28/12/2011 09:05 AM

(Đất Việt) Tiền lương của cán bộ, công chức quá thấp thì sẽ xảy ra hội chứng “tước đoạt để bù đắp” trong thực thi công việc, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng và chảy máu chất xám.

Đây là thực trạng được nhiều chuyên gia đề cập tại hội thảo “Định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013-2020” do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 26.12 tại Hà Nội.

3 phương án tính lương tối thiểu

Theo Bộ Nội vụ, mặc dù đã tăng, nhưng lương tối thiểu chung vẫn chỉ bằng 75%  lương tối thiểu vùng thấp nhất (vùng IV: 1,4 triệu đồng/tháng) và bằng 52,5%  lương tối thiểu vùng cao nhất (vùng I: 2 triệu đồng/tháng).

Do vậy, định hướng cải cách tiền lương giai đoạn 2013-2020, phương pháp xác định mức  lương tối thiểu theo nhu cầu là chủ đạo, có tham chiếu đến các điều kiện kinh tế như khả năng của nền kinh tế, mức tiền công trên thị trường, việc làm, thất nghiệp… Theo đó, mức  lương tối thiểu dành cho cán bộ, công chức trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội sẽ có ba phương án là 2.000.000 đồng/tháng, 1.680.000 đồng/tháng và 3.150.000 đồng/tháng. Đối với viên chức sự nghiệp, có hai phương án là mức  lương tối thiểu được áp dụng như lương tối thiểu vùng của doanh nghiệp (4 vùng) và áp dụng như  lương tối thiểu của cán bộ, công chức.

Lương công chức cần đảm bảo được đời sống và hướng đến hiệu quả trong thực thi công vụ. Ảnh: Như Ý

Về quan hệ mức  lương tối thiểu trung bình - tối đa, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra 2 phương án. Thứ nhất là theo cách tiếp cận tương quan với khu vực thị trường thì quan hệ trên sẽ biểu hiện ra ở các bậc lương 1-3,2-15, tương ứng với 830.000-2.656.000-12.450.000 đồng/tháng. Phương án 2 dựa trên cách tiếp cận độ phức tạp lao động sẽ là các bậc 1-3,5-15, tương ứng với 830.000-2.905.000-12.450.000 đồng/tháng.

Ông Đoàn Cường, Vụ trưởng Vụ tiền lương, Bộ Nội vụ, cho biết tiền lương của cán bộ, công chức phải đặt trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương, thu nhập của thị trường. Nếu không thỏa mãn tốt quan hệ này mà tiền lương của cán bộ, công chức quá thấp thì sẽ xảy ra hội chứng “tước đoạt để bù đắp” trong thực thi công việc, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng và chảy máu chất xám từ khu vực nhà nước ra khu vực thị trường. Bởi theo ông Cường, hiện, mức  lương tối thiểu chung chỉ bằng 58,1% mức chi tiêu bình quân một nhân khẩu năm 2011 là quá thấp và không đủ đáp ứng các nhu cầu hạn chế. Vì thế, cần có một phương án lương mới.

Trả lương theo chất lượng công việc

Về những phương án do Bộ Nội vụ đưa ra, ông Trần Xuân Cầu, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho rằng, ông chưa cảm nhận được sự “cách mạng” trong cải cách tiền lương lần này, bởi chưa thấy đề cập cải cách tiền lương gắn liền với nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, làm thay đổi nhận thức, ý thức trách nhiệm với công việc và tinh thần phục vụ. Hơn nữa, Bộ Luật Lao động đã quy định, mức lương tối thiểu phải căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng (gắn liền với lạm phát), phải bảo đảm không chỉ tái sản xuất mà còn phải tích lũy một phần cho tái sản xuất mở rộng. “Trong cơ cấu nhu cầu tối thiểu đã tính tới yếu tố này chưa? Việc xác định nhu cầu tối thiểu nhằm xác định mức sống tối thiểu, từ đó mới xác định mức sống cho các nhóm xã hội khác nhau”, ông Cầu nói.

TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội, cũng cho rằng cải cách chính sách tiền lương phải thoát ra được cái vòng luẩn quẩn của những lần cải cách trước đây. Đó là chính sách tiền lương thấp, không đủ sống nhưng thu nhập ngoài lương lại rất cao, mỗi lần tăng  lương tối thiểu lại làm cho gánh nặng ngân sách tăng và lần cải cách sau lại lặp lại những vẫn đề cần giải quyết như lần trước. Do vậy, theo TS Dũng, mục tiêu cải cách tiền lương lần này phải bảo đảm tiền lương chiếm phần lớn (75- 85%) tổng thu nhập của cán bộ, công chức trên cơ sở tiêu chuẩn chức dánh cán bộ, công chức, viên chức và hiệu quả công việc. Theo ông Dũng, việc CCTL phải xác định rõ lộ trình thực hiện trả lương theo vị trí và hiệu quả công việc.

Mạnh Đồng

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,764

Bài viết về

Cải cách tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn