Nội dung họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016

03/08/2016 08:07 AM

Chiều 02/8, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016 đã diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.

Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự họp báo còn có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nội vụ, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Như thường lệ, mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng thông báo vắn tắt về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016 diễn ra trong hai ngày 1 và 2/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Đây là phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa XIV vừa mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn các thành viên tại kỳ họp thứ nhất với sự tín nhiệm rất cao sau hơn 3 tháng làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương. Trước khi họp chính thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao quyết định bổ nhiệm của Chủ tịch nước cho các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ khác. Đây là vinh dự lớn, nhiệm vụ nặng nề của các thành viên Chính phủ.

Trước khi vào phiên họp, Thủ tướng cũng quán triệt một số định hướng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của Chính phủ. Thủ tướng đã nhiều lần nói với báo chí cũng như phát biểu tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội và tại các kỳ họp Chính phủ. Trước tiên, Chính phủ thống nhất phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo quan điểm quyết tâm xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, chuyển từ quản lý sang phục vụ người dân và doanh nghiệp. Một Chính phủ kiến tạo là dựa trên nền tảng thể chế, thượng tôn pháp luật, từ đó Chính phủ tập trung xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, lấy nền tảng là người dân và doanh nghiệp để phát triển kinh tế-xã hội. Như vậy, tinh thần của Thủ tướng và Chính phủ là phấn đấu xây dựng Chính phủ trong sạch, vững mạnh, không để xảy ra tham ô, tiêu cực, không để gây mất niềm tin trong nhân dân. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đổi mới phương pháp làm việc, chủ động, năng động, sáng tạo, quyết liệt, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo hiệu quả. Nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, nói đi đôi với làm.

Nhấn mạnh trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Thủ tướng chỉ rõ các Bộ trưởng, "tư lệnh ngành" là người chịu trách nhiệm toàn diện, cao nhất, cuối cùng về tất cả các lĩnh vực phụ trách. Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành phải dành thời gian thích đáng, tập trung cho công việc xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật. Đồng thời phải tăng cường phối hợp, không đùn đẩy trách nhiệm. Bộ trưởng phải sâu sát, thường xuyên nắm thông tin, chủ động thông tin, nhất là qua báo chí. Có thông tin là chủ động xử lý, không được để tình trạng Bộ trưởng không biết và không xử lý những vấn đề mới phát sinh, bức xúc mà báo chí nêu. Rất trân trọng cảm ơn báo chí trong hơn 3 tháng qua đã thông tin rất nhiều nội dung mà Chính phủ quan tâm để tập trung chỉ đạo những bức xúc lo lắng của người dân.

Nhấn mạnh vai trò của công tác cán bộ, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trực tiếp về lĩnh vực này; phải phân công đúng người đúng việc, một việc phân công một người, một đơn vị. Từ đó, rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Chính phủ, từng thành viên Chính phủ phải đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách nhà nước, tài sản công, nhất là xe công; hội họp, đi công tác trong và ngoài nước cũng phải thực hành tiết kiệm.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu đến tháng 10, các bộ, ngành phải hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, ngành. Tại phiên họp, Chính phủ cũng thảo luận về dự thảo Nghị định khung về cơ cấu tổ chức của các bộ. Trong tháng 8, VPCP trình Chính phủ quy chế làm việc của Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ tháng 7/2016. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ hai, Chính phủ dành thời gian thảo luận về công tác xây dựng thể chế. Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về hàng loạt dự án luật, pháp lệnh. Trong đó, đáng chú ý là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh và một số luật mới có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh như dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, dự án Luật Quy hoạch, dự án Luật Quản lý ngoại thương. Đây là những luật rất mới.

Trong đó, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh liên quan đến hàng loạt luật như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quảng cáo, Luật Nhà ở… Như vậy là một luật sửa nhiều luật, theo hướng cắt bỏ các rào cản, giấy phép con, tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Kết luận về dự án Luật này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý, trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm nay dự kiến vào tháng 10. Thủ tướng nhấn mạnh, dự án Luật thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ là kiên quyết loại bỏ các rào cản ngay trong quy định của pháp luật, tạo động lực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Tinh thần là phải bảo đảm quản lý nhà nước, không buông lỏng quản lý nhà nước, nhưng quan trọng nhất là phải tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh và phải quản lý theo quy luật thị trường.

Như vậy, các luật, văn bản dưới luật đều phải bảo đảm quản lý nhà nước nhưng phải tháo gỡ rào cản, lợi ích nhóm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Nội dung lớn thứ ba của phiên họp là về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm. Chính phủ thống nhất đánh giá, trong 7 tháng đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có chuyển biến và đạt được những kết quả hết sức tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Lạm phát được kiểm soát. Lãi suất tương đối ổn định; tỉ giá và thị trường ngoại hối diễn biến tích cực. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng góp lớn đối với tăng trưởng công nghiệp… Đặc biệt, sau khi tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm thì sản xuất nông nghiệp đã phục hồi, với điểm sáng là xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng 3,9%. Cũng rất đáng chú ý là giải ngân vốn đầu tư NSNN chuyển biến tích cực, nhờ việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60 về thúc đẩy thực hiện và giải ngân đầu tư công.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội trong 7 tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ còn lại đến cuối năm 2016 là vô cùng nặng nề. Tinh thần chỉ đạo nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn thách thức, không điều chỉnh chỉ tiêu, mục tiêu; phát huy tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Chúng ta phải tập trung nỗ lực, phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu tăng trưởng đề ra của năm 2016. Trên tinh thần này, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công theo kế hoạch, thu NSNN vượt dự toán ít nhất 10%, bảo đảm xuất khẩu đạt kế hoạch đề ra (10%), khôi phục sản xuất nông nghiệp theo đà tăng của tháng 7…

Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh Miền Trung và các tỉnh bị ảnh hưởng bởi cơn bão vừa qua. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu thực hiện tốt Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, thúc đẩy khởi nghiệp, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là về vốn, tháo gỡ rào cản với doanh nghiệp…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

PV Hoài Thu (VNExpress): Xin hỏi cơ sở nào để quyết định thanh tra thương vụ Mobifone mua lại AVG và cụ thể sẽ tập trung thanh tra vấn đề gì, khi nào tiến hành thanh tra và quá trình này sẽ diễn ra trong bao lâu?

Liên quan đến Dự án Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái đang được xin ý kiến các bộ, ngành dự kiến sẽ vay 300 triệu USD (khoảng 7.000 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc. Tuy nhiên, dư luận có phản ứng khá gay gắt về việc vay vốn ưu đãi từ phía Trung Quốc với những ràng buộc rất chặt chẽ. Xin hỏi quan điểm của Chính phủ về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Chúng ta đều biết Mobifone là doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam, và cũng là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên thực hiện quá trình cổ phần hóa. Việc mua cổ phần nêu trên là hoạt động đầu tư lớn của doanh nghiệp, cho nên rất cần sự thận trọng. Ngày 22/7, Văn phòng Trung ương Đảng có văn bản số 1621 thông báo ý kiến của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, giao cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện việc Mobifone mua cổ phần (95%) của AVG. Từ đó, Thủ tướng Chính phủ giao cho Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ký văn bản giao cho Thanh tra Chính phủ thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đây là những chỉ đạo của Đảng và khối Chính phủ. Tuy nhiên, thanh tra gì, thanh tra như thế nào, thì đây là chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và của Thủ tướng. Sau này có kết quả thanh tra thì mới được công bố.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu: Dự án Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái là một dự án rất quan trọng, không những thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đối với tỉnh Quảng Ninh mà cho cả các tỉnh đồng bằng sông Hồng cũng như phía bắc.

Quan điểm của Chính phủ là muốn tìm kiếm nguồn vốn, thu xếp vốn để triển khai dự án. Vừa rồi, phía Trung Quốc cũng đưa ra trong chương trình hợp tác giữa hai bên.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT nghĩ rằng có nhiều vấn đề cần phải được đàm phán, thảo luận thêm với phía Trung Quốc về dự án này, về các điều kiện vay, lựa chọn nhà thầu, lãi suất và các điều kiện khác… Bây giờ chủ trương là tích cực tìm nguồn vốn, có thể từ Trung Quốc hoặc nguồn vốn khác vì dự án này rất quan trọng.

Dương Thu (PV báo điện tử Người đưa tin): Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã đề xuất dự án lắp đặt thiết bị phát hiện các vật thể lạ ở sân bay Nội Bài. Quan điểm của Chính phủ về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Hiện nay, các hãng hàng không có tần suất  bay lớn, nếu sử dụng các biện pháp thủ công thì rất vất vả. Các nước hiện đại có đủ điều kiện thì đã dùng các biện pháp hiện đại như dùng sóng điện. Đây là dự án hết sức cần thiết, đang trong giai đoạn nghiên cứu, đề xuất, có sự đầu tư lớn. Chủ trương của ngành hàng không cũng đang trình các cơ quan thẩm quyền xem xét khả năng huy động nguồn lực xã hội hóa.

Phương Thảo (PV Dân Trí): Về việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, hiện tại Bộ Nội vụ đang tiến hành kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, có một chi tiết cơ bản là Chỉ đạo của Thủ tướng về việc không đồng ý cho Hậu Giang tăng số lượng Phó Chủ tịch lại không được đưa vào hồ sơ vụ việc. Người phát ngôn Chính phủ đánh giá như thế nào về thông tin này? Có phải Bộ Nội vụ đang cát cứ rất nhiều về công tác cán bộ, không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ hay không?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Có thể nói, vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang được dư luận, các cơ quan báo chí rất quan tâm. Có thể nói đây là điển hình cho việc bất cập, tồn tại kéo dài trong công tác cán bộ. Những bất cập, tồn tại này cần được xử lý, chấn chỉnh, đặc biệt cần điều tra, xem xét rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Từ vụ việc trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp chỉ đạo, giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại thông báo ngày 26/7/2016. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giao trực tiếp Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan kiểm tra để kết luận đúng-sai vụ việc theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thuyên chuyển, tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Đồng thời giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong việc kiểm tra, kiểm điểm, xử lý vi phạm theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8/2016. Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Nội vụ đang tiến hành triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Bộ Nội vụ đang tiến hành kiểm điểm, xem xét quy trình thực hiện đối với công tác cán bộ. Sau khi có kết quả xác minh chính xác sẽ thông báo cho các cơ quan báo chí. Như vậy, công tác cán bộ phải được xử lý nghiêm minh, xem xét rất kỹ, nếu ai, cá nhân nào, tổ chức nào vi phạm, lợi dụng công tác đề bạt, luân chuyển, bổ nhiệm đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Văn Kình (PV báo Tuổi Trẻ): Liên quan đến vụ việc hacker của Trung Quốc xâm nhập mạng các sân bay Việt Nam. Xin hỏi những động thái của Bộ TT&TT như thế nào? Bên cạnh đó, nhóm hacker đã để lại lời tuyên bố mang tính chính trị rất nghiêm trọng, xin hỏi quan điểm và đánh giá của Bộ trưởng TT&TT về việc này?

Liên quan đến vụ việc AVG, có thông tin AVG chỉ giá trị hơn 2.000 tỷ đồng nhưng Mobifone lại mua với giá hơn 8.000 tỷ đồng? Xin được hỏi thông tin này có đúng không?

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Hôm nay, tại phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng nhờ tôi chuyển đến các phóng viên, các cơ quan báo chí trong thời gian vừa qua đã tạo điều kiện, đồng tình cao đưa thông tin chính xác, kịp thời, đúng định hướng về vụ việc hacker này. Xin cảm ơn các cơ quan báo chí đã vào cuộc và đồng hành để giải quyết vấn đề.

Như chúng ta đều biết, vụ hacker xảy ra vào 16h00 ngày 29/7 và trước thời điểm bị tấn công khoảng 2 giờ, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT - Bộ TT&TT) đã gửi cảnh báo và sau khi sự cố xảy ra các đơn vị của Bộ TT&TT, Trung tâm VNCERT, Vụ An toàn thông tin đã trực tiếp cử cán bộ kỹ thuật có mặt tại hiện trường tham gia cùng Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, Cục An ninh mạng (Bộ Công an) và các tổ chức, doanh nghiệp khác xử lý khẩn cấp để khắc phục kịp thời sự cố. Đến chiều qua (1/8) tất cả máy tính ở sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất đã hoạt động lại bình thường.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã ban hành kịp thời các văn bản gửi tất cả các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, tổng công ty lớn tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát bảo đảm an toàn thông tin và VNCERT cũng ban hành 2 văn bản hướng dẫn kĩ thuật cụ thể.

Tôi xin nói thêm, sự cố này cho thấy ta cần tăng cường các biện pháp để bảo đảm an toàn thông tin. Đảng, Chính phủ mà trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản chỉ đạo, chủ trương về chính sách, kế hoạch, đề án cụ thể. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 898/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 (Đề án 898) phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin trong giai đoạn 2016-2020 và các cơ quan, tổ chức khi triển khai cần kết hợp hài hòa giữa việc đầu tư trang thiết bị xây dựng và ban hành các quy trình quản lý, vận hành, tập huấn, diễn tập, khôi phục sau khi có sự cố xảy ra.

Trong môi trường mạng phát triển như thế này, chúng ta không chắc chắn rằng những cuộc tấn công như thế còn diễn ra nữa hay không và không ai trong chúng ta có thể ngăn chặn triệt để được các cuộc tấn công này. Tôi nhấn mạnh “triệt để mọi cuộc tấn công”. Trong tương lai, các mối nguy cơ tiềm ẩn như thế này ngày càng cao và liên quan đến nhiều nguyên nhân phức tạp khác, vì vậy không có sự an toàn tuyệt đối nên chúng ta càng phải nâng cao cảnh giác, phải đầu tư cả con người, cả kỹ thuật để bảo đảm an toàn thông tin.

Ngoài ra, về việc thông điệp hacker đưa ra mang màu sắc chính trị. Đây là thông điệp từ nhóm hacker tự xưng là 1937CN đến từ Trung Quốc. Về nguyên tắc, ta phải tìm ra thủ phạm với đầy đủ bằng chứng buộc tội và ngay trên diễn đàn của mình nhóm hacker này cũng lên tiếng bác bỏ những cáo buộc về vụ tấn công. Như vậy, để đưa ra kết luận cuối cùng về nguồn gốc của cuộc tấn công này, cần phải có sự điều tra kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật. Trong khi các cơ quan, đơn vị chức năng đang tìm kiếm thủ phạm, làm rõ nguyên nhân, chúng ta cần bình tĩnh, thận trọng, tránh suy diễn.

Chúng tôi xin khuyến nghị các cơ quan báo chí và thông qua báo chí khuyến nghị cộng đồng mạng và cộng đồng an toàn thông tin Việt Nam là chúng ta phải tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, tránh những hành vi khiêu khích hoặc thách thức không cần thiết như dùng những nhóm hacker của Việt Nam tấn công lại nước khác. Việc này sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội và an ninh thông tin của chúng ta nên cần tránh việc đó. Tôi nhắc lại, ta tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, tránh những hành vi khiêu khích không cần thiết đối với các nhóm hacker của nước ngoài.

Đến thời điểm hiện nay, ta vẫn bảo đảm an toàn thông tin nhưng ta cần tăng cường năng lực hơn nữa để đề phòng những cuộc tấn công như thế này xảy ra bất kỳ lúc nào.

Câu hỏi tiếp theo về giá của AVG bao nhiêu và Mobifone mua bao nhiêu. Về việc này, các cơ quan thẩm định giá được Bộ Tài chính cấp phép sẽ định giá cụ thể và việc mua-bán này liên quan đến việc đàm phán giữa các đối tác với nhau. Chúng ta không thể dự đoán hoặc áng chừng giá bao nhiêu được. Tôi xin cảm ơn!

Trường Sơn (PV báo Thanh Niên): Trong thời gian qua, nhất là sau vụ hacker ở sân bay Nội Bài, dư luận tiếp tục cho rằng hầu hết hạ tầng viễn thông của chúng ta từ mạng internet, mạng viễn thông đều phụ thuộc rất nhiều vào phía Trung Quốc, đặc biệt là của Tập đoàn Huawei. Ở nhiều nước từ Mỹ, Australia, Ấn Độ…, Huawei bị tẩy chay vì liên quan đến vấn đề an ninh mạng. Xin Bộ trưởng Trương Minh Tuấncho biết quan điểm của Việt Nam về vấn đề này như thế nào? Bộ có chủ trương, biện pháp gì để bảo đảm vấn đề an toàn thông tin, phòng tránh nguy cơ tấn công từ các thiết bị mất an toàn từ phía Trung Quốc?

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: Về câu hỏi của báo Thanh Niên, như tôi nói lúc nãy thì hacker tấn công liên tục, ví dụ ngày hôm nay có những vụ tấn công lẻ tẻ, ngay như báo Người đưa tin cũng bị, hay website của một số tỉnh như Nam Định, Thanh Hóa... Chuyện này là thường xuyên.

Ở đây cần nhấn mạnh cái điểm là chúng ta không thể bảo đảm an toàn an ninh thông tin nếu chúng ta chỉ phụ thuộc vào một công nghệ hay doanh nghiệp cụ thể nào. Cũng như không thể có thiết bị nào là có thể bảo đảm tin tưởng hoàn toàn. Đúng là có thực trạng các nhà mạng lớn sử dụng thiết bị Trung Quốc và có khả năng thiết bị công nghệ đó có lỗ hổng. Như gần đây chúng ta biết các thiết bị đầu cuối như PC, laptop của Lenovo vừa qua phát hiện rủi ro mất an toàn thông tin và xâm phạm quyền riêng tư của người sử dụng. Có vấn đề là các nhà mạng lớn của Việt Nam sử dụng công nghệ viễn thông Trung Quốc là do hoàn cảnh lịch sử để lại, do chính sách, chiến lược ban đầu chưa đồng bộ, rồi do Luật Đấu thầu còn hạn chế, nhất là về giá thành và cách tiếp cận linh hoạt của các hãng viễn thông Trung Quốc. Chúng ta phải thừa nhận mặc dù có một số rào cản và hạn chế, một số hãng công nghệ Trung Quốc vẫn đang vượt lên trở thành hãng đứng đầu về công nghệ thông tin và viễn thông. Chính vì vậy, doanh thu của họ trên thế giới không ngừng tăng. Nổi bật trong bảng xếp hạng thương hiệu toàn cầu tốt nhất 2015 của Interbrand công bố có cả những hãng của Trung Quốc.

Đối với vấn đề này, về luật chúng ta chưa thể cấm hay có sự phân biệt đối xử. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi sẽ rà soát, đánh giá và có chính sách kiểm soát tốt hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, chúng ta sẽ có yêu cầu cụ thể về bảo đảm an toàn an ninh thông tin trong việc đấu thầu, mua sắm thiết bị đối với hệ thống thông tin quan trọng. Rất mong các cơ quan báo chí khuyến nghị với các doanh nghiệp viễn thông ngoài nhiệm vụ kinh doanh, chúng tôi đề nghị trong trường hợp cần thiết, chúng ta có trách nhiệm, phải biết hy sinh lợi ích của doanh nghiệp để đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu, góp phần cùng Nhà nước giữ vững an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ Tổ quốc trong mọi hoàn cảnh và trong tình hình mới.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Huy Hoàng (PV VTV 24):  Theo thông cáo báo chí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có hơn 390 tấn chất bùn thải đất đá có chứa chất thải nguy hại. Xin hỏi đó là những chất thải nguy hại gì, có phả kim loại nặng không?  Nếu có chất cyanide nguy hại hàng đầu thì xử lý thế nào, trong bao lâu? Ngoài Công ty Kỳ Anh và Formosa thì đơn vị cấp  phép cho vận chuyển chất độc hại này trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh phải chịu trách nhiệm thế nào? Đây mới là 2 trong số hàng chục điểm chôn cất bùn thải chứa chất thải nguy hại, tức là còn nhiều công ty khác như công ty Kỳ Anh vận chuyển. Biện pháp của Chính phủ thế nào để xử lý triệt để tình trạng này?

Gần đây một số Ngân hàng đưa ra báo cáo tài chính của mình trong đó tỉ lệ nợ xấu tăng, ví dụ ngân hàng Eximbank tăng gấp đôi, Sacombank tăng gần 1 nửa, BIDV mặc dù trong ngưỡng cho phép dưới 2% nhưng  vẫn tăng hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu. Vậy xin hỏi Ngân hàng Nhà nước, tình hình nợ xấu ngân hàng có đáng lo không?

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà:  Đến ngày hôm nay, Tổng cục Môi trường đã có thông cáo đến cơ quan báo chí về kết quả  phân tích bùn thải, chất thải phát hiện trong thời gian vừa qua do Công ty  Formosa (FMS) thuê doanh nghiệp xử lý của Hà Tĩnh chôn lấp trái phép. Trong phân tích đại diện các mẫu chôn lấp trái phép, đã phát hiện 3 nơi chôn lấp chất thải.

Việc lấy mẫu thu gom bảo quản nhằm bảo đảm giữ cho môi trường không tiếp tục bị ảnh hưởng. Kết quả là có một số mẫu cho thấy nồng độ chất cyanide vượt quá quy chuẩn chất thải nguy hại.

Theo quy định, trong chất thải thông thường, nếu có lẫn chất thải nguy hại thì việc quản lý phải thực hiện như đối với chất thải nguy hại. Vì vậy, Bộ TN&MT đã lấy mẫu bùn thải và môi trường xung quanh, nước ngầm, mẫu đất quanh khu vực chôn lấp để phân tích xem việc chôn lấp tác động gì đến môi trường. Rất may do phát hiện sớm nên chất thải chưa tác động môi trường, môi trường ở đó vẫn đạt tiêu chuẩn bình thường cho phép.

Còn với toàn bộ 390 tấn chất thải được coi là chất thải nguy hại, buộc FMS cũng như  DN môi trường Kỳ Anh có trách nhiệm phải lựa chọn cơ quan, trung tâm xử lý có năng lực được cấp phép.

Được biết, trên địa bàn Hà Tĩnh chưa có cơ quan nào xử lý chất thải nguy hại được cấp phép, vì vậy việc chọn DN xử lý phải từ cấp Trung ương do Bộ TN&MT cho phép, kể cả vận chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Thường xử lý quy mô nhỏ có nhiều cách, nhưng trường hợp này chúng tôi cho rằng cách xử lý dùng phương án đốt, thiêu hủy để hợp chất này phân hủy, bùn đất không gây ô nhiễm môi trường. Đó là phương pháp phù hợp, hiệu quả nhất.

Tôi cảm ơn các cơ quan báo chí, thời gian qua phát hiện sự việc, thể hiện tinh thần dũng cảm, trách nhiệm lớn với người dân. Về phía cơ quan quản lý nhà nước về môi trường Hà Tĩnh, chúng tôi đã chỉ đạo kiểm điểm, nói gì thì nói đây là thiếu sót lớn của các cơ quan quản lý môi trường địa phương, cấp xã, huyện.

Chúng tôi sẽ kiểm kê lại toàn bộ chất thải FMS thông qua số vừa rồi đã thu gom, qua số còn trong nhà kho, số trong hợp đồng ký kết và xử lý. Từ đấy tiếp tục tìm ra xem, còn ở đâu không, còn DN Hà Tĩnh nào đã nhận chất thải công nghiệp này cố tình đổ chất thải ra môi trường không đúng quy định không? Chúng tôi đang yêu cầu kiểm tra chặt chẽ dựa trên số liệu thống kê chất thải FMS.

Về xử lý, tôi cho rằng hành vi một DN cố tình đưa chất thải công nghiệp đã quy định cần có nơi chôn đúng điều kiện quy chuẩn đổ ra môi trường, như trường hợp công ty môi trường Kỳ Anh,  là nghiêm trọng. Tôi cho rằng đây không phải lần đầu, mà là cố ý, có nhiều người thực hiện. Đánh giá đây là vi phạm nghiệm trọng, chúng tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Công an Hà Tĩnh kiểm tra xem xét. Nếu đúng là hành vi cố ý, có tổ chức, sẽ xử lý nghiêm khắc nhất theo quy định pháp luật. Còn với FMS thực hiện không đúng, chưa phân loại kiểm đếm, thống kê chất thải, cung cấp cho nhà xử lý chưa đủ năng lực vận chuyển như vậy cũng là vi phạm.

Hiện nay được biết, chất thải FMS gồm nhiều nguồn, chất nguy hại lưu giữ trong kho, trong bể công nghiệp, sinh hoạt… Chúng tôi rất thận trọng trong việc phân tích, qua vài phòng thí nghiệm đối chứng, qua kết quả của Hà Tĩnh phân tích lại. Vì nếu làm sai sẽ liên quan đến nhiều chuyện, người ta hoàn toàn kiểm chứng được. Hiện nay, chúng tôi khẳng định phải xử lý đúng mức độ, hành vi vi phạm. 

Chúng tôi cũng yêu cầu ngay từ giờ phải thống kê toàn bộ chất thải, đồng thời với loại chất thải, kể cả chất thải từ bể công nghiệp thông thường, cũng như là nguy hại. Chúng tôi đề nghị đến thời điểm này coi như là chất thải nguy hại, phải có kế hoạch lựa chọn DN có năng lực vận chuyển xử lý, đồng thời có báo cáo thường kỳ với cơ quan quản lý nhà nước. Ở đây, chúng tôi yêu cầu  FMS phải báo cáo trực tiếp Bộ TN&MT. Để giải quyết, Bộ TN&MT đã tăng cường lực lượng đáng kể. Việc này rất khó, nhưng hiện đã có 2 phòng thí nghiệm di động kiểm soát toàn bộ chất thải FMS, đồng thời cùng họ lên kế hoạch khắc phục sự cố trước đây liên quan đến công nghệ, liên quan đến hệ thống xử lý, đến công trình để phòng ngừa ô nhiễm môi trường, hệ thống giám sát môi trường như các bể lắng…, có đủ thông số, đặc biệt thông số ô nhiễm môi trường biển.

Lần này, chúng tôi tiếp tục yêu cầu họ có kế hoạch rõ ràng trong thống kê, kê khai rất cụ thể xử lý chất thải thông thường cũng như nguy hại. Hiện nay, FMS cũng có những khó khăn khách quan, đó là Hà Tĩnh phải có quy hoạch khu xử lý chất thải công nghiệp, nhưng hiện tại ở Hà Tĩnh chưa tìm được DN có năng lực, chưa có sức hút đưa các DN môi trường vào. Do đó, buộc FMS phải tìm DN có năng lực ngoài tỉnh. Chúng tôi yêu cầu Hà Tĩnh cùng  Bộ TN&MT giám sát từ khâu đưa chất thải đi đến các khâu xử lý cuối cùng. Còn về sau trong kế hoạch xử lý chất thải của FMS phải có kế hoạch cụ thể để giám sát xử lý chất thải.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Theo số liệu các tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo NHNN, nợ xấu cuối tháng 5/2016 ở mức 2,78%. Đây là mức dưới 3 theo mục tiêu NHNN đề ra cuối năm 2015, vấn đề xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm trong chỉ đạo điều hành NHNN 6 tháng cuối năm.

NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD nợ xấu trên 3% có kế hoạch báo cáo NHNN. NHNN cũng chỉ đạo các TCTD xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2016, Thống đốc chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng đi đôi với tránh nợ xấu mới phát sinh.

NHNN cũng chỉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng để xử lý nợ xấu, xử lý nợ qua Công ty VAMC vẫn đang được thực hiện để kiểm soát nợ xấu dưới 3%.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thế Dũng (PV báo Người lao động TPHCM): Liên quan đến việc cho Formosa thuê đất đến 70 năm, Đảng, Nhà nước và Chính phủ có xem xét lại việc cho thuê đất lâu đến như vậy không? Nếu xem xét việc cho thuê đất trái với luật thì sẽ xử lý thế nào, có thu hồi giấy phép và hồi tố không?

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu: Theo các luật hiện hành, nhất là Luật Đất đai, việc cho thuê đất có thể kéo dài đến 70 năm. Tuy nhiên, việc cho phép thời gian hoạt động của dự án vẫn theo Luật Đầu tư. Trong Luật Đầu tư hiện hành (năm 2014), tại Điều 47 đã quy định về việc ngừng, tạm ngừng hoạt động của các dự án đầu tư, có 5 trường hợp sẽ bị các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư tạm ngừng hoạt động của dự án, trong đó có 1 trường hợp là để khắc phục vi phạm về môi trường theo đề nghị của cơ quan nhà nước về quản lý môi trường. Trong Luật Đầu tư, Điều 48 có quy định về việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. Theo đó, Khoản 1 Điều 48 quy định dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động nếu thuộc một trong các điều quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 47 của Luật này mà nhà đầu tư không thể khắc phục điều kiện ngừng hoạt động thì cơ quan quản lý đầu tư có thẩm quyền có thể quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.

Có nghĩa là đầu tiên phải tạm ngừng và yêu cầu khắc phục vi phạm môi trường nhưng nếu không thể khắc phục được thì theo quy định của pháp luật, sẽ bị ngừng hoạt động

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Theo Luật Đất đai năm 2003 cũng như Luật Đất đai năm 2013, việc cho thuê đất đối với các nhà đầu tư cũng căn cứ theo các tiêu chí như khu vực khó khăn để đầu tư…. Vũng Áng (Hà Tĩnh) theo quy chế hoạt động được Thủ tướng Chính phủ ban hành là khu vực thuộc tiêu chí được xem xét ưu tiên. Như vậy, theo cả Luật Đất đai 2003 và 2013 thì thẩm quyền cho thuê đất đối với UBND tỉnh, thành phố là được 70 năm. Như Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đã nêu, đối với việc cấp giấy phép đầu tư, đặc biệt cho doanh nghiệp nước ngoài theo Luật Đầu tư 2005 thì thẩm quyền của UBND tỉnh cho phép thuê được 50 năm, còn trên 50 năm thuộc thẩm quyền của Chính phủ, báo cáo Chính phủ để xem xét trên các góc độ: Nguồn vốn đầu tư, điều kiện khó khăn… Sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người có thẩm quyền cho phép. Trong trường hợp các bạn nêu, việc này thanh tra Chính phủ cũng đã thanh tra, kiểm tra rồi. Đối với Hà Tĩnh, tôi cho rằng, việc cấp giấy phép đầu tư với thời hạn 70 năm ở đây là sai thẩm quyền vì UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã cho doanh nghiệp thuê với thời hạn đáng nhẽ phải do Chính phủ quyết định.

Thái Phan (PV VTV 24): Chính phủ đã chỉ đạo rà soát và có thể giảm từ 10-20% phí BOT, tại sao lại có con số này, lộ trình như thế nào và đến lúc nào có thể giảm phí BOT?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Ngày 16/5, Chính phủ đã ban hành Nghị  quyết 35, trong đó có nội dung giao 2 Bộ Tài chính và Giao thông vận tải phối hợp thực hiện điều chỉnh mức phí đường bộ BOT cho phù hợp hơn. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ Tài chính đã họp với Bộ GTVT và sau đó, trên cơ sở thảo luận, Bộ GTVT đã có văn bản. Tiếp theo, trên cơ sở thống nhất với Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng về phương án giảm phí BOT. Theo đề xuất này, việc giảm phí được đề xuất mức 10-15% cho nhóm 4 (xe tải có tải trọng 10-18 tấn, xe container 20 feet), nhóm 5 (xe tải 18 tấn trở lên, xe container trên 40 feet) tại các trạm có mức thu tối đa khung tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC (mức thu cao nhất là 200.000 đồng/lượt). Đây là những loại xe phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời giảm 10-20% phí với nhóm xe dưới 12 chỗ và xe đến 30 chỗ ngồi là 45.000 đồng tại 5 trạm đã thu phí mức cao nhất. Công văn cũng nêu các trạm phải rà soát nguyên tắc cũng như trình tự thực hiện.

Với đề xuất này, trong công văn có nêu rà soát các trạm và nguyên tắc cũng như trình tự thực hiện và mới đây nhất, VPCP đã có Công văn số 5810 thông báo ý kiến Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính khẩn trương lấy ý kiến Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, các địa phương, báo cáo về vấn đề này.  Bộ Tài chính đã có công văn gửi các bộ ngành, các địa phương, các nhà đầu tư và đề nghị có ý kiến gửi về Bộ trước ngày 1/8, hiện Bộ đang tập hợp các ý kiến và trong tháng 8 này sẽ trình Thủ tướng theo đúng yêu cầu tại Công văn 5810.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Rất cảm ơn các câu hỏi của các nhà báo, đại diện cho các cơ quan thông tấn, báo chí. Qua các câu hỏi của phóng viên, có thể thấy việc chỉ đạo của Tổng Bí thư liên quan đến việc đề bạt, bổ nhiệm, thuyên chuyển ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; chỉ đạo của tập thể Bộ Chính trị đối với việc xem xét toàn diện vấn đề tiếp nhận, xử lý các quy trình, vấn đề xảy ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung; chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc mua 95% cổ phần AVG của Mobifone; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các vụ việc môi trường, các vụ việc khác như quán cà phê Xin Chào, việc xử lý nghiêm vi phạm tại công trình 8B Lê Trực… nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Có thể nói sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, tập thể Bộ Chính trị, người đứng đầu Chính phủ và tập thể thường trực Chính phủ đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thực thi công vụ. Mọi vi phạm đều phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Ngay cả việc mua AVG của Mobifone, tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư là qua quá trình thanh tra toàn diện, nếu phát hiện vi phạm, sẽ được xử lý nghiêm.

Đối với dự án Formosa, hiện đang giao cho Bộ Tư Pháp kiểm tra toàn diện tính pháp lý; giao Bộ KH&ĐT, TN&MT rà soát toàn bộ quy trình, thủ tục đầu tư, quá trình cấp phép, cấp xả thải của các cơ quan và tỉnh Hà Tĩnh. Tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ là không có vùng cấm trong xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm. Tất cả các tổ chức, cá nhân vi phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm minh, công khai trước nhân dân. Xin được báo cáo với các nhà báo tinh thần như thế. Chúng ta kết thúc cuộc họp báo tại đây.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,093

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn