Bất cập trong Luật đất đai

07/02/2012 08:14 AM

TT - Sau vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng), nhiều chuyên gia cho rằng cần nhanh chóng sửa Luật đất đai. Bởi thực tế luật này đang bộc lộ nhiều bất cập, trong đó nổi bật là vấn đề hạn điền và thời gian giao đất.

Tuổi Trẻ xin giới thiệu câu chuyện điển hình về sự bất cập này.

Nhiều đất nhưng không được đứng tên

Ông Võ Quan Huy (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) được xem là một trong những nông dân có nhiều đất sản xuất nông nghiệp với 550ha. Nhiều đất, nhưng theo quy định ông chỉ đứng tên rất ít, còn lại phải nhờ người khác đứng tên.



Ông Võ Quan Huy trên cánh đồng của mình ở Long An - Ảnh: Quang Vinh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huy “móc ruột” nói cách làm giàu của mình mấy chục năm qua và những trăn trở về chính sách đất đai hiện nay.

Nghề nông cần cù sẽ không nghèo

* Hồi nhỏ ông làm nghề cày thuê kiếm sống. Sao bây giờ ông có nhiều đất quá vậy?

- Tôi có nhiều đất nhưng không phải là nông dân giàu nhất đâu. Tôi làm ra bao nhiêu tiền thì nghĩ ngay đến việc phải mua đất để sản xuất. Cứ như thế bây giờ tôi có hơn 550ha đất ở Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tây Ninh... Bây giờ già rồi nhưng tôi vẫn còn “nghiện” mua đất nữa đó.

* Ông tích tụ đất như thế nào?

- Năm 1969 tôi mua máy cày đi cày thuê. Đến năm 1979 tôi đưa máy cày đến các vùng kinh tế mới, nơi mà mọi người làm không nổi bỏ về hết, để xin khai hoang. Lúc đó Nhà nước có chủ trương khuyến khích khai hoang nên tôi lao vào làm. Lúc đầu tôi đi Tây Ninh, sau đó qua Bình Dương khai hoang trồng mía. Khai hoang xong ở Bình Dương tôi trở lại nông trường Bời Lời ở Tây Ninh xin khai hoang tiếp. Khi trả hết nợ ngân hàng tôi lại vay mua đất tiếp. Xong tôi lao vào làm việc cật lực để trả nợ.

* Làm nông nghiệp là công việc khá vất vả, vì sao khi có tiền ông không đầu tư sản xuất, kinh doanh mà đi mua đất?

- Trong xã hội thì phải có nông dân, thương nhân, công nhân, trí thức. Tôi xuất thân là nông dân. Tôi học không bằng người khác, nhưng quan trọng nhất là tôi đam mê nghề nông nên phải làm nông dân thôi. Tôi mê nghề nông đến mức nhiều lần đổ vốn trồng mía, nuôi tôm bị mất trắng tôi vẫn tiếp tục làm. Tôi nghĩ nghề nông nếu cần cù, tâm huyết sẽ làm được, sẽ không thể nghèo. Tôi là nông dân nhưng con cái tôi được ăn học đàng hoàng, cũng kỹ sư, thạc sĩ. Học xong tụi nó về làm ruộng với tôi vì tụi nó cũng đam mê nghề nông giống tôi.

* Ông có thể tiết lộ giá trị tài sản hiện nay là bao nhiêu không?

- Hiện nay tôi đang còn mê mua thêm, chưa có ý định bán nên không biết giá trị đất đó là bao nhiêu. Ở Bình Dương tôi có hơn 80ha, ở Bời Lời (Tây Ninh) 70ha, Long An 240ha, Sóc Trăng hơn 100ha và ở Bạc Liêu 60ha. Tôi vẫn nuôi tôm, trồng cây ăn trái, trồng mía tùy điều kiện từng nơi.

* Nghe nói ông thường xuyên phải ăn, ngủ trên ôtô vì phải di chuyển liên tục qua các tỉnh này để điều hành sản xuất?

- Tôi bị “nghiện” đất rồi nên vẫn đang đi tìm đất đây. Mấy hôm nay tôi đang tìm khoảng 200-500ha đất ở miền Đông Nam bộ để trồng cao su. Có người kêu bán mà không dám mua vì giấy tờ không rõ ràng. Nghịch lý là người cần đất sản xuất thì không có, còn người giành đất để... bỏ hoang. Sau cao su, tôi cũng tìm đất mở trang trại nuôi heo giống cung cấp cho bà con nông dân.

Nên sửa Luật đất đai

* Nghe nói ông sở hữu nhiều đất nhưng phần lớn do người khác đứng tên?

- Đúng rồi. Nhà nước khuyến khích dân tích tụ ruộng đất nhưng chỉ giao đất 20 năm và quy định hạn điền. Hiện nay ở các tỉnh nơi tôi có đất như Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Sóc Trăng hạn điền không giống nhau. Ở Long An mỗi hộ được giao quyền sử dụng 40ha đất. Ở Sóc Trăng có lúc cho đứng tên hơn chục hecta, còn lại phải mượn bà con đứng tên giùm. Làm như vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro lắm.

* Ông có thể nói rõ về sự rủi ro đó là gì?

- Tôi tin tưởng rằng 70-80% người dân mà tôi nhờ đứng tên đất đai không có ý phản lại tôi. Với truyền thống đạo đức của người VN và tình nghĩa tôi đối với họ thì tôi cũng có thể yên tâm. Nhưng với việc ràng buộc thời hạn giao đất cũng sẽ có những mối rủi ro đến từ những người đứng tên giùm.

Nông dân luôn tin Đảng và mong muốn được làm chủ mảnh đất mà mình đã đầu tư tạo ra. Nhưng có những vấn đề về đất đai phát sinh trong thực tế lãnh đạo ở trên không thấu hiểu được. Nông dân không an tâm đầu tư sản xuất cũng chính do hạn điền và thời hạn giao đất. Tôi đề nghị nên nghiên cứu sửa Luật đất đai. Phải làm sao để nông dân Võ Quan Huy và hàng chục triệu nông dân khác được thoải mái sản xuất hoài hoài chứ đừng có trở thành như ông Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng). Có gì cay đắng bằng việc mình đổ công sức đầu tư xong thì bị thu hồi đất chứ!

* Nói vậy có nghĩa là dù ông có nhiều đất nhưng không yên tâm sản xuất trên đất của mình?

- Tôi có đất nhiều, Nhà nước bắt phải thành lập công ty. Bây giờ đất đai tài sản ở nhiều dạng, nhiều nơi như vậy tôi chẳng biết hạch toán thành lập cách nào cả. Tôi cũng muốn đi học nhưng thời gian qua gặp tôm chết, rồi chuyện này chuyện nọ xảy ra nên tôi không còn thời gian, tâm trí nào để đi học. Tôi đang lo vì tôi đang làm sai, không thành lập công ty theo quy định. Rồi chuyện hạn điền, thời gian giao đất... Nói chung là chỉ dám làm bình bình thôi chứ không an tâm đầu tư làm lớn.

Theo tôi, cần phải tách bạch từng loại đất. Đất do nông dân đổ mồ hôi, thậm chí xương máu để khai hoang thành đất màu mỡ như bây giờ thì phải có chính sách khuyến khích riêng. Mấy chục năm qua Nhà nước đều khuyến khích khai hoang, phục hóa. Phong trào khai hoang Đồng Tháp Mười và miền Đông đã đi vào thơ ca, đã in sâu vào tâm trí của biết bao thế hệ. Do đó, cần phải tiếp tục có chính sách thoáng để khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất trên đất khai hoang.

Muốn sản xuất lớn, muốn nền nông nghiệp VN lớn mạnh thì phải có nhiều đất. Nhưng nhiều đất như tôi lại bị vướng hạn điền và thời hạn giao đất thì không thể sản xuất lớn được.

Q.VINH - VÂN TRƯỜNG thực hiện

* Ông Lê Minh Đức (giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An):

Người nông dân điển hình

Tôi biết khá rõ về ông Võ Quan Huy. Đây thật sự là một nông dân điển hình của cả nước cả về thái độ lao động cần cù để vươn lên làm giàu, cũng là người đi đầu trong nền sản xuất lớn. Ông Huy là một tấm gương đáng được biểu dương và để mọi nông dân khác học tập.

Tôi cũng đồng ý đề xuất của ông Huy về việc sửa đổi Luật đất đai vì quy định hiện hành không kích thích nông dân tích tụ ruộng đất, không làm nông dân an tâm đầu tư sản xuất lớn. Nếu sửa quy định hạn điền và thời hạn giao đất mới tạo động lực cho ông Huy và nhiều nông dân khác đầu tư.

* Ông Đỗ Hữu Lâm (chủ tịch UBND tỉnh Long An, đại biểu Quốc hội):

Tài sản đó là mồ hôi, nước mắt

Tôi biết chương trình nghị sự năm 2012 của Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật đất đai (sửa đổi, bổ sung). Hiện nay tôi và các đại biểu khác đang nghe ngóng, nắm tình hình thực tế để có ý kiến đóng góp cho dự án luật này. Quan điểm của cá nhân tôi là rất cần thiết phải sửa luật, trong đó quan trọng là sửa quy định hạn điền và thời hạn giao đất. Ông Võ Quan Huy đang nắm trong tay nhiều đất, nhưng ông lo lắng không dám đầu tư là phải vì đất đai đó được tích tụ mấy chục năm trời từ mồ hôi, nước mắt của cả gia đình ông. Hàng triệu nông dân khác cũng vậy.

V.TR. ghi



Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,556

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn