22/12/2011 11:42 AM

- "Nghiên cứu xây dựng định hướng cải cách tiền lương. Bố trí kinh phí để thực hiện cải cách tiền lương công chức, góp phần nâng cao chất lượng hành chính và phòng chống tham nhũng", đây là một trong các mục tiêu tổng quát được Chính phủ xác định cho năm tới.

Hôm nay (22/12), Chính phủ và các bộ ngành, địa phương họp tổng kết công việc năm 2011 và triển khai kế hoạch năm 2012.

Hạn chế tối đa việc cắt điện

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nêu tóm tắt chỉ tiêu và giải pháp kinh tế - xã hội năm 2012.

Mục tiêu tổng quát của năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ tập trung vào thực hiện 7 nhóm giải pháp kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại.

Trước hết, chính sách tiền tệ được thực hiện chặt chẽ, thận trọng. Bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 15 - 17%. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường vàng, ngoại tệ. Giám sát thực hiện chỉ số an toàn của hệ thống tài chính.

Lãnh đạo bộ ngành và địa phương trò chuyện giờ giải lao hội nghị

Năm 2012, phấn đấu giảm bội chi xuống dưới 4,8%. Kiểm soát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nghiên cứu xây dựng định hướng cải cách tiền lương, bố trí kinh phí để thực hiện cải cách tiền lương công chức, góp phần nâng cao chất lượng và chống tham nhũng.

Hoàn chỉnh cơ chế quản lý nợ Chính phủ, nợ công bảo đảm luôn trong giới hạn an toàn. Bố trí nguồn trả nợ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn.

Dự thảo nghị quyết Chính phủ cũng nêu rõ, Chính phủ sẽ tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả. Bộ Tài chính tăng cường rà soát hoàn thiện các quy định về kiểm soát giá cả, ngăn chặn các hiện tượng đầu cơ về giá. Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường với điện, than, nước sạch và dự báo tác động của biến động giá các mặt hàng này với chỉ số giá tiêu dùng.

Để tái cơ cấu, Chính phủ xác định 4 nhóm giải pháp, trong đó có việc bảo đảm cung ứng điện. Theo đó, các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ các dự án điện. Bộ Công thương chủ trì với các cơ quan rà soát các quy định về sản xuất, cung ứng,, tiêu dùng điện. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng điện của các doanh nghiệp, dự án. Ngành điện xây dựng kế hoạch cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất. Trong năm 2012, hạn chế tối đa việc cắt điện.

Về nhóm giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh, Chính phủ xác định trọng tâm là phải tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Tiếp tục tăng và củng cố khả năng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và khả năng đối phó với nhiệm vụ đột xuất phát sinh.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư tiếp tục rà soát các dự án trồng rừng có vốn nước ngoài thuộc các nhóm đầu tư có điều kiện. Chỉ đạo các tỉnh thực hiện việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư tại các dự án trồng rừng của nhà đầu tư nước ngoài để giao đất cho nhân dân tại địa phương.

Về đối ngoại, tiếp tục thúc đẩy giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ với các nước. Xử lý tốt vấn đề phát sinh. Tích cực trao đổi với các nước liên quan để thúc đẩy hợp tác trên biển. Kiên quyết đấu tranh trước mọi hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam trên Biển Đông.

7 nhóm giải pháp trên sẽ được Chính phủ kiên quyết chỉ đạo thực hiện.

Nợ  vẫn trong giới hạn

Trước đó, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh tổng kết sơ lược tình hình thực hiện các chủ trương kinh tế - xã hội năm 2011.

Theo đó, nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về kiềm chế lạm phát, ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng an ninh. Tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,9%, mức khá cao trong điều kiện phải tập trung kiềm chế lạm phát. Chính phủ đã thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, duy trì bảo đảm ổn định hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng.  Tính chung cả năm, tổng phương tiện thanh toán ước tăng khoảng 10% so với năm trước. Tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 12%.

Thị trường ngoại hối ổn định hơn sau khi đã tăng giá mạnh vào đầu năm. Chênh lệch tỷ giá thị trường chính thức và tự do đang ngày càng được thu hẹp dần. Thực hiện cắt giảm chi thường xuyên, tổng số tiền tiết kiệm được là 3.857,7 tỷ đồng.

Bội chi cả năm ở khoảng 4,9%, thấp hơn so với mục tiêu ban đầu (5,3%). Đến hết 2011, ước dư nợ công khoảng 54,6% GDP. Dư nợ Chính phủ khoảng 43,6% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 41,5% GDP. Vẫn nằm trong giới hạn an toàn an ninh tài chính quốc gia.

Thực hiện chủ trương cắt giảm các dự án đầu tư công kém hiệu quả, Chính phủ đã đã cắt giảm, điều chuyển 81.500 tỷ đồng. Nhờ đó, số dự án được hoàn thành trong năm 2011 được tăng thêm 1.053 dự án. Như vậy, tính chung cả năm có khoảng 4.400 dự án được hoàn thành đưa vào sử dụng.

2011 cũng là năm Chính phủ thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đến nay, các bộ ngành đều đang khẩn trương triển khai xây dựng các đề án, trong đó trọng tâm là đầu tư công, tái cấu trúc DNNN...

Các bộ ngành, địa phương đã ưu tiên  bảo đảm nguồn lực tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt trên các vùng biển đảo. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Tiếp tục thúc đẩy giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ với các nước, xử lý tốt vấn đề nảy sinh. Tích cực trao đổi với các nước liên quan để thúc đẩy hợp tác trên biển. Kiên quyết đấu tranh trước mọi hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam trên Biển Đông.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần được khắc phục.

Chẳng hạn, kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định, lạm phát và lãi suất tín dụng tuy giảm nhưng vẫn cao. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu tăng lên, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại gặp khó khăn. Áp lực với tỷ giá còn lớn, thị trường chứng khoán và bất động sản giảm sút. Một số DN phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản. 10% tổng số DN phải ngừng hoạt động hoặc phá sản. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng do tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế vẫn còn chậm.

Những vấn đề tồn tại của năm 2011 và kế hoạch năm 2012 sẽ được thảo luận trong phiên họp hôm nay và ngày mai.

                    Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2012:

GDP tăng khoảng 6 - 6,5%. Bội chi giảm dưới 4,8% GDP. Chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%. Giảm nhập siêu xuống dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội khoảng 33,5% GDP.

Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%.

Lê Nhung

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,633

Bài viết về

Cải cách tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn