Hàng không VN đang tùy tiện dùng chính sách 2 giá

08/04/2014 14:51 PM

Dù đã giảm 25% song giá vé tuyến đường bay TP. HCM đi Côn Đảo song vẫn còn đắt hơn đường bay TP. HCM đi Phú Quốc, hơn nữa chỉ giảm vé cho người dân có hộ khẩu Côn Đảo là vi phạm cam kết gia nhập WTO khi vẫn duy trì chính sách hai giá...

Là người theo dõi và phản ảnh việc “hàng không móc túi” hành khách, TS Trần Đình Bá- Hội KHKTVN tiếp tục có bài viết lên tiếng về vấn đề này!

Sau khi có công văn số 522/BGTVT ngày 16/1/2014 của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, Cục Hàng không VN và VNA đã giảm ngay 25% giá vé máy bay cho người có hộ khẩu Côn Đảo. Tuy nhiên việc giảm giá vé chỉ 25% và chỉ áp dụng với người dân có hộ khẩu Côn Đảo theo tôi vẫn cần phải được xem xét lại cho thấu lý, đạt tình.

Vé máy bay Côn Đảo – Phép thử của “Công bằng xã hội”!

Có mục kích hạ tầng kỹ thuật sân bay Côn Đảo mới thấy tự hào cho thế mạnh hàng không nước ta. Đó là một sân bay lâu đời từ thời Pháp được nâng cấp hiện đại có đường băng bê tông bằng xi măng (mà không phải là bê tông nhựa Atphan) dài 1.8 km, chiều cất và hạ cánh đều là biển thông thoáng nên rất an toàn - tương đương sân bay Đồng Hới, đã từng tiếp nhận được phản lực cơ Bombardier CRJ900 của “Sếu đầu đỏ” (MCA) tương đương với máy bay phản lực Fokker 70 và có thể tiếp nhận cả Airbus.


Giá vé máy bay TP.HCM đi Côn Đảo đắt hơn TP.HCM đi Phú Quốc dù quãng đường ngắn hơn

Đường lăn và sân đổ có thể tiếp nhận một lúc 3 máy bay. Nhà ga hàng không 2 tầng điện khí hóa 24/24, trang bị thông tin, thiết bị soi chiếu kiểm tra an ninh hiện đại, đài điều khiển không lưu và tầm nhìn quan sát vùng biển đảo thông thoáng ngang với Phú Quốc, điều kiện thời tiết hàng không thuận lợi cả 4 mùa hơn hẳn sân bay Huế, Đà Nẵng, Đồng Hới ….và nhiều sân bay sân khác nên vẫn đảm bảo được tính cạnh tranh cho nhiều hãng hàng không đăng ký tham gia khai thác.

Thế mới rõ: nếu cho rằng đến sân bay Côn Đảo gặp khó khăn về địa hình phải liệng hai vòng mới hạ cánh nổi …hoặc do thời tiết xấu phải quay về …hay thiếu khách …của Cục Hàng không VN là mang tính ngụy biện tới mức hài hước.

Lượng hành khách đến Côn Đảo rất đông, cả nhân dân, cán bộ Trung ương và tỉnh thành đến công tác. Khách du lịch đặc biệt là khách quốc tế từ rất nhiều nước, họ đến du lịch sinh thái đồng thời đến để trải nghiệm một “địa ngục trần gian” mà một thời thực dân da trắng mang “văn minh đến khai hóa cho Annamit” đàn áp vùi dập tra tấn man rợ những người yêu tự do, đòi độc lập.

Rất nhiều du khách thế giới còn muốn đến tận nơi dừng chân của nhà soạn nhạc vĩ đại người Pháp Camillesaint – Saens trong hai tháng trời từ ngày 20/3/1895 đến ngày 19/4/1895, tại đây ông đã hoàn thành vở nhạc kịch nổi tiếng thế giới Brunehilda. Tôi đã gặp trên chuyến bay có nhà sư, các gia đình của các cựu tù Côn Đảo có con cháu tháp tùng, mang theo rất nhiều hương hoa viếng mộ đồng đội và tìm mộ người thân …

Tỷ lệ chiếm ghế trên máy bay lúc nào cũng rất cao 95-100%, có ngày lên đến 10 chuyến ra 10 chuyến vào lượng khách đều như nhau. Đó là tiềm năng của thị trường hàng không và cho cả du lịch lữ hành mà các sân bay đang đìu hiu như Phú Quốc, Đồng Hới, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Vinh … vẫn đang mơ được như thế.

Đường bay TP HCM - Côn Đảo là 230 km, ngắn hơn Phú Quốc tới 71 km đo trên bản đồ trực tuyến, như vậy chỉ chiếm 76% quãng đường, điều kiện thời tiết biển đảo Phú Quốc và Côn Đảo đều thông thoáng như nhau, điều kiện cất hạ cánh đến phí dịch vụ làm thủ tục ở mặt đất là như nhau mà chỉ giảm 25% nên vé đi Côn Đảo vẫn đắt hơn vé đi Phú Quốc là còn bất hợp lý.

Trong kinh tế hàng không, mỗi phút bay trên bầu trời ngốn nhiều nhiên liệu, hao mòn động cơ tính đến tuổi thọ máy bay, chi phí cho phi công tiếp viên… ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành của vé. Thời gian bay đến Phú Quốc lâu hơn Côn Đảo tới 12-15 phút là cả một vấn đề nên chi phí sản xuất tạo nên giá thành.

Không so sánh đâu cho xa xôi, trừu tượng, theo quy luật “giá trị và giá cả”, “đầu vào và đầu ra” thì vé đi Phú Quốc phải đắt hơn Côn Đảo, cũng có nghĩa là vé đi Côn Đảo phải rẻ hơn vé đi Phú Quốc 15-20% mới đúng quy luật kinh tế trong vận tải cũng như các dịch vụ khác, nói chính xác đó là là công bằng xã hội chứ chưa vội nói về chính sách ưu tiên biển đảo.

Cục HKVN và VNA phải tuân thủ cam kết gia nhập WTO

Điều “hơi buồn” là vé đi Côn Đảo vẫn còn đắt, song lại có sự phân biệt giá vé giữa người Côn Đảo “bản địa” người Côn Đảo hành hương, công vụ hay thăm thân, điều mà trong dịch vụ hàng không thế giới không nơi nào có sự phân biệt kiểu đó.

Giảm vé 25% cho Côn Đảo được báo giới quan tâm đưa tin cho thấy sự đồng thuận xã hội rất cao vì đó là sự công bằng cần thiết cho cuộc sống. Qua điện đàm tôi được biết tết này cư dân Côn Đảo rất vui vì đã được Bộ trưởng Đinh La Thăng quan tâm. Cái lạnh đêm giao thừa không ngăn được cả ngàn người già trẻ trai gái và du khách ngoại quốc đổ về nghĩa trang Hàng Dương đốt hương thơm nghi ngút sưởi ấm lòng biết bao anh hùng liệt sỹ ngã xuống cho độc lập tự do, thống nhất non sông, trong câu chuyện đầu Xuân luôn nói về “Chiếc vé Bộ trưởng Thăng”.

Tuy nhiên, Côn Đảo cũng đang rất cần những nhà khoa học, những kiến trúc sư, những cán bộ kỹ thuật xây dựng dân dụng công nghiệp, cầu đường, điện lực … ra xây dựng đảo, các cán bộ công chức ra với huyện đảo công tác bằng cả tấm lòng yêu biển đảo và cả lòng dũng cảm hy sinh. Họ đang cần sự công bằng xã hội từ phương tiện giao thông.

Việt Nam đã gia nhập WTO và cam kết tuân thủ những điều khoản hội nhập thì tấm vé đi Côn Đảo phải được tính đúng quy luật “giá trị” và công bằng xã hội, rẻ hơn đi Phú Quốc hoặc chí ít là ngang giá, đặc biệt là không có trợ giá hay hai giá, không phân biệt quốc tịch hay hộ khẩu theo đúng thông lệ quốc tế để có triệu người, triệu tấm lòng người dân mọi miền Đất nước và khách quốc tế được đến với Côn Đảo thân yêu trong suốt bốn mùa sóng vỗ.

TS Trần Đình Bá– Hội Khoa học kinh tế VN

Theo vietq.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,993

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn