Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi): Cơ sở pháp lý vững chắc cho điện ảnh phát triển

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
15/06/2022 19:46 PM

Chiều 15/06, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) với 449/467 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi): Cơ sở pháp lý vững chắc cho điện ảnh phát triển

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết:

Về chính sách của Nhà nước đối với phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh: Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý bổ sung chính sách nhà nước đầu tư cho sáng tác kịch bản phim vào điểm b khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật; Quy định tại dự thảo Luật theo hướng trong từng trường hợp cụ thể Nhà nước có thể đầu tư, hoặc hỗ trợ, đồng thời khuyến khích xã hội hóa xây dựng trường quay nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh; chỉnh lý gộp điểm (i) vào điểm (h) khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật; Chỉnh lý, bổ sung nội dung hợp tác quốc tế vào khoản 4 Điều 5; chỉnh sửa khoản 2 Điều 38, mở rộng chủ thể được tổ chức liên hoan phim khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chính phủ.   .…

Về cấp Giấy phép phân loại phim: Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng, phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim khi đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; quy định Giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp có giá trị trong toàn quốc.

Đồng thời, với quy định về Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh (Chương VII), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất giữ quy định như dự thảo Luật; không quy định nội dung  ủy quyền cho cơ quan chuyên môn cấp tỉnh  thực hiện việc cấp Giấy phép phân loại phim tại Luật Điện ảnh;…

Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi): Cơ sở pháp lý vững chắc cho điện ảnh phát triển

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh

Đối với nội dung còn ý kiến khác nhau về phổ biến phim trên không gian mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cho rằng tiền kiểm kết hợp với hậu kiểm là phù hợp. Căn cứ đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung, chỉnh lý và quy định các biện pháp quản lý bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình, điều kiện Việt Nam hiện nay và xu thế chung của thế giới, bảo đảm việc kiểm soát chặt chẽ nội dung phim, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm như dự thảo Luật.

Liên quan đến quy định về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Kết quả phiếu xin ý kiến cho thấy, đa số đại biểu Quốc hội lựa chọn phương án: Kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt. Căn cứ ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, quy định như dự thảo Luật.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tại dự thảo Luật với lý do Chính phủ nêu tại Báo cáo số 224/BC – CP ngày 10/6//2022 của Chính phủ gửi Quốc hội và giải trình trong Báo cáo số 216/BC-UBTVQH15 ngày 12/5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tiếp đó, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết bằng hệ thống điện tử. Kết quả biểu quyết cho thấy, với 449/467 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 90,16% tổng số đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi): Cơ sở pháp lý vững chắc cho điện ảnh phát triển

Các vị đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 50 điều, quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh với nhiều quy định mới mang tính đột phá:

Về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh: Nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực, thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động sau đây: Sản xuất phim thực hiện theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị về đề tài lịch sử, cách mạng, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, trẻ em, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam;  Sáng tác kịch bản phim, phát hành, phổ biến phim, cung cấp kinh phí tổ chức, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phổ biến phim phục vụ vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn; phục vụ trẻ em, lực lượng vũ trang và nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại, giáo dục khác;…

Về phát triển nguồn nhân lực điện ảnh: Nhà nước có chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện phát triển tài năng điện ảnh, ưu tiên hỗ trợ tài năng trẻ; đãi ngộ thích hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực điện ảnh. Đồng thời, nhà nước ưu tiên đầu tư, xây dựng một số cơ sở đào tạo, ngành đào tạo về điện ảnh đạt tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ các cơ sở đào tạo về văn hóa nghệ thuật đào tạo chuyên ngành hoặc liên kết đào tạo điện ảnh ở trong nước và nước ngoài;..

Về phổ biến phim trên không gian mạng: Chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 18 của Luật Điện ảnh (sửa đổi), quy định khác của pháp luật có liên quan và quy định sau đây: Không được phổ biến phim vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim; Thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng;…

Về quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh: Luật Điện ảnh (sửa đổi) quy định đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động...../.

Lê Anh - Phạm Thắng

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,666

Bài viết về

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn