Vai trò lãnh đạo của Đảng là hợp lòng dân, hợp hiến, hợp pháp

29/03/2013 16:54 PM

(Chinhphu.vn) - Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 khẳng định cơ sở pháp lý, là sự Hiến định về vai trò lãnh đạo và vị trí cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vai trò lãnh đạo của Đảng là một tất yếu lịch sử

Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) ra đời là một tất yếu khách quan, đáp ứng yêu cầu lịch sử của cách mạng và dân tộc Việt Nam.

 

Thực tiễn đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng Việt Nam. Vì vậy ĐCSVN trở thành lực lượng lãnh đạo cách mạng, đất nước, dân tộc, xã hội Việt Nam một cách hợp tự nhiên, được nhân dân thừa nhận, lịch sử chấp nhận và giao phó sứ mệnh mà không một lực lượng nào có thể thay thế được.

 

Trong hơn 83 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một nước độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao, quan hệ quốc tế không ngừng được mở rộng.

 

Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, có lúc Đảng cũng phạm sai lầm, khuyết điểm do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Đảng đã nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, tự chỉnh đốn, để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tiếp tục lãnh đạo đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên.

 

Ngày nay các tầng lớp nhân dân vẫn tin tưởng ở Đảng, đi theo Đảng, ủng hộ đường lối của Đảng. Vai trò lãnh đạo của Đảng đã được khẳng định trong Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và các đạo luật khác…

 

Vai trò lãnh đạo đó là chính đáng, hợp lòng dân, hợp hiến, hợp pháp, tức hợp với đạo lý và pháp lý.

 

Ngày nay trên thế giới, Hiến pháp của nhiều nước đều quy định về đảng chính trị. Đảng cầm quyền đã trở thành một khái niệm chính trị - pháp lý quốc tế.

 

Chế độ đa đảng hay một đảng lãnh đạo đều có mặt ưu và nhược do điều kiện cụ thể mỗi nước, mỗi giai đoạn lịch sử quy định.

 

Vấn đề là ở chỗ bản chất của đảng cầm quyền đó như thế nào? Phục vụ cho giai cấp, tầng lớp xã hội nào?

 

Trong điều kiện một Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo và năng lực cầm quyền.

 

Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là nhân tố quyết định sự hoạt động, bản chất cách mạng và sức mạnh của Nhà nước.

 

Tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng

Kế thừa Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của ĐCSVN đối với Nhà nước và xã hội.

 

Điều 4 của Dự thảo khẳng định cơ sở pháp lý, là sự Hiến định về vai trò lãnh đạo và vị trí cầm quyền của ĐCSVN.

 

Đây là điều cực kỳ quan trọng của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

 

Sau khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua, Điều 4 của Hiến pháp sẽ là chỗ dựa pháp lý cho sự tồn tại, hoạt động, lãnh đạo, cầm quyền của ĐCSVN.

 

Các thế lực thù địch trong âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta đều muốn phủ nhận vai trò lãnh đạo của ĐCSVN, nhằm đưa nước ta đi chệch con đường xã hội chủ nghĩa, thủ tiêu thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã phải hy sinh biết bao xương máu mới giành được.

 

Vì vậy kiên định với vai trò lãnh đạo của ĐCSVN là thể hiện lập trường chính trị, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên.

 

Ghi nhận một số đổi mới, bổ sung quan trọng về Đảng

So với Hiến pháp 1992, Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã có một số đổi mới, bổ sung quan trọng:

 

Thứ nhất, thể hiện đầy đủ hơn bản chất của Đảng theo tinh thần Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011).

 

Thứ hai, thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân, dân tộc.

 

Thứ ba, thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn trách nhiệm của nhân dân đối với Đảng và đối với việc xây dựng Đảng.

 

Thứ tư, thể hiện đầy đủ hơn yêu cầu của Nhà nước pháp quyền là các tổ chức của đảng và đảng viên (không chỉ là “tổ chức đảng” như Hiến pháp 1992 quy định) phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

 

Tuy nhiên cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện về nội dung và hình thức diễn đạt của Điều 4 cho phù hợp hơn.

Cần làm rõ Đảng lãnh đạo theo phương thức dân chủ, khoa học, không áp đặt

Ngoài những nội dung hợp lý đã có trong Dự thảo sửa đổi, cần:

 

Thứ nhất, bổ sung thuật ngữ “Đảng cầm quyền” vì đây là thuật ngữ chính trị - pháp lý đã được thế giới thừa nhận: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

 

Thứ hai, nói rõ: Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân, dân tộc (không chỉ chịu trách nhiệm về những quyết định của mình như trong Dự thảo, như vậy sẽ bị hẹp).

 

Thứ ba, có thể bổ sung về phương thức lãnh đạo của Đảng, (theo tinh thần Cương lĩnh năm 2011) để cho thấy rõ Đảng lãnh đạo theo phương thức dân chủ, khoa học, không áp đặt.

 

Thứ tư, dùng từ “mọi” thay cho các từ “các”:  “Mọi tổ chức của đảng và đảng viên phải hoạt động theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

 

Việc quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp và pháp luật là cực kỳ quan trọng.

 

Tuy nhiên, để xứng đáng là Đảng cầm quyền, là người lãnh đạo Nhà nước và xã hội, điều quan trọng hơn là Đảng phải đẩy mạnh tự đổi mới, tự chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, thể hiện Đảng “là đạo đức, là văn minh”.

 

Đồng thời thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta là đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạngthật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

 

GS.TS Lê Hữu Nghĩa

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,242

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn