14/02/2012 08:23 AM

Theo PGS-TS Phạm Xuân Mai, giảng viên khoa Kỹ thuật giao thông ĐH Bách khoa TP HCM, việc đổi giờ cần đúng đắn, khoa học nếu không công chức dễ bớt xén giờ cơ quan để đưa đón con.

- Là người công tác trong lĩnh vực giao thông và giáo dục, ông đánh giá thế nào về phương án đổi giờ học, giờ làm ở Hà Nội?

- Tôi không phản đối phương án đổi giờ của Bộ Giao thông Vận tải vì việc này các nước đã làm. Hơn nữa ở thời điểm này "căn bệnh giao thông" của Việt Nam đã quá trầm kha thì biện pháp này là cần thiết. Song, đây chỉ là một giải pháp tình thế. Nếu xem là một "chiếc đũa thần" để cứu chữa tình trạng kẹt xe tại Hà Nội thì đó là điều không tưởng.

Việc điều chỉnh giờ làm của Hà Nội không đúng logic, không nằm trong một bức tranh chung của "các giải pháp ùn tắc giao thông". Bộ Giao thông Vận tải cần có một chiến lược rõ ràng, tổng thế, vạch ra các giải pháp. Trong đó cần xác định cái nào làm trước, cái nào sẽ làm sau, cái nào mang tính tình thế, cái nào mang tính chiến lược và nói cho người dân hiểu nếu không họ có quyền nghi ngờ.

Còn việc điều chỉnh học sinh THPT học đến 19h là không ổn, không tốt đối với nhịp sinh học của các em. Tôi cũng là một giảng viên đại học, theo tôi, học đến 19h có thể áp dụng đối với sinh viên chứ với học sinh cấp 3 sẽ tác động không tốt đến kết quả học tập của các em.

- Như vậy tính khả thi giảm ùn tắc giao thông của phương án đổi giờ làm, giờ học này đến đâu?

- Theo tôi, nếu có kết quả cũng chỉ giảm được tối đa 10% vì lượng xe trên đường vẫn đông. Nếu không ùn chỗ này thì có thể ùn chỗ khác. Nó không thể chữa hết tận gốc "căn bệnh giao thông" của đô thị Việt Nam mà chỉ là "liều thuốc giảm đau" mà thôi.

Vấn đề mấu chốt và quan trọng nhất vẫn là phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm lượng xe cá nhân lưu thông trên đường, gia tăng quỹ đất dành cho giao thông. Ví dụ TP HCM, hiện quỹ đất dành cho giao thông rất ít trong khi có đến 5 triệu xe máy, nửa triệu ôtô, thì dù chúng ta có điều chỉnh giờ cỡ nào đi nữa xe cộ ngoài đường vẫn đông, đường vẫn tắc.

- TP HCM vừa đưa ra dự thảo đổi giờ, điều chỉnh giờ học các cấp muộn hơn 15 phút còn giờ làm hầu như không đổi. Ông đánh giá thế nào về phương án này?

- TP HCM có nhiều điểm khác với Hà Nội. Tuy không có nhiều cơ quan trung ương trên địa bàn nhưng lại có nhiều trung tâm thương mại, dịch vụ mua sắm. Đến cả thói quen đi lại, lối sống... cũng khác thì không thể "sao chép" phương án đổi giờ của Hà Nội áp dụng với Sài Gòn.

Nhưng với phương án điều chỉnh chỉ 15 phút như thế thì cũng không thay đổi được bao nhiêu. Dòng xe lưu thông trên đường cứ nối tiếp nhau, hết đợt này đến đợt khác, với khoảng thời gian ngắn như vậy tôi e khó có được kết quả mong muốn.

- Nếu được đề nghị đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch đổi giờ học, giờ làm cho TP HCM, ông sẽ đề xuất gì?

- Theo tôi, chỉ nên thử nghiệm vào các nhóm có thời gian di chuyển cố định trước như học sinh THPT, sinh viên và các cán bộ công chức làm việc cố định. Đối với các cấp học nhỏ hơn phụ thuộc vào phụ huynh đưa đón, những người làm việc thời gian không cố định, thường xuyên ra ngoài cũng chưa nên điều chỉnh. Ngoài ra, khối THPT có thể điều chỉnh học đến 18h như ở Hà Nội, các em ở độ tuổi này có thể tự về nhà mà không cần bố mẹ đưa đón. Còn sinh viên có thể học đến 19h vì các em đã lớn sẽ tự lo cho mình được.

Theo PGS - TS Phạm Xuân Mai, đổi giờ học, giờ làm việc chỉ là giải pháp tình thế, khó có thể giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM. Ảnh: H.C.

Một điều nữa là chúng ta nên xem lại thời gian tan trường của các em mầm non và của cán bộ nhân viên công chức. Hiện nay chúng ta quy định khối mầm non ra về lúc 16h, trong khi cán bộ, công chức phải đến 17h mới hết giờ làm việc. Như vậy họ khó có thể giải quyết ổn thỏa việc đưa đón con nếu không "ăn cắp" giờ của nhà nước.

Mặt khác, cũng nên đưa các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại vào kế hoạch đổi giờ bởi cũng là những đối tượng ảnh hưởng rất nhiều đến việc lưu thông trên đường. Thời gian mở cửa nên trễ hơn, hiện nay là 8h thì có thể lùi đến 9-10h sáng.

Ngoài ra, việc xây dựng kế hoạch đổi giờ làm, giờ học cũng là dịp để TP HCM xem lại việc nên đưa vận tải hành khách công cộng vào ngành giáo dục như ở các nước. Các em học sinh mầm non, tiểu học... đa số vẫn phải có sự đưa đón của phụ huynh, nếu giải quyết được việc đưa đón các em từ nhà đến lớp thì cũng sẽ giảm được một lượng xe cá nhân đáng kể trên đường.

- Sau một thời gian ngắn thực hiện đổi giờ học, giờ làm đã xảy ra thực trạng "chưa thấy hay chỉ thấy khổ", theo ông Hà Nội có nên tiếp tục?

- Phải tiếp tục chứ. Đây là giải pháp có thể giảm ùn tắc phần nào việc quá tải giao thông hiện nay, nhưng cần điểu chỉnh những gì chưa phù hợp. Chẳng hạn như việc Hà Nội điều chỉnh giờ học của khối THPT xuống còn 18h cũng là một điều chỉnh đúng. Đã gọi là thử nghiệm là phải có quá trình, thay đổi và thích nghi từ từ.

Theo Vnexpress

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,552

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn