Quy định về chính sách đối với người lao động dôi dư trong các công ty, DNNN

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
01/12/2022 12:33 PM

Tôi muốn biết những người lao động dôi dư trong các công ty, doanh nghiệp nhà nước được hưởng các chính sách như thế nào? - Minh Khoa (Vĩnh Long)

Quy định về chính sách đối với người lao động dôi dư trong các công ty, DNNN

Quy định về chính sách đối với người lao động dôi dư trong các công ty, DNNN

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 29/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 97/2022/NĐ-CP quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cụ thể, các chính sách đối với người lao động dôi dư được quy định như sau:

Chính sách đối với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21/4/1998 hoặc trước ngày 26/4/2002

Theo Điều 3 Nghị định 97/2022/NĐ-CP, người lao động dôi dư quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 2 Nghị định 97/2022/NĐ-CP được hưởng chính sách như sau:

(1) Người lao động dôi dư có tuổi thấp hơn từ đủ 01 tuổi đến đủ 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì được hưởng lương hưu và được hưởng thêm các chế độ sau:

- Không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi;

- Trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm (đủ 12 tháng, không tính tháng lẻ) nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP;

- Hỗ trợ một khoản tiền bằng 0,4 mức lương tối thiểu tháng tính bình quân cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội.

(2) Người lao động dôi dư có tuổi thấp hơn dưới 01 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì được hưởng lương hưu và được hưởng thêm các chế độ sau:

+ Không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi;

+ Hỗ trợ một khoản tiền bằng 0,2 mức lương tối thiểu tháng tính bình quân cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội.

(3) Người lao động dôi dư đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP nhưng còn thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì được Nhà nước đóng một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất để giải quyết chế độ hưu trí.

Tổng số tiền Nhà nước đóng một lần cho số tháng còn thiếu bằng tổng mức đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất thuộc trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động của tháng liền kề trước khi người lao động nghỉ việc nhân với số tháng còn thiếu.

(4) Người lao động dôi dư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định 97/2022/NĐ-CP không đủ điều kiện hưởng chế độ quy định tại (1), (2), (3) thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng chế độ sau:

+ Trợ cấp mất việc làm quy định tại Điều 47 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 2 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP;

+ Hỗ trợ một khoản tiền bằng 0,05 mức lương tối thiểu tháng tính bình quân cho mỗi năm làm việc tại doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại.

(5) Người lao động dôi dư quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định 97/2022/NĐ-CP không đủ điều kiện hưởng chế độ quy định tại (1), (2), (3) thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng chế độ sau:

- Trợ cấp thôi việc quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 1 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

- Hỗ trợ khoản tiền bằng 0,2 tháng tiền lương cho mỗi năm làm việc tại doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại.

Chính sách đối với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng từ ngày 21/4/1998 hoặc từ ngày 26/4/2002 trở về sau

Người lao động dôi dư quy định tại điểm c và d khoản 1 Điều 2 Nghị định 97/2022/NĐ-CP được hưởng chính sách như sau:

- Trợ cấp mất việc làm quy định tại Điều 47 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 2 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP đối với người lao động trong doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại theo quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 1 Nghị định 97/2022/NĐ-CP.

- Trợ cấp thôi việc quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 1 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP đối với người lao động trong doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 97/2022/NĐ-CP.

(Điều 4 Nghị định 97/2022/NĐ-CP)

 Xem thêm tại Nghị định 97/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2023.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,229

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn