Công tác bảo vệ môi trường trong quá trình thăm dò mỏ đất hiếm từ 06/01/2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
27/11/2024 13:15 PM

Công tác bảo vệ môi trường trong quá trình thăm dò mỏ đất hiếm từ 06/01/2025 là nội dung được quy định trong Thông tư 21/2024/TT-BTNMT.

Công tác bảo vệ môi trường trong quá trình thăm dò mỏ đất hiếm từ 06/01/2025

Công tác bảo vệ môi trường trong quá trình thăm dò mỏ đất hiếm từ 06/01/2025 (Hinh từ Internet)

Ngày 21/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 21/2024/TT-BTNMT quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá tài nguyên và thăm dò khoáng sản đất hiếm.

Công tác bảo vệ môi trường trong quá trình thăm dò mỏ đất hiếm từ 06/01/2025

Theo quy định tại Điều 38 Thông tư 21/2024/TT-BTNMT thì công tác bảo vệ môi trường trong quá trình thăm dò mỏ đất hiếm được thực hiện như sau:

- Công tác bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện thăm dò mỏ đất hiếm để xác định nguyên nhân, giảm thiểu tác động, rủi ro, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người lao động tham gia thi công; đánh giá chất lượng môi trường nguyên sinh và dự báo chất lượng môi trường thứ sinh.

- Công tác đánh giá tác động môi trường trong quá trình thăm dò mỏ được thực hiện qua 3 giai đoạn gồm đánh giá hiện trạng môi trường nguyên sinh trước khi diễn ra các hoạt động thăm dò, giám sát môi trường trong thời gian thăm dò và đánh giá các tác động môi trường sau khi kết thúc quá trình thăm dò để xác định hàm lượng, phân bố và quy luật biến đổi của các chất phóng xạ, các chất độc hại, cũng như các khí độc hại trong các thành phần môi trường đất, nước, không khí; chỉ ra những yếu tố có thể gây ô nhiễm môi trường và đề xuất phòng ngừa, giảm thiểu các tác động đến môi trường.

- Nội dung công việc thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Thông tư 21/2024/TT-BTNMT, cụ thể:

+ Tổng hợp tài liệu các điều kiện địa chất môi trường nguyên sinh;

+ Đo suất liều gamma môi trường trong không khí thực hiện theo quy định sau:

++ Xác định mức liều chiếu ngoài của bức xạ gamma tại các công trình khai đào, công trình khoan và khu vực tập kết mẫu quặng.

++ Thiết bị sử dụng là các loại máy đo suất liều chuyên dụng DKS-96P hoặc thiết bị tương đương với độ nhạy ≤ 0,01μSv/h. Quy trình thu thập số liệu, kiểm tra, kiểm chuẩn máy thực hiện theo TCVN 9414:2012 - Điều tra, đánh giá địa chất môi trường: Phương pháp gamma.

+ Đo nồng độ khí phóng xạ môi trường trong không khí, nước thực hiện theo quy định sau:

++ Xác định mức liều chiếu nồng độ khí phóng xạ môi trường trong không khí, nước tại một số công trình khai đào, công trình khoan và khu vực tập kết mẫu quặng.

++ Thiết bị sử dụng là các loại máy đo khí phóng xạ RAD-7, RAD-8 hoặc thiết bị tương đương, đo riêng biệt nồng độ radon và thoron, độ nhạy ≤ 0,01 Bq/l. Quy trình thu thập số liệu, kiểm tra, kiểm chuẩn máy thực hiện theo TCVN 9416: 2012 - Điều tra, đánh giá địa chất môi trường: Phương pháp khí phóng xạ.

+ Xác định hoạt độ các đồng vị phóng xạ, độc hại trong bụi, sol khí thực hiện theo quy định sau:

++ Xác định mức độ ảnh hưởng của các đồng vị phóng xạ 238U, 232Th, 226Ra, 40K, 210Pb trong bụi, sol khí tại khu vực đánh giá quặng đất hiếm và khu vực dân cư lân cận.

++ Lấy mẫu: mẫu được hút bằng máy chuyên dụng với tốc độ trung bình khoảng 120 -> 150 m3/h, đảm bảo tại mỗi điểm lấy mẫu đạt được khoảng 5500 - 6000m3 không khí. Thiết bị sử dụng để lấy mẫu bụi, sol khí là MODEL DF - 60810E, GAS - 60810DE hoặc thiết bị tương đương; phân tích mẫu: thời gian đo ≥ 50.000s trên hệ phổ kế gamma phân giải cao Gamma HPGe Detector - GEM 30, GEM-C90P4 theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9420: 2012 .

+ Xác định nhanh môi trường nước các chỉ tiêu tại hiện trường (nhiệt độ, pH, ORP, radon) thực hiện theo quy định sau:

++ Dự báo nhanh mức độ phát tán tại hiện trường của các chất phóng xạ trong nước.

++ Mẫu nước được lấy ở các dòng suối, các điểm xuất lộ nước, các giếng khơi, ao hồ, tại khu vực đánh giá khoáng sản đất hiếm và khu vực dân cư lân cận.

++ Thiết bị: sử dụng máy RAD-7, RAD-8 hoặc các thiết bị tương đương (độ nhạy £ 0,01 Bq/l) và bộ đo mẫu nước có khả năng đo riêng biệt nồng độ radon và thoron.

++ Quy trình thu thập số liệu, kiểm tra, hiệu chuẩn máy thực hiện theo quy định tại tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9416: 2012 - Điều tra, đánh giá địa chất môi trường: Phương pháp khí phóng xạ.

+ Xác định tổng hoạt độ alpha, beta, các chất độc hại trong nước. Nếu có các chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn môi trường cho phép, phải lấy và phân tích đồng vị phóng xạ trong nước để xác định cụ thể nguyên nhân thực hiện theo quy định sau:

++ Đánh giá hiện trạng và dự báo mức độ phát tán của các chất phóng xạ trong nước.

++ Mẫu nước được lấy ở các dòng suối, các điểm xuất lộ nước, các giếng khơi, ao hồ, tại khu vực đánh giá khoáng sản đất hiếm và khu vực dân cư lân cận. Lấy mẫu, xử lý và bảo quản mẫu theo TCVN 6663-1 (ISO 5667-1) và TCVN 6663-3 (ISO 5667-3). Mẫu nước được xử lý, phân tích tổng hoạt độ alpha, beta bằng thiết bị phân tích alpha-beta 6LB/S6-LB do Mỹ sản xuất hoặc thiết bị tương đương.

+ Xác định hoạt độ các đồng vị phóng xạ, độc hại trong đất thực hiện theo quy định sau:

++ Đánh giá hiện trạng và dự báo mức độ phát tán của các nguyên tố độc hại trong môi trường đất.

++ Mẫu lấy theo TCVN 12295:2018 - Điều tra, đánh giá địa chất môi trường - phương pháp lấy mẫu để đo hoạt độ phóng xạ trên máy phổ gamma phân giải cao. Mẫu đất phân tích các chỉ tiêu: 238U, 232Th, 226Ra, 40K, 210Pb được phân tích trên hệ phổ kế gamma phân giải cao Gamma HPGe Detector - GEM 30, GEM-C90P4 theo TCVN 9420: 2012 - Điều tra, đánh giá và thăm dò khoáng sản: Phương pháp phổ gamma phân giải cao.

+ Lập báo cáo địa chất môi trường.

Xem thêm Thông tư 21/2024/TT-BTNMT có hiệu lực từ 06/01/2025.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 152

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]