Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu- những hạn chế cần được sửa đổi

15/06/2015 08:55 AM

Theo phản ánh của Hải quan các tỉnh, thành phố, Luật Thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới, khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất, kinh doanh trong nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...

Công chức Hải quan Móng Cái kiểm tra máy móc NK tạo tài sản cố định. Ảnh: T.TRANG

Thiếu nhiều quy định

Qua quá trình khảo sát thực tiễn hoạt động hải quan cũng như đối chiếu với các chuẩn mực hải quan quốc tế và các cam kết, theo phản ánh của Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan), Luật Thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu hiện hành có những điểm chưa nội luật hoặc nội luật chưa đầy đủ theo quy định của Công ước Kyoto, của các hiệp định song phương và đa phương đã, đang và sẽ ký kết.

Cụ thể, theo phản ánh của Hải quan một số tỉnh, thành phố, Luật Thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu thiếu quy định miễn thuế đối với hàng hóa có trị giá tối thiểu hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới mức quy định, thiếu quy định về miễn thuế đối với ấn phẩm quảng cáo có trị giá thấp và hàng mẫu theo đơn hàng để phục vụ sản xuất, ảnh, phim, mô hình hoặc bất kỳ hàng hóa tương tự nào khác thay thế cho hàng mẫu đó, ấn phẩm quảng cáo... đã gây khó khăn vướng mắc cho cơ quan Hải quan trong thực hiện.

Bên cạnh đó, Luật cũng thiếu quy định về thuế hỗn hợp (gồm cả thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và thuế suất tuyệt đối), hạn ngạch thuế quan; thiếu quy định điều kiện hoàn thuế; thiếu quy định về miễn thuế đối với máy móc, thiết bị, linh kiện, phụ tùng tạm nhập để phục vụ thay thế, sữa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài, tạm xuất để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay Việt Nam ở nước ngoài, máy móc thiết bị NK để phục vụ thử nghiệm nghiên cứu phát triển sản phẩm, hàng hóa tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để bảo hành, sửa chữa theo hợp đồng mua bán hàng hóa, phương tiện chứa hàng hóa tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập theo phương thức quay vòng không phải thanh toán.

Cũng theo phản ánh của Hải quan địa phương, một số nội dung của Luật Thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung để thực hiện mục tiêu cải cách hành chính, giảm vướng mắc cho thực hiện, nâng cao tính pháp lý của các quy định về thuế XK, thuế NK đã được Chính phủ quy định chi tiết thi hành các Luật có liên quan và triển khai có hiệu quả trên thực tế, như:

Luật chưa quy định đại lý hải quan, người bảo lãnh, người sử dụng hàng hóa NK nhưng chưa nộp thuế, người thu gom hàng hóa của cư dân biên giới là đối tượng nộp thuế nên thực tế nhiều trường hợp không thu được thuế của các đối tượng này. Hoặc Luật quy định về thời điểm tính thuế là ngày đăng ký tờ khai hải quan chưa phù hợp với trường hợp chuyển đổi đối tượng sử dụng; quy định tách riêng miễn thuế và xét miễn thuế thành 2 điều (1 điều miễn thuế, 1 điều xét miễn thuế là không cần thiết, gây hiểu nhầm là phải “xin cho” mới được miễn thuế. Việc quy định phải nộp thuế trước khi thông quan đối với hàng XK, NK để kinh doanh chưa phân biệt mức độ chấp hành tốt pháp luật của DN như Luật Quản lý thuế là chưa khuyến khích DN chấp hành tốt pháp luật...

Bất cập với thực tế

Cũng theo đánh giá của Cục Thuế XNK, Luật Thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cần được cải cách, đổi mới hơn nữa, như: Quy định mức khung thuế suất, bao gồm cả mức tối thiểu và mức tối đa như hiện nay không có ý nghĩa, vì thực chất mức thuế suất trần tối đa đã được cam kết cho toàn bộ biểu thuế với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tại thời điểm gia nhập.

Cục Thuế XNK phân tích, quy định về các nguyên tắc ban hành Biểu thuế, thuế suất đã được nêu trong Luật chưa thật sự phù hợp trong điều kiện thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa NK của một số Hiệp định thương mại quốc tế, vai trò bảo hộ và thu cho NSNN của thuế XK sẽ không như giai đoạn trước đây. Các nguyên tắc này cũng chưa đủ để xử lý các vấn đề đặt ra nhằm đảm bảo tính hợp lý giữa thuế suất thuế nhập khẩu đánh vào nguyên liệu, vật tư, linh kiện, phụ tùng, bán thành phẩm và sản phẩm nguyên chiếc...

Cùng với đó, theo phản ánh của Hải quan địa phương, quy định các biện pháp về thuế để tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống phân biệt đối xử tuy đã được quy định trong Luật nhưng chưa đầy đủ và chưa bao quát được hết các vấn đề cần thiết để áp dụng các loại thuế này, nên thực tế việc áp dụng được thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Chống bán phá giá, Pháp lệnh Chống trợ cấp, Pháp lệnh Chống phân biệt đối xử.

Đặc biệt, với quy định miễn thuế NK 5 năm cho nguyên liệu, vật tư, linh kiện phục vụ sản xuất những dự án ưu đãi đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư hoặc địa bàn đặc biệt khuyến khích đầu tư chưa phân biệt các dự án chỉ đáp ứng một đối tượng hưởng ưu đãi với các dự án đáp ứng nhiều đối tượng hưởng ưu đãi, nên chưa khuyến khích các dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ cao, đầu tư vào những địa bàn đặc biệt cần khuyến khích đầu tư. Hay như quy định miễn thuế NK tạo tài sản cố định cho dự án ưu đãi đầu tư bằng vốn ODA cho DN vay lại chưa bình đẳng với các nguồn vốn khác. Các loại hàng hóa được miễn thuế NK cho an ninh, quốc phòng, nghiên cứu khoa học, bao gồm cả mặt hàng trong nước đã sản xuất được là chưa khuyến khích tiêu dùng hàng trong nước, hạn chế tiêu dùng ngoại tệ.

Bên cạnh đó, Luật Thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu cũng chưa quy định miễn thuế đối với một số trường hợp đặc thù cần được ưu đãi như hàng hóa NK để phục vụ cho biển đảo có điều kiện kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng đặc biệt khó khăn; máy móc, thiết bị, dụng cụ chuyên dùng phục vụ cho đánh bắt thủy hải sản xa bờ là chưa phù hợp với thực tế và chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Luật hiện hành chưa thống nhất với các chính sách liên quan

Theo phản ánh của hải quan các địa phương, sau khi Luật số 21/2012/QH13  sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Thông tư 128/2013/TT-BTC  và Luật Hải quan số 54/2014/QH13  ra đời thì nhiều nội dung quy định tại Luật Thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu 45/2005/QH11 không còn phù hợp, gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc thực thi, mặc dù đã được sửa đổi, thay thế tại các văn bản quy phạm pháp luật nhưng cũng gây khó khăn trong việc theo dõi, cập nhật.

Quy định về trị giá tính thuế XK, NK chưa thống nhất với quy định của Luật Hải quan số 54/2014/QH13. Quy định miễn thuế hàng hóa NK tạo tài sản cố định của dự án ưu đãi đầu tư chưa phù hợp với việc bổ sung thêm hoặc bãi bỏ một số đối tượng thuộc diện được hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015.

Hải quan một số địa phương cũng phản ánh, tại Khoản 2 Điều 16 Luật Thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu quy định hàng hóa là tài sản di chuyển được miễn thuế NK. Trong những năm qua, nhiều trường hợp đã lợi dụng chính sách này để NK miễn thuế mặt hàng ô tô theo diện tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương nhưng không đúng đối tượng quy định.

 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản:

Cần đưa nội dung nguyên liệu NK SXXK vào diện miễn thuế vào sửa đổi Luật thuế XK, NK. Hiện nay, các DN ngành thủy sản NK khoảng 600.000 tấn nguyên liệu/năm, việc miễn thuế NK cho số nguyên liệu NK này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các DN trong việc giảm bớt thủ tục, giấy tờ, cũng như thời gian thực hiện. Cái được lớn nhất là giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh với các nước trên thế giới. Xét về nguồn gốc, hàng gia công và hàng NK SXXK đều cùng chung là sản xuất để xuất khẩu. Vì thế, thay vì cơ quan Hải quan quản lý hàng hóa theo từng chuyến thì chuyển cho DN theo dõi và xuất trình cho cơ quan Hải quan bất cứ lúc nào để kiểm tra nếu cơ quan này có yêu cầu. Như vậy vừa tạo thuận lợi cho DN, đồng thời tăng tính trách nhiệm của DN, tạo hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho DN XK thủy sản.

Bà Nguyễn Thị Mỹ, Công ty TNHH High Land Dragon:

Tổng cục Hải quan chủ động đưa nhiều nội dung bất cập trong Luật Thuế XK, NK vào sửa đổi là tư tưởng mới, thấu hiểu được khó khăn của DN. Theo tôi cần xem xét sửa đổi về hồ sơ không thu thuế và hồ sơ hoàn thuế, giảm bớt gánh nặng cho cả DN và cơ quan Hải quan. Việc miễn thuế đối với hàng nhập khẩu SXXK cũng cần xem xét để phù hợp với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính.

Ông Đặng Hoàng Giang, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam:

Mặt hàng điều là nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Hiện nay, mỗi năm, các DN Việt Nam cần 1 triệu tấn điều khô để SXXK, nhưng sản lượng trong nước mới chỉ đáp ứng được 50%, số còn lại phải NK chủ yếu từ các quốc gia Đông Phi và Nam Phi. Thủ tục kê khai hoàn thuế rất khó khăn, đang vô tình đánh mất lợi thế cạnh tranh của các DN trên trường quốc tế. Hiện nay tỷ trọng XK mặt hàng điều rất lớn, chiếm 95%, nên những thủ tục phiền toái như thủ tục hoàn thuế cho DN cần được dỡ bỏ. Việc tháo gỡ về chính sách thuế tạo thêm sức mạnh cho DN trong tiến trình hội nhập sâu rộng hiện nay… 

Thu Hòa (thực hiện)

 

Hải quan TP. Hồ Chí Minh: Băn khoăn đối tượng miễn thuế

Đối với hàng sản xuất -  xuất khẩu, theo dự thảo loại hình sản xuất -  xuất khẩu đưa vào đối tượng miễn thuế, Cục Hải quan TP.HCM đề nghị Tổng cục Hải quan nên thận trọng và cân nhắc khi trình Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc hội nội dung này. Bởi vì, theo Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế và Luật Hải quan 2014 thì đối tượng nhập sản xuất xuất khẩu đã được ưu đãi thời hạn ân hạn thuế 275 ngày và được gia hạn một lần không quá 2 năm chu kỳ sản xuất kéo dài hơn 275 ngày.

Bên cạnh đó, hiện nay tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC quy định về báo cáo quyết toán sau khi kết thúc năm tài chính, không báo cáo định mức, không thanh khoản ...; đây là một khó khăn và thử thách mới cho cơ quan Hải quan, kim ngạch đối với loại hình này không hề nhỏ, Cục Hải quan TP.HCM rất lo ngại về công tác quản lý theo nguyên tắc quản lý rủi ro.

Trong trường hợp, Ban soạn thảo quyết định trình Quốc hội ban hành luật và áp dụng từ ngày 1-7-2016 đối với loại hình sản xuất - xuất khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, Cục Hải quan TP.HCM đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét các yếu tố, như: DN phải đăng ký danh mục miễn thuế; báo cáo quyết toán hàng năm. Đối với  hình thức chế tài: Phạt thật nặng đối với hành vi gian lận thương mại mới đủ sức răn đe. Cần thêm thời gian để công tác quản lý theo nguyên tắc “nhập - xuất - tồn” đi vào ổn định trên các mặt: Công nghệ thông tin, phần mềm quản lý, tính tuân thủ pháp luật của DN, sau đó sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm rồi hãy tính đến sửa đổi, bổ sung đối với nội dung này.

Hải quan Hà Nội: Khó xác định lĩnh vực ưu đãi đầu tư

Theo Hải quan Hà Nội, tại Khoản 6 Điều 12 Nghị định 87/2010/NĐ-CP (Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu) có nêu: “Hàng hóa NK tạo tài sản cố định của dự án đầu tư vào lĩnh vực được ưu đãi về thuế NK quy định tại Phụ lục I ban hành theo Nghị định này được miễn thuế NK”.

Tuy nhiên, có một số lĩnh vực ưu đãi về thuế NK quy định tại Khoản 6 và Khoản 9 Điều 12 Nghị định 87 bị chồng chéo, trùng lắp như: Xây dựng trường học và cơ sở đào tạo, thành lập bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo Hải quan Hà Nội, việc quy định trùng lặp nhưng chưa được làm rõ về tiêu chí phân biệt dẫn đến cách hiểu khác nhau và phát sinh vướng mắc trong việc thực hiện cấp Danh mục hàng hóa NK miễn thuế đối với các dự án đầu tư xây dựng trường học hoặc dự án đầu tư thành lập bệnh viện theo quy định tại Khoản 6 Điều 12 hay theo quy định tại Khoản 9 Điều 12 (Miễn thuế lần đầu đối với hàng hóa là trang thiết bị nhập khẩu theo danh mục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này để tạo tài sản cố định)?

Hải quan Lạng Sơn, Hà Tĩnh: Lợi dụng thời gian ân hạn để trốn thuế

Hải quan Lạng Sơn cho biết, một số DN lợi dụng chính sách ân hạn thuế 30 ngày theo quy định của Luật Quản lý thuế để NK hàng hóa, sau đó bỏ trốn, trây ỳ không nộp phần thuế đã kê khai. Một số DN lợi dụng chính sách không phải nộp khoản đảm bảo để tham vấn đã không nộp số tiền thuế truy thu sau tham vấn. Sau khi kiểm tra sau thông quan, nhiều DN đã không nộp bổ sung số tiền thuế ấn định, việc phát hiện xử lý sau thông quan thường chậm do DN đã bán hết hàng, đã hạch toán chi phí và thậm chí không còn hoạt động.

Cùng gặp khó khăn tương tự, Hải quan Hà Tĩnh cho biết, trong quá trình thực hiện Luật Thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn còn tồn tại một số khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác thu đòi nợ thuế. Hiện Cục Hải quan Hà Tĩnh đang theo dõi nợ thuế của 27 DN bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh để trốn thuế. Trong khi đó, công tác đôn đốc, thu hồi nợ thuế đối với nhóm DN này gặp nhiều khó khăn, nhưng chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là các DN đã lợi dụng chính sách về ân hạn thời hạn nộp thuế quy định tại Điều 15 Luật Thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu, thực hiện xuất khẩu hàng hóa được nợ thuế rồi sau đó bỏ trốn.  

Trang- Hòa (thực hiện)

Thu Trang

Theo Báo Hải Quan

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 15,252

Bài viết về

Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn