Các hình thức phối hợp xây dựng đề án, văn bản của Kiểm toán nhà nước mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
09/12/2024 20:00 PM

Sau đây là bài viết về các hình thức phối hợp xây dựng đề án, văn bản của Kiểm toán nhà nước mới nhất được quy định trong Quyết định 1963/QĐ-KTNN năm 2024.

Các hình thức phối hợp xây dựng đề án, văn bản của Kiểm toán nhà nước mới nhất

Các hình thức phối hợp xây dựng đề án, văn bản của Kiểm toán nhà nước mới nhất (Hình từ Internet)

Ngày 05/12/2024, Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quyết định 1963/QĐ-KTNN về Quy chế làm việc của Kiểm toán Nhà nước.

Các hình thức phối hợp xây dựng đề án, văn bản của Kiểm toán nhà nước mới nhất

Theo quy định tại Điều 23 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1963/QĐ-KTNN năm 2024 thì đơn vị chủ trì thực hiện việc phối hợp xây dựng đề án, văn bản với các đơn vị có liên quan theo các hình thức sau:

- Đề nghị đơn vị phối hợp cử công chức, viên chức, người lao động tham gia xây dựng đề án, văn bản. Người được cử là đại diện của đơn vị, có trách nhiệm thường xuyên báo cáo và xin ý kiến của Thủ trưởng đơn vị trong quá trình tham gia xây dựng đề án, văn bản.

- Tổ chức họp lấy ý kiến các đơn vị có liên quan để xây dựng, hoàn thiện nội dung đề án, văn bản. Đơn vị chủ trì có trách nhiệm gửi dự thảo văn bản cho đơn vị tham dự ít nhất 02 ngày làm việc trước khi tổ chức họp, trừ những văn bản gấp, văn bản mật được cung cấp tại cuộc họp. Thủ trưởng đơn vị được mời tham dự họp hoặc cử đại diện có đủ thẩm quyền đến họp, phát biểu ý kiến của đơn vị. Những ý kiến thảo luận phải được ghi biên bản và có chữ ký của người chủ trì cuộc họp. Trường hợp đại diện đơn vị được mời vắng mặt, đơn vị chủ trì có trách nhiệm gửi phần kết luận có liên quan cho đơn vị đó.

- Lấy ý kiến bằng văn bản của các đơn vị có liên quan để xây dựng, hoàn thiện nội dung đề án, văn bản. Thời hạn lấy ý kiến ít nhất là 05 ngày làm việc, trừ trường hợp gấp theo yêu cầu của cơ quan cấp trên hoặc chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước thì thời hạn có thể rút ngắn hơn.

Đơn vị được hỏi ý kiến trả lời bằng văn bản theo đúng thời hạn được yêu cầu, trong đó nêu rõ những điểm đồng ý, không đồng ý, lý do không đồng ý, những kiến nghị về việc chỉnh sửa, bổ sung các nội dung của dự thảo đề án, văn bản. Trường hợp dự thảo đề án, văn bản chưa rõ hoặc có vấn đề phức tạp, đơn vị được hỏi ý kiến có quyền đề nghị đơn vị chủ trì làm rõ hoặc cung cấp thêm thông tin, tài liệu cần thiết. Nếu quá thời hạn trả lời mà đơn vị được hỏi ý kiến không trả lời thì coi như đồng ý với nội dung xin ý kiến và phải chịu trách nhiệm về sự đồng ý đó.

- Gửi lấy ý kiến qua thư điện tử hoặc phần mềm sử dụng chung của Kiểm toán nhà nước: Nội dung và thời hạn thực hiện như khoản 3 Điều 23 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1963/QĐ-KTNN năm 2024.

Quy định về đề án và văn bản của Kiểm toán nhà nước

Đề án và văn bản của Kiểm toán nhà nước được quy định cụ thể tại Điều 21 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1963/QĐ-KTNN năm 2024 như sau:

- Đề án của Kiểm toán nhà nước là một loại văn bản (văn kiện) được trình bày có hệ thống về một kế hoạch, mục tiêu, nội dung, nguồn lực, các nhiệm vụ, giải pháp, phân công thực hiện... để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm giải quyết một hoặc nhiều vấn đề trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước.

- Văn bản của Kiểm toán nhà nước là thông tin thành văn hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của Tổng Kiểm toán nhà nước, được trình bày theo đúng thể thức, kỹ thuật và ban hành đúng thẩm quyền theo quy định.

Xem thêm Quyết định 1963/QĐ-KTNN có hiệu lực từ 05/12/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 146

Bài viết về

lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]