Quy trình cơ bản thủ tục hải quan hàng hóa xuất khẩu

19/06/2015 14:41 PM

>> Xem thêm quy trình cơ bản thủ tục hải quan hàng hóa nhập khẩu

1. Khai thông tin xuất khẩu (EDA)

- Người khai hải quan khai các thông tin xuất khẩu bằng nghiệp vụ EDA trước khi đăng ký tờ khai xuất khẩu. Khi đã khai đầy đủ các chỉ tiêu trên màn hình EDA (109 chỉ tiêu), người khai hải quan gửi đến hệ thống VNACCS, hệ thống sẽ tự động cấp số, tự động xuất ra các chỉ tiêu liên quan đến thuế suất, tên tương ứng với các mã nhập vào (ví dụ: tên nước nhập khẩu tương ứng với mã nước, tên đơn vị xuất khẩu tương ứng với mã số doanh nghiệp…), tự động tính toán các chỉ tiêu liên quan đến trị giá, thuế… và phản hồi lại cho người khai hải quan tại màn hình đăng ký tờ khai - EDC.

Khi hệ thống cấp số thì bản khai thông tin xuất khẩu EDA được lưu trên hệ thống VNACCS.

2. Đăng ký tờ khai xuất khẩu (EDC)

- Khi nhận được màn hình đăng ký tờ khai (EDC) do hệ thống phản hồi, người khai hải quan kiểm tra các thông tin đã khai báo, các thông tin do hệ thống tự động xuất ra, tính toán. Nếu người khai hải quan khẳng định các thông tin là chính xác thì gửi đến hệ thống để đăng ký tờ khai.

- Trường hợp sau khi kiểm tra, người khai hải quan phát hiện có những thông tin khai báo không chính xác, cần sửa đổi thì phải sử dụng nghiệp vụ EDB gọi lại màn hình khai thông tin xuất khẩu (EDA) để sửa các thông tin cần thiết và thực hiện các công việc như đã hướng dẫn ở trên.

3. Kiểm tra điều kiện đăng ký tờ khai

- Trước khi cho phép đăng ký tờ khai, hệ thống sẽ tự động kiểm tra Danh sách doanh nghiệp không đủ điều kiện đăng ký tờ khai (doanh nghiệp có nợ quá hạn quá 90 ngày, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản…). Nếu doanh nghiệp thuộc danh sách nêu trên thì không được đăng ký tờ khai và hệ thống sẽ phản hồi lại cho người khai hải quan biết.

4. Phân luồng, kiểm tra, thông quan:

Khi tờ khai đã được đăng ký, hệ thống tự động phân luồng, gồm 3 luồng xanh, vàng, đỏ

4.1 Đối với các tờ khai luồng xanh

- Trường hợp số thuế phải nộp bằng 0: Hệ thống tự động cấp phép thông quan (trong thời gian dự kiến 03 giây) và xuất ra cho người khai “Quyết định thông quan hàng hóa”.

- Trường hợp số thuế phải nộp khác 0:

+ Trường hợp đã khai báo nộp thuế bằng hạn mức hoặc thực hiện bảo lãnh (chung, riêng): Hệ thống tự động kiểm tra các chỉ tiêu khai báo liên quan đến hạn mức, bảo lãnh, nếu số tiền hạn mức hoặc bảo lãnh lớn hơn hoặc bằng số thuế phải nộp, hệ thống sẽ xuất ra cho người khai “chứng từ ghi số thuế phải thu” và “Quyết định thông quan hàng hóa”. Nếu số tiền hạn mức hoặc bảo lãnh nhỏ hơn số thuế phải nộp, hệ thống sẽ báo lỗi.

+ Trường hợp khai báo nộp thuế ngay (chuyển khoản, nộp tiền mặt tại cơ quan hải quan....): Hệ thống xuất ra cho người khai “chứng từ ghi số thuế phải thu. Khi người khai hải quan đã thực hiện nộp thuế, phí, lệ phí và hệ thống VNACCS đã nhận thông tin về việc nộp thuế phí, lệ phí thì hệ thống xuất ra “Quyết định thông quan hàng hóa”.

- Cuối ngày hệ thống tập hợp toàn bộ tờ khai luồng xanh chuyển sang VCIS.

4.2  Đối với các tờ khai luồng vàng, đỏ:

Hệ thống chuyển dữ liệu tờ khai luồng vàng, đỏ online từ VNACCS sang Vcis.

a. Cơ quan hải quan

a.1  Thực hiện kiểm tra, xử lý tờ khai trên màn hình của hệ thống VCIS:

- Lãnh đạo: Ghi nhận các ý kiến chỉ đạo công chức được phân công về việc kiểm tra, xử lý đối với tờ khai vào ô tương ứng trên “màn hình kiểm tra tờ khai”;

- Công chức được phân công xử lý tờ khai: Ghi nhận các ý kiến đề xuất, các nội dung cần xin ý kiến lãnh đạo, kết quả kiểm tra, xử lý tờ khai vào ô tương ứng trên “màn hình kiểm tra tờ khai”

- Nếu Lãnh đạo, công chức không ghi nhận các nội dung trên, hệ thống không cho phép thực hiện nghiệp vụ CEE.

a.2  Sử dụng nghiệp vụ CKO để:

- Thông báo cho người khai hải quan về địa điểm, hình thức, mức độ kiểm tra thực tế hàng hoá (đối với hàng hoá thuộc luồng đỏ);

- Chuyển luồng từ luồng đỏ sang luồng vàng, hoặc từ luồng vàng sang luồng đỏ (nếu quy trình nghiệp vụ quy định).

a.3  Sử dụng nghiệp vụ CEE để:

- Nhập hoàn thành kiểm tra hồ sơ đối với luồng vàng;

- Nhập hoàn thành kiểm tra hồ sơ và thực tế hàng hoá đối với luồng đỏ.

a.4  Sử dụng nghiệp vụ EDA01 để nhập nội dung hướng dẫn/yêu cầu các thủ  tục, sửa đổi nội dung khai báo, ấn định thuế và gửi cho người khai hải quan để thực hiện.

b.  Người khai hải quan:

- Nhận phản hồi của hệ thống về kết quả phân luồng, địa điểm, hình thức, mức độ kiểm tra thực tế hàng hoá; 

- Nộp hồ sơ giấy để cơ quan hải quan kiểm tra chi tiết hồ sơ; chuẩn bị các điều kiện để kiểm  thực tế hàng hoá;

- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí (nếu có).

c.  Hệ thống:

(1) Xuất ra cho người khai “Tờ khai hải quan” (có nêu rõ kết quả phân luồng tại chỉ tiêu: Mã phân loại kiểm tra)o:p>

(2) Xuất ra Thông báo yêu cầu kiểm tra thực tế hàng hóa đối với hàng hóa được phân vào luồng đỏ hoặc khi cơ quan hải quan sử dụng nghiệp vụ CKO để chuyển luồng.

(3) Ngay sau khi cơ quan hải quan thực hiện xong nghiệp vụ CEE hệ thống tự động thực hiện các công việc sau:

- Trường hợp số thuế phải nộp bằng 0: Hệ thống tự động cấp phép thông quan và xuất ra cho người khai “Quyết định thông quan hàng hóa”.

- Trường hợp số thuế phải nộp khác 0:

+ Trường hợp đã khai báo nộp thuế bằng hạn mức hoặc thực hiện bảo lãnh (chung, riêng): Hệ thống tự động kiểm tra các chỉ tiêu khai báo liên quan đến hạn mức, bảo lãnh, nếu số tiền hạn mức hoặc bảo lãnh lớn hơn hoặc bằng số thuế phải nộp, hệ thống sẽ xuất ra cho người khai “chứng từ ghi số thuế phải thu” và “Quyết định thông quan hàng hóa”. Nếu số tiền hạn mức hoặc bảo lãnh nhỏ hơn số thuế phải nộp, hệ thống sẽ báo lỗi.

+ Trường hợp khai báo nộp thuế ngay (chuyển khoản, nộp tiền mặt tại cơ quan hải quan....): Hệ thống xuất ra cho người khai “chứng từ ghi số thuế phải thu. Khi người khai hải quan đã thực hiện nộp thuế, phí, lệ phí và hệ thống VNACCS đã nhận thông tin về việc nộp thuế phí, lệ phí thì hệ thống xuất ra “Quyết định thông quan hàng hóa”.

5. Khai sửa đổi, bổ sung trong thông quan:

- Việc khai sửa đổi, bổ sung trong thông quan được thực hiện từ sau khi đăng ký tờ khai đến trước khi thông quan hàng hoá. Để thực hiện khai bổ sung trong thông quan, người khai hải quan sử dụng nghiệp vụ EDD gọi lại thông tin tờ khai xuất khẩu (EDA) trong trường hợp khai sửa đổi, bổ sung lần đầu, hoặc thông tin khai xuất khẩu đã được sửa đổi (EDA01) trong trường hợp khai sửa đổi, bổ sung từ lần thứ 2 trở đi.

- Khi đã khai báo xong tại nghiệp vụ EDA01, người khai hải quan gửi đến hệ thống VNACCS, hệ thống sẽ cấp số tờ khai sửa đổi và phản hồi lại các thông tin sửa đổi tờ khai tại màn hình EDE, người khai hải quan ấn nút “gửi” tại màn hình này, khi đó hoàn tất việc đăng ký tờ khai sửa đổi, bổ sung.o:p>

- Số của tờ khai sửa đổi là  kí tự cuối cùng của ô số tờ khai. Số lần khai báo sửa đổi, bổ sung trong thông quan tối đa là 9 lần tương ứng với ký tự cuối cùng của số tờ khai từ 1 đến 9; trường hợp không khai bổ sung trong thông quan thì ký tự cuối cùng của số tờ khai là 0.

- Khi người khai hải quan khai sửa đổi, bổ sung tờ khai, thì tờ khai sửa đổi, bổ sung chỉ có thể được phân luồng vàng hoặc luồng đỏ (không phân luồng xanh);

- Các chỉ tiêu trên màn hình khai sửa đổi, bổ sung (EDA01) giống các chỉ tiêu trên màn hình khai thông tin xuất khẩu (EDA). Khác nhau là một số chỉ tiêu (sẽ nêu cụ thể tại phần hướng dẫn nghiệp vụ EDA01) không nhập được tại EDA01 do không được sửa đổi hoặc không thuộc đối tượng sửa đổi.

6. Những điểm cần lưu ý:

(1) Mỗi tờ khai được khai tối đa 50 mặt hàng, trường hợp một lô hàng có trên 50 mặt hàng, người khai hải quan sẽ phải thực hiện khai báo trên nhiều tờ khai, các tờ khai của cùng một lô hàng được liên kết với nhau dựa trên số nhánh của tờ khai.

(2) Trị giá tính thuế:

Hệ thống sẽ tự động phân bổ các chi phí vận chuyển, bảo hiểm… để quy ra trị giá tính thuế xuất khẩu (giá FOB, DAF, DAP) cho từng mặt hàng, trong trường hợp điều kiện giao hàng khác FOB, DAF, DAP và các loại phí vận tải, bảo hiểm tính chung cho tất cả các mặt hàng của lô hàng.

(3) Tỷ giá tính thuế:

Khi người khai hải quan thực hiện nghiệp vụ khai thông tin xuất khẩu EDA, hệ thống sẽ áp dụng tỷ giá tại ngày thực hiện nghiệp vụ này để tự động tính thuế:

- Trường hợp người khai hải quan thực hiện nghiệp vụ khai thông tin xuất khẩu EDA và đăng ký tờ khai EDC trong cùng một ngày hoặc trong 02 ngày có tỷ giá giống nhau thì hệ thống tự động giữ nguyên tỷ giá tính thuế;

- Trường hợp người khai hải quan thực hiện nghiệp vụ đăng ký tờ khai  EDC (được tính là thời điểm người khai hải quan ấn nút “Gửi” tại màn hình EDC) tại ngày có tỷ giá khác với tỷ giá tại ngày khai thông tin xuất khẩu EDA thì hệ thống sẽ báo lỗi. Khi đó, người khai hải quan dùng nghiệp vụ EDB gọi bản EDA để khai báo lại - thực chất là chỉ cần gọi EDA và gửi luôn hệ thống sẽ tự động cập nhật lại tỷ giá theo ngày đăng ký tờ khai.

(4) Thuế suất:

- Khi người khai hải quan thực hiện nghiệp vụ khai thông tin xuất khẩu EDA, hệ thống sẽ lấy thuế suất tại ngày dự kiến khai báo EDC để tự động điền vào ô thuế suất.

- Trường hợp thuế suất tại ngày EDC dự kiến khác thuế suất tại ngày EDC, thì khi người khai hải quan thực hiện nghiệp vụ đăng ký tờ khai EDC hệ thống sẽ báo lỗi, khi đó, người khai hải quan dùng nghiệp vụ EDB gọi bản EDA để khai báo lại - thực chất là chỉ cần gọi EDA và gửi luôn, hệ thống tự động cập nhật lại thuế suất theo ngày đăng ký tờ khai EDC.

(5) Trường hợp người khai hải quan nhập mức thuế suất thủ công thì hệ thống xuất ra chữ “M” bên cạnh ô thuế suất.

(6) Trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng miễn/giảm/không chịu thuế:

- Việc xác định hàng hóa thuộc đối tượng được miễn thuế XK không căn cứ vào Bảng mã miễn/giảm/không chịu thuế, mà phải thực hiện theo các văn bản quy định, hướng dẫn liên quan.

- Chỉ sau khi đã xác định được hàng hóa thuộc đối tượng được miễn thuế XK mới áp mã dùng trong VNACCS theo Bảng mã miễn/giảm/không chịu thuế.

- Nhập mã miễn/giảm/không chịu thuế vào chỉ tiêu tương ứng trên màn hình đăng ký khai báo xuất khẩu (EDA).

- Trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế xuất khẩu thuộc diện phải đăng ký DMMT trên VNACCS (TEA) thì phải nhập đủ cả mã miễn thuế và số DMMT, số thứ tự dòng hàng trong DMMT đã đăng ký trên VNACCS.

- Trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế xuất khẩu thuộc diện phải đăng ký DMMT nhưng đăng ký thủ công ngoài VNACCS thì phải nhập mã miễn thuế và ghi số DMMT vào phần ghi chú.

(7) Trường hợp hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng:

- Việc xác định hàng hóa, thuế suất giá trị gia tăng không căn cứ vào Bảng mã thuế suất thuế giá trị gia tăng; mà phải thực hiện theo các văn bản quy định, hướng dẫn liên quan.

- Chỉ sau khi đã xác định được hàng hóa, thuế suất cụ thể theo các văn bản quy định, hướng dẫn liên quan mới áp mã dùng trong VNACCS theo Bảng mã thuế suất thuế giá trị gia tăng.

- Nhập mã thuế suất thuế giá trị gia tăng vào chỉ tiêu tương ứng trên màn hình đăng ký khai báo xuất khẩu (EDA).

(8) Trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện đăng ký tờ khai (do có nợ quá hạn quá 90 ngày hoặc Doanh nghiệp giải thể, phá sản, tạm ngừng kinh doanh,…), hệ thống tự động từ chối cấp số tờ khai và báo lỗi cho phía người khai lý do từ chối tiếp nhận khai báo. Tuy nhiên, nếu hàng xuất khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, không chịu thuế hoặc thuế suất bằng 0, hệ thống vẫn chấp nhận đăng ký tờ khai dù doanh nghiệp thuộc danh sách nêu trên.

(9) Trường hợp đăng ký bảo lãnh riêng:

- Nếu đăng ký bảo lãnh riêng trước khi cấp số tờ khai (bảo lãnh theo số vận đơn/Hóa đơn) thì số vận đơn hoặc số Hóa đơn đã đăng ký trong chứng từ bảo lãnh phải khớp với số vận đơn/số hóa đơn người khai khai báo trên màn hình nhập liệu.

- Nếu đăng ký bảo lãnh riêng sau khi hệ thống cấp số tờ khai thì số tờ khai đã đăng ký trong chứng từ bảo lãnh phải khớp với số tờ khai hệ thống đã cấp.

(10) Trường hợp cùng một mặt hàng nhưng các sắc thuế có thời hạn nộp thuế khác nhau hệ thống sẽ tự động xuất ra các chứng từ ghi số thuế phải thu tương ứng với từng thời hạn nộp thuế. Trường hợp người khai làm thủ tục xuất khẩu nhiều mặt hàng nhưng các mặt hàng có thời hạn nộp thuế khác nhau, người khai sẽ phải khai trên các tờ khai khác nhau tương ứng với từng thời hạn nộp thuế (ví dụ: người khai làm thủ tục xuất khẩu mặt hàng gỗ và dầu thô thì phải khai trên 02 tờ khai khác nhau tương ứng với từng thời hạn nộp thuế: mặt hàng gỗ có thời hạn nộp thuế xuất khẩu là 30 ngày; mặt hàng dầu thô có thời hạn nộp thuế xuất khẩu là 35 ngày).

(11) Về đồng tiền nộp thuế đối với dầu thô xuất khẩu: Hệ thống thiết kế theo hướng đáp ứng các quy định về đồng tiền nộp thuế đối với dầu thô xuất khẩu.

a Khai báo:

- Đối với dầu thô XK của Liên doanh Việt Nga Vietsopetro:

+ Trường hợp bán bằng USD thì khai báo USD vào ô “Trị giá tinh thuế”

+ Trường hợp bán bằng đồng tiền khác USD: Doanh nghiệp tự quy đổi trị giá hóa đơn, trị giá tính thuế ra đồng USD và khai báo vào các ô tương ứng;

- Đối với dầu thô XK của các doanh nghiệp khác:

+ Bán bằng USD khai báo USD;

+ Bán ngoại tệ tự do chuyển đổi thì khai báo trị giá bằng đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi;

+ Bán bằng VND khai báo VND;

+ Bán hỗn hợp các đồng tiền thì doanh nghiệp tự quy đổi ra VND và khai vào các ô trị giá hóa đơn, trị giá tính thuế.

b Tính thuế: Tính thuế theo đơn vị tiền tệ đã khai báo (không quy đổi về VND)

c Xuất chứng từ:  Xuất chứng từ ghi số thuế phải thu theo đơn vị tiền tệ đã khai báo;

d Chứng từ bảo lãnh:  Bảo lãnh, hạn mức theo đơn vị tiền tệ khai báo;

e Chuyển số liệu sang chương trình KTT559:  Chuyển chứng từ ghi số thuế phải thu sang KTT559 có kèm theo tỷ giá ngày đăng ký tờ khai giữa đồng tiền đã khai báo với VND.

(12)  Đối với những mặt hàng phải nộp phí xuất khẩu (ví dụ hạt tiêu, hạt điều, cà phê), hệ thống sẽ tự động tính toán số tiền phí và xuất ra chứng từ ghi lệ phí phải nộp cho người khai hải quan.

Theo Tổng Cục Hải Quan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 18,338

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn