12 dạng vi phạm về Luật tố tụng thường phát sinh trong vụ án hình sự

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
27/12/2022 14:40 PM

Xin hỏi là trong vụ án hình sự thì có các dạng vi phạm nào về tố tụng thường dễ phát sinh? - Anh Thi (TP.HCM)

12 dạng vi phạm về Luật tố tụng thường phát sinh trong vụ án hình sự (Hình từ Internet)

Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Hướng dẫn 34/HD-VKSTC ngày 29/11/2022 về kỹ năng phát hiện vi phạm trong giải quyết vụ án hình sự để kháng nghị, kiến nghị.

Theo đó, 12 dạng vi phạm về Luật tố tụng thường phát sinh trong vụ án hình sự, gồm:

Tại Tiểu mục 2 Mục 1 quy định về vi phạm về Luật tố tụng thường phát sinh như sau:

Các vi phạm về tố tụng bao gồm vi phạm về hành vi tố tụng và các quyết định tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Qua theo dõi, nhận thấy có 12 dạng vi phạm thường phát sinh như sau:

1. Vi phạm về thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự

Thường là việc truy tố của Viện kiểm sát và việc xét xử của Tòa án không đúng thẩm quyền, trong các trường hợp vụ án xảy ra ở nhiều nơi hoặc ở nơi không phải là chỗ ở của bị cáo hay bị hại. Hoặc việc Tòa án xét xử vượt quá giới hạn mà Viện kiểm sát đã truy tố.

2. Thu thập chứng cứ không hợp pháp, không đầy đủ, không khách quan

Vi phạm này dẫn đến chứng cứ không rõ, mâu thuẫn, không thể hiện rõ các vấn đề cần phải chứng minh của vụ án. Ví dụ như không lấy đầy đủ lời khai của nhân chứng, chỉ lấy lời khai của nhân chứng có lợi cho một hoặc vài bên nào đó; không thu thập đầy đủ vật chứng, dấu vết, dữ liệu điện tử.

3. Sử dụng, đánh giá chứng cứ không chính xác

Việc sử dụng, đánh giá chứng cứ không theo đúng bản chất của vụ án, dẫn đến quan điểm xử lý vụ án không phù hợp. Ví dụ như chỉ sử dụng các chứng cứ có lợi cho bị cáo, bỏ qua nhiều chứng cứ bất lợi, hoặc ngược lại chỉ sử dụng các chứng cứ bất lợi cho bị cáo, bỏ qua các chứng cứ có lợi, dẫn đến việc đánh giá không đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và dẫn đến hình phạt quá nhẹ hoặc quá nặng. Hoặc trường hợp có sử dụng đúng các chứng cứ có tính buộc tội, gỡ tội, nhưng lại đánh giá không đúng về sự phản ánh, sự thể hiện của chứng cứ đó với bản chất vụ án, làm nặng hoặc làm nhẹ vai trò của chứng cứ nào đó trong việc chứng minh sự thật.

4. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các thủ tục tố tụng hình sự cần thiết theo luật định

Luật tố tụng quy định một số các thủ tục bắt buộc phải thực hiện như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, trưng cầu giám định, định giá tài sản. Một số các thủ tục cần thực hiện khi cần thiết, tùy thuộc vào sự đánh giá của cơ quan tố tụng như thực nghiệm điều tra, nhận dạng, đối chất. Nhưng Cơ quan điều tra thường có khuynh hướng không thực hiện trong những trường hợp thực sự cần thiết, hoặc thực hiện thiếu chuyên nghiệp, như không ghi nhận chính xác đặc điểm hiện trường, không mô tả đầy đủ các vết thương trên cơ thể nạn nhân, nội dung trưng cầu giám định không rõ ràng, thực nghiệm điều tra không sát với thực tế, dẫn đến tình trạng không đủ các thông tin, chứng cứ cần thiết để đánh giá toàn diện về vụ án.

5. Không chỉ định, không tạo điều kiện cho người bào chữa tham gia các hoạt động tố tụng hình sự

Một số trường hợp buộc phải có người bào chữa như bị can, bị cáo phạm về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người dưới 18 tuổi, nhưng cơ quan tố tụng không thực hiện việc chỉ định người bào chữa, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can, bị cáo. Một số trường hợp, Điều tra viên, Kiểm sát viên không báo trước trong thời gian hợp lý về thời gian, địa điểm diễn ra hoạt động tố tụng, dẫn đến người bào chữa không thể bố trí tham gia, khiến cho hoạt động tố tụng không đảm bảo tính khách quan.

6. Mớm cung, bức cung, nhục hình vẫn còn xảy ra

Nhiều vụ án bị cáo còn phản ánh về tình trạng này, thậm chí việc nhục hình còn để lại thương tích cho bị can, được phản ánh qua các lần Trại tạm giam kiểm tra cơ thể phạm nhân. Việc mớm cung, bức cung, nhục hình sẽ làm mất hoặc làm giảm giá trị chứng cứ chứng minh trong lời khai nhận tội của bị cáo.

7. Xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng

Thường xảy ra các trường hợp xác định người bị hại với người có quyền lợi liên quan, người có quyền lợi liên quan với người làm chứng, thậm chí có trường hợp giữa bị can với người bị hại. Ví dụ như trong vụ án, đối tượng thứ nhất đánh gây thương tích cho đối tượng thứ hai, nhưng ngay trước đó đối tượng thứ hai đã đánh gây thương tích cho đối tượng thứ ba, thì đối tượng thứ hai vừa là bị can vừa là bị hại, nhưng cơ quan tố tụng chỉ xác định đối tượng này là bị hại là không đúng.

8. Vi phạm trong việc lập biên bản điều tra

Việc thu giữ tài liệu, đồ vật không lập biên bản thu giữ; biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra không ghi chép đầy đủ, rõ ràng các thông tin cần thiết;

Biên bản hỏi cung ghi chép không đúng lời khai của bị can;

Các biên bản điều tra tẩy xóa, sửa chữa câu chữ không có xác nhận của người tham gia, một Điều tra viên cùng một lúc tiến hành nhiều hoạt động điều tra như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi những đồng thời có biên bản ghi lời khai… dẫn đến làm mất hoặc giảm giá trị chứng minh.

9. Vi phạm trong việc tách vụ án hình sự

Một hoặc nhiều bị can có nhiều hành vi phạm tội có liên quan đến nhau nhưng cơ quan tố tụng lại tách ra thành vụ án khác để xử lý sau, dẫn đến việc đánh giá không chính xác và toàn diện tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị can, thậm chí còn bỏ lọt tội phạm, vì sau khi vụ án được tách ra có thể không được tiếp tục điều tra, giải quyết.

10. Vi phạm trong xử lý vật chứng

Có những trường hợp vật chứng của vụ án không được thu thập đầy đủ, kịp thời, không bảo quản đúng quy định dẫn đến không đảm bảo giá trị chứng minh;

Có trường hợp vật chứng có giá trị chứng minh trong vụ án, cần phải thu nhưng không thu giữ hoặc có thu giữ nhưng lại trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, dẫn đến khó khăn trong việc xác định sự thật của vụ án.

11. Vi phạm trong việc tống đạt, giao nhận văn bản tố tụng

Việc giao nhận văn bản tố tụng giữa các cơ quan tố tụng với nhau, nhất là việc tống đạt, gửi các văn bản tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng cho người tham gia tố tụng nhiều trường hợp chưa đúng luật định, chưa đầy đủ và kịp thời, dẫn đến việc họ không có điều kiện bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình, đồng thời để có thêm chứng cứ từ lời khai của họ để chứng minh các vấn đề của vụ án.

Ví dụ như không gửi giấy triệu tập người tham gia tố tụng như nhân chứng, người liên quan, bị hại đến phiên tòa, không gửi đúng hạn luật định bản án, quyết định của Tòa án cho người tham gia tố tụng để họ thực hiện quyền kháng cáo hoặc khiếu nại theo luật định.

12. Vi phạm trong việc xây dựng bản án, quyết định của Tòa án

Có nhiều nguyên nhân của các vi phạm nhưng có thể tóm lại ở hai trường hợp:

Một là do Thẩm phán không nắm chắc về các vấn đề của vụ án, như nội dung diễn biến vụ án, hồ sơ vụ án với các tài liệu chứng cứ cụ thể, các quy định của pháp luật có liên quan;

Hai là do thực tế họ nắm được các vấn đề của vụ án nhưng không loại trừ việc cố ý thực hiện sai pháp luật. Từ những vi phạm đó, bản án thường có các biểu hiện diễn đạt sai nội dung vụ án, ghi nhận sai về các chứng cứ tài liệu của vụ án, nhận xét, đánh giá sai dẫn đến quyết định sai về vụ án.

Nắm bắt được nguyên nhân của các vi phạm trong bản án, quyết định của Tòa án giúp cho Kiểm sát viên thuận lợi và chính xác hơn trong việc phân tích và xử lý các vi phạm đó.

Xem chi tiết tại Hướng dẫn 34/HD-VKSTC ban hành ngày 29/11/2022.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 13,401

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn