Nguyên tắc huy động lực lượng khác trong CAND phối hợp với CSGT tuần tra an toàn giao thông đường bộ từ 01/01/2025 (Hình từ Internet)
Ngày 15/11/2024, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 73/2024/TT-BCA quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.
Theo quy định tại Điều 27 Thông tư 73/2024/TT-BCA thì việc yêu cầu, nguyên tắc huy động lực lượng khác trong Công an nhân dân tham gia phối hợp với Cảnh sát giao thông thực hiện tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết như sau:
- Tuân thủ theo quy định tại Luật Công an nhân dân 2018, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, Thông tư 73/2024/TT-BCA và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Việc huy động lực lượng phải thực hiện bằng Quyết định, Kế hoạch huy động, trong đó phải nêu rõ lực lượng, số lượng cần huy động, thời gian, tuyến, địa bàn huy động, trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của Cảnh sát giao thông, lực lượng được huy động. Khi hết thời gian huy động ghi trong Quyết định hoặc Kế hoạch huy động mà không có văn bản huy động mới của cấp có thẩm quyền thì lực lượng khác trong Công an nhân dân kết thúc nhiệm vụ được huy động, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ thường xuyên.
Việc phối hợp lực lượng phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng được huy động, quyết định của cấp có thẩm quyền và phù hợp với thực tế nhiệm vụ.
- Việc xử lý vi phạm hành chính khi tham gia phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải theo đúng quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính; Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe và pháp luật có liên quan.
Quyền hạn của Cảnh sát giao thông khi thực hiện tuần tra, kiểm soát được quy định cụ thể tại khoản 5 Điều 65 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 bao gồm:
- Dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 66 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 để kiểm tra việc chấp hành các quy định về quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện của phương tiện tham gia giao thông đường bộ; điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật;
- Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách; di chuyển phương tiện vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ gây cản trở, ùn tắc giao thông hoặc nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 68 và Điều 69 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024;
- Vận hành, sử dụng hệ thống, phương tiện, thiết bị, dữ liệu theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 67 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 70 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024;
- Quyền hạn khác theo quy định của Luật Công an nhân dân 218 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Xem thêm Thông tư 73/2024/TT-BCA có hiệu lực từ 01/01/2025.