Thí điểm Tiếng Hàn là môn học được lựa chọn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
04/03/2021 09:52 AM

Đây là nội dung tại Quyết định 712/QĐ-BGDĐT năm 2021 về Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức - Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; theo đó:

Đặc điểm môn học Tiếng Hàn

Môn Tiếng Hàn-Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12.

Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ điểm và chủ đề phù hợp với nhu cầu và khả năng của học sinh phổ thông nhằm giúp các em đạt được các yêu cầu quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (KNLNNVN).

Cụ thể là học sinh kết thúc lớp 6 đạt Bậc 1, kết thúc cấp trung học cơ sở (lớp 9) đạt Bậc 2, kết thúc cấp trung học phổ thông (lớp 12) đạt Bậc 3. Tổng thời lượng chương trình là 1155 tiết (mỗi tiết 45 phút) bao gồm cả các tiết ôn tập và kiểm tra đánh giá. Thời lượng tương đương với Bậc 1, Bậc 2 và Bậc 3 lần lượt là 420 tiết, 420 tiết và 315 tiết.

Điều kiện thực hiện Chương trình dạy học Tiếng Hàn

- Để thực hiện được chương trình, cần có đủ giáo viên dạy tiếng Hàn đạt chuẩn trình độ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của Nhà nước Việt Nam. Yêu cầu về chuyên môn và nghiệp vụ của người dạy được xác định như sau:

+ Có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng chuyên ngành tiếng Hàn trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;

+ Người dạy cần đạt chuẩn đầu ra theo KNLNNVN tối thiểu là trình độ tiếng Hàn bậc 4 (tương đương TOPIK cấp 4) đối với bậc tiểu | học và bậc THCS và trình độ tiếng Hàn bậc 5 (tương đương TOPIK cấp 5) đối với bậc THPT.

+ Ở các thành phố lớn khuyến khích tuyển dụng thêm giáo viên người Hàn có đủ chứng chỉ hành nghề.

- Giáo viên tham gia giảng dạy cần được tập huấn, quán triệt về toàn bộ nội dung của Chương trình. Hàng năm, nhà trường và các Sở Giáo dục và Đào tạo cần tạo điều kiện cho giáo viên tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để cập nhật các kiến thức ngôn ngữ, văn hoá mới và các phương pháp dạy học hiện đại.

- Có đủ cơ sở vật chất (trường, lớp, bàn, ghế, sách giáo khoa, thiết bị đồ dùng dạy học ngoại ngữ...) theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với những địa phương, trường, lớp có điều kiện, cần tổ chức cho học sinh được tiếp xúc với sách báo tiếng Hàn, được xem, nghe các chương trình phát thanh, truyền hình của Hàn Quốc, cũng như được tiếp xúc, giao lưu với người Hàn để tăng thêm hứng thú học tập và rèn luyện kĩ năng sử dụng tiếng Hàn.

- Các Sở Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng kế hoạch và hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn tại các trường phổ thông phù hợp với đặc điểm, yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá của địa phương mình.

Như vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh sẽ dựa vào đặc điểm, điều kiện của địa phương mình mà đưa ra các hướng dẫn triển khai. Chỉ những địa phương mà được quyết định thí điểm thì học sinh tại đó mới thực hiện học chương trình Tiếng Hàn hệ 10 năm thí điểm.

Ngoài ra, Tiếng Hàn là môn Ngoại ngữ 1, theo Quy định của Chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2006 (Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT) cho phép học sinh được lựa chọn 1 trong 4 ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ 1.

Năm 2011, Bộ GDĐT bổ sung quy định về việc Tiếng Nhật được dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ 1 hoặc ngoại ngữ 2 tùy theo nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học.

Sau khi ban hành quyết định 712, với việc ban hành thêm 2 thứ tiếng (tiếng Hàn và Đức), hiện ngoại ngữ 1 sẽ có 7 thứ tiếng gồm: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn, Tiếng Đức. Các trường sẽ bắt buộc chọn dạy 1 trong 7 thứ tiếng trên.

Mục tiêu các cấp học

**Mục tiêu cấp tiểu học

Sau khi hoàn thành chương trình môn Tiếng Hàn cấp tiểu học, học sinh đạt được trình độ tiếng Hàn bậc I theo KNLNNVN, cụ thể như sau:

- Về kiến thức: Cung cấp kiến thức cơ bản về tiếng Hàn bao gồm Ngữ âm, Từ vựng, Ngữ pháp, thông qua các bài học tiếng Hàn, học sinh bước đầu quan tâm, có những hiểu biết mới mẻ, thú vị về một số đặc điểm của đất nước, con người và văn hoá của Hàn Quốc.

- Về kĩ năng: Giao tiếp đơn giản bằng tiếng Hàn thông qua bốn kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết, trong đó chú trọng tới hai kỹ năng Nghe và Nói.

- Về thái độ: Có thái độ tích cực, hứng thú đối với việc học tiếng Hàn; biết tự hào, yêu quý và trân trọng nền văn hoá và ngôn ngữ của dân tộc; bước đầu hình thành cách học tiếng Hàn hiệu quả, tạo cơ sở cho việc học tiếng Hàn ở các bậc học cao hơn cũng như học các ngoại ngữ khác trong tương lai.

**Mục tiêu cấp trung học cơ sở

Sau khi hoàn thành chương trình môn Tiếng Hàn cấp trung học cơ sở, học sinh đạt được trình độ tiếng Hàn bậc 2 theo KNLNNVN, cụ thể như sau:

- Về kiến thức: Có kiến thức cơ bản về Ngữ âm, Từ vựng, Ngữ pháp của tiếng Hàn, có những hiểu biết chung về đất nước, con người và văn hoá của Hàn Quốc thông qua tiếng Hàn, có những so sánh ban đầu về hai nền văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc cũng như nâng cao hiểu biết và tự hào về những giá trị của nền văn hoá dân tộc mình.

- Về kĩ năng: Sử dụng được tiếng Hàn ở cả bốn kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết, có thể trực tiếp tham gia giao tiếp bằng tiếng Hàn trong những tình huống giao tiếp cơ bản của sinh hoạt hàng ngày.

- Về thái độ: Có thái độ học tập tích cực, yêu thích đối với môn tiếng Hàn, có phương pháp học tập hiệu quả; biết tôn trọng, tiếp nhận giá trị văn hoá và ngôn ngữ của dân tộc khác.

** Mục tiêu cấp trung học phổ thông

Sau khi hoàn thành chương trình môn Tiếng Hàn cấp trung học phổ thông, học sinh đạt được trình độ tiếng Hàn bậc 3 theo KNLNNVN, cụ thể như sau: -

Về kiến thức: Tiếp tục hình thành và phát triển kiến thức cơ bản về tiếng Hàn, bao gồm Ngữ âm, Từ vựng, Ngữ pháp; thông qua môn học tiếng Hàn có những hiểu biết sâu rộng hơn về đất nước, con người và văn hóa Hàn Quốc, diễn giải, trình bày được cơ bản một số những giá trị văn hóa của Việt Nam bằng tiếng Hàn.

- Về kĩ năng: Sử dụng tương đối thành thạo tiếng Hàn như một công cụ giao tiếp thông qua bốn kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt ngôn ngữ với những chủ đề quen thuộc có liên quan đến cuộc sống hàng ngày, nhà trường, môi trường xã hội ... Sử dụng tiếng Hàn để theo đuổi mục tiêu học tập cao hơn hoặc có thể làm việc ngay sau khi học xong cấp trung học phổ thông; biết áp dụng các phương pháp học tập khác nhau để nâng cao hiệu quả, tiết kiệm thời gian học tập, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc học và tự học, tự đánh giá và chịu trách nhiệm về kết quả học tập, hình thành thói quen học tập suốt đời.

- Về thái độ: Có thái độ tích cực, yêu thích đối với môn học và việc học tiếng Hàn, bước đầu biết sử dụng tiếng Hàn để tìm hiểu các môn học khác ở bậc phổ thông.

Quý Nguyễn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,555

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn