giải quyết đơn thư tố cáo nặc danh vào Dự thảo Luật Tố cáo đang được sửa đổi?

Nguyễn Thanh Hồng

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Ảnh: Như Ý.

Có căn cứ thì phải xem xét

Trao đổi với Tiền Phong, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, việc xem xét đơn tố cáo nặc danh là hoàn toàn phù hợp. Bởi hiện nay do chưa có cơ chế bảo vệ hữu hiệu nên nhiều người còn tâm lý e dè, ngại ngần, không dám thực hiện quyền tố cáo theo luật định.

 “Không chỉ vụ việc ở Vĩnh Phúc mà từ trước đến nay có rất nhiều vụ, nhiều đơn thư tố cáo nặc danh nhưng có căn cứ đã được xem xét giải quyết. Nhờ đó mà các cơ quan chức năng đã phát hiện ra các vụ việc tiêu cực, tham nhũng. Do đó quan điểm của tôi là nên xem xét giải quyết đơn tố cáo nặc danh, kèm theo đó là quy trình xử lý chặt chẽ”, ông Hồng nói.

Ông Hồng khẳng định, nếu không xem xét giải quyết đơn thư tố cáo nặc danh thì dễ dẫn đến bỏ lọt những thông tin quan trọng phục vụ cho công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Ngoài ra ông Hồng cũng cho hay, hiện nay trong một số lĩnh vực, một số cơ quan, đơn vị có mức độ “bảo mật thông tin rất cao”. Do đó, trừ những người trong nội bộ, còn người bên ngoài thì rất khó mà biết được những hành vi tiêu cực, sai trái. “Nếu người trong nội bộ đứng lên mà tố cáo thì dễ bị quy chụp, trù dập. Cho nên muốn tố cáo tiêu cực họ phải lựa chọn cách thức tố cáo “nặc danh”, chứ ít người dám tố cáo công khai”, ông Hồng nói.

Quy định chặt chẽ để tránh bị lạm dụng

Tuy nhiên, ông Hồng cho rằng, quy trình xem xét, xử lý đơn thư tố cáo nặc danh phải chặt chẽ, cụ thể để tránh bị lạm dụng. Đồng thời cũng phải xây dựng các chế tài xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tố cáo để vu khống, bôi nhọ sai sự thật. Có như thế thì Luật Tố cáo sửa đổi mới giải quyết được những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra.

 “Những nội dung thông tin của đơn tố cáo nặc danh được xem xét là phải có căn cứ, như vụ việc xảy ra ở đâu, có nội dung cụ thể, dữ liệu ra sao. Trên cơ sở đó thì cơ quan chức năng mới xác minh, làm rõ. Điều này cũng giống như tin tố giác tội phạm, người dân nhận thấy có vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì báo tin đến cho cơ quan chức năng. Căn cứ vào đó cơ quan chức năng xác minh, xem xét, chứ không xem xét tràn lan”, ông Hồng nói.

Trước đó tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, các đại biểu cũng đã tranh luận sôi nổi về việc có nên xem xét, quy định việc giải quyết đơn tố cáo nặc danh trong Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi). Tại tờ trình Chính phủ cho rằng, nếu Luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo.

Tuy nhiên, qua thẩm tra một số thành viên trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Luật cần quy định rõ trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm theo chứng cứ, nội dung rõ ràng (như các tài liệu, vật chứng, ảnh, đoạn băng ghi hình, ghi âm…) thì cơ quan, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức việc xác minh, xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật.

Có đại biểu còn cho rằng, ngay cả đến Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh còn bị đe dọa, khủng bố thì người dân sẽ khó bảo vệ được mình trong trường hợp bị trả thù, cho nên nếu không công nhận tố cáo nặc danh là hạn chế quyền của người dân.

VĂN KIÊN

Theo Tiền phong

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,670

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn