Có thể lùi sửa Luật Phòng chống tham nhũng

22/09/2016 11:17 AM

Chưa có căn cứ để quyết định bổ sung một số nội dung do Chính phủ đề nghị vào dự kiến chương trình kỳ họp...

Một phiên họp của Quốc hội khoá 14.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa thông báo đến các vị đại biểu quyết định triệu tập kỳ họp Quốc hội thứ hai của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, kỳ họp sẽ  khai mạc vào ngày 20/10/2016 và dự kiến bế mạc vào ngày 22/11/2016 tại Thủ đô Hà Nội.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định rút khỏi dự kiến chương trình kỳ họp thứ hai đối với một số dự án luật nếu cơ quan trình dự án không bảo đảm tiến độ, chất lượng chuẩn bị hồ sơ, tài liệu.

Như, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi),Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định chưa có căn cứ để quyết định bổ sung một số nội dung do Chính phủ đề nghị vào dự kiến chương trình kỳ họp.

Hai nội dung thuộc đề nghị này là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp.

Ông Phúc cho biết,  hiện nay Chính phủ đang tích cực chỉ đạo các cơ quan chuẩn bị hồ sơ tài liệu để trình Ủy ban Thường vụ Quốc tại phiên họp thứ 4 (tháng 10/2016).

Sau khi xem xét hồ sơ, chất lượng chuẩn bị dự án, dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc bổ sung hay không bổ sung hai nội dung trên vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2 để báo cáo Quốc hội.

Với đề nghị xem xét, phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tài liệu, đồng thời cân nhắc kỹ thời điểm trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn cho phù hợp với tình hình thực tế trong nước và quốc tế.

Trong dự kiến nội dung kỳ họp gửi kèm công văn mời các vị đại biểu về họp, báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường liên quan đến Formosa đã được điểm tên như một báo cáo độc lập. Và nội dung này sẽ được kết hợp thảo luận cùng kinh tế - xã hội.

Nghị trình còn có báo cáo về tình hình biển Đông sau khi có phán quyết của Tòa án trọng tài quốc tế (trong đó nêu rõ phản ứng của các nước và chủ trương, giải pháp của Việt Nam).

Trong nhiều báo cáo gửi đại biểu tự nghiên cứu có báo cáo tình hình thực hiện các dự án lớn mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư chậm tiến độ, không hiệu quả, gây dư luận xã hội bức xúc.

Tổng thư ký Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội quan tâm tiếp xúc cử tri theo quy định và gửi báo cáo tổng hợp về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước ngày 10/10/2016 .

Các vị đại biểu cũng nhận được đề nghị sớm gửi câu hỏi chất vấn, đề xuất những nhóm vấn đề cần được Quốc hội tiến hành chất vấn tại kỳ họp thứ 2 đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nguyên Lê

Theo VnEconomy

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,603

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn