Phân cấp quản lý với cán bộ đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
07/09/2022 09:32 AM

Phân cấp quản lý với cán bộ đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu được quy định như thế nào? – Quỳnh Hương (TP.HCM)

Phân cấp quản lý với cán bộ đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu

Phân cấp quản lý với cán bộ đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu (Hình từ internet)

Bộ Chính trị có Quy định 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Quy định có một số nội dung như sau:

Nội dung quản lý cán bộ đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu

Cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý khi đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu (trừ trường hợp đã thôi giữ chức vụ hoặc được điều động, bố trí công tác khác không thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý) phải được Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, cho ý kiến về những vấn đề sau:

- Tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; thành viên lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; người đứng đầu hội và các tổ chức (không bao gồm trưởng ban vận động thành lập hội, tổ chức); làm thành viên, lãnh đạo, quản lý các tổ chức có yếu tố nước ngoài; làm chủ tịch hội đồng thành viên (hội đồng quản trị), giám đốc (tổng giám đốc) doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

- Khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

- Đi nước ngoài, tiếp khách quốc tế, trả lời phỏng vấn nước ngoài, nhận huân chương, huy chương, danh hiệu, giải thưởng của nước ngoài và các tổ chức quốc tế tặng.

Phân cấp quản lý với cán bộ đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu

- Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến đối với các chức danh sau:

+ Các đồng chí nguyên: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

+ Các đồng chí nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị.

+ Các đồng chí nguyên Bí thư Trung ương Đảng.

+ Các đồng chí nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

+ Các đồng chí nguyên: Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.

+ Đại tướng lực lượng vũ trang.

- Ban Bí thư xem xét, cho ý kiến đối với các chức danh còn lại trong danh mục cán bộ khi còn đang công tác thuộc diện Bộ Chính trị quản lý nêu tại Mục I, Phụ lục 1 của Quy định này.

- Lãnh đạo các ban đảng và cơ quan Trung ương, ban cán sự đảng, đảng đoàn, ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc Trung ương xem xét, cho ý kiến đối với các chức danh khi còn đang công tác do Ban Bí thư quản lý nêu tại Mục II, Phụ lục 1 của Quy định này.

Các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương căn cứ Điều 15 của Quy định này để cụ thể hoá nội dung, phân cấp quản lý đối với cán bộ thuộc diện quản lý sau khi nghỉ hưu cho phù hợp.

Nguyên tắc trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ

Ngoài ra, Quy định 80/QĐ-TW năm 2022 quy định nguyên tắc trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ như sau:

* Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ:

- Đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, tiêu chuẩn, quy chế, quy định về công tác cán bộ và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thông qua các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

- Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị; trực tiếp quản lý đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ngành, các cấp.

- Phân công, phân cấp công tác quản lý cán bộ, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử cho các cấp uỷ, tổ chức đảng; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của các ngành, các cấp.

* Bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ:

- Những vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức, đình chỉ chức vụ, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật cán bộ phải do cấp uỷ, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo có thẩm quyền thảo luận dân chủ, quyết định theo đa số. Trường hợp ý kiến của người đứng đầu và ý kiến của tập thể cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị khác nhau thì phải báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm đề xuất và tổ chức thực hiện quyết định của tập thể về cán bộ, công tác cán bộ trong phạm vi được phân công phụ trách.

- Cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghị quyết, quyết định của cấp uỷ, tổ chức đảng; cấp uỷ cấp dưới phải chấp hành quyết định của cấp uỷ cấp trên về cán bộ và công tác cán bộ.

Quy định 80/QĐ-TW có hiệu lực từ ngày 18/8/2022.

>>> Xem thêm: Cách tính trợ cấp cho cán bộ nghỉ hưu như thế nào? Quy định về thực hiện nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức đủ điều kiện nghỉ hưu ra sao?

Tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức năm 2022? Điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ hưu trước tuổi?

Cán bộ, công chức, viên chức là gì? Cách phân biệt và một số ví dụ về cán bộ, công chức, viên chức mới nhất?

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,854

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn