Không mang khẩu trang khi làm việc: phạt 1 triệu đồng!

26/08/2013 10:45 AM

(TVPL) - Người lao động không sử mang các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được cấp như kính mắt, mặt nạ, khẩu trang… sẽ có nguy cơ bị phạt tới 1 triệu đồng.

Đó là một nội dung trong Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động ra nước ngoài.

Cụ thể, Điều 17 Nghị định này quy định:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi sau đây

a) Không báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gây độc hại hoặc sự cố nguy hiểm;

b) Không tham gia cấp cứu và khắc phục hậu quả tai nạn lao động khi có lệnh của người sử dụng lao động;

c) Không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân được trang bị hoặc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân sai mục đích.

Theo quy định tại Thông tư 10/1998/TT-BLĐTBXH thì phương tiện bảo vệ cá nhân gồm rất nhiều thứ như:

- Phương tiện bảo vệ đầu: mũ chống chấn thương sọ não, lưới hoặc mũ vải bao tóc,...

- Phương tiện bảo vệ mắt, mặt: kính mắt, mặt nạ...

- Phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp: khẩu trang, mặt nạ phòng độc,...

- Phương tiện bảo vệ tay, chân: giầy, ủng, bít tất,...

Như vậy chỉ cần người lao động không mang khẩu trang trong khi làm việc là đã có nguy cơ bị phạt tới 1 triệu đồng!

Đây là quy định hoàn toàn mới so với các quy định về xử phạt trong Nghị định 47/2010/NĐ-CP về vi phạm pháp luật lao động. Trong các quy định cũ chỉ có xử phạt người sử dụng lao động khi không đảm bảo điều kiện an toàn lao động cho người LĐ.

Liệu việc không tuân thủ theo các quy định về an toàn lao động của người lao động thì đã đến mức phải xử lý hành chính hay chưa? Thiết nghĩ, đối với trường hợp này chỉ cần kỷ luật lao động tại nơi làm việc là đủ, chưa cần tới sự can thiệp từ phía cơ quan nhà nước.

Việc đặt ra quy định này lại dẫn tới nhiều hệ quả khác như: trường hợp cụ thể nào thì được xử phạt, chỉ không mang 1 phương tiện là bị phạt, hay không mang phương tiện bảo vệ nào hết thì mới bị phạt? Ai sẽ có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp này….

Lại lỗi đánh máy?

Chưa xét kỹ về mặt nội dung, kiểm tra sơ bộ Nghị định 95/2013/NĐ-CP đã có thể dễ dàng nhận thấy một lỗi sai sót nghiêm trọng tại Điều 4: tại khoản 2 có viện dẫn khoản 3 Điều này, nhưng trong văn bản lại không hề có khoản 3?

Tại các điểm a, b của khoản 1 thì dường như đó là quy định của một khoản riêng, chứ không phải là một điểm nằm trong khoản 1 như văn bản thể hiện.

Nghị định được thủ tướng ký ban hành ngày 22/8 vừa qua, không rõ là đã được Bộ Tư pháp kiểm tra chưa?

Hy vọng Chính phủ sẽ sớm có giải đáp cho những thắc mắc này.

Đình Phước

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,659

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn