02/12/2011 13:53 PM

Một gia đình 5 người biến thành mục tiêu của tên sát nhân. Và trong cuộc tàn sát ấy, hắn đã giết chết 3 người.

Hồ sơ ghê rợn một vụ thảm sát 3 người
Hung thủ Lê Ngọc Chung.

Đúng 8g, chiếc xe chở phạm của Trại tạm giam Hà Nội từ từ lăn bánh vào sân tòa án

Trong thùng xe chỉ có duy nhất bị cáo Lê Ngọc Chung. Xem hồ sơ và viết về y đã nhiều, nhưng phải đến hôm xét xử sơ thẩm, tôi mới bố trí được thời gian và nhìn thấy y bằng xương bằng thịt…

Y trông nhỏ bé, nước da trắng xanh, cặp mắt hùm hụp, đôi môi tái và những sợi râu thưa mờ mờ trên mép. Cả đôi bàn tay y nữa, cái còng số 8 dường như quá rộng so với hai cổ tay y. Vậy mà đôi bàn tay ấy từng giết hại 3 người một lúc và có thể coi y là tên tội phạm nhỏ tuổi nhất nhưng có hành động dã man nhất từ trước đến nay.

Theo cáo trạng của VKSND thành phố Hà Nội, tháng 4-2007, Lê Ngọc Chung, (sinh ngày 31-5-1991, trú ở thôn Bạch Nao, xã Thanh Vân, huyện Thanh Oai, Hà Tây cũ) được một công ty dịch vụ việc làm giới thiệu đến cửa hàng của anh Đỗ Quốc Hùng, sinh năm 1966, trú tại số nhà 888 phố Minh Khai làm thợ rửa xe và dọn đồ nội thất xe ô tô, với mức lương 500.000 đồng/tháng. Làm việc được 20 ngày, giữa anh Hùng và Chung nảy sinh xích mích. Anh Hùng quyết định chấm dứt hợp đồng với Chung nhưng y xin được ở lại làm đến hết tháng và rắp tâm trả thù anh Hùng.

Ngày 29-4, Chung xin anh Hùng nghỉ việc để đi thăm bà nội bị ốm. Nhưng thực chất, ngày hôm đó, Chung đã đi tìm mua dao và kiếm. Khoảng hơn 1g sáng ngày 2-5, khi cả nhà chủ đang ngủ say, Chung mò lên gác 2 đâm chết cháu Đỗ Trung Nghĩa (con trai anh Hùng) và bà Đặng Thị Nữ (mẹ đẻ anh Hùng). Sau đó, y lên tiếp tầng 3 nơi vợ chồng anh Hùng và con nhỏ là Đỗ Trung Anh để "giết bằng hết". Vợ chồng anh Hùng vật lộn với tên sát nhân 1 lúc thì chạy thoát được ra ngoài.

Trong lúc anh Hùng đang giữ cửa nhốt tên Chung trong buồng, chị Trần Thị Nguyệt Nga (vợ anh Hùng) chạy xuống tầng 1 gọi điện cho cảnh sát 113, rồi chạy ra ngoài đường hô hoán. Bị nhốt trong phòng, Chung lồng lộn vung kiếm đâm cháu Trung Anh khiến anh Hùng phải lao vào giằng co với y. Bị Chung chém gần 30 nhát kiếm trên người, anh Hùng hôn mê bất tỉnh và tử vong sau đó vài ngày. Chị Trần Thị Nguyệt Nga, cháu Trung Anh may mắn thoát chết.

Hồ sơ ghê rợn một vụ thảm sát 3 người, An ninh - Hình sự, tham an, giet nguoi, giet 5 nguoi, vu an, an mang, trong an, bao

Mẹ của bị cáo tại phiên tòa.

1. Lúc này chỉ có tôi và bị cáo ngồi trong phòng xử án. Xung quanh là các chiến sỹ cảnh sát bảo vệ. Chờ cho y được chuyển khóa tay từ sau ra phía trước, tôi mới tranh thủ nói chuyện với y. Y không nhút nhát như tôi tưởng, thậm chí còn trả lời rất nhanh và lưu loát từng câu hỏi.

- Đêm qua cháu không ngủ được à?

- Vâng, nhưng sao chú biết?

- Vì sao không ngủ được?

- Vì cháu thấy lo lắng, hồi hộp quá.

- Giờ đã hết lo chưa?

- Cháu thấy đỡ hơn.

Ngạc nhiên thứ hai chợt đến với tôi vào khoảnh khắc ấy, đó là y luôn nhìn thẳng vào mắt người đối diện để trả lời từng câu hỏi chứ không như những tên tội phạm khác, khi tôi hỏi chuyện thường cúi mặt, những ngón tay vân vê vạt áo hoặc đan chéo nhau.

- Trong phiên tòa hôm 22-2-2008, vì sao Chung thay đổi lời khai, cho rằng vụ án có đồng phạm?

- Tại vì lúc đó, cháu thấy nhà bị hại đông quá, họ yêu cầu những khoản tiền bồi thường quá lớn mà nhà cháu suốt đời không thể trả nổi. Cháu liền nghĩ ra cách đó để hoãn phiên tòa, sau đó tính tiếp.

- Vậy những ngày tiếp theo trong trại tạm giam, cháu nghĩ gì?

- Cháu định tự tử nhưng không thành. Cháu cho đó là cách tốt nhất để cháu không bị xử án và mẹ cháu không phải lo các khoản bồi thường cho nhà bị hại.

- Tự tử bằng cách nào?

- Cháu xé quần, bện thành dây rồi mắc vào cửa sổ trên cao của phòng giam. Đây là cách tự tử nhanh nhất mà nhiều người khác đã làm. Nhưng các chú công an trong trại đã phát hiện và không cho cháu thực hiện ý định đó.

- Sau lần đó, cháu còn ý định tự tử không?

- Dạ, không.

- Hoàn cảnh hiện tại gia đình cháu như thế nào?

- Ở nhà chỉ còn mỗi mẹ cháu. Bố cháu có 3 vợ. Mẹ cháu là vợ hai, sinh được chị và cháu.

- Trước khi phạm tội, cháu còn đi học không?

- Cháu vẫn đi học. Khi về Hà Nội kiếm việc làm, cháu mới bỏ học.

- Rạng ngày 2-5-2007, khi cháu giết hại mấy người ở 888 Minh Khai, vào thời điểm ấy, cháu nghĩ tới điều gì?

- Cháu không nghĩ gì cả. Ngay sau đó, cháu vô cùng hoảng sợ. Cháu biết là sẽ bị bắt rồi đi tù.

- Còn hôm nay?

- Cháu vô cùng ân hận vì đã làm khổ nhiều người. Cháu chỉ biết nói lời xin lỗi tất cả mọi người trong gia đình chú Hùng, cô Nga.

2. Đang là một học sinh tử tế, Chung bỏ học, về Hà Nội muốn tự lập cuộc sống. Y chưa va vấp nhiều nơi phồn hoa nhưng rõ ràng, y đã tiêm nhiễm thói xấu, thích có tiền bằng những việc làm bất chính. Vì muốn ngăn chặn, anh Hùng (chủ hiệu rửa xe máy) đã răn đe y và đây chính là cái cớ để y tìm cách trả thù anh.Trong tập hồ sơ vụ án, tôi đã xem được lá thư y viết cho bố mẹ trước khi bỏ nhà ra đi. Nét chữ mềm mại, một số từ bị gạch xóa chứng tỏ y đã cân nhắc rất nhiều khi đặt bút:

Gửi bố, mẹ

Con là Lê Ngọc Chung.

Cho dù con có học hành tiến bộ, được thầy cô và bạn bè yêu quý thì suy cho cùng, những kiến thức đã học ở những năm cấp II có giỏi lúc đó, nhưng bây giờ cũng quên hết. Không phải là con không chịu học mà từ nhỏ con học đã kém, không sao nhớ nổi. Vậy nên con tự thấy mình sẽ không thể thi đại học được và nếu học nữa thì chỉ hao tốn tiền của bố mẹ, chỉ là một gánh nặng cho bố mẹ. Con quyết định bỏ nhà đi vì đã không chịu được cuộc sống hiện tại.

Lúc đi, con xin mẹ một triệu và định xin bố chiếc xe máy Best, nhưng con thấy khó mà lấy được xe và chìa khóa của bố, nhưng dù có khó đi nữa, con cũng đã photo chiếc chìa khóa của bố và chỉ chờ cơ hội là con sẽ ra đi. Bố mẹ hãy coi như thằng con mất dạy này đã chết rồi và đừng tốn công vô ích đi tìm làm gì, nhất là mẹ, đừng có đem tiền đi xem bói, cúng lễ để con về làm gì. Con đã quyết định đi rồi. Còn bố mẹ ở nhà thì hãy cố cho vui nhà. Mà nhất định bố mẹ phải nhớ là "con đã chết rồi", đừng đi tìm kiếm hay đăng báo.

Thôi, con chào bố mẹ. Bố mẹ hãy giữ gìn sức khỏe.

Con của bố mẹ

Chung

3. Ngồi nói chuyện với Chung được 20 phút trong phòng xử án thì chị Nguyễn Thị Chín, mẹ bị cáo Lê Ngọc Chung bước vào. Đó là một người đàn bà quê lam lũ, cao ngẳng với nước da nâu đậm, khuôn mặt phờ phạc vì nỗi đau thằng con mang lại cũng như dấu hiệu của bệnh tật. Đang nói chuyện với tôi, bất giác Chung quay lại chào mẹ. Người mẹ vừa nói vừa đưa tay lên ngực, ấp úng điều gì đó. Chị định nhào đến với con nhưng bị ngăn lại.

Còn đây là lời tâm sự của người mẹ bất hạnh với tôi trong buổi sáng 22-8-2008, khi phiên tòa sơ thẩm lần thứ tư đã không thể diễn ra vì vắng mặt bị hại cùng đại diện của họ:

... Tôi về Hà Nội từ sớm. Các chú công an về nhà tôi đưa tôi ra đây. Chú hỏi tôi cảm giác đến tòa lần này ư? Tôi sợ lắm. Ngồi đây mà chân tay tôi cứ run lên. Ra tòa mấy lần rồi, lần nào tôi cũng bị người ta chửi mắng là không biết giáo dục con, làm mẹ mà phải nghe những điều đó thì còn gì đau khổ bằng.

Người đàn bà chỉ nói được có mấy câu đó là nước mắt tuôn ra. Trong tay chị có một chiếc khăn tay màu trắng. Nước mắt thì nhiều mà chiếc khăn nhỏ quá. Vừa lau mắt, chị vừa dùng tay áo quệt ngang mặt. Một lát sau, chị tiếp:

Từ hôm nghe tin con bị bắt về tội giết người, tôi đau đớn và nhục nhã vô cùng. Mấy tháng liền tôi ở trong nhà, không dám bước ra ngoài vì xấu hổ. ở quê, cái tin dữ đó lan nhanh lắm. Làng trên xóm dưới bàn tán xôn xao, họ chửi nó rồi chửi luôn cả bố mẹ. Sao số tôi nó khổ thế.

Tôi có hai đứa con, cháu lớn lấy chồng ở tận Kim Bôi, Hòa Bình. Hôm qua cháu vừa sinh cháu thứ hai. Lúc tôi vào, cháu Chung có hỏi mẹ là chị gái nó sinh cháu trai hay gái. Tôi trả lời là cháu trai. Nếu hôm nay không phải ra tòa thì tôi đã lên Hòa Bình với cháu. Cháu cũng cần mẹ bên cạnh lắm.

Thằng Chung hồi cấp II học hành cũng đâu đến nỗi. Nó luôn được nhà trường khen thưởng. Nhưng lên cấp III thì nó bắt đầu học sút. Rồi mải chơi, theo bạn theo bè. Tôi thì ốm đau bệnh tật nên không có thời gian chăm sóc, bảo ban cháu.

4 Hội đồng xét xử nhận định: Hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, cùng một lúc y giết chết nhiều người, trong đó có cả trẻ em, cách thức thực hiện tội phạm hết sức man rợ, mang tính chất côn đồ... nên cần thiết phải bị xử phạt nghiêm khắc, tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. Tuy nhiên, do tính tới thời điểm gây án, bị cáo Chung mới được 15 tuổi 11 tháng 2 ngày, nên trường hợp Chung được áp dụng theo quy định tại Điều 74, khoản 2-BLHS, cụ thể: "Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù".

Vì vậy, Hội đồng xét xử đã tuyên án phạt Lê Ngọc Chung 12 năm tù giam về tội "giết người" theo quy định tại Khoản 1, điểm a,c,i,n, Điều 93 - BLHS.

Tôi đứng đó và nhìn rất lâu hình ảnh bị cáo bị giải ra xe về trại tạm giam. Khoảng cách giữa y và người mẹ xa dần. Vừa đi, y vừa ngoái lại, mắt loáng nước. Còn người mẹ đứng tựa vào tường, đưa khăn lên lau mắt.

Chị cứ đứng đó mà khóc, cho vơi bớt nỗi khổ đau đang chất chứa dù chị biết chắc một điều, nước mắt chẳng bao giờ làm lành vết thương trong lòng một người mẹ đã trải qua quá nhiều những thua thiệt, mất mát của đời người.

Theo Nguyễn Tuấn (Pháp Luật XH)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,742

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn