Chính sách mới >> Tài chính 28/11/2011 11:56 AM

Cần nới lỏng chính sách tiền tệ

28/11/2011 11:56 AM

Nếu trong thời gian tới, chính sách tiền tệ tiếp tục quá thắt chặt thì sản lượng hàng hóa sẽ giảm, có thể khiến lạm phát tăng trở lại

Những tháng gần đây, kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc. Lạm phát của tháng 10-2011 xuống còn 0,36%, đến tháng 11-2011 tiếp tục hạ còn 0,35%; lãi suất đang có xu hướng giảm dần; cán cân thanh toán thặng dư 3,5-4 tỉ USD; dự trữ ngoại tệ cũng tăng lên khoảng 14 tỉ USD... Tuy nhiên, chính sách tiền tệ cũng đang bộc lộ một số vấn đề.

Hạn mức tín dụng chưa hợp lý

Theo các chuyên gia kinh tế, tình hình kinh tế thế giới hiện đang xấu đi, tác động nhất định đến nền kinh tế nước ta. Đồng thời, tỉ giá hối đoái đang đứng trước sức ép rất lớn, nguyên nhân xuất phát từ tín dụng bằng ngoại tệ tăng trưởng “nóng”. Đến một lúc nào đó, doanh nghiệp (DN) phải mua USD để trả nợ làm cho nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh.

Mặt khác, khi thực hiện trần lãi suất đầu vào, hàng chục ngàn tỉ đồng đã bị rút ra khỏi hệ thống ngân hàng (NH). Điều này cho thấy lãi suất tiết kiệm cao nhất 14%/năm chưa hấp dẫn, người dân có dấu hiệu bỏ vốn vào các kênh đầu tư khác. Hệ thống NH bị cào bằng hạn mức tăng trưởng tín dụng 20%, thậm chí có NH thương mại “khoán” tăng trưởng tín dụng cho các chi nhánh ở vùng sâu, vùng xa cũng với con số này, khiến số tiền cung ứng cho nền kinh tế chỗ thừa, chỗ thiếu.
 
Ngoài ra, những biến động của thị trường vàng cũng tác động không nhỏ đến thị trường tiền tệ.  Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy năm 2011, hàng tỉ USD rời khỏi Việt Nam, trong đó phần lớn là để nhập lậu vàng. Hơn nữa, việc nhập khẩu vàng chính thức được thực hiện bằng quota, giá vàng thế giới biến động khó lường nên DN nào cũng muốn nhanh tay nhập khẩu dẫn đến cơ chế “xin – cho”, khiến quota nhập khẩu vàng trở thành một loại “thuế”, ảnh hưởng không tốt đến thị trường vàng trong nước. Việc các NH thương mại không được cho vay vàng cũng cản trở việc tranh thủ nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư...

Vì thế, giới phân tích quốc tế cảnh báo rằng nếu trong thời gian tới, chính sách tiền tệ Việt Nam quá thắt chặt thì sản xuất sẽ đình đốn, sản lượng hàng hóa sẽ giảm, có thể làm lạm phát tăng trở lại.

Cần lộ trình hủy bỏ trần lãi suất

TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính  quốc gia, cho biết: Năm 2011, Chính phủ ước tính tín dụng chỉ tăng trưởng ở mức 14%, thấp hơn khá nhiều so với chỉ tiêu 20%, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 12% (chỉ tiêu cả năm là 16%), đồng thời lạm phát đang có xu hướng giảm dần nên năm 2012 có thể Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 11 về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó chú trọng bảo vệ hệ thống NH và hỗ trợ DN. Theo đó, tổng phương tiện thanh toán là 12%-13%, hạn mức tăng trưởng tín dụng 16%-17%.

Để thực hiện các mục tiêu trên, một số chuyên gia tài chính cho rằng chính sách tiền tệ cần phải nới lỏng từng bước. NH Nhà nước nên tăng dự trữ bắt buộc các NH quy mô lớn rồi dùng số tiền đó cho các NH nhỏ vay với thời hạn một năm để điều tiết vốn về chỗ trũng, củng cố thị trường liên NH (vay vốn NH bạn). Sau đó, NH Nhà nước có lộ trình hủy bỏ trần lãi suất vì vấn đề cân đối nguồn vốn ra vào (thanh khoản) của các NH chỉ giải quyết được khi lãi suất huy động vốn từ dân cư theo đúng thị trường.
Đặc biệt, NH Nhà nước nên cam kết cung ứng đủ vốn lưu động (vốn vay ngắn hạn dưới 12 tháng) cho DN; không cào bằng “room” tăng trưởng tín dụng để các NH thương mại có thể cho vay trung và dài hạn. Còn việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng, NH Nhà nước có thể sử dụng hệ số an toàn vốn tối thiểu để khống chế. Bên cạnh đó, NH Nhà nước cần gỡ bỏ các quy định hành chính  liên quan đến tỉ lệ cho vay so với số vốn huy động bởi các biện pháp này rất dễ bị NH thương mại “lách”.
 
Phục hồi thị trường tài sản
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, năm 2012, Chính phủ sẽ hỗ trợ DN theo hướng giảm và gia hạn thuế thu nhập, tạo điều kiện hơn nữa để DN tiếp cận vốn NH. Riêng thị trường tài sản, đặc biệt là thị trường bất động sản, Chính phủ sẽ có biện pháp phục hồi, nếu không, mọi nỗ lực bảo vệ NH, tái cấu trúc DN Nhà nước sẽ bất thành. Vì nếu để thị trường bất động sản đóng băng kéo dài, NH sẽ không giải quyết được tình trạng nợ xấu, tiến trình cổ phần hóa DN Nhà nước sẽ gặp nhiều khó khăn.
Về lâu dài, cũng  theo TS Lê Xuân Nghĩa, Chính phủ sẽ tái cấu trúc NH nhưng trước mắt phải bảo vệ các NH để củng cố lòng tin của người dân. Vì thế, việc hỗ trợ DN đồng nghĩa với hỗ trợ thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán và bất động sản. Biểu hiện đầu tiên là NH Nhà nước đã loại  bỏ 4 đối tượng bất động sản ra khỏi nhóm tín dụng phi sản xuất và hướng tới sẽ loại bỏ nhiều hơn nữa.
 

 

Theo Thy Thơ
NLĐ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,563

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn