18/04/2012 08:04 AM

- Góp ý cho dự thảo luật Xử phạt vi phạm hành chính, Bộ Tài chính và Bộ Công an đề xuất một số biện pháp đơn giản hóa thủ tục nộp phạt cho người dân.



Nộp phạt qua ngân hàng

Tại buổi tọa đàm tham vấn về dự luật ngày 17/4, Bộ Tài chính cho rằng trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, nên thí điểm thu qua tài khoản ngân hàng theo cơ chế bắt buộc mở tài khoản đối với một số đối tượng trên một số địa bàn thí điểm.

Hiện nay, trên thực tế, cách làm này đang gặp một số vướng mắc như: người dân vẫn quen dùng tiền mặt, việc mở tài khoản ngân hàng và thanh toán qua thẻ chưa phổ biến, cách làm này vẫn dừng ở mức khuyến khích chứ chưa bắt buộc và chưa có chế tài xử lý.

Mặt khác, thủ tục nộp phạt qua ngân hàng vẫn không đơn giản hơn nộp phạt bằng tiền mặt, người vi phạm phải chứng minh đã chuyển tiền nộp phạt mới được lấy lại giấy tờ, phương tiện bị tạm giữ, còn phải chịu thêm chi phí chuyển tiền.

Ông Đỗ Văn Cương: Phân cấp thẩm quyền thu phạt đến từng cán bộ để dân đỡ mất công đi lại nộp phạt. Ảnh: Chung Hoàng

Bộ Tài chính lập luận rằng nếu có thể nghiên cứu rút gọn các thủ tục nộp phạt vi phạm gia thông qua ngân hàng, sẽ giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đối với xã hội so với việc thu phạt bằng tiền mặt.

Bên cạnh đó là giảm chi phí quản lý đối với kho bạc, đồng thời hạn chế hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra khi thu phạt vi phạm giao thông bằng tiền mặt.

Theo các quy định hiện hành, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính vẫn nộp phạt theo hai hình thức: 1, nộp tại kho bạc trong vòng 10 sau khi bị xử phạt; 2, nộp tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt nếu mức phạt không quá 200.000 đồng hoặc ở các vùng xa xôi, hẻo lánh, trên sông, trên biển, điều kiện đi lại khó khăn.

Bộ Công an đề nghị phân cấp mạnh thẩm quyền thu phạt đến từng cán bộ để đỡ cho người dân công đi lại nhiều lần để nộp phạt. “Nhiều trường hợp người vi phạm giao thông là người tỉnh khác, chi phí đi lại để nộp phạt còn tốn kém hơn tiền phạt, dễ dẫn đến tâm lý hối lộ cho xong”, ông Đỗ Văn Cương, Vụ Pháp chế, Bộ Công an nói.

Bộ Tài chính quy định khi xử phạt tại chỗ, phải có bảng kê biên lai thu tiền phạt giao cho người bị xử phạt, tiền phạt phải được nộp về kho bạc nhà nước.

Lên báo, đài tìm chủ tang vật


Bộ Công an cho rằng đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận, hoặc không biết rõ chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp, cần có thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân đến nhận hoặc tham gia đấu giá.

Hiện nay, do chưa có quy định thống nhất, mỗi địa phương làm một cách, dễ xảy ra tình trạng thông đồng trong việc tổ chức đấu giá, hạn chế cá nhân, tổ chức đủ điều kiện và có nhu cầu tham gia đấu giá, thất thu cho ngân sách nhà nước.

Theo ông Đỗ Văn Cương, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là một biện pháp quan trọng nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm, đồng thời đảm bảo xử phạt đầy đủ. Song trong thực tế đang có tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ ngày càng nhiều và tồn đọng số lượng lớn chưa được xử lý.

Đối với những tang vật, phương tiện giá trị lớn, đã có quy định về việc bán đấu giá, nhưng có những tang vật, phương tiện giá trị nhỏ hơn so với tiền phạt đã bị chủ sở hữu bỏ lại, dẫn đến chi phí lớn cho lưu kho, bảo quản, bến bãi của các cơ quan xử phạt.
Dự thảo luật Xử lý vi phạm hành chính, được nâng lên từ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, được trình và cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ hai QH khóa XIII.

Chung Hoàng

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,791

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn