TP.HCM: Những hoạt động, dịch vụ dự kiến được mở lại từ 1/10

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
27/09/2021 08:31 AM

Dự kiến từ ngày 01/10/2021, nhiều hoạt động, dịch vụ tại TP.HCM như cắt tóc, gội đầu; các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao; cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, tham quan du lịch,... sẽ được cho phép mở lại.

TP.HCM: Những hoạt động, dịch vụ dự kiến được mở lại từ 1/10

TP.HCM: Những hoạt động, dịch vụ dự kiến được mở lại từ 1/10 (Ảnh minh họa)

Đây là nội dung tại Dự thảo Chỉ thị của UBND TP.HCM về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Theo đó, Nhằm thực hiện mục tiêu “an toàn để sản xuất và sản xuất phải an toàn”, TP.HCM sẽ cho phép một số loại hình kinh doanh dịch vụ được hoạt động:

- Được tổ chức hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo,...) tập trung dưới 10 người. Trường hợp có 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, được tập trung từ dưới 50 người.

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị Nhà nước của Trung ương đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết định bố trí số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định tại Công văn 3086/UBNDVX ngày 16/9/2021.

- Các cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế và văn phòng kinh tế - văn hóa nước ngoài có trụ sở trú đóng trên địa bàn Thành phố chủ động quyết định phương thức làm việc phù hợp với đặc thù của tổ chức nhưng phải giảm ít nhất 30% số lượng người làm việc trực tiếp tại trụ sở và đáp ứng quy định về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Y tế Việt Nam.

- Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sử dụng toàn bộ lao động trực tiếp có Thẻ Xanh COVID được quyền tham gia các hoạt động với điều kiện đảm bảo chấp hành toàn bộ quy định an toàn phòng, chống dịch của ngành y tế và các Bộ Tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trên các lĩnh vực, cụ thể như sau:

(1) Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, Khu Công nghệ cao và trên địa bàn quận, huyện, thành phố Thủ Đức:

+ Được hoạt động khi: (i) đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19; (ii) có kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và (iii) có phương án xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại địa phương phê duyệt.

+ Xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động ít nhất 07 ngày/lần đối với: (i) ít nhất 20% người lao động có nguy cơ cao, (ii) toàn bộ người cung cấp dịch vụ.

+ Xét nghiệm SARS-CoV-2 với 100% người lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như ho, sốt, khó thở…

(2) Hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, đối tượng hành nghề thú y.

(3) Công trình giao thông, xây dựng.

(4) Cơ sở kinh doanh dịch vụ gồm:

+ Các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu; các cơ sở kinh doanh dược, vật tư, trang thiết bị y tế; dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở như bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa được phép hoạt động trở lại.

+ Cung cấp lương thực, thực phẩm.

+ Xăng, dầu, hóa chất; điện; nước; nhiên liệu, sửa chữa.

+ Dịch vụ công ích; dịch vụ tiện ích công như: cấp thoát nước, công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật, giao thông vận tải,…; dịch vụ vệ sinh môi trường; dịch vụ quan trắc và xử lý môi trường; hoạt động tang lễ.

+ Hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Thành phố.

+ Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, logistic và bổ trợ doanh nghiệp, người dân (công chứng, luật sư, đấu giá tài sản, thừa phát lại, trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, quản lý – thanh lý tài sản, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký biến động tài sản), chứng khoán.

+ Bưu chính, viễn thông; xuất bản, báo chí; hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến; doanh nghiệp lịch; cửa hàng sách; đường sách; thư viện, phòng tranh, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh; đồ dùng, dụng cụ học tập, cửa hàng mắt kính; công nghệ thông tin; thiết bị tin học.

+ Kho dự trữ, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa.

(5) Trung tâm thương mại, siêu thị (bao gồm siêu thị mini), cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ lương thực thực phẩm: (kênh phân phối bán buôn, bán lẻ)

+ Trung tâm thương mại; siêu thị (bao gồm siêu thị mini), cửa hàng tiện lợi.

+ Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ được bán hàng mang đi trừ trường hợp địa điểm kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cho phép bán ăn uống tại chỗ).

+ Chợ đầu mối, chợ bán lẻ, chợ truyền thống.

(6) Cơ sở kinh doanh các dịch vụ khác được hoạt động: cắt tóc, gội đầu được hoạt động không quá 50% công suất.

(7) Cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, tham quan du lịch, tham quan bảo tàng được hoạt động dưới 30% công suất và điều kiện khách đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-191 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực.

(8) Các địa điểm hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa nghệ thuật:

+ Những sự kiện, thi đấu thể dục, thể thao tổ chức quy mô không quá 30% công suất và điều kiện 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức.

+ Các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe hàng ngày của người dân được hoạt động dưới 10 người. Trường hợp có 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, được hoạt động từ dưới 50 người.

(9) Tổ chức đám cưới dưới 10 người.

(10) Tổ chức đám tang từ dưới 20 người cùng một thời điểm và có sự giám sát của nhân viên y tế địa phương.

Đối với hoạt động giáo dục, đào tạo

(1) Tiếp tục tổ chức dạy - học gián tiếp từng bước củng cố các điều kiện để có thể kết hợp dạy - học trực tiếp. Các loại hình đào tạo cho nhóm 18 tuổi trở lên, đã được tiêm đủ liều vắc xin, có thể dạy – học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn theo quy định.

(2) Bố trí các hoạt động lệnh ca, lệch giờ; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, giãn cách tối đa, đảm bảo giới hạn về số người tập trung theo quy định.

(3) Giáo dục nghề nghiệp: đảm bảo đã đủ liều vắc xin hoặc đã tiêm 1 mũi vắc xin và có xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính còn hạn trong 72 giờ; tổ chức học gián tiếp các môn lý thuyết; bố trí giờ học thực hành lệch nhau và mỗi ca dạy thực hành không quá 10 học sinh – sinh viên/buổi, đảm bảo quy tắc 5K; không tổ chức các hoạt động ngoài trời.

Xem thêm nội dung đáng chú ý khác tại Dự thảo Chỉ thị của UBND TP.HCM.

Châu Thanh

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,606

Bài viết về

Phòng chống COVID-19

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn