Rà soát việc giải tỏa biện pháp dừng làm thủ tục hải quan

10/03/2014 15:51 PM

Bộ Tài chính vừa có công văn hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện việc xử lý nợ thuế bằng việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế, trong đó có yêu cầu rà soát lại các trường hợp đã tạm dừng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan.


Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Tân Thanh - Lạng Sơn. Ảnh: M.Hùng.

Sở dĩ Bộ Tài chính có yêu cầu này bởi trước đó Bộ Tài chính đã nhận được phản ánh của Cục Hải quan Hà Nội và Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế (Interseco) về việc xử lý nợ thuế tại công văn 1118/BTC-TCHQ.

Theo quy định hiện hành, một trong những biện pháp cưỡng chế là cơ quan Hải quan tạm thời dừng không cho làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK của doanh nghiệp có số nợ thuế quá hạn. Đồng thời quy định cũng cho phép giải tỏa cưỡng chế này nếu đáp ứng điều kiện.

Cụ thể, quy định về thủ tục, thẩm quyền tạm dừng áp dụng các biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK thực hiện theo quy định tại điểm 2.2 Điều 33 Thông tư 190/2013/TT-BTC.

Theo đó, trường hợp tạm dừng áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK quy định tại khoản 5 Điều 46 Nghị định 127/2013/NĐ-CP được thực hiện theo các bước như sau:

a) Người nộp thuế bị cưỡng chế có văn bản đề nghị tạm dừng cưỡng chế gửi Cục Hải quan nơi phát sinh khoản nợ bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan kèm theo thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng đối với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ;

b) Cục Hải quan nơi người nộp thuế có khoản nợ bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan tiếp nhận, kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của hồ sơ và báo cáo, đề xuất gửi Tổng cục Hải quan trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ;

Trường hợp hồ sơ chưa đủ, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan hải quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo cho người nộp thuế biết, hoàn chỉnh hồ sơ.

c) Tổng cục Hải quan căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 46 Nghị định thẩm định hồ sơ, lấy ý kiến các đơn vị liên quan (nếu có), báo cáo Bộ Tài chính trong thời hạn tối đa 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ;

d) Bộ Tài chính xem xét, giải quyết tạm giải tỏa cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với từng trường hợp cụ thể theo đề nghị của Tổng cục Hải quan trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Tổng cục Hải quan;

đ) Cơ quan Hải quan nơi ban hành quyết định cưỡng chế căn cứ văn bản tạm giải tỏa cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan của Bộ Tài chính để tạm dừng chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan.

Từ quy định trên, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị rà soát các trường hợp Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan địa phương đã tạm dừng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan, báo cáo Bộ và Tổng cục để có hướng dẫn thực hiện.

Đối với các trường hợp tạm dừng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan từ ngày 26-1-2014, Cục Hải quan nơi người nộp thuế có khoản nợ bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan sẽ tiếp nhận, kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của hồ sơ và báo cáo, đề xuất gửi Tổng cục Hải quan theo đúng trình tự quy định.

T.Trang

Theo Báo Hải quan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,973

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn