Bổ sung hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
03/01/2022 12:09 PM

Thông tư liên tịch 04/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP bổ sung quy định hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.

Bổ sung hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

Bổ sung hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (ảnh minh họa)

Hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

Cụ thể, hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, bao gồm:

- Đơn xin miễn chấp hành án của người bị kết án hoặc người đại diện hợp pháp theo quy định pháp luật. Trường hợp người bị kết án không thể tự mình làm đơn đề nghị thì người thân thích của người bị kết án hoặc đại diện cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án làm việc đề nghị thay.

(Quy định trước đây tại khoản 3 Điều 12 Thông tư liên tịch 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC không cho phép người thân thích của người bị kết án hoặc đại diện cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án làm việc được đề nghị thay).

- Các tài liệu quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều 104 của Luật Thi hành án hình sự, bao gồm:

+ Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;

+ Văn bản đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát;

+ Văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự trong trường hợp cơ quan này đề nghị.

(Quy định trước đây không yêu cầu các loại văn bản nên trên).

- Trường hợp người bị kết án phạt cải tạo không giam giữ lập công thì hồ sơ phải có quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người chấp hành án lập công (Ví dụ: Giấy khen, Bằng khen, Bằng sáng chế hoặc Bằng độc quyền sáng chế của cơ quan, người có thẩm quyền).

- Trường hợp người bị kết án phạt cải tạo không giam giữ bị bệnh hiểm nghèo thì hồ sơ phải có kết luận của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao bệnh án, kết luận của bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên hoặc có kết luận của tổ chức pháp y công lập về tình trạng bệnh tật của người bị kết án.

Đối với người bị kết án phạt cải tạo không giam giữ bị nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn lâm sàng IV thì phải có kết quả xét nghiệm bị nhiễm HIV theo quy định của Bộ Y tế và bản sao bệnh án hoặc kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền khẳng định đã chuyển giai đoạn lâm sàng IV, đang có nhiễm trùng cơ hội và tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.

(Bổ sung kết luận của Hội đồng giám định y khoa so với quy định trước đây đối với trường hợp người bị bệnh hiểm nghèo. Đồng thời, bổ sung hồ sơ đối với người bị nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn lâm sàng IV).

- Trường hợp người bị kết án phạt cải tạo không giam giữ chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì phải có xác nhận, nhận xét của cơ quan có thẩm quyền.

(Bổ sung hồ sơ đối với người chấp hành tốt án phạt cải tạo, không còn nguy hiểm cho xã hội và có hoàn cảnh gia định đặc biệt khó khăn so với quy định trước đây).

-  Tài liệu khác có liên quan.

Điều kiện được miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

Căn cứ các quy định trên, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ xét thấy người đó không còn nguy hiểm với xã hội được miễn chấp hành trong trường hợp sau:

- Đã lập công;

- Mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn lâm sàng IV;

- Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn

(Quy định trước đây tại Điều 11 Thông tư liên tịch 09/2012 chỉ cho phép miễn chấp hành cải tạo không giam giữ đối với người đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và không còn nguy hiểm với xã hội).

Xem chi tiết tại Thông tư liên tịch 04/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP.

>>> Xem thêm: Trộm 700 triệu đồng thì có được miễn chấp hành hình phạt tù khi lập công lớn trên đường tẩu thoát không?

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,209

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn