Công dân đủ 18 tuổi có thể đăng ký huy động tham gia lực lượng phòng không nhân dân (Đề xuất)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
11/03/2024 11:24 AM

Tôi muốn hỏi đang có đề xuất về việc công dân đủ 18 tuổi có thể đăng ký huy động tham gia lực lượng phòng không nhân dân đúng không? – Quốc Thịnh (Cà Mau)

Công dân đủ 18 tuổi có thể đăng ký huy động tham gia lực lượng phòng không nhân dân (Đề xuất)

Công dân đủ 18 tuổi có thể đăng ký huy động tham gia lực lượng phòng không nhân dân (Đề xuất) (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Đây là nội dung được đề cập tại Dự thảo Luật Phòng không nhân dân, đang được đăng tải lấy ý kiến Nhân dân trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Dự thảo Luật Phòng không nhân dân

Công dân đủ 18 tuổi có thể đăng ký huy động tham gia lực lượng phòng không nhân dân (Đề xuất)

Theo đó, công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 55 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 50 tuổi bảo đảm đủ điều kiện sức khỏe đều có thể được đăng ký huy động tham gia lực lượng phòng không nhân dân.

Khi được huy động thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân, công dân sẽ được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, công dân khi được huy động thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân có nghĩa vụ chấp hành tuyệt đối quyết định điều động, huy động, các quy định của người chỉ huy và hoàn thành mọi nhiệm vụ được phân công.

Trong đó, các phương tiện kỹ thuật khi được huy động thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân được hoàn trả sau khi hoàn thành nhiệm vụ, thanh toán các khoản chi phí và bồi thường thiệt hại do việc điều động, huy động phương tiện kỹ thuật.

Lưu ý rằng, khi được huy động tham gia vào lực lượng phòng không nhân dân thì công dân không được trốn tránh thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.

(Khoản 1 Điều 6, Điều 15 và Điều 18 Dự thảo Luật Phòng không nhân dân)

Đề xuất 06 trường hợp huy động lực lượng phòng không nhân dân

Theo Điều 13 Dự thảo Luật Phòng không nhân dân, sẽ có 06 trường hợp huy động lực lượng phòng không nhân dân gồm:

(1) Hai trường hợp huy động lực lượng phòng không trong thời bình

+ Tham gia quản lý vùng trời, quản lý hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

+ Huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập phòng không nhân dân trong tổ chức, hoạt động của khu vực phòng thủ và hội thao, hội thi về phòng không nhân dân.

(2) Bốn trường hợp huy động lực lượng phòng không trong thời chiến

+ Phục vụ chiến đấu.

+ Khắc phục hậu quả.

+ Tham gia quản lý vùng trời, trinh sát, quan sát, phát hiện, thông báo, báo động phòng không.

+ Tổ chức sơ tán, phân tán, phòng tránh, đánh địch xâm nhập, tiến công đường không.

Thời gian huy động lực lượng phòng không nhân dân trong thời bình không quá 20 ngày kể từ ngày có quyết định huy động. Nếu huy động trong thời chiến thì không quá 30 ngày kể từ ngày có quyết định huy động.

Trong trường hợp đặc biệt, vì lý do quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, cấp có thẩm quyền được phép ra quyết định kéo dài thời hạn huy động nhưng không vượt quá thời hạn quy định.

(Điều 13 và Điều 14 Dự thảo Luật Phòng không nhân dân)

Theo Dự thảo Luật Phòng không nhân dân, Phòng không nhân dân là một nội dung của công tác quốc phòng, quân sự; được xây dựng, tổ chức hoạt động trong khu vực phòng thủ, nhằm thực hiện phòng, tránh, đánh trả và khắc phục hậu quả trong chiến tranh; bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của cơ quan, tổ chức ở địa phương, cơ sở, tài sản của nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp (gọi chung là doanh nghiệp) và là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong đó, việc Phòng không nhân dân sẽ thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động phòng không nhân dân.

- Tham gia quản lý vùng trời ở độ cao thấp, cực thấp, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

- Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu phòng không, khắc phục hậu quả địch tiến công đường không, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa của Tổ quốc.

- Xây dựng thế trận phòng không nhân dân trong thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện.

- Tổ chức sơ tán, phân tán, phòng tránh, bảo vệ tài sản Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân.

- Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập, hội thi, hội thao phòng không nhân dân.

- Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; tham gia xây dựng địa phương, cơ quan, tổ chức vững mạnh, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn về phòng không nhân dân và phòng thủ dân sự.

(Điều 4 và Điều 5 Dự thảo Luật Phòng không nhân dân)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 647

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]