Sửa 12 luật về kinh doanh: Không ‘quyền anh, quyền tôi’

30/08/2016 08:11 AM

Dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 84 điều, khoản, mục trong 12 bộ luật về đầu tư, kinh doanh, đặc biệt sẽ bãi bỏ 67 trong số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện có.

Việc sửa đổi 12 luật liên quan tới đầu tư, kinh doanh sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức các hội thảo về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh.

Trong hội thảo gần nhất được tổ chức tại TPHCM ngày 26/8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết dự thảo luật là nỗ lực nhằm hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thể hiện quyết tâm của Thủ tướng là Chính phủ sẽ là Chính phủ kiến tạo và phục vụ.

“Tổ soạn thảo luật đã làm việc rất chặt chẽ với các bộ khác dưới sự chủ trì của Văn phòng Chính phủ, có nhiều lúc tranh cãi rất gay gắt, nhưng tất cả đều phải xác định không thể có "quyền anh" hay "quyền tôi". Các doanh nghiệp đang từng ngày chờ loại bỏ những điều không còn phù hợp với tình hình hiện tại”, ông Đặng Huy Đông cho biết.

Sửa được 12 luật đã là thành công lớn

Dự thảo tập trung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 84 điều, khoản, mục trong 12 luật gồm: Đầu tư, Kinh doanh, Đất đai, Xây dựng, Bảo vệ môi trường, Quản lý thuế, Quảng cáo, Nhà ở, Khoáng sản, Điện ảnh, Đấu thầu, Quy hoạch đô thị. Dự thảo cũng đề xuất bãi bỏ 67 trong số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện có, bổ sung thêm 14 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) còn đề xuất lên tổ soạn thảo một danh mục sửa tới 37 bộ luật. “Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp, họ muốn sửa đổi những điều liên quan đến đầu tư, kinh doanh trong tận 52 bộ luật. Nhưng gạn lọc lại, chúng tôi đề xuất sửa 37 bộ luật thôi”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết.

Tại buổi hội thảo, nhiều đại diện doanh nghiệp, hiệp hội, luật sư nêu các bức xúc của họ, nhưng gần như mọi người đều đồng ý rằng để “một luật sửa nhiều luật”, trong đó có đến 37 điều luật cần sửa như VCCI đề xuất được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10 tới đây là điều bất khả thi. Sửa các điều liên quan đến đầu tư, kinh doanh trong 12 bộ luật đã là thành công lớn.

“Nếu muốn thì chúng tôi muốn nhiều lắm, chúng tôi còn muốn lập một luật riêng cho các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng không thể làm ngay được vì vướng mắc nhiều thứ, từng bước tiến thế này là đã có thể giải quyết nhiều khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, chủ trì hội thảo nói.

Nên bỏ Giấy chấp thuận chủ trương đầu tư

Trong số này, các luật Đầu tư, Doanh nghiệp và Đất đai có nhiều nội dung được sửa đổi hơn cả.

Luật sư Trần Anh Đức, thành viên CLB luật sư thương mại quốc tế Việt Nam (VBLC), nêu ví dụ, trước đây, trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, chỉ có một Giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng nay, Luật đầu tư 2014 đang áp dụng tách thành ba loại giấy phép gồm Giấy chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Có nhiều loại giấy như vậy nên mỗi khi cần xin thay đổi một nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như chuyển nhượng vốn, thay đổi tỉ lệ góp vốn thì có thể kéo theo việc phải xin thay đổi nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, gây mất thời gian và chi phí cho nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục thay đổi.

Ông Đức cho rằng nên bỏ Giấy chấp thuận chủ trương đầu tư, vì chỉ nên coi chủ trương đầu tư là thủ tục nội bộ giữa các cơ quan nhà nước với nhau, không nên bắt nhà đầu tư phải xin giấy này. Các cơ quan nhà nước cứ hội ý với nhau, cân nhắc lợi hại của dự án rồi đồng ý hay không đồng ý cho đầu tư, việc này không liên quan đến nhà đầu tư nên đừng bắt họ phải mất thời gian đi lại xin giấy.

Quy định về thời hạn góp vốn hiện đang làm khó cho doanh nghiệp cũng nên được sửa đổi. Trước đây, công ty TNHH có thời hạn ba năm để góp vốn điều lệ. Nay, Luật doanh nghiệp 2014 yêu cầu doanh nghiệp phải góp đủ vốn điều lệ trong 90 ngày kể từ khi thành lập. Thời hạn này quá ngắn đối với các dự án có hạ tầng quy mô lớn, doanh nghiệp khó có đủ thời gian chuẩn bị nguồn vốn.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tháng 8, Chính phủ đã thảo luận về dự án Luật này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh dự án Luật thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ, bảo đảm quản lý nhưng tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh là quan trọng nhất.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý, chuẩn bị hồ sơ chặt chẽ, thuyết phục để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm nay, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh, nếu để quá lâu có thể ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, tác động đến tăng trưởng.

Thanh Hằng

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,724

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn