Kỳ họp Quốc hội thứ 10 sẽ thảo luận Luật về hội

15/10/2015 16:15 PM

Sau 2 lần cho ý kiến, UBTVQH đã thống nhất trình dự án Luật về hội tại kỳ họp thứ 10, dự kiến khai mạc trong vài ngày tới.

Sáng 15/10, khi cho ý kiến dự án Luật về hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhất trí với những quan điểm, yêu cầu xây dựng dự án Luật nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Theo đó, dự án Luật về hội phải thể chế hóa được quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của các đoàn thể nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền lập hội, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự chủ về tài chính, hạn chế tối đa sự bao cấp, trông chờ vào ngân sách nhà nước, tránh xu hướng hành chính hóa tổ chức và hoạt động của hội, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước…

Đối với hội không có tư cách pháp nhân (như hội đồng niên, đồng ngũ, đồng môn, dòng họ...), Chính phủ đề nghị không áp dụng Luật này vì các hội này không có điều lệ, hoạt động chỉ mang tính gặp gỡ, trao đổi thông tin, không có người đại diện của hội trước pháp luật.

Tuy nhiên, khi thẩm tra dự án luật, Ủy ban Pháp luật cho rằng không điều chỉnh loại hình tổ chức này là vấn đề cần được cân nhắc, bởi vì số lượng của loại tổ chức này rất lớn, nhưng không phải là hội theo quy định của dự thảo Luật thì việc quản lý, xử lý vi phạm pháp luật đối với loại tổ chức này sẽ rất khó thực hiện.

Do đó, để bảo đảm quyền lập hội của công dân cũng như bảo đảm công tác quản lý nhà nước thì cần nghiên cứu để có sự điều chỉnh thích hợp với các loại hình tổ chức hội không có tư cách pháp nhân.

Nhưng nhiều ý kiến của UBTVQH đồng tình với đề xuất của Chính phủ khi không điều chỉnh với hội không có tư cách pháp nhân. Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng những hội không có tư cách pháp nhân, lập ra chỉ để giao lưu, gặp gỡ thì chỉ cần hoạt động trực tiếp theo quy định của Hiến pháp, không phải quy định trong dự án luật này.

Theo Chủ tịch Quốc hội, sau khi có Hiến pháp 2013 thì quyền tự do lập hội của công dân được đảm bảo hơn trước, nên những bất cập, hạn chế trong quản lý, hoạt động phải được khắc phục và thể hiện trong dự án Luật về hội.

Tuy nhiên, theo nhiều một số ý kiến phát biểu cũng đồng tình với thẩm tra của Ủy ban Tư pháp là việc lập hội ở cấp xã có 10 thành viên trở lên thì phải theo trình tự, thủ tục như lập hội ở quy mô toàn quốc là không phù hợp. Bên cạnh đó, mỗi trình tự, thủ tục đều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận làm việc lập hội thêm khó khăn, trở ngại.

Một số ý kiến cũng không tán đồng về quy định số lượng người ít nhất ở các cấp để được thành lập hội (cấp xã ít nhất là 10 người, tương tự với cấp huyện là 20 người, cấp tỉnh là 50 người và liên tỉnh, cấp toàn quốc là 100 người).

Kết thúc phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc thật kỹ phạm vi điều chỉnh, tiếp thu các ý kiến của UBTVQH chỉnh lý dự thảo luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.

Thành Chung

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,098

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn