Điều kiện chứng nhận quyền sở hữu đất rừng sản xuất là rừng trồng

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
25/10/2022 17:36 PM

Để chứng nhận quyền sở hữu đất rừng sản xuất là rừng trồng, chủ sở hữu phải cần chứng minh điều gì? - Vũ Thành (Lâm Đồng)

Điều kiện để chứng nhận quyền sở hữu đất rừng sản xuất là rừng trồng

Điều kiện để chứng nhận quyền sở hữu đất rừng sản xuất là rừng trồng

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là đất rừng sản xuất?

Theo điểm c khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013, đất rừng sản xuất là đất thuộc nhóm đất nông nghiệp và được phân loại thành 02 loại sau:

- Đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên

Rừng tự nhiên là rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên hoặc tái sinh có trồng bổ sung. (Khoản 6 Điều 2 Luật Lâm nghiệp 2017)

- Đất rừng sản xuất là rừng trồng

Rừng trồng là rừng được hình thành do con người trồng mới trên đất chưa có rừng; cải tạo rừng tự nhiên; trồng lại hoặc tái sinh sau khai thác rừng trồng. (Khoản 7 Điều 2 Luật Lâm nghiệp 2017)

2. Điều kiện để chứng nhận quyền sở hữu đất rừng sản xuất là rừng trồng

Cụ thể tại Điều 33 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, ngoài việc chủ sở hữu đất rừng sản xuất là rừng trồng mà vốn để trồng rừng, tiền đã trả cho việc nhận chuyển nhượng rừng hoặc tiền nộp cho Nhà nước khi được giao rừng có thu tiền không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì còn phải có một trong các giấy tờ sau đây thì được chứng nhận quyền sở hữu:

(1) Giấy chứng nhận hoặc một trong các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP mà trong đó xác định Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để trồng rừng sản xuất;

(2) Giấy tờ về giao rừng sản xuất là rừng trồng;

(3) Hợp đồng hoặc văn bản về việc mua bán hoặc tặng cho hoặc thừa kế đối với rừng sản xuất là rừng trồng đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;

(4) Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng đã có hiệu lực pháp luật;

(5) Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư không có giấy tờ quy định tại (1), (2), (3), (3) mà đã trồng rừng sản xuất bằng vốn của mình thì phải được Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai;

(6) Đối với tổ chức trong nước thực hiện dự án trồng rừng sản xuất bằng nguồn vốn không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì phải có quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư dự án hoặc giấy chứng nhận đầu tư để trồng rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về đầu tư;

(7) Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án trồng rừng sản xuất thì phải có quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư dự án hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư để trồng rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về đầu tư;

(8) Trường hợp chủ sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng không đồng thời là người sử dụng đất thì ngoài giấy tờ theo quy định tại (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7) phải có văn bản thỏa thuận của người sử dụng đất cho phép sử dụng đất để trồng rừng đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

3. Quy định về giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất là rừng trồng

Việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất là rừng trồng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 135 Luật Đất đai 2013, cụ thể như sau:

(i) Giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo hạn mức quy định tại điểm b khoản 3 Điều 129 Luật Đất đai 2013 để sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp.

Đối với diện tích đất rừng sản xuất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng vượt hạn mức thì phải chuyển sang thuê đất.

Cụ thể hạn mức giao đất rừng sản xuất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 30 héc ta.

(ii) Cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng;

(iii) Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất theo quy định tại (i), (ii) thì được sử dụng diện tích đất chưa có rừng để trồng rừng hoặc trồng cây lâu năm.

Trường hợp tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất rừng sản xuất thì được kết hợp kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng.

Ngoài ra, nếu đất rừng sản xuất tập trung ở những nơi xa khu dân cư không thể giao trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân thì được Nhà nước giao cho tổ chức để bảo vệ và phát triển rừng kết hợp với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

(Khoản 3, 4 Điều 135 Luật Đất đai 2013)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 13,501

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn