Đề xuất cán bộ dám nghĩ dám làm được xem xét miễn kỷ luật

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
27/03/2023 16:16 PM

Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo Nghị định liên quan đến các quy đinh về cán bộ dám nghĩ dám làm, trong đó đề xuất xem xét miễn kỷ luật đối với các đối tượng trên.

Đề xuất cán bộ dám nghĩ dám làm được xem xét miễn kỷ luật

Đề xuất cán bộ dám nghĩ dám làm được xem xét miễn kỷ luật (Hình từ Internet)

Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung (dự thảo Nghị định).

Dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung

Theo đó, Bộ Nội vụ đã đề xuất cơ chế bảo vệ đối với các cán bộ dám nghĩ dám làm như sau:

Đề xuất cán bộ dám nghĩ dám làm được xem xét miễn kỷ luật

Miễn kỷ luật đối với cán bộ dám nghĩ dám làm là một cơ chế bảo vệ nhằm khuyến khích mọi cán bộ phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung trong phạm vi thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Cụ thể, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trường hợp cán bộ thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện, thực hiện thí điểm nhưng không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì được miễn xử lý trách nhiệm kỷ luật Đảng và xử lý trách nhiệm trước pháp luật khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Cán bộ thực hiện đề xuất trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự;

- Cán bộ bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất;

- Cán bộ thực hiện đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất khi thấy có rủi ro, thiệt hại xảy ra hoặc có khả năng xảy ra thiệt hại;

- Cán bộ thực hiện đề xuất phải chấp hành quyết định của cấp trên sau khi đã báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất nhưng cấp có thẩm quyền vẫn quyết định tiếp tục thực hiện đề xuất;

- Cán bộ thực hiện đề xuất chấm dứt ngay việc thực hiện đề xuất khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền;

- Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi thực hiện đề xuất đã được phê duyệt;

- Cán bộ thực hiện đề xuất đã qua đời. 

Tuy nhiên, trường hợp cán bộ “dám nghĩ, dám làm” nếu có hành vi lạm dụng đề xuất được phê duyệt để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật

Ngoài ra, người có hành vi cản trở, gây khó khăn cho cán bộ dám nghĩ dám làm trong quá trình thực hiện đề xuất, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật

(Khoản 1, 2, 4, 5 Điều 9 dự thảo Nghị định)

Điều kiện áp dụng cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm

Cơ chế bảo vệ quy định tại dự thảo Nghị định được áp dụng khi nội dung đề xuất đáp ứng một trong các điều kiện sau:

- Xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn và không ảnh hưởng tiêu cực đến quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

- Có ý tưởng và cách làm mới chưa được pháp luật quy định hoặc đã được pháp luật quy định nhưng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không còn phù hợp với thực tiễn.

- Có khả năng tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo sự bứt phá, chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị; không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị khác.

(Điều 4 dự thảo Nghị định)

Thế nào là cán bộ dám nghĩ dám làm?

Cán bộ dám nghĩ dám làm (hay cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá) là cán bộ có tư duy, cách làm mới, dám đi đầu làm những việc mới, việc khó, phức tạp, chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ trong cơ chế, chính sách, không phù hợp với thực tiễn, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. 

(Khoản 2 Điều 2 dự thảo Nghị định)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,529

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn