Sửa Luật phải cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, xóa bỏ cơ chế xin - cho

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
30/08/2024 15:00 PM

Khi sửa đổi các luật cần tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin – cho,…

Nội dung này được đề cập tại Thông báo 386/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Văn phòng Chính phủ ban hành

Sửa Luật phải cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, xóa bỏ cơ chế xin - cho

Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo; đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, tích cực giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, giữa Chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các tổ chức, hiệp hội trong quá trình thực hiện rà soát, tổng hợp đề xuất, kiến nghị và xây dựng Báo cáo kèm theo Phụ lục.

Trên cơ sở các ý kiến phát biểu của thành viên Ban Chỉ đạo tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ quan dự họp và chuyển hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, nhất là những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả và có sự đồng thuận thì cần xem xét, nghiên cứu đưa vào luật; những vấn đề chưa rõ, vấn đề mới chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn và còn có ý kiến khác nhau thì cần nghiên cứu tổng kết thi hành, xây dựng cơ chế thí điểm, làm cơ sở để mở rộng nếu phù hợp, khả thi.

Việc rà soát, xử lý các vướng mắc trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng, bám sát và lấy thực tiễn làm thước đo; việc tháo gỡ vướng mắc góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tinh thần có kế thừa và phát triển; có điều chỉnh và bổ sung; vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; không cầu toàn, không nóng vội; dễ làm trước, khó làm sau; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; tạo đột phá, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Về phạm vi, đối tượng của Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số luật cần được khoanh vùng, tập trung vào các vướng mắc có tính cấp bách cần xử lý, tháo gỡ để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt các nguồn lực hợp pháp khác; đồng thời, tập trung có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, bám sát kết quả rà soát văn bản đã được chỉ ra tại các Báo cáo của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 101/2023/QH15, Nghị quyết 110/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV và kết quả rà soát theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Chính phủ (Nghị quyết 82/NQ-CP năm 2024, Nghị quyết 93/NQ-CP năm 2024 và Nghị quyết 97/NQ-CP năm 2024).

Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin - cho (Hình từ internet)

Về nguyên tắc rà soát, xử lý, cần tập trung vào những vấn đề cấp bách, thực sự cần thiết, tạo sự đột phá có tính kế thừa và phát triển đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động để bảo đảm khả thi, hiệu quả, công tâm, khách quan.

Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với thiết kế công cụ để tăng cường thanh tra, kiểm tra; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; xóa bỏ cơ chế xin - cho; chống phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong quá trình xử lý, cần lựa chọn các vấn đề để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Như vậy, khi sửa đổi, bổ sung các luật cần phải tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; xóa bỏ cơ chế xin - cho; chống phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp,…

Chi tiết nội dung xem tại Thông báo 386/TB-VPCP năm 2024.

Xem thêm:

>> Nội dung cải cách chế độ công vụ năm 2024

>> Nghị quyết 94: Hoàn thiện mô hình chế độ công vụ theo vị trí việc làm, thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020. (Xem chi tiết tại đây)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 138

Chính sách khác

CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn