Những thông tin chưa từng tiết lộ từ điều tra viên trong “Kỳ án hiếp dâm“

15/12/2011 16:36 PM

Thời gian qua, dư luận lên tiếng nhiều về dấu hiệu oan sai liên quan đến việc khởi tố, truy tố, xét xử đối với 3 chàng trai ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông.

Tiếp nhận đơn thư khiếu nại, điều tra viên nhiều kinh nghiệm của CA TP Hà Nội đã phát hiện ra các tình tiết cho thấy họ kêu oan có cơ sở. Về "kỳ án" này, ông Lã Ngọc Tỉnh, nguyên Phó Thủ trưởng CQ CSĐT - CA TP Hà Nội chia sẻ những thông tin chưa được tiết lộ…
 
Thưa ông, ông biết đến vụ án này như thế nào?
 
Khi đó, tôi là Đại tá, Chánh Văn phòng kiêm Phó Thủ trưởng CQ CSĐT - CA TP Hà Nội. Năm 2009, tôi được Phó Giám đốc, Thủ trưởng CQ CSĐT - CA TP Hà Nội giao chỉ đạo, xác minh, xem xét, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các ông: Nguyễn Đình Lộc, Nguyễn Đình Thìn, Nguyễn Đình Nghĩa (bố của 3 bị án) và bà Nguyễn Thị Hồng (mẹ nuôi của 3 bị án).
 
Qua thẩm tra, xác minh đơn khiếu nại, tố cáo của họ thấy rằng, CQ CSĐT Công an tỉnh Hà Tây (cũ), VKSND tỉnh Hà Tây (cũ) đã khởi tố, bắt tạm giam, bỏ tù 3 thanh niên không có căn cứ, vi phạm nghiêm trọng Bộ Luật Tố tụng Hình sự. Văn phòng CQ CSĐT - CA TP Hà Nội đã báo cáo và đồng chí Thủ trưởng CQ CSĐT - CA TP Hà Nội nhất trí, yêu cầu đưa ra để báo cáo lãnh đạo 3 ngành tố tụng TP Hà Nội (công an, kiểm sát, tòa án). Lãnh đạo 3 ngành cũng thống nhất với ý kiến này.
Thông tin ba chàng thanh niên bị bắt đi tù trở lại là thông tin thất thiệt.
Thông tin ba chàng thanh niên bị bắt đi tù trở lại là thông tin thất thiệt.

Ông có thể chỉ ra những điểm vi phạm tố tụng nào?

 
Có rất nhiều tình tiết "tố" cái sai của CQ CSĐT tỉnh Hà Tây (cũ):
 
Thứ nhất, xác định sai hiện trường vụ án. Vụ án xảy ra ở xã Dương Nội nhưng biên bản hiện trường lại xác định ở xã Yên Nghĩa. Khi khám nghiệm hiện trường, không mời những người biết hiện trường (2 bị hại, một số bộ đội của đơn vị A40 được bị hại dẫn ra chỉ nơi xảy ra vụ án) tham gia.
 
Thứ 2, về tang vật vụ án, bị hại Nguyễn Thị Hồng H nhặt áo phông ở hiện trường nộp cho công an xã giao cho CA tỉnh Hà Tây (cũ) không lập biên bản. Chị H khai, tối 24-10-2000, tên cưỡng hiếp chị cuối cùng bỏ lại 1 chiếc áo phông cộc tay kẻ ngang màu xanh, vàng; cổ bẻ màu đỏ. Chị giữ được chiếc áo này khi đối tượng bỏ chạy. Nhưng biên bản khám nghiệm hiện trường hồi 14g30 ngày 25-10-2000 thể hiện, thu giữ được 1 chiếc áo phông cộc tay màu đỏ, cổ chui có các sọc ngang màu vàng, xanh và đen.
 
Còn phiếu nhập vật chứng hồi 9g ngày 27-10-2000 và phiếu xuất vật chứng hồi 7g30 ngày 12-7-2001 lại ghi có 2 chiếc áo phông, 1 chiếc quần sịp nam nền xanh sọc xanh đỏ (1 chiếc cổ bẻ nền đỏ, sọc trắng đen cộc tay (đã niêm phong) và 1 chiếc áo phông cổ bẻ nền đỏ, sọc xanh trắng cộc tay). Hai chiếc áo này không đúng với đặc điểm chiếc áo mà bị hại Nguyễn Thị Hồng H nhặt được ở hiện trường. Điều đáng lưu ý, trong phiếu nhập, xuất kho vật chứng ghi là có niêm phong nhưng không hề có biên bản niêm phong. 
 
Thứ 3, thủ tục thu giữ ảnh của Lợi cho chị H nhận dạng không đúng, biên bản nhận dạng không có người chứng kiến.
 
Thứ 4, quá trình điều tra xác minh không triệt để, bỏ qua đối tượng Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Xuân Lân; không xác minh chiếc dép tổ ong bỏ lại hiên trường.
 
Thứ 5, lá thư Lợi gửi cho bố mẹ dặn khắc phục hậu quả (viết ngày 22-6-2001) được coi là chứng cứ buộc tội nhưng không có biên bản thu giữ bức thư, không rõ nguồn gốc, xuất xứ lá thư này.
 
Đã là sự thật thì chỉ có một, ở vụ án này, lời khai của các bị án, bị hại có phù hợp với hiện trường không, thưa ông?
 
Lời khai của họ rất mâu thuẫn. Cụ thể: 
 
Liên quan đến lời khai của Kiên về mương nước. Mương này sâu 4m, chiều rộng đáy mương là 8m, chiều rộng mặt bờ mương bên này sang bên bờ bên kia là 14m. Nhưng Kiên có 2 lời khai khác nhau, lúc nói, nước mương sâu đến đầu gối; lúc khai, sâu đến mắt cá chân. Trong khi anh H (người yêu của nạn nhân H) khẳng định, nước sâu đến thắt lưng. Sổ theo dõi nông lịch của Cty Quản lý Sông Đáy xác định, mực nước tại thời điểm đó sâu 1m (phù hợp lời khai của bị hại). 
 
Xung quanh hành vi "cướp", Lợi khai, dùng dao gí vào cằm anh H, đẩy anh H ngã xuống đất, lục túi áo lấy 180 nghìn đồng. Tình kéo chị H ra xa xong lại lục túi quần sau của anh H lấy ví. Còn anh H nói rằng, một tên gí dao vào người kéo anh xuống vệ mương, một tên thò tay vào túi quần phải lấy tiền, cũng chính tên này thò vào túi sau lấy ví.
 
Theo Lợi, sau khi cướp tài sản của anh H, Lợi quay đến chỗ để xe máy, tháo bugi vứt xuống mương rồi quay đến chỗ Kiên đang giữ chị H. Lợi dùng dao khống chế chị H tháo đồng hồ Senko mặt vuông của chị H, 1 nhẫn vàng ta và 1 đôi khuyên tai vàng tây. Chị H thì quả quyết, mất đồng hồ Rolex nữ mặt tròn. Trong khi, cả 2 bị hại lại khai, 3 tên đi đến chỗ hai người, một tên gí dao kéo anh H ra, một tên khác kéo chị H ra, tên này cởi đồng hồ đeo tay, khuyên tai, nhẫn. Như vậy là 2 tên thực hiện hành vi cướp của bị hại cùng một lúc chứ không phải như Lợi khai, cướp của anh H xong mới quay ra cướp của chị H.
 
Liên quan đến hành vi "hiếp", Lợi nói, cởi áo phông để bên cạnh, kéo quần đùi đến ngang đầu gối rồi giở trò với chị H đầu tiên. Chiếc áo bỏ lại hiện trường là của Lợi. Nhưng theo chị H, tên cướp đồng hồ và nhẫn hãm hiếp chị đầu tiên. Tên này mặc áo cộc tay, sát nách, màu sáng, cổ tròn, khi thực hiên hành vi đồi bại, tên này không cởi áo. Tên hiếp dâm chị thứ 2 cởi trần. Thủ phạm cưỡng hiếp chị cuối cùng bỏ lại chiếc áo phông cộc tay, cổ bẻ màu đỏ, kẻ ngang màu xanh, vàng và bị hại giữ được chiếc áo này.
 
Thưa ông, bằng chứng ngoại phạm của các bị án có bị bỏ qua không?
 
Anh Nguyễn Đình Cộng, công an viên thôn Nghĩa Lộ từng có đơn đề ngày 25-2-2002 gửi Tòa phúc thẩm - TAND TC trình bày, khoảng tháng 12-2000, anh được anh Bùi Viết Tách, Phó Công an xã giao nhiệm vụ đưa đồng chí Chiến - cán bộ Công an tỉnh Hà Tây (cũ) ghi lời khai của anh Nguyễn Văn Quang; các chị: Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thị Xuyến, Nguyễn Thị Doàn - đều trú tại thôn Nghĩa Lộ, xã Yên Nghĩa (nay là phường Yên Nghĩa). Các nhân chứng này cho biết, tối 24-10-2000, thấy Kiên, Tình, Lợi dự sinh nhật chị Doàn từ lúc 22g đến 22g30. Nhưng hồ sơ vụ án lại không có lời khai của họ.
 
Đáng chú ý, như lời bị hại, 3 tên này nói giọng La Cả, 1 đối tượng già, 2 người còn lại trẻ tuổi. Nhưng, 3 chàng trai là người Yên Nghĩa, tuổi từ 19 đến 20.
 
Ông có biết cuộc họp ngày 15-9-2011 của TANDTC bàn giải quyết vụ án không?
 
Tôi được biết là có. Cuộc họp này gồm đại diện Bộ CA, Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Cục 44, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, đại diện VKSND TC (chỉ có chuyên viên, không có lãnh đạo) và 3 ngành tư pháp Hà Nội, các cán bộ đã tham gia điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Tại cuộc họp này, cán bộ tòa án khẳng định, tuyên án đối với 3 bị án là đúng, không oan sai. Theo tôi, thành phần dự không hợp lý, do đó nội dung cuộc họp không thể vô tư. Phải chăng đây là một cuộc hội thảo, nhưng nếu là hội thảo thì tại sao không mời các luật sư bào chữa và những điều tra viên đã từng được xác minh, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
 
Thấy được dấu hiệu truy tố, xét xử oan sai với 3 bị án, ông đã làm gì lúc đó?
 
Để chân lý được sáng tỏ, tôi đã đề xuất lãnh đạo báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho thành lập tổ công tác nghiên cứu xem xét, đánh giá chứng cứ của vụ án trên, đảm bảo tính khách quan; cho phép Phòng PC44 phối hợp với C45 (Cục điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Bộ Công an) truy xét nguồn tin về 3 đối tượng gây án. Tuy nhiên khi những đề nghị này chưa được hồi âm, thì tôi đã nghỉ chế độ và mới đây nhận được tin Hội đồng thẩm phán TAND TC bác kháng nghị.
 
Việc bác kháng nghị vừa qua, ông suy nghĩ thế nào?
 
Người xưa có câu, án tại hồ sơ. Nhưng trường hợp này, xét xử, án không tại hồ sơ. Tôi không thể tưởng tượng là tòa lại tuyên như thế…
 
Xin cảm ơn ông! 
 
Theo PL&XH

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,324

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn