DNNN đã cổ phần sẽ được xóa nợ thuế?

04/04/2013 11:47 AM

Đó là một trong những nội dung được quy định trong dự thảo Quyết định xóa nợ thuế, tiền phạt khó thu hồi do Bộ Tài Chính vừa công bố để lấy ý kiến nhân dân

Bên cạnh đó, hộ gia đình, cá nhân; doanh nghiệp nhà nước đã giải thể; doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi sở hữu theo hình thức giao, bán cũng sẽ được cũng sẽ được xóa nợ thuế, tiền phạt trong một số trường hợp.

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin đăng lại toàn văn dự thảo để bạn đọc cùng tham khảo

QUYẾT ĐỊNH

Về việc xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2007

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Tờ trình Thủ tướng Chính phủ số.....ngày.... về việc xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày  01 tháng 7 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phạm vi áp dụng

1. Tiền thuế nợ, tiền phạt phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2007 đến nay chưa nộp ngân sách nhà nước

2. Tiền thuế được xóa bao gồm: thuế môn bài, thuế doanh thu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế nhà đất, thuế lợi tức, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế chuyển quyền sử dụng đất, thu về sử dụng vốn ngân sách nhà nước, khấu hao cơ bản, phí, lệ phí và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước (trừ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất).

3. Tiền phạt bao gồm: tiền phạt chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế. Khi xóa tiền thuế nợ phát sinh trước ngày 1/7/2007 thì được xóa khoản tiền phạt chậm nộp phát sinh từ khoản nợ thuế được xóa.

 

Điều 2. Đối tượng xóa nợ

1. Hộ gia đình, cá nhân.

2. Doanh nghiệp nhà nước đã giải thể (bao gồm cả tiền nợ thuế, tiền phạt của các chi nhánh, cửa hàng của doanh nghiệp).

a) Doanh nghiệp nhà nước đã giải thể theo Quyết định của UBND tỉnh, thành phố.   

b) Doanh nghiệp nhà nước đã giải thể theo Quyết định của Bộ chủ quản.

3. Doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa, bao gồm cả doanh nghiệp cổ phần hóa từ đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp nhà nước

a) Doanh nghiệp nhà nước đã hoàn thành cổ phần hóa và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 mà các khoản tiền thuế, tiền phạt này chưa được giảm vốn nhà nước có tại doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp hoặc thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển sang công ty cổ phần.

b) Doanh nghiệp nhà nước đã hoàn thành cổ phần hóa và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 01/7/2007 của thời kỳ doanh nghiệp nhà nước do các cơ quan chức năng thực hiện điều tra, thanh tra, kiểm tra, truy thu sau thời gian đã chuyển đổi hoặc do không hạch toán vào báo cáo tài chính, quyết toán thuế khi xác định giá trị doanh nghiệp. Các khoản nợ thuế này chưa được giảm vốn nhà nước có tại doanh nghiệp.

4. Doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi sở hữu theo hình thức giao, bán

a) Doanh nghiệp nhà nước đã hoàn thành việc giao, bán và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 01/7/2007 mà khoản tiền thuế, tiền phạt không đưa vào giá trị doanh nghiệp để giao, bán.

b) Doanh nghiệp nhà nước đã hoàn thành việc giao, bán và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 01/7/2007 của thời kỳ doanh nghiệp nhà nước do các cơ quan chức năng thực hiện điều tra, thanh tra, kiểm tra, truy thu sau thời gian đã chuyển đổi hoặc do không hạch toán vào báo cáo tài chính, quyết toán thuế khi xác định giá trị doanh nghiệp để giao, bán.

 

Điều 3. Điều kiện áp dụng

1. Đối với hộ gia đình, cá nhân.

a) Hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn và không thanh toán được nợ thuế.

b) Hộ gia đình, cá nhân đã thôi không còn kinh doanh (bao gồm cả hộ gia đình, cá nhân kinh doanh không còn ở nơi đăng ký kinh doanh hoặc hộ gia đình, cá nhân không còn ở nơi cư trú) và không thanh toán được nợ thuế;

 2. Đối với doanh nghiệp nhà nước đã giải thể nêu tại khoản 2, Điều 2 Quyết định này thì phải đảm bảo đồng thời các điều kiện sau:

a) Là Doanh nghiệp Nhà nước hạch toán độc lập;

b) Đã giải thể theo Quyết định giải thể của UBND tỉnh, thành phố hoặc của Bộ chủ quản trước ngày 01/7/2013.

3. Đối với doanh nghiệp cổ phần hóa nêu tại điểm a, khoản 3, Điều 2 Quyết định này thì phải đảm bảo đồng thời các điều kiện:

a) Khoản tiền thuế, tiền phạt đề nghị xóa chưa được giảm vốn nhà nước có tại doanh nghiệp;

b) Kết quả kinh doanh đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp bị lỗ (đối với trường hợp đề nghị xóa tiền nợ thuế, tiền phạt đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp);

c) Kết quả kinh doanh đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần bị lỗ (đối với trường hợp đề nghị xóa tiền nợ thuế, tiền phạt đến thời điểm chính thức cổ phần hóa);

d) Thực hiện cổ phần hóa theo Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19/6/2002, Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về việc chuyển Doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần;

đ) Số tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 01/7/2007 được xóa tối đa bằng số lỗ luỹ kế đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp hoặc đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần;

4. Đối với doanh nghiệp cổ phần hóa nêu tại điểm b, khoản 3, Điều 2 Quyết định này thì phải đảm bảo đồng thời các điều kiện sau:

a) Khoản tiền thuế, tiền phạt đề nghị xóa nợ chưa được giảm vốn nhà nước có tại doanh nghiệp;

b) Thực hiện cổ phần hóa theo Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19/6/2002, Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về việc chuyển Doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.

c) Số tiền thuế, tiền phạt được xóa là toàn bộ số tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 của thời kỳ Doanh nghiệp nhà nước bị truy thu hoặc không hạch toán vào báo cáo tài chính, quyết toán thuế khi xác định giá trị doanh nghiệp.

 5. Đối với doanh nghiệp nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu theo hình thức giao, bán nêu tại điểm a, khoản 4, Điều 2 Quyết định này thì phải đảm bảo đồng thời các điều kiện:

a) Các khoản nợ phải trả (bao gồm cả nợ tiền thuế, tiền phạt) lớn hơn giá trị tài sản của doanh nghiệp hoặc lớn hơn số tiền thu về bán doanh nghiệp;

b) Kết quả kinh doanh đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp giao, bán bị lỗ;

c) Khoản tiền thuế, tiền phạt đề nghị xóa nợ chưa đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp để giao, bán;

d) Thực hiện giao, bán theo Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10/9/1999, Nghị định số 80/2005/NĐ-CP ngày 22/6/2005 về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê Công ty nhà nước.

đ) Số tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 01/7/2007 được xóa tối đa bằng số lỗ luỹ kế đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để giao, bán.

 6. Đối với doanh nghiệp nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu theo hình thức giao, bán nêu tại điểm b, khoản 4, Điều 2 Quyết định này thì phải đảm bảo đồng thời các điều kiện:

a) Khoản tiền thuế, tiền phạt đề nghị xóa nợ chưa đưa vào giá trị doanh nghiệp để giao, bán;

b) Thực hiện giao, bán theo Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10/9/1999, Nghị định số 80/2005/NĐ-CP ngày 22/6/2005 về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê Công ty nhà nước.

c) Số tiền thuế, tiền phạt được xóa là toàn bộ số tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 01/7/2007 của thời kỳ doanh nghiệp nhà nước bị truy thu hoặc không hạch toán vào báo cáo tài chính, quyết toán thuế khi xác định giá trị doanh nghiệp.

 

Điều 4. Thẩm quyền xóa nợ

1. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm xem xét xóa nợ đối với trường hợp nêu tại khoản 1, khoản 2.a  Điều 2 Quyết định này.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xem xét xóa nợ đối với các trường hợp khác quy định tại Điều 2 Quyết định này.

 

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Tài chính, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra xác định đối tượng xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 01/7/2007 để xử lý theo thẩm quyền quy định tại Quyết định này.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện theo đúng Quyết định này.

3. Hàng năm, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp kết quả xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1/7/2007 thuộc thẩm quyền gửi về Bộ Tài chính trước ngày 31/1 năm sau.

4. Bộ Tài chính tổng hợp kết quả xóa nợ tiền thuế, tiền phạt thuộc thẩm quyền và kết quả xóa nợ tiền thuế, tiền phạt của UBND các tỉnh, thành phố theo quy định tại Quyết định này trước ngày 31/3 năm sau và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Quốc hội.

 

Điều 6.  Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày... tháng.... năm 2013. Những quy định và hướng dẫn trước đây về xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1/7/2007 trái với quy định tại Quyết định này đều bãi bỏ.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quyết định này.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,627

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn