Hướng dẫn tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
23/09/2024 18:45 PM

Bài viết sau có nội dung về tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài được quy định trong Công văn 1717/QLCL-PQLT năm 2024.

Hướng dẫn tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài

Hướng dẫn tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài (Hình từ Internet)

Ngày 20/9/2024, Cục quản lý chất lượng ban hành Công văn 1717/QLCL-PQLT về tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.

Hướng dẫn tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài 

Theo đó, Cục Quản lý chất lượng (QLCL), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nhận được Tờ trình 2024/TTr-ĐHSP năm 2024 của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh về việc xây dựng Đề án tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.

Căn cứ quy định tại Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài ban hành kèm theo Thông tư 27/2021/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ vào Biên bản kiểm tra, xác nhận điều kiện đảm bảo chất lượng tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài tại Trường ngày 04/9/2024; Công văn 2449/ĐHSP-TCHC năm 2024 của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quản lý chất lượng có ý kiến được quy định cụ thể tại Công văn 1717/QLCL-PQLT năm 2024 như sau:

(1) Đề án tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài (Đề án) của quý Trường đáp ứng yêu cầu tổ chức thi theo quy định tại Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt.

(2) Đề nghị quý Trường thực hiện các nội dung sau để triển khai Đề án:

- Đăng tải công khai “Đề án tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài” trên trang thông tin điện tử của quý Trường.

- Tổ chức thi theo đúng Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt; cấp phát, quản lý chứng chỉ theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Báo cáo Kế hoạch tổ chức thi; thời gian, địa điểm của từng đợt thi; tổng hợp, đánh giá kết quả thi sau mỗi đợt thi gửi về Cục Quản lý chất lượng để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, liên hệ với Cục Quản lý chất lượng, số 35 Đại Cồ Việt, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để được giải quyết kịp thời.

Điều kiện đối với đơn vị được tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài 

Điều kiện đối với đơn vị được tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài được quy định cụ thể tại Điều 6 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 27/2021/TT-BGDĐT như sau:

- Có đội ngũ nhân sự quản lý, biên soạn câu hỏi thi, đề thi, kĩ thuật viên đáp ứng các yêu cầu về số lượng, trình độ để tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt; những người này hoặc là viên chức được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định của pháp luật về viên chức hoặc là người lao động đã được ký hợp đồng không xác định thời hạn theo Bộ luật Lao động 2019, trong đó:

+ Có ít nhất 10 người để thực hiện nhiệm vụ biên soạn câu hỏi thi, đề thi và chấm thi; những người này phải có trình độ tối thiểu là thạc sĩ thuộc nhóm ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam hoặc ngành Văn học hoặc chuyên ngành Ngữ văn/tiếng Việt thuộc nhóm ngành Khoa học giáo dục;

+ Có đội ngũ kĩ thuật viên đáp ứng yêu cầu để sử dụng các thiết bị tin học, âm thanh, video phục vụ cho việc tổ chức thi và chấm thi.

- Có đủ điều kiện về cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu sau:

+ Khu vực thi bảo đảm các yêu cầu về an ninh, an toàn và phòng chống cháy nổ. Có đủ phòng thi và các phòng chức năng để tổ chức thi cả 04 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết cho ít nhất 30 thí sinh trong một lượt thi;

+ Phòng thi phải bảo đảm: đủ ánh sáng, bàn, ghế, phấn hoặc bút dạ, bảng hoặc màn chiếu; có hệ thống camera giám sát không kết nối mạng internet, ghi được toàn bộ diễn biến của cả phòng thi trong suốt thời gian thi; có đồng hồ dùng chung để tất cả thí sinh theo dõi được thời gian làm bài; có đủ các thiết bị ghi âm, phát âm, ghi hình;

+ Có thiết bị kiểm tra an ninh (cổng từ hoặc thiết bị cầm tay) nhằm kiểm soát và ngăn chặn việc mang tài liệu, đồ dùng trái phép vào phòng thi;

+ Có dụng cụ bảo quản đồ đạc của thí sinh để bên ngoài phòng thi;

+ Phòng làm việc của Hội đồng thi phải có đủ trang thiết bị và đồ dùng cần thiết để phục vụ công tác trực thi, giao nhận đề thi và bài thi; có hòm, tủ hoặc két sắt, có khóa chắc chắn để bảo quản đề thi và bài thi;

+ Có trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về Đề án tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt của đơn vị, định dạng đề thi, đề thi minh họa, hình thức thi, danh sách thí sinh đăng ký dự thi; thông báo lịch thi, địa điểm thi; tra cứu kết quả thi và chứng chỉ;

+ Có khu vực làm đề thi riêng biệt bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật cho công tác ra đề thi.

- Có ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực tiếng Việt (gọi tắt là ngân hàng câu hỏi thi) phục vụ xây dựng đề thi đáp ứng quy định tại Điều 12 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 27/2021/TT-BGDĐT; ngân hàng câu hỏi thi có số lượng câu hỏi thi để tạo ra tối thiểu 30 đề thi đúng với định dạng đề thi theo quy định, trong đó số lượng các câu hỏi thi trùng nhau giữa các đề thi không quá 10%.

- Điều kiện bổ sung đối với hình thức thi trên máy tính:

+ Có hệ thống máy tính gồm máy chủ, các máy trạm, thiết bị lưu trữ dữ liệu, thiết bị lưu điện, nguồn điện dự phòng, các thiết bị phụ trợ bảo đảm yêu cầu về kĩ thuật để tổ chức cho ít nhất 30 thí sinh trong một lượt thi;

+ Có phần mềm tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt (gọi tắt là phần mềm tổ chức thi) trên máy tính đáp ứng các yêu cầu: Có giao diện thân thiện, dễ cài đặt, dễ sử dụng; có khả năng nhận dữ liệu đề thi từ phần mềm ngân hàng câu hỏi thi để sinh đề thi theo quy định; có khả năng ngắt kết nối với các phần mềm ứng dụng và thiết bị bên ngoài; bảo đảm thuận lợi cho thí sinh tự đăng nhập vào phần mềm để làm bài thi bằng tài khoản thi cá nhân; có các chức năng chụp ảnh thí sinh và đưa vào dữ liệu thi; có đồng hồ đếm ngược và tính năng xem trước câu hỏi tiếp theo, thống kê câu hỏi đã trả lời, tự động chấm điểm bài thi trắc nghiệm; tự động lưu kết quả thi của thí sinh ngay tại thời điểm có sự cố (như mất điện, mất kết nối với máy chủ,...), hoặc khi hết thời gian làm bài, hoặc thí sinh bấm nút “Kết thúc”; cho phép giám khảo nhập kết quả thi kĩ năng nói và viết, in kết quả tổng bài thi của thí sinh;

+ Phần mềm tổ chức thi có thể tích hợp cùng phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi nhưng phải bảo đảm yêu cầu về bảo mật và có quy trình sử dụng được Thủ trưởng đơn vị tổ chức thi phê duyệt.

- Có Đề án tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt, Đề án phải cung cấp đầy đủ các thông tin và minh chứng đáp ứng yêu cầu tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 27/2021/TT-BGDĐT. Đơn vị tổ chức thi chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án.\

Xem thêm Công văn 1717/QLCL-PQLT ban hành ngày 20/9/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 630

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn