Đề xuất về mức đóng BHYT tối đa

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
28/10/2021 16:07 PM

Nội dung được đề cập tại Thông báo 286/TB-VPCP ngày 27/10/2021 về kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề nghị xây dựng Luật giá (sửa đổi), Đề nghị xây dựng Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và Đề nghị xây dựng Luật BHYT (sửa đổi).

Đề xuất về mức đóng BHYT tối đa

Đề xuất về mức đóng BHYT tối đa (Ảnh minh họa)

Cụ thể, đối với Đề nghị xây dựng Luật BHYT (sửa đổi), Thủ tướng có ý kiến như sau:

- Giao Bộ Y tế nghiên cứu tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, cần sửa đổi các chính sách để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật, nghiên cứu, sửa đổi bảo đảm các yêu cầu sau:

- Chính sách BHYT cần bảo đảm phương thức đóng - hưởng và nguyên tắc sự chia sẻ rủi ro để bảo đảm an sinh xã hội và thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội.

Việc quy định nâng mức trần đóng BHYT cần bảo đảm tính khoa học, khả thi và có lộ trình phù hợp;

Hiện nay, mức đóng BHYT tối đa được quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật BHYT 2008 (được sửa đổi tại Luật BHYT sửa đổi 2014), cụ thể:

Điều 13. Mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT

1. Mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT được quy định như sau:

a) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;

b) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3;

c) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;

d) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;

đ) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền trợ cấp thất nghiệp và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;

e) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền lương tháng đối với người hưởng lương, tối đa bằng 6% mức lương cơ sở đối với người hưởng sinh hoạt phí và do ngân sách nhà nước đóng;

g) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 3 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do ngân sách nhà nước đóng;

h) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm n khoản 3 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp học bổng đóng;

i) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở do đối tượng tự đóng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng;

k) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do đối tượng đóng theo hộ gia đình.

- Quy định về thu chi, sử dụng, quản lý Quỹ BHYT cần bảo đảm sự công khai, minh bạch, đặc biệt là việc mua sắm thuốc, vật tư y tế... phải theo nguyên tắc kinh tế thị trường lành mạnh, chống thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm.

- Việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, cần rà soát, nghiên cứu để xử lý triệt để nhũng trường hợp còn vướng mắc về điều kiện, giấy tờ nhân thân... bảo đảm đầy đủ quyền lợi của các đối tượng yếu thế, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn trong chính sách BHYT và khả năng chi trả của quỹ BHYT;

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện phát triển cho hệ thống y tế cơ sở, bác sĩ gia đình, y tế tư nhân... tham gia thực hiện chính sách BHYT để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe Nhân dân, góp phần giảm tải các bệnh viện tuyến trên;

- Nghiên cứu đẩy mạnh hiện đại hóa, áp dụng công nghệ thông tin trong BHYT, thống nhất sử dụng nền tảng công nghệ trong thực hiện chính sách BHYT. Đồng thời, quy định về công tác thanh tra, kiểm tra cần phù hợp, minh bạch, hiệu quả;

- Cần cân nhắc việc quy định về thẩm quyền của Chính phủ trong Luật BHYT, nhưng vẫn bảo đảm linh hoạt điều hành của Chính phủ, trong trường hợp cần thiết có thể kịp thời báo cáo Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Thông báo 286/TB-VPCP ban hành ngày 27/10/2021.

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,745

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn