05/12/2011 08:45 AM

(Đất Việt) Tự chủ đại học là vấn đề nóng nhất của các cuộc hội thảo giáo dục gần đây cũng như trên bàn nghị sự của Quốc hội khi bàn về Dự thảo Luật GDĐH. Nóng ở chỗ cần giao quyền tự chủ cho trường nhưng giao thế nào để tránh việc các trường vừa đá bóng, vừa thổi còi?

Quan tâm đặc biệt tới vấn đề tự chủ, GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định, Dự thảo Luật GDĐH lần này là văn bản pháp luật quy định rộng rãi nhất, mở nhất quyền tự chủ cho trường đại học so với các văn bản khác từ trước đến nay. Các trường được tự quyết định chỉ tiêu, chương trình đào tạo, tự chủ tài chính, tự in ấn, cấp phát bằng.

Tự chủ phải có lộ trình

Khẳng định xu hướng trả lại quyền tự chủ cho các trường là hoàn toàn đúng, nhưng GS Thuyết cũng cho rằng, phải xem tình hình thực tế để có lộ trình đúng. “Hiện nay nếu buông hoàn toàn cho các trường thì dân cũng chưa tin tưởng được. Các trường có thể vì quyền lợi của mình mà tuyển sinh bằng bất kỳ giá nào, đào tạo bằng bất kỳ giá nào và cho điểm sinh viên rộng rãi để có bằng tốt mà không đảm bảo chất lượng”, GS Thuyết nói. Theo đó, ông Thuyết cho rằng, việc trao quyền tự chủ cho các trường phải có lộ trình và phù hợp với sự phân tầng đại học. Trường có truyền thống đào tạo tốt có thể trao quyền tự chủ hoàn toàn, các trường khác trao dần tùy từng mức độ.

Là người theo sát Luật GDĐH từ những lần dự thảo đầu tiên, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng nhận định rằng, Luật đã có rất nhiều bước tiến, trong đó có vấn đề tự chủ. Theo GS Thi, với điều kiện hiện nay nếu không phân loại các trường ra để giao quyền tự chủ xứng với khả năng thực hiện thì có thể xảy ra tình trạng không kiểm soát được chất lượng. “Vì vậy, chúng tôi ủng hộ việc giao quyền tự chủ có phân loại. Trường ĐH nào có khả năng nhiều hơn thì được giao quyền tự chủ nhiều hơn, nhưng vẫn hướng đến việc các trường đều vươn lên để được tự chủ. Đến lúc đó, chúng ta sẽ giao quyền tự chủ trọn vẹn cho các trường. Nhưng phải có quá trình chứ không đánh đồng tất cả trường yếu cũng như trường mạnh”, ông Thi nói.

Tới đây các trường ĐH sẽ được nâng cao tự chủ trong mọi hoạt động. Ảnh: Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội trong giờ học.


Không thể xin - cho
 
Đồng tình với phương án giao quyền tự chủ từng bước nhưng ông Thi cũng nhấn mạnh: Tự chủ không phải là xin - cho mà phải trên cơ sở đánh giá các điều kiện đào tạo một cách công bằng trên cơ sở kết qủa kiểm định chất lượng giáo dục.

Phân tích kỹ hơn vấn đề này, ông Nguyễn Quang Kính, nguyên Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT cho rằng, ban soạn thảo đã coi tự chủ là sự tưởng thưởng cho các cơ sở giáo dục theo sự phân loại của Bộ. “Cần hiểu tự chủ là cơ chế cần thiết để đạt được chất lượng trong đào tạo chứ không phải là đào tạo đạt chất lượng mới giao quyền tự chủ. Đã cho thành lập trường thì phải cho quyền tự chủ, nếu không thì có thể giải thể trường”, ông Kính kiến nghị.

Đồng tình với ý kiến của ông Kính, nhà văn Nguyên Ngọc, nhận định các điều khoản quy định về tự chủ trong Dự thảo Luật vẫn còn nhiều mâu thuẫn. “Đại học là nơi sản xuất tri thức cho xã hội chứ không chỉ là nơi truyền đạt tri thức. Muốn sản xuất tri thức phải có sự tự do tuyệt đối, đó là sự tự chủ”, ông Ngọc nói. Gay gắt hơn, ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Đại học Dân lập Phương Đông chia sẻ: “Nếu có một “cuộc chơi” là xét cho các trường được tự chủ, thà cứ để như hiện nay còn hơn”. Còn theo PGS.TS Phạm Bích San, các vấn đề Luật đưa ra có vẻ rất mới, rất tiến bộ nhưng do tư tưởng của ban soạn thảo vẫn là tư duy bao cấp nên vẫn không thoát khỏi vòng luẩn quẩn.

Tư tưởng xin - cho trong dự thảo Luật GDĐH, nhất là về quyền tự chủ của các trường cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn nhất khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT “đăng đàn”. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng, cho rằng tự chủ là linh hồn của giáo dục đại học nhưng Luật lại chỉ thể hiện rất chung chung.

Tuy nhiên, theo Dự thảo Luật GDĐH, để được tự chủ, các cơ sở giáo dục buộc phải thành lập hội đồng trường. Nhưng trong số hơn 400 trường đại học, cao đẳng, chỉ có khoảng 10 trường có tổ chức này. Ngay quy định về việc thành lập trường mà Bộ GD-ĐT quy định trong Dự thảo Luật cũng gặp không ít ý kiến trái chiều.

Như Quỳnh

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,965

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn