Hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền lãi cho vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương tại Hà Nội

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
27/09/2024 18:45 PM

Bài viết sau có nội dung về quản lý và sử dụng tiền lãi cho vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương tại Hà Nội được quy định trong Quyết định 60/2024/QĐ-UBND.

Hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền lãi cho vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương tại Hà Nội

Hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền lãi cho vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương tại Hà Nội (Hình từ Internet)

Ngày 24/9/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 60/2024/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền lãi cho vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương tại Hà Nội

Theo quy định tại Điều 9 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 60/2024/QĐ-UBND thì Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện quản lý và hạch toán số tiền lãi thu được từ hoạt động cho vay bằng nguồn vốn ngân sách cấp Thành phố, ngân sách cấp huyện ủy thác vào thu nhập của Ngân hàng Chính sách xã hội và quản lý, sử dụng theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên như sau:

(1) Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện thực hiện trích lập và quản lý dự phòng rủi ro tín dụng chung theo quy định hiện hành phù hợp nguồn vốn ngân sách nhận ủy thác cho vay. Trường hợp tại thời điểm trích lập dự phòng rủi ro, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh trên tổng dư nợ thấp hơn 0,75% thì Quỹ Dự phòng rủi ro tín dụng tối đa bằng 0,75% tính trên số dư nợ cho vay (không bao gồm nợ quá hạn và nợ khoanh).

(2) Trích phí quản lý nguồn vốn ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện theo dư nợ cho vay bình quân. Mức phí quản lý bằng mức phí quản lý Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong từng thời kỳ.

Trường hợp lãi thu được sau khi trích Quỹ Dự phòng rủi ro tín dụng chung không đủ trích phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhận ủy thác vốn cho vay theo quy định, Sở Tài chính (đối với nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác), Phòng Tài chính Kế hoạch (đối với nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác) thực hiện các thủ tục tài chính cấp bù phần còn thiếu cho Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhận ủy thác từ dự toán cấp bù chênh lệch phí quản lý đã được UBND cùng cấp giao.

(3) Trích phí chi cho công tác chỉ đạo, quản lý, tổng hợp, kiểm tra, giám sát, khen thưởng của các cấp, các Sở, ngành, đơn vị liên quan đến hoạt động cho vay bằng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác:

- Đối với số lãi thu được từ cho vay nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác: Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội trích 15% số tiền lãi thu được và phân bổ như sau:

+ Trích 05% lãi thu được cho Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp chi công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, khen thưởng của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp.

+ Trích 10% lãi thu được giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý, sử dụng chi cho công tác quản lý, tổng hợp, kiểm tra giám sát của các đơn vị liên quan đến hoạt động cho vay bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác (trong đó, dành 05% cho các đơn vị của cấp huyện do Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo dự toán gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội).

- Đối với số lãi thu được từ cho vay nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện trích 15% số tiền lãi thu được và phân bổ như sau:

+ Trích 05% cho Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện (thông qua cơ quan thường trực là Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện) chi công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, khen thưởng của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện.

+ Trích 10% giao Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý, sử dụng cho cho công tác quản lý, tổng hợp, kiểm tra giám sát của các đơn vị liên quan đến hoạt động cho vay bằng nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác.

- Trường hợp lãi thu được, sau khi trích Quỹ Dự phòng rủi ro tín dụng chung, phí quản lý nguồn vốn ủy thác, không đủ trích kinh phí cho Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội theo quy định, Sở Tài chính (đối với nguồn ngân sách Thành phố ủy thác), Phòng Tài chính Kế hoạch (đối với nguồn ngân sách cấp huyện ủy thác) thực hiện các thủ tục tài chính cấp bù phần còn thiếu cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (đối với nguồn ngân sách Thành phố ủy thác), Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội cấp huyện (đối với nguồn ngân sách cấp huyện ủy thác) từ nguồn ngân sách cùng cấp.

- Trường hợp các đơn vị không sử dụng hết số kinh phí được trích, căn cứ báo cáo quyết toán, nhu cầu vay vốn, số dư nguồn vốn cho vay và khả năng cân đối của ngân sách, cơ quan Tài chính chủ trì, phối hợp cơ quan Lao động- Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan trình UBND cùng cấp điều chuyển phần kinh phí còn dư bổ sung nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn theo quy định.

(4) Phần còn lại (nếu có) được bổ sung vào nguồn vốn cho vay.

(5) Quyết định sử dụng lãi vay

- Thẩm quyền quyết định sử dụng lãi vay là UBND các cấp, phù hợp nguồn vốn ủy thác.

- Định kỳ hàng quý, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện tổng hợp, hạch toán phân bổ lãi cho vay thu được, đồng thời xin ý kiến cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội và cơ quan Tài chính cùng cấp thống nhất phương án phân bổ lãi.

- Trước ngày 15/01 hàng năm, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện có trách nhiệm: Báo cáo phân bổ lãi cho vay thu được năm trước gửi cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp cơ quan Tài chính trình UBND cùng cấp phê duyệt sử dụng lãi vay thu được trong năm và làm cơ sở đối chiếu, xác nhận số kinh phí phải cấp bù cả năm.

Trường hợp kinh phí tạm cấp bù cao hơn kinh phí phải cấp bù cả năm, cơ quan Tài chính thực hiện bù trừ vào phần kinh phí phải cấp bù cho Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp và cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội năm sau hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp, cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội nộp trả ngân sách cùng cấp theo yêu cầu của UBND cùng cấp.

(6) Nội dung chi và mức chi

- Đối với phí quản lý nguồn vốn ủy thác: Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện thực hiện các nội dung chi, mức chi, quản lý và quyết toán theo quy định pháp luật hiện hành và của Ngân hàng Chính sách xã hội.

- Đối với nội dung chi cho công tác chỉ đạo, quản lý, tổng hợp, kiểm tra giám sát, khen thưởng liên quan đến hoạt động cho vay bằng nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác.

*Nội dung chi và mức chi:

- Chi tổ chức họp, hội nghị, sơ kết, tổng kết hoạt động ủy thác vốn cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo các nội dung quy định tại Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 60/2024/QĐ-UBND. Nội dung chi và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư 40/2017/TT-BTC quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

- Chi công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và các quy định, hướng dẫn về cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác: Thực hiện theo các quy định của Trung ương và Thành phố về nội dung, mức chi, định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá tương ứng với từng hình thức tuyên truyền mà đơn vị thực hiện lựa chọn theo quy định của pháp luật (tuyên truyền trên truyền hình, báo in, báo điện tử, xuất bản phẩm, hội nghị, tọa đàm…).

- Chi hội nghị tập huấn nghiệp vụ hoạt động ủy thác vốn cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo các nội dung quy định tại Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 60/2024/QĐ-UBND. Nội dung chi và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư 36/2018/TT-BTC về việc hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Thông tư 06/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2018/TT-BTC để áp dụng đối với tập huấn cho các đối tượng tham gia hoạt động tín dụng chính sách.

- Chi hỗ trợ văn phòng phẩm, in tài liệu triển khai các nhiệm vụ liên quan hoạt động ủy thác vốn cho vay. Mức chi căn cứ vào khối lượng công việc thực tế và hóa đơn, chứng từ chi tiêu theo quy định.

- Chi mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, dụng cụ văn phòng phục vụ công tác cho vay từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đối với 5% lãi thu được phân bổ cho Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, giao Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp thực hiện theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đối với 10% lãi thu được phân bổ cho Cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội, giao Thủ trưởng Cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội thống nhất cơ quan Tài chính về Danh mục mua sắm trang thiết bị. Quy trình mua sắm thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về đấu thầu. Định mức mua sắm trang thiết bị văn phòng thực hiện theo quy định tại Quyết định 50/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị.

- Chi làm thêm ngoài giờ phục vụ công tác quản lý nguồn vốn vay ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội;

- Chi cho công tác khảo sát, điều tra và đánh giá việc ủy thác vốn ngân sách Thành phố qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay các đối tượng quy định, soạn thảo và ban hành quy định, hướng dẫn thực hiện quy định này. Nội dung chi và mức chi thực hiện theo quy định tại Phụ lục số 01, Nghị quyết 22/2016/NQ-HĐND của HĐND Thành phố quy định một số chính sách, nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND Thành phố.

- Chi kiểm tra, giám sát đối với hoạt động ủy thác cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo các nội dung quy định tại Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 60/2024/QĐ-UBND. Nội dung chi và mức chi thực hiện theo quy định về công tác phí tại Thông tư 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

- Chi thưởng bằng tiền cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác quản lý vốn cho vay hàng năm; chủ dự án, người vay vốn sử dụng hiệu quả vốn vay. Mức chi đối với tập thể trong một năm là 02 (hai) lần mức lương cơ sở, cá nhân là 01 (một) lần mức lương cơ sở.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện ban hành Quyết định thưởng bằng tiền đối với các tập thể, cá nhân theo định kỳ 6 tháng/1 năm trên cơ sở kết quả phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan về rà soát thành tích của các tập thể, cá nhân và phê duyệt của Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cùng cấp về số lượng, cơ cấu tập thể, cá nhân được thưởng.

*Lập dự toán, quyết toán đối với kinh phí Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp và kinh phí trích cho cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội được trích từ lãi thu được trong năm:

- Lập dự toán: Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện, Thủ trưởng cơ quan Lao động- Thương binh và Xã hội có trách nhiệm lập, thẩm định và phê duyệt dự toán chi tiết đối với phần kinh phí được giao quản lý và sử dụng làm cơ sở thực hiện trong năm.

- Quyết toán:

+ Đối với kinh phí Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp được hưởng trong năm: Kết thúc năm, Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp báo cáo, tổng hợp quyết toán số kinh phí đã sử dụng trong năm gửi cơ quan Tài chính cùng cấp trước ngày 28/02 năm sau.

+ Đối với kinh phí trích cho cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội: Các đơn vị tổng hợp quyết toán chung trong báo cáo quyết toán năm của đơn vị gửi cơ quan Tài chính cùng cấp xét duyệt, thẩm định quyết toán theo quy định chế độ kế toán, tài chính hiện hành.

+ Số kinh phí được giao quản lý sử dụng trong năm còn lại được chuyển sang năm sau để tiếp tục theo dõi, quản lý và sử dụng (trừ trường hợp sử dụng theo điểm d khoản 3 Điều 9 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 60/2024/QĐ-UBND).

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 58

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn