Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 22/2018/TT-BGTVT vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng

Số hiệu: 22/2018/TT-BGTVT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Nguyễn Ngọc Đông
Ngày ban hành: 02/05/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Thứ tự ưu tiên trong vận tải hàng hóa bằng đường sắt

Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 22/2018/TT-BGTVT quy định về vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.

Theo đó, doanh nghiệp thực hiện vận tải hàng hóa theo thứ tự ưu tiên sau đây:

- Hàng hóa vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước;

- Hàng hóa không thuộc trường hợp trên thì hàng nào nhận trước vận chuyển trước;

- Hàng hóa cùng nhận được vào một thời điểm thì theo thứ tự như sau:

+ Hàng nguy hiểm; thi hài, hài cốt;

+ Động vật sống, hàng mau hỏng, hàng nhanh giảm trọng lượng;

+ Các loại hàng hóa khác không thuộc loại quy định trên do doanh nghiệp quy định.

Thông tư 22/2018/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2018/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 2018

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ VẬN TẢI HÀNG HÓA TRÊN ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA VÀ ĐƯỜNG SẮT CHUYÊN DÙNG CÓ NỐI RAY VỚI ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA

Căn cứ Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 ngày 16 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hàng hóa là tài sản của tổ chức, cá nhân thuê doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa trên đường sắt vận chuyển bằng đường sắt.

2. Hàng hóa vận tải theo hình thức hàng lẻ là hàng hóa không đòi hỏi dùng cả toa xe riêng để chuyên chở.

3. Hàng hóa vận tải theo hình thức nguyên toa là hàng hóa chuyên chở được xếp trên một toa xe, có cùng một người thuê vận tải, một người nhận hàng, một ga đi, một ga đến.

4. Hàng có bánh xe tự chạy là phương tiện giao thông đường sắt được tổ chức đăng kiểm chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn để nối vào các đoàn tàu hàng kéo đi mà không phải xếp lên các toa xe của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa trên đường sắt khi vận chuyển.

5. Lô hàng là tập hợp nhiều loại hàng hóa có chung một giấy gửi hàng của một người thuê vận tải có cùng một ga đi, một ga đến; cùng một người nhận hàng, cùng kỳ hạn vận chuyển, cùng một kỳ hạn nhận hàng. Một lô hàng lẻ hoặc hàng nguyên toa có thể gồm nhiều loại hàng hóa khác nhau, ngoại trừ các loại hàng hóa không được xếp chung trên một toa theo quy định tại Điều 20 Thông tư này.

6. Trọng tải kỹ thuật của toa xe là trọng lượng hàng hóa tối đa được chở trên toa xe theo tiêu chuẩn thiết kế.

7. Trọng tải kỹ thuật cho phép của toa xe là lượng hàng hóa tối đa được phép xếp trên toa xe phù hợp với công lệnh tải trọng trên tuyến đường.

8. Trường hợp bất khả kháng là trường hợp xảy ra do thiên tai, địch họa, dịch bệnh hoặc vì lý do bảo đảm trật tự, an ninh xã hội, tắc đường vận chuyển không do lỗi của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa trên đường sắt, người thuê vận tải, người nhận hàng mặc dù doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa trên đường sắt, người thuê vận tải, người nhận hàng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Chương II

TỔ CHỨC VẬN TẢI HÀNG HÓA

Điều 4. Đơn vị tính thời gian trong hoạt động vận tải hàng hóa

Trong hoạt động vận tải hàng hóa, đơn vị để tính thời gian là giờ (là 60 phút) hoặc ngày (là 24 giờ) và phần dư thời gian được quy tròn như sau:

1. Khi lấy giờ làm đơn vị tính: Đối với phần dư thời gian lớn hơn 30 phút được tính là 01 giờ, dưới 30 phút không tính.

2. Khi lấy ngày làm đơn vị tính: Đối với phần dư thời gian lớn hơn 12 giờ thì được tính 01 ngày, dưới 12 giờ không được tính.

Điều 5. Địa điểm giao dịch, niêm yết giá vận tải và các loại chi phí khác

1. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa trên đường sắt (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) có trách nhiệm công bố công khai các địa điểm giao dịch của doanh nghiệp để người thuê vận tải thực hiện các giao dịch vận tải.

2. Địa điểm giao dịch phải được niêm yết nội dung cơ bản của Thông tư này và các quy định khác có liên quan đến vận tải hàng hóa trên đường sắt.

3. Doanh nghiệp có trách nhiệm niêm yết, công bố, công khai các thông tin về giá vận tải theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 của Luật Đường sắt.

Điều 6. Hình thức vận tải

1. Vận tải hàng hóa bằng đường sắt được thực hiện theo hình thức nguyên toa (sau đây gọi tắt là hàng nguyên toa) hoặc hình thức hàng lẻ (sau đây gọi tắt là hàng lẻ).

2. Các hình thức vận tải hàng hóa khác do doanh nghiệp quy định.

Điều 7. Những hàng hóa phải vận tải theo hình thức nguyên toa

Những loại hàng hóa sau đây phải thực hiện vận tải theo hình thức nguyên toa:

1. Máy móc, thiết bị, dụng cụ không thể xếp vào toa có mui.

2. Hàng rời xếp đống, hàng không thể đóng bao, kiện, hàng khó xác định số lượng.

3. Động vật sống.

4. Hàng nguy hiểm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

5. Thi hài.

6. Hàng hóa vận tải theo những yêu cầu đặc biệt của người thuê vận tải hoặc cần điều kiện chăm sóc, bảo vệ đặc biệt.

Điều 8. Toa xe chở hàng

Toa xe chở hàng phải đáp ứng các điều kiện và yêu cầu kỹ thuật trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường sắt và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Chương III

THỰC HIỆN VẬN TẢI HÀNG HÓA

Mục 1. VẬN TẢI HÀNG HÓA THÔNG THƯỜNG

Điều 9. Xác định tên hàng hóa

1. Người thuê vận tải có trách nhiệm kê khai đúng tên hàng hóa theo yêu cầu của doanh nghiệp. Trường hợp là hàng nguy hiểm thì phải ghi đúng tên gọi trong Danh mục hàng nguy hiểm vận tải bằng đường sắt. Người thuê vận tải phải chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra do kê khai không đúng tên hàng hóa gây ra.

2. Trong trường hợp cần thiết, người thuê vận tải có thể kê khai tên hàng hóa theo ký hiệu để bảo đảm bí mật hàng hóa vận chuyển nhưng phải thông báo cho thủ trưởng của doanh nghiệp biết.

3. Đối với các loại hàng hóa phục vụ cho mục đích an ninh, quốc phòng mà tên hàng hóa không được kê khai theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này thì người thuê vận tải phải thông báo và thống nhất các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông vận tải đường sắt với người có trách nhiệm của doanh nghiệp.

Điều 10. Yêu cầu của hàng hóa được nhận vận tải

1. Doanh nghiệp nhận vận tải tất cả các loại hàng hóa, trừ các loại hàng hóa sau đây:

a) Hàng hóa bị nghiêm cấm lưu thông trong hoạt động đường sắt theo quy định của pháp luật;

b) Hàng hóa không phù hợp với điều kiện kỹ thuật khai thác vận tải bằng đường sắt;

c) Hàng hóa không đáp ứng được quy định tại Điều 62, Điều 63, Điều 64, Điều 65 của Luật Đường sắt.

2. Khi hàng hóa cần vận chuyển đòi hỏi chất lượng, kỹ thuật cao phải được sự thỏa thuận, thống nhất giữa doanh nghiệp và người thuê vận tải.

Điều 11. Thứ tự ưu tiên trong vận tải hàng hóa

Doanh nghiệp thực hiện vận tải hàng hóa theo thứ tự ưu tiên sau đây:

1. Hàng hóa vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Hàng hóa không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này thì hàng hóa nhận trước được vận chuyển trước, hàng hóa nhận sau được vận chuyển sau.

3. Hàng hóa cùng nhận được vào một thời điểm thì theo thứ tự sau:

a) Hàng nguy hiểm; thi hài, hài cốt;

b) Động vật sống, hàng mau hỏng, hàng nhanh giảm trọng lượng;

c) Các loại hàng hóa khác không thuộc loại quy định trên do doanh nghiệp quy định.

Điều 12. Từ chối vận tải hoặc đình chỉ vận tải

1. Doanh nghiệp có quyền từ chối hoặc đình chỉ vận tải trong các trường hợp sau đây:

a) Hàng hóa không thỏa mãn yêu cầu nhận vận tải được quy định tại Điều 10 Thông tư này;

b) Người thuê vận tải không thực hiện đúng nội dung của hợp đồng vận tải, vi phạm các quy định có liên quan tại Thông tư này;

c) Tắc đường do nguyên nhân bất khả kháng.

2. Người thuê vận tải có quyền từ chối thuê hoặc đề nghị dừng vận tải trong các trường hợp sau đây:

a) Doanh nghiệp không thực hiện đúng nội dung của hợp đồng vận tải, vi phạm các quy định có liên quan tại Thông tư này;

b) Do nguyên nhân bất khả kháng.

Điều 13. Cung cấp toa xe, dụng cụ vận tải kèm theo toa xe và vật liệu gia cố

1. Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp đúng thời hạn, đúng số lượng, đúng chủng loại toa xe tại địa điểm xếp hàng theo hợp đồng vận tải hoặc theo thỏa thuận với người thuê vận tải.

2. Toa xe được cấp phải bảo đảm đúng điều kiện và yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

3. Người thuê vận tải và doanh nghiệp thỏa thuận việc cung cấp dụng cụ, vật liệu cần thiết để gia cố, bảo vệ hàng hóa được ổn định, vững chắc và an toàn trong quá trình vận chuyển.

4. Doanh nghiệp cung cấp những dụng cụ, vật liệu gia cố sau đây:

a) Cọc, xích cố định trên toa xe mặt bằng, khi hàng hóa theo quy định phải xếp lên toa xe có thành nhưng thay thế bằng toa xe mặt bằng;

b) Bạt che hàng trên toa xe không mui, khi hàng hóa quy định phải xếp vào toa xe có mui nhưng thay thế bằng toa xe không mui.

5. Doanh nghiệp có trách nhiệm kiểm tra dụng cụ, vật liệu gia cố hàng hóa của người thuê vận tải và có quyền không cho sử dụng nếu thấy không đúng với quy định về bảo đảm an toàn vận tải.

6. Doanh nghiệp có trách nhiệm kiểm tra tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, yêu cầu thay thế, sửa chữa phù hợp để bảo đảm an toàn vận tải đối với toa xe do người thuê vận tải cung cấp.

Điều 14. Thông báo đưa toa xe vào địa điểm xếp dỡ

1. Chậm nhất 02 giờ trước giờ cấp toa xe, doanh nghiệp phải thông báo cho người thuê vận tải về số lượng, số hiệu của toa xe đưa vào đường xếp dỡ hoặc địa điểm giao tiếp.

2. Khi hợp đồng khai thác đường nhánh, đường chuyên dùng có quy định giờ cấp xe hàng ngày thì doanh nghiệp không cần phải thông báo.

3. Việc đưa toa xe vào điểm xếp, dỡ chậm phải được thông báo cho người thuê vận tải trước 02 giờ so với giờ cấp toa xe. Nếu không thông báo hoặc thông báo chậm, doanh nghiệp phải thanh toán cho người thuê vận tải chi phí phát sinh do việc thông báo chậm tính đến giờ thông báo.

Điều 15. Kỳ hạn đưa hàng hóa đến ga gửi

Kỳ hạn đưa hàng đến ga gửi thực hiện theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp với người thuê vận tải. Trường hợp doanh nghiệp và người thuê vận tải không thỏa thuận trước thì người thuê vận tải phải tập kết đủ hàng hóa, đúng địa điểm xếp hàng hóa được chỉ định ít nhất là 02 giờ trước giờ cấp toa và không sớm hơn 12 giờ.

Điều 16. Hàng hóa lưu kho, lưu bãi

Việc hàng hóa phải lưu kho, bãi dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa người thuê vận tải và doanh nghiệp theo nhu cầu và năng lực của các bên, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình vận chuyển.

Điều 17. Kỹ thuật xếp hàng hóa trên toa xe

1. Trọng lượng, thể tích của từng loại hàng hóa tương ứng với từng loại toa xe trên từng tuyến đường do doanh nghiệp quy định để bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.

2. Hàng hóa xếp lên toa xe phải bảo đảm các quy định sau:

a) Trường hợp xếp ít hơn trọng tải kỹ thuật cho phép hoặc thể tích quy định cho từng loại hàng hóa, loại toa xe trên từng tuyến đường thì người thuê vận tải phải trả tiền vận chuyển đúng với trọng tải kỹ thuật cho phép của toa xe sử dụng;

b) Trường hợp xếp hàng hóa vào toa xe không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quy định về trọng lượng, thể tích hoặc quy cách xếp hàng hóa thì phải xếp lại và bên tổ chức xếp hàng phải chịu chi phí xếp, dỡ hoặc chi phí phát sinh khác do chậm trễ gây ra;

c) Không được xếp quá trọng tải kỹ thuật cho phép của toa xe. Nếu xếp quá trọng tải, bên tổ chức xếp hàng phải dỡ bớt phần hàng xếp vượt quá trọng tải kỹ thuật cho phép của toa xe và chịu mọi chi phí về dỡ hàng hóa, xếp lại hàng hóa, tiền đọng toa xe;

d) Đối với những loại toa xe có quy định mức trọng tải, thể tích tối thiểu thì phải xếp đủ mức quy định để bảo đảm an toàn vận tải.

3. Khi xếp hàng hóa lên toa xe không mui, ngoài những quy định tại Khoản 2 Điều này, không được xếp vượt quá khổ giới hạn cho phép xếp hàng theo tuyến đường vận chuyển và thực hiện đúng quy định về biện pháp xếp và gia cố hàng hóa của doanh nghiệp.

Điều 18. Trách nhiệm xếp, dỡ hàng hóa

Việc xếp, dỡ hàng hóa do doanh nghiệp thỏa thuận với người thuê vận tải. Trường hợp người thuê vận tải xếp hàng hóa, doanh nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát người thuê vận tải trong quá trình thực hiện xếp hàng hóa lên toa xe. Nếu phát hiện việc xếp hàng hóa không đúng quy định thì yêu cầu người thuê vận tải khắc phục trước khi nhận chở.

Điều 19. Thời gian xếp, dỡ

1. Thời gian xếp cho một toa xe được tính từ lúc toa xe đã được đưa vào địa điểm xếp và doanh nghiệp đã báo cho người thuê vận tải đến khi xếp xong hàng hóa.

2. Thời gian dỡ cho một toa xe được tính từ lúc toa xe đã được đưa vào địa điểm dỡ và doanh nghiệp đã báo cho người nhận hàng đến khi người nhận hàng dỡ xong hàng hóa và trả toa xe rỗng cho doanh nghiệp (bao gồm cả thời gian vệ sinh và đóng cửa toa xe).

3. Thời gian xếp, dỡ tối đa cho một cụm toa xe có cùng định mức thời gian xếp, dỡ tối đa cho một toa xe trừ khi hợp đồng vận tải có thỏa thuận khác.

4. Định mức thời gian xếp, dỡ tối đa cho một toa xe, cụm toa xe do doanh nghiệp quy định.

Điều 20. Hàng hóa không xếp chung vào cùng một toa xe

Hàng hóa không được xếp chung vào cùng một toa xe trong những trường hợp sau:

1. Hàng dễ hư thối với hàng không hư thối.

2. Hàng thực phẩm với hàng hôi thối.

3. Chất lỏng với hàng hóa kỵ ẩm ướt.

4. Hàng hóa vận chuyển theo điều kiện đặc biệt với hàng hóa vận chuyển theo điều kiện bình thường.

5. Các loại hàng hóa có thể gây ra các phản ứng hóa học dễ gây cháy nổ.

Điều 21. Đóng gói hàng hóa

1. Tùy theo tính chất của hàng hóa, người thuê vận tải phải đóng gói đúng quy cách để bảo đảm hàng hóa không bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng, giảm chất lượng hoặc gây ảnh hưởng đến các hàng hóa khác trong quá trình xếp, dỡ và vận chuyển.

2. Các loại hàng hóa đóng gói bằng hòm, kiện, thùng phải được ghi nhãn hiệu, dấu hiệu, ký hiệu, biểu trưng đặc tính của hàng hóa (nếu có), trọng lượng, tên đầy đủ của hàng hóa, bảo đảm chính xác, rõ ràng.

3. Thi hài, hài cốt phải được thực hiện theo quy định của Điều 64 Luật Đường sắt.

4. Doanh nghiệp được quyền kiểm tra việc đóng gói hàng hóa và yêu cầu người thuê vận tải bổ sung đúng quy định trước khi nhận vận chuyển.

Điều 22. Thẻ hàng hóa

1. Ở hai đầu kiện hàng lẻ, người thuê vận tải phải gắn thẻ hàng hóa có ghi rõ thông tin: Tên ga gửi, ga đến, họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của người thuê vận tải, người nhận, tên hàng hóa, trọng lượng, số hiệu kiện hàng hóa, số kiện hàng hóa và những thông tin cần thiết khác.

2. Trường hợp không thể gắn thẻ hàng hóa vào kiện hàng lẻ, người thuê vận tải phải ghi thông tin theo quy định tại Khoản 1 Điều này tại vị trí dễ nhìn nhất của kiện hàng hóa.

3. Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thẻ hàng hóa và kiểm tra, hướng dẫn người thuê vận tải sử dụng thẻ.

Điều 23. Xác định trọng lượng hàng hóa

1. Đối với hàng lẻ: Doanh nghiệp xác định trọng lượng tính giá vận tải, nếu hàng hóa thuộc loại cồng kềnh thì đo thể tích để quy đổi (cứ 1m3 tính đổi thành 300 kg) và ghi vào tờ khai gửi hàng.

2. Đối với hàng nguyên toa: Người thuê vận tải chịu trách nhiệm xác định trọng lượng hàng hóa để ghi vào tờ khai gửi hàng; doanh nghiệp có quyền kiểm tra trọng lượng, số lượng hàng hóa do người gửi hàng ghi trong tờ khai gửi hàng.

Điều 24. Kê khai giá trị hàng hóa và bảo hiểm hàng hóa

1. Khi có yêu cầu kê khai giá trị hàng hóa, người thuê vận tải phải trả cho doanh nghiệp một khoản chi phí kê khai giá trị hàng hóa được thỏa thuận ghi trong hợp đồng vận tải.

2. Việc mua bảo hiểm hàng hóa khi vận chuyển bằng đường sắt theo thỏa thuận của hợp đồng vận tải và tuân thủ quy định của pháp luật.

Điều 25. Kiểm tra tên và trạng thái hàng hóa

1. Khi nhận hàng, doanh nghiệp phải kiểm tra tên, trọng lượng hàng hóa đã ghi trong tờ khai gửi hàng, trên bao bì, chằng buộc của kiện hàng của người thuê vận tải. Doanh nghiệp có quyền yêu cầu người thuê vận tải mở bao bì để kiểm tra khi có nghi ngờ về tính xác thực của các thông tin trong tờ khai gửi hàng, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Đối với hàng hóa đã được đóng gói xếp lên toa xe và niêm phong kẹp chì do người thuê vận tải thực hiện, doanh nghiệp chỉ căn cứ vào thông tin trên tờ khai gửi hàng mà không phải kiểm tra tên, trọng lượng, quy cách đóng gói và trạng thái của hàng hóa. Sau khi nhận chuyên chở, nếu các cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra về tính xác thực các thông tin trên tờ khai gửi hàng, doanh nghiệp có quyền mở niêm phong kẹp chì, bao gói để phối hợp kiểm tra, đồng thời phải báo ngay cho người thuê vận tải biết. Nếu phát hiện sai so với các thông tin trên tờ khai gửi hàng về loại hàng, trọng lượng, quy cách đóng gói và trạng thái của hàng hóa thì mọi chi phí phát sinh do người thuê vận tải chịu.

3. Doanh nghiệp kiểm tra phát hiện hàng hóa sai khác với các thông tin đã ghi trong tờ khai gửi hàng không đúng với thực tế, doanh nghiệp yêu cầu người thuê vận vận tải kiểm kê lại hàng hóa và khai đúng tên hàng theo quy định thì được tiếp nhận vận chuyển. Trường hợp người thuê vận tải không thực hiện kê khai lại hàng hóa đúng với tên hàng, doanh nghiệp có quyền từ chối vận chuyển.

Điều 26. Giao nhận hàng hóa

1. Tùy theo tính chất của hàng hóa, doanh nghiệp và người thuê vận tải có thể thỏa thuận, lựa chọn một trong các hình thức giao nhận sau:

a) Giao nhận theo số lượng đơn vị hàng hóa bằng cách kiểm đếm;

b) Giao nhận theo thể tích: Dùng dụng cụ đo lường để xác định thể tích hàng hóa trên toa xe;

c) Giao nhận theo trọng lượng: Dùng cân để xác định trọng lượng hàng hóa có trên toa xe;

d) Giao nhận nguyên toa: Bằng dấu hiệu niêm phong toa xe còn nguyên vẹn;

đ) Giao nhận theo đặc điểm của hàng hóa do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng vận tải;

e) Các hình thức khác do người thuê vận tải và doanh nghiệp thỏa thuận.

2. Hàng hóa được coi như đã nhận chở khi người thuê vận tải giao đủ hàng cho doanh nghiệp và nhận lại chứng từ giao nhận hàng có đầy đủ chữ ký của hai bên. Bắt đầu từ thời điểm này (đối với hàng hóa không có người áp tải) trách nhiệm trông coi, bảo vệ an toàn đối với hàng hóa hoàn toàn thuộc doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 25 Thông tư này.

Điều 27. Niêm phong toa xe, hàng hóa

1. Toa xe có mui, toa xe có điều hòa nhiệt độ, toa xe không mui thành cao có che bạt, toa xi-téc khi chở hàng hóa đều phải được niêm phong đúng quy định.

2. Đối với hàng nguyên toa, tùy thuộc vào hình thức giao nhận theo thỏa thuận trong hợp đồng vận tải, việc niêm phong toa xe được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Trường hợp giao nhận bằng hình thức theo trọng lượng hay số lượng hàng hóa thì doanh nghiệp niêm phong;

b) Trường hợp giao nhận bằng hình thức nguyên toa có niêm phong thì người thuê vận tải niêm phong;

c) Thực hiện theo thỏa thuận khác giữa doanh nghiệp và người thuê vận tải.

3. Người thuê vận tải chịu trách nhiệm niêm phong đối với hàng hóa có kê khai giá trị, công-te-nơ, các máy móc tự chạy. Đối với xe ô tô, máy kéo, các thiết bị máy móc có nhiều bộ phận dễ tháo, không đóng gói kín, chắc chắn thì phải niêm phong từng chi tiết.

4. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm niêm phong các toa xe chở hàng lẻ, toa xe sang toa, chuyển tải trong quá trình vận chuyển.

5. Dấu hiệu niêm phong thuộc trách nhiệm của bên nào thì do bên đó quy định, nhưng phải rõ ràng, đầy đủ, nhận biết được trong quá trình vận chuyển.

6. Việc quản lý, sử dụng niêm phong toa xe hàng do doanh nghiệp quy định.

Điều 28. Bảo quản hàng hóa

1. Doanh nghiệp có trách nhiệm bảo quản hàng hóa kể từ lúc nhận chở hàng hóa cho đến khi giao hàng hóa cho người nhận, trừ các loại hàng hóa có người áp tải đi theo trong quá trình vận chuyển được quy định tại Điều 30 Thông tư này.

2. Trước khi nhận hàng hóa chở ở ga đi, nếu người thuê vận tải yêu cầu, doanh nghiệp có thể nhận bảo quản từ lúc hàng hóa đưa đến ga và thu tiền bảo quản, ở ga đến, đối với loại hàng hóa doanh nghiệp phải bảo quản, nếu quá kỳ hạn nhận hàng quy định tại Điều 35 Thông tư này mà người nhận hàng chưa nhận hàng hóa thì doanh nghiệp tiếp tục bảo quản hàng hóa và được thu tiền bảo quản và các chi phí khác nếu có.

Điều 29. Hóa đơn gửi hàng hóa

1. Hóa đơn gửi hàng hóa được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 55 Luật Đường sắt.

2. Trước khi lập hóa đơn gửi hàng hóa, người thuê vận tải phải khai báo đầy đủ các nội dung gửi hàng theo mẫu do doanh nghiệp cung cấp. Trong đó phải có đầy đủ nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 55 Luật Đường sắt.

3. Người thuê vận tải và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về những nội dung đã ghi trong tờ khai gửi hàng và hóa đơn gửi hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Áp tải hàng hóa

Ngoài các loại hàng hóa mà người thuê vận tải phải cử người áp tải và tổ chức áp tải theo quy định của pháp luật có liên quan, việc áp tải các loại hàng hóa khác được thỏa thuận giữa người thuê vận tải và doanh nghiệp.

Điều 31. Kỳ hạn vận chuyển

1. Kỳ hạn vận chuyển được tính từ khi doanh nghiệp nhận hàng hóa và hoàn tất thủ tục ở ga gửi cho đến khi doanh nghiệp báo tin hàng đến cho người nhận hàng, bao gồm những thời gian sau đây:

a) Thời gian ở ga gửi;

b) Thời gian chạy trên đường;

c) Thời gian ở ga đến.

2. Kỳ hạn vận chuyển được thỏa thuận trong hợp đồng vận tải. Nếu không có thỏa thuận trong hợp đồng thì kỳ hạn vận chuyển được xác định theo quy định tại các Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 Điều này.

3. Thời gian chạy trên đường được tính từ 0 (không) giờ sau ngày doanh nghiệp nhận chở và được quy định như sau:

a) Hàng nguyên toa: Cứ 300 km hoặc không đủ 300 km tính là 01 ngày;

b) Hàng lẻ: Cứ 250 km hoặc không đủ 250 km tính là 01 ngày.

4. Thời gian ở ga gửi tính là 01 ngày; thời gian giao hàng ở ga đến tính là 01 ngày.

5. Thời gian chạy trên đường quy định tại Khoản 3 Điều này được cộng thêm thời gian thực tế tàu phải đỗ hoặc toa xe phải dừng lại trong những trường hợp sau đây:

a) Tắc đường do nguyên nhân bất khả kháng;

b) Kiểm dịch hoặc chăm sóc động thực vật;

c) Bổ sung các điều kiện để bảo quản hàng hóa đối với hàng tươi sống hoặc hàng mau hỏng;

d) Sửa chữa, bổ sung, gia cố hàng hóa xô lệch, bao bì hư hỏng không do lỗi của doanh nghiệp;

đ) Hàng bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giữ lại để xử lý theo quy định.

6. Hàng hóa được coi như vận chuyển đúng kỳ hạn khi hàng tới ga đến vào ngày cuối cùng của kỳ hạn vận chuyển và doanh nghiệp đã báo tin hàng đến cho người nhận hàng.

7. Nếu quá kỳ hạn vận chuyển, doanh nghiệp phải trả các chi phí phát sinh do quá kỳ hạn vận chuyển theo thỏa thuận trong hợp đồng vận tải.

8. Doanh nghiệp được quyền rút ngắn kỳ hạn vận chuyển quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều này hoặc kỳ hạn vận chuyển đã thỏa thuận trong hợp đồng vận tải và phải thông báo cho người thuê vận tải biết để nhận hàng, nếu người thuê vận tải không đến nhận thì doanh nghiệp vận tải phải có trách nhiệm bảo quản hàng hóa theo hợp đồng đã thỏa thuận.

Điều 32. Vệ sinh, đóng cửa toa xe

Việc vệ sinh, đóng cửa toa xe do doanh nghiệp thỏa thuận với người thuê vận tải. Khi vệ sinh toa xe phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 33. Giấy tờ kèm theo hóa đơn gửi hàng hóa

1. Người thuê vận tải có trách nhiệm giao cho doanh nghiệp tại ga gửi hàng hóa đầy đủ những giấy tờ cần thiết liên quan đến hàng hóa theo quy định của pháp luật; ghi đầy đủ vào tờ khai gửi hàng đồng thời phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra do không có, không đủ giấy tờ hoặc giấy tờ không đúng quy định.

2. Doanh nghiệp có trách nhiệm bảo quản đầy đủ các giấy tờ kèm theo hóa đơn gửi hàng hóa, gửi kèm theo toa xe hàng và giao cho người nhận hàng. Nếu doanh nghiệp làm mất, hư hỏng giấy tờ kèm theo hóa đơn gửi hàng hóa thì phải lập biên bản xác nhận sự việc xảy ra để gửi kèm theo toa xe hàng.

3. Việc làm mất, hư hỏng, thiếu các giấy tờ hoặc nội dung giấy tờ không chính xác gây thiệt hại, chậm trễ trong quá trình vận chuyển do bên nào gây ra thì phải bồi thường cho bên còn lại và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Điều 34. Báo tin hàng đến

1. Ngay sau khi hàng tới ga đến, doanh nghiệp phải báo tin cho người nhận hàng theo đúng tên, địa chỉ ghi trong hóa đơn gửi hàng hóa.

2. Hình thức báo tin được thể hiện trực tiếp hoặc gián tiếp theo thỏa thuận trong hợp đồng.

3. Nội dung tin báo hàng đến phải có đủ tên, địa chỉ người nhận hàng, ngày, giờ báo tin.

Điều 35. Kỳ hạn nhận hàng

1. Kỳ hạn nhận hàng được tính từ thời điểm người nhận hàng nhận được báo tin hàng đến từ doanh nghiệp cho đến thời điểm người nhận hàng mang hết hàng ra khỏi ga.

2. Doanh nghiệp quy định kỳ hạn nhận hàng của từng loại hàng hóa được nhận chở và phải công bố, công khai tại các điểm giao dịch hàng hóa và các ga có tác nghiệp hàng hóa.

3. Người nhận hàng không được quyền từ chối nhận hàng hóa khi doanh nghiệp đã báo tin hàng đến, trừ trường hợp hàng hóa bị giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng do lỗi của doanh nghiệp.

4. Quá kỳ hạn nhận hàng, người nhận hàng phải trả các chi phí phát sinh do đọng toa xe, lưu kho bãi, bảo quản, di chuyển hàng hóa phát sinh nếu có.

5. Khi hàng hóa bị giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng do quá kỳ hạn nhận hàng, người nhận hàng phải tự chịu trách nhiệm.

6. Đối với hàng nguy hiểm thuộc loại dễ cháy, dễ nổ; chất độc, chất phóng xạ; thi hài, hài cốt khi quá kỳ hạn nhận hàng mà người nhận hàng chưa nhận hoặc chưa đưa hết ra khỏi ga, doanh nghiệp phải báo với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Điều 36. Giao hàng cho người nhận hàng

1. Doanh nghiệp có trách nhiệm giao hàng hóa cho người nhận hàng theo đúng hình thức đã thỏa thuận.

2. Hàng hóa được doanh nghiệp nhận chở theo hình thức nào thì được giao lại cho người nhận theo hình thức đó trừ các nội dung khác đã được thỏa thuận trong hợp đồng vận tải hàng hóa.

3. Trường hợp giao nhận hàng hóa theo trọng lượng hoặc thể tích thì hàng hóa được xem như giao đủ, nhận đủ nếu mức chênh lệnh trọng lượng hoặc thể tích của hàng hóa giữa ga gửi và ga đến không vượt quá mức chênh lệch do hai bên thỏa thuận.

4. Khi giao hàng, nếu người nhận hàng phát hiện hàng hóa mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng hoặc những hiện tượng này đã được doanh nghiệp phát hiện lập biên bản trong quá trình vận chuyển thì doanh nghiệp và người nhận hàng có trách nhiệm xác định tổn thất thực tế của hàng hóa, lập biên bản thương vụ để làm cơ sở cho việc giải quyết. Trường hợp hai bên không thống nhất được tổn thất thực tế của hàng hóa thì có thể mời tổ chức giám định để giám định hàng hóa. Mọi chi phí phát sinh từ việc giám định do bên có lỗi chi trả.

5. Hàng hóa được coi như đã giao xong cho người nhận khi người nhận hàng đã ký xác nhận ở ga đến và nhận hóa đơn gửi hàng hóa.

Điều 37. Vận chuyển hàng hóa bằng công-te-nơ

1. Doanh nghiệp chỉ nhận vận chuyển công-te-nơ phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của toa xe; công-te-nơ vận chuyển trên toa xe phải bảo đảm tải trọng cầu đường, khổ giới hạn đường sắt và có chứng nhận an toàn còn giá trị.

2. Người thuê vận tải chịu trách nhiệm về loại hàng hóa, biện pháp xếp và trọng lượng hàng hóa xếp trong công-te-nơ để bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển trên đường sắt.

3. Biện pháp kỹ thuật và tổ chức vận chuyển công-te-nơ do doanh nghiệp quy định.

Mục 2. VẬN TẢI HÀNG HÓA TRONG TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT

Điều 38. Vận tải hàng siêu trường, siêu trọng

1. Hàng siêu trường thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Hàng hóa khi xếp lên toa xe trên đường bằng có chiều cao tính từ mặt ray trở lên hoặc chiều rộng vượt quá khổ giới hạn đầu máy, toa xe quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt;

b) Hàng hóa khi xếp lên toa xe trên đường thẳng có chiều dài của hàng vượt quá chiều dài sàn của toa xe.

2. Hàng siêu trọng thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Hàng hóa có trọng lượng vượt quá trọng tải kỹ thuật cho phép của toa xe;

b) Hàng hóa có chiều dài tiếp xúc trên mặt sàn toa xe nhỏ hơn 2 mét và có trọng lượng lớn hơn 16 tấn.

3. Việc vận tải hàng siêu trường, siêu trọng, doanh nghiệp phải tuân thủ quy định tại Khoản 1 Điều 65 Luật Đường sắt và của các văn bản pháp luật khác có liên quan.

4. Khi vận tải hàng siêu trường, siêu trọng bằng đường sắt, doanh nghiệp phải được sự chấp thuận của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt.

Điều 39. Vận tải hàng hóa phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội

Việc vận tải hàng hóa phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội tuân thủ các quy định tại Điều 58 Luật Đường sắt và của các văn bản pháp luật có liên quan.

Điều 40. Vận tải hàng hóa liên vận quốc tế

Việc vận tải hàng hóa liên vận quốc tế tuân thủ các quy định tại Điều 57 Luật Đường sắt và của các văn bản pháp luật có liên quan.

Điều 41. Vận tải hàng hóa từ đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia vào đường sắt quốc gia và ngược lại

Việc vận tải hàng hóa từ đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia vào đường sắt quốc gia và ngược lại thực hiện theo quy định của Luật Đường sắt và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Điều 42. Giá vận tải hàng hóa

Giá vận tải đường sắt thực hiện theo quy định tại Điều 56 Luật Đường sắt và pháp luật về giá.

Chương IV

GIẢI QUYẾT SỰ CỐ TRONG QUÁ TRÌNH VẬN CHUYỂN

Điều 43. Dỡ hàng vắng mặt người nhận hàng

Khi doanh nghiệp đã báo tin hàng đến và hết kỳ hạn nhận hàng mà người nhận hàng không đến nhận hàng hóa theo quy định Điều 35 Thông tư này thì doanh nghiệp được quyền dỡ hàng hóa vắng mặt người nhận hàng đối với những mặt hàng doanh nghiệp có khả năng dỡ và bảo quản. Khi đến nhận hàng hóa, người nhận hàng phải trả cho doanh nghiệp chi phí dỡ hàng hóa, bảo quản hàng hóa và các chi phí phát sinh khác theo quy định của doanh nghiệp.

Điều 44. Xử lý hàng hóa không có người nhận hoặc người nhận từ chối nhận hàng

1. Sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp báo tin cho người thuê vận tải biết hàng hóa đã được vận tải đến nơi trả hàng mà không có người nhận hoặc người nhận từ chối nhận hàng thì hàng hóa được coi như là hàng hóa không có người nhận.

2. Doanh nghiệp thỏa thuận với người thuê vận tải trước khi nhận vận chuyển về việc xử lý hàng hóa không có người nhận theo quy định tại Khoản 1 Điều này, đối với hàng hóa mau hỏng thì việc xử lý có thể thực hiện trước thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 45. Hàng hóa coi như bị mất mát

1. Hàng hóa coi như bị mất mát nếu quá kỳ hạn vận chuyển với thời hạn sau mà doanh nghiệp chưa báo tin hàng đến:

a) Đối với hàng hóa thông thường là 15 ngày;

b) Đối với hàng hóa mau hỏng là 04 ngày.

2. Việc bồi thường thiệt hại do hàng hóa bị mất mát thực hiện theo quy định tại Điều 54 Thông tư này.

Điều 46. Hàng hóa bị tịch thu, xử lý

Trong quá trình vận chuyển, nếu hàng hóa bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, tịch thu hoặc xử lý thì doanh nghiệp phải lập biên bản giao nhận và báo ngay cho người nhận hàng, người thuê vận tải biết.

Điều 47. Tắc đường vận chuyển

1. Khi tắc đường mà không thể vận chuyển tiếp hàng hóa thì doanh nghiệp phải báo ngay cho người thuê vận tải, người nhận hàng biết để thống nhất biện pháp xử lý. Người thuê vận tải lựa chọn và thống nhất với doanh nghiệp thực hiện một trong các hình thức giải quyết sau:

a) Đưa hàng hóa quay về ga gửi;

b) Đưa hàng hóa quay lại để dỡ xuống một ga dọc đường trên cùng tuyến đường;

c) Chuyển tải hàng hóa để đi tiếp;

d) Đợi thông đường để đi tiếp.

2. Khi tắc đường do lỗi của doanh nghiệp, người thuê vận tải có quyền yêu cầu doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa theo một trong những hình thức quy định tại Khoản 1 Điều này. Việc thanh toán tiền vận chuyển giải quyết như sau:

a) Nếu đưa hàng hóa về ga gửi, doanh nghiệp phải hoàn lại toàn bộ tiền vận chuyển và các chi phí phát sinh theo hợp đồng mà người thuê vận tải đã trả cho doanh nghiệp;

b) Nếu đưa hàng hóa quay lại để dỡ xuống một ga dọc đường trên cùng tuyến đường, doanh nghiệp phải trả lại tiền vận chuyển trên đoạn đường từ ga dỡ hàng đến ga đến ghi trong hóa đơn gửi hàng hóa;

c) Nếu chuyển tải hàng hóa để đi tiếp, doanh nghiệp tổ chức chuyển tải đối với những hàng hóa mà mình có khả năng tổ chức chuyển tải, người thuê vận tải không phải trả chi phí chuyển tải.

3. Khi tắc đường không do lỗi của doanh nghiệp, người thuê vận tải thỏa thuận với doanh nghiệp để lựa chọn vận chuyển hàng hóa theo một trong những hình thức quy định tại Khoản 1 Điều này. Việc thanh toán tiền vận chuyển giải quyết như sau:

a) Nếu đưa hàng hóa về ga gửi hoặc dỡ xuống một ga dọc đường trên cùng một tuyến đường hoặc dỡ xuống tại ga tắc đường, doanh nghiệp trả lại tiền vận chuyển trên đoạn đường từ ga tắc đường đến ga đến ghi trong hóa đơn gửi hàng hóa và thu không quá 50% tiền vận chuyển đoạn đường quay trở lại;

b) Nếu chuyển tải hàng hóa để đi tiếp, doanh nghiệp tổ chức chuyển tải đối với những hàng hóa mà mình có khả năng tổ chức chuyển tải, người thuê vận tải phải trả mọi chi phí phát sinh từ việc chuyển tải.

4. Khi doanh nghiệp đã báo tin tắc đường mà không nhận được yêu cầu giải quyết của người thuê vận tải thì xử lý như sau:

a) Đối với hàng hóa dễ hư hỏng, động vật sống mà sau 04 ngày không nhận được ý kiến của người thuê vận tải, doanh nghiệp được quyền xử lý theo Điều 44 Thông tư này;

b) Đối với hàng hóa khác, doanh nghiệp chờ thông đường để tiếp tục vận chuyển.

5. Doanh nghiệp không thu tiền thay đổi nguyên toa của người thuê vận tải đối với các trường hợp quy định tại Điều này.

Điều 48. Xử lý khi phát hiện hàng hóa khai sai tên trong quá trình vận chuyển

1. Đối với hàng hóa thông thường, nếu phát hiện bị khai sai tên, doanh nghiệp tiếp tục chở đến ga đến và được thu của người nhận hàng tiền vận chuyển còn thiếu do khai sai tên hàng.

2. Đối với hàng nguy hiểm, hàng hóa cần có biện pháp bảo vệ đặc biệt, nếu phát hiện người thuê vận tải khai không đúng thì giải quyết như sau:

a) Trường hợp có thể gây nguy hại đến an toàn chạy tàu và các hàng hóa khác, doanh nghiệp cho dỡ xuống ga gần nhất tàu sắp tới và báo cho người thuê vận tải, người nhận hàng biết. Doanh nghiệp tính lại tiền vận chuyển, thu các chi phí phát sinh trên đoạn đường thực tế đã vận chuyển;

b) Trường hợp có thể tiếp tục vận chuyển mà không gây mất an toàn, doanh nghiệp tiếp tục chở tới ga đến và có quyền thu của người nhận hàng các Khoản tiền theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 49. Hàng xếp sai trọng lượng, xếp quá tải

Trường hợp hàng hóa xếp sai trọng lượng, xếp quá tải thì giải quyết như sau:

1. Khi doanh nghiệp tổ chức xếp hàng hóa lên toa xe để xảy ra quá tải thì doanh nghiệp chịu các chi phí phát sinh và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

2. Khi người thuê vận tải tổ chức xếp hàng hóa lên toa xe thì giải quyết như sau:

a) Trường hợp tổng trọng lượng hàng thực tế trên toa xe không vượt quá 5% trọng tải kỹ thuật của toa xe nhưng chưa vượt quá trọng tải kỹ thuật cho phép của toa xe thì doanh nghiệp tiếp tục chở tới ga đến và thu thêm của người nhận hàng tiền vận chuyển phần bội tải theo quy định của doanh nghiệp;

b) Trường hợp phát hiện tổng trọng lượng hàng thực tế trên toa vượt quá 5% trọng tải kỹ thuật của toa xe hoặc vượt quá trọng tải kỹ thuật cho phép của toa xe thì doanh nghiệp được quyền dỡ phần trọng lượng bội tải, thông báo cho người thuê vận tải biết và thống nhất biện pháp giải quyết. Doanh nghiệp được quyền thu tiền bội tải và các chi phí phát sinh theo quy định của doanh nghiệp. Nếu người thuê vận tải yêu cầu chở tiếp phần hàng bội tải tới ga đến thì được vận chuyển theo thỏa thuận mới.

Điều 50. Hủy bỏ vận chuyển

Doanh nghiệp, người thuê vận tải có quyền yêu cầu hủy bỏ vận chuyển khi tàu chưa chạy tại ga gửi và phải chịu chi phí phát sinh do việc hủy bỏ vận chuyển gây ra.

Điều 51. Thay đổi người nhận hàng

1. Người thuê vận tải có quyền chỉ định lại người nhận hàng khi hàng hóa đó chưa được giao cho người nhận hàng trước đó và phải chịu chi phí phát sinh do thay đổi người nhận hàng.

2. Doanh nghiệp quy định cụ thể các chi phí phát sinh do việc thay đổi người nhận hàng.

Điều 52. Thay đổi ga đến

1. Người thuê vận tải có quyền thay đổi ga đến ngay cả khi hàng hóa đang được vận chuyển trên đường hoặc đã tới ga đến và phải chịu chi phí phát sinh do thay đổi ga đến.

2. Doanh nghiệp quy định cụ thể các chi phí phát sinh do việc thay đổi ga đến.

Chương V

BỒI THƯỜNG, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Điều 53. Miễn trách nhiệm bồi thường hàng hóa bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng

Doanh nghiệp không phải bồi thường hàng hóa bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng, hoặc giảm chất lượng hàng hóa trong những trường hợp sau đây:

1. Do nguyên nhân bất khả kháng.

2. Do tính chất tự nhiên hoặc khuyết tật vốn có của hàng hóa; do đặc điểm của hàng hóa gây ra tự cháy, biến chất, hao hụt, han gỉ, nứt vỡ; động vật sống bị dịch bệnh.

3. Hàng hóa có người áp tải bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng, hoặc giảm chất lượng không do lỗi của doanh nghiệp gây ra.

4. Người thuê vận tải bao gói, đóng thùng, xếp hàng hóa trong công-te-nơ không đúng quy cách.

5. Khai sai tên hàng hóa; đánh dấu ký hiệu kiện hàng hóa không đúng.

6. Hàng hóa do người gửi hàng niêm phong, khi dỡ hàng dấu hiệu, ký hiệu niêm phong còn nguyên vẹn, toa xe hoặc công-te-nơ không có dấu vết bị mở, phá.

7. Hàng hóa xếp trong toa xe không mui còn nguyên vẹn dấu hiệu bảo vệ; dây chằng buộc tốt, bao kiện còn nguyên vẹn, đủ số lượng; không có dấu hiệu bị phá, mở.

8. Do quá kỳ hạn nhận hàng quy định tại Điều 35 Thông tư này dẫn đến hàng hóa bị giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng.

9. Do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu giữ hoặc cưỡng chế kiểm tra dẫn đến bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng.

Điều 54. Bồi thường hàng hóa bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng do lỗi của doanh nghiệp

Doanh nghiệp bồi thường hàng hóa bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng cho người thuê vận tải, người nhận hàng theo quy định sau:

1. Hàng hóa bị mất mát toàn bộ thì bồi thường toàn bộ, hàng hóa bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng, hoặc giảm chất lượng một phần thì bồi thường phần mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng; trường hợp phần hư hỏng dẫn đến hàng hóa mất hoàn toàn giá trị sử dụng thì phải bồi thường toàn bộ và doanh nghiệp được quyền sở hữu số hàng hóa tổn thất đã bồi thường.

2. Mức bồi thường hàng hóa mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng thực hiện theo quy định sau:

a) Đối với hàng hóa có kê khai giá trị trong hóa đơn gửi hàng hóa thì bồi thường theo giá trị kê khai; trường hợp doanh nghiệp chứng minh được giá trị thiệt hại thực tế thấp hơn giá trị kê khai thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế;

b) Đối với hàng hóa không kê khai giá trị trong hóa đơn gửi hàng hóa thì bồi thường theo quy định như sau: Theo mức do hai bên thỏa thuận; theo giá trị trên hóa đơn mua hàng; theo giá thị trường của hàng hóa đó tại thời điểm trả tiền vận chuyển và địa điểm trả hàng; trong trường hợp không có giá thị trường của hàng hóa đó thì theo giá trị trung bình của hàng hóa cùng loại, cùng chất lượng trong khu vực nơi trả hàng.

3. Đối với hàng hóa đã được người thuê vận tải mua bảo hiểm hàng hóa, việc bồi thường được thực hiện theo hợp đồng bảo hiểm.

4. Ngoài việc bồi thường thiệt hại theo quy định tại các Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này, doanh nghiệp còn phải hoàn lại cho người thuê vận tải toàn bộ tiền vận chuyển và chi phí khác mà doanh nghiệp đã thu trong quá trình vận tải đối với số hàng hóa bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng.

5. Người thuê vận tải, người nhận hàng và doanh nghiệp thỏa thuận về các hình thức và mức bồi thường hàng hóa được quy định tại các Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này hoặc bằng các hình thức và mức bồi thường khác mà hai bên thống nhất thực hiện, trường hợp không thỏa thuận được thì việc bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 56 Thông tư này.

Điều 55. Bồi thường đọng toa xe, hư hỏng đầu máy, toa xe và dụng cụ vận chuyển

1. Trong quá trình xếp, dỡ, vận chuyển hàng hóa, nếu người thuê vận tải, người nhận hàng hoặc doanh nghiệp làm hư hỏng phương tiện vận chuyển, dụng cụ vận chuyển, mất mát phụ tùng, trang thiết bị của phương tiện thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

2. Người thuê vận tải hoặc người nhận hàng phải bồi thường cho doanh nghiệp tiền đọng toa xe, dụng cụ vận chuyển kèm theo toa xe do kéo dài thời gian chiếm dụng so với các định mức thời gian quy định do lỗi của người thuê vận tải và so với kỳ hạn được quy định. Biểu giá tiền đọng toa xe, dụng cụ vận chuyển kèm theo toa xe do doanh nghiệp quy định.

Điều 56. Giải quyết tranh chấp

1. Trong quá trình vận tải hàng hóa bằng đường sắt, nếu phát sinh sự cố làm ảnh hưởng đến lợi ích của các bên thì doanh nghiệp và người thuê vận tải, người nhận hàng giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải hoặc khởi kiện tại Tòa án.

2. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG KINH DOANH VẬN TẢI HÀNG HÓA TRÊN ĐƯỜNG SẮT

Điều 57. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp có các quyền sau đây:

a) Từ chối vận chuyển hàng hóa không theo đúng quy định về đóng gói, bao bì, ký hiệu, mã hiệu hàng hóa và các loại hàng hóa bị cấm vận chuyển;

b) Yêu cầu người thuê vận tải, người nhận hàng thanh toán đủ tiền vận chuyển và các chi phí phát sinh;

c) Yêu cầu người thuê vận tải bồi thường thiệt hại do lỗi của người thuê vận tải gây ra;

d) Yêu cầu giám định hàng hóa khi cần thiết;

đ) Lưu giữ hàng hóa trong trường hợp người thuê vận tải không thanh toán đủ tiền vận chuyển và chi phí phát sinh theo thỏa thuận trong hợp đồng vận tải;

e) Yêu cầu trả tiền đọng toa xe do lỗi của người thuê vận tải, người nhận hàng gây ra;

g) Thực hiện các quyền khác theo quy định tại Khoản 1 Điều 53 Luật Đường sắt.

2. Doanh nghiệp các nghĩa vụ sau đây:

a) Vận tải hàng hóa đến địa điểm đến và giao hàng hóa cho người nhận hàng theo hợp đồng vận tải;

b) Thông báo kịp thời cho người thuê vận tải, người nhận hàng khi hàng hóa đã được vận chuyển đến địa điểm giao hàng, khi việc vận chuyển bị gián đoạn;

c) Bảo quản hàng hóa trong trường hợp người nhận hàng từ chối nhận hàng hóa hoặc hàng hóa không thể giao được cho người nhận hàng và thông báo cho người thuê vận tải biết;

d) Bồi thường thiệt hại cho người thuê vận tải khi để xảy ra hàng hóa bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng, giảm chất lượng hoặc quá thời hạn vận chuyển do lỗi của doanh nghiệp;

đ) Tạo điều kiện thuận lợi cho người thuê vận tải trong việc thuê toa xe xếp hàng hóa đảm bảo có đủ số lượng theo đúng chủng loại toa xe theo yêu cầu của người thuê vận tải;

e) Thông báo công khai cho người thuê vận tải biết các quy định của pháp luật và của doanh nghiệp trước khi ký kết các hợp đồng vận tải;

g) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về số liệu thống kê công tác vận tải hàng hóa do doanh nghiệp thực hiện gửi Cục Đường sắt Việt Nam theo quy định;

h) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định tại Khoản 2 Điều 53 Luật Đường sắt.

Điều 58. Quyền và nghĩa vụ của người thuê vận tải hàng hóa

1. Người thuê vận tải có các quyền sau đây:

a) Thỏa thuận với doanh nghiệp về các điều kiện chuyên chở hàng hóa, xếp, dỡ hàng hóa, cung cấp toa xe xếp hàng hóa, áp tải hàng hóa, kỳ hạn vận chuyển hàng, kỳ hạn gửi hàng, kỳ hạn nhận hàng và các vấn đề liên quan khác trong hợp đồng vận tải hàng hóa; kiểm tra để nhận toa xe và có quyền từ chối nhận toa xe nếu không phù hợp theo quy định tại Điều 8 Thông tư này;

b) Yêu cầu doanh nghiệp xác nhận số lượng, niêm phong đối với hàng hóa mà mình gửi đi;

c) Yêu cầu giám định hàng hóa khi cần thiết;

d) Được bồi thường thiệt hại đối với hàng hóa của mình theo nội dung thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của pháp luật;

đ) Được bồi thường thiệt hại do cấp toa xe, dụng cụ vận chuyển kèm theo toa xe chậm do lỗi của doanh nghiệp;

e) Được ủy quyền cho một tổ chức, cá nhân thay mặt mình thực hiện một phần hay toàn bộ hợp đồng vận tải theo quy định của pháp luật nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi cam kết trong hợp đồng vận tải;

g) Thực hiện các quyền khác theo quy định tại Khoản 1 Điều 61 Luật Đường sắt và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Người thuê vận tải thực hiện nghĩa vụ sau đây:

a) Đăng ký số lượng, chủng loại toa xe, thời gian, địa điểm xếp hàng hóa với doanh nghiệp;

b) Cử người áp tải hàng hóa nếu hàng hóa thuộc loại hàng hóa bắt buộc phải có người áp tải;

c) Trả tiền vận chuyển và các chi phí khác đúng thời hạn, hình thức thanh toán trong hợp đồng;

d) Thanh toán chi phí phát sinh do đọng toa xe, dụng cụ vận chuyển kèm theo toa xe; chi phí lưu kho bãi, bảo quản và các chi phí phát sinh khác;

đ) Trường hợp người nhận không đến nhận hàng hóa, người thuê vận tải có trách nhiệm giải quyết hậu quả và thanh toán mọi chi phí phát sinh;

e) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định tại Khoản 2 Điều 61 Luật Đường sắt và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Điều 59. Quyền và nghĩa vụ của người nhận hàng

Người nhận hàng có thể là người thuê vận tải hoặc là người thứ ba được người thuê vận tải chỉ định nhận hàng hóa. Người nhận hàng có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

1. Quyền của người nhận hàng:

a) Kiểm tra số lượng, chất lượng, niêm phong của số hàng hóa được vận chuyển đến;

b) Nhận hàng hóa được vận chuyển đến;

c) Được yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với hàng hóa bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng do lỗi của doanh nghiệp;

d) Yêu cầu giám định hàng hóa khi cần thiết.

2. Nghĩa vụ của người nhận hàng:

a) Khi nhận được tin báo hàng đến, người nhận hàng phải đến ga nhận hàng hóa trong thời hạn và thực hiện những nội dung quy định tại Điều 19 và Điều 35 Thông tư này;

b) Xuất trình hóa đơn gửi hàng hóa và các giấy tờ khác để chứng minh quyền nhận hàng hóa của mình;

c) Chịu chi phí xếp, dỡ hàng hóa nếu trong hợp đồng không có thỏa thuận khác;

d) Thanh toán chi phí phát sinh do việc chậm tiếp nhận hàng hóa;

đ) Thông báo cho doanh nghiệp biết về việc nhận đủ hàng hóa và các thông tin cần thiết khác theo yêu cầu của doanh nghiệp; nếu không thông báo thì không có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo vệ quyền, lợi ích liên quan đến hàng hóa của mình.

Điều 60. Chế độ báo cáo

1. Số liệu thống kê công tác vận tải hàng hóa do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt báo cáo về Cục Đường sắt Việt Nam phải được thực hiện theo định kỳ (hàng tháng, quý, năm) hoặc đột xuất theo yêu cầu.

2. Kỳ báo cáo

a) Báo cáo tháng: Từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng;

b) Báo cáo quý: Từ ngày 01 của tháng đầu quý đến ngày cuối của tháng cuối quý;

c) Báo cáo năm: Từ ngày 01 tháng 01 của năm đến hết ngày 31 tháng 12 của năm.

3. Thời gian báo cáo: Trước ngày 10 của tháng liền kề của kỳ báo cáo.

4. Nội dung, biểu mẫu báo cáo: Theo Phụ lục của Thông tư này và các biểu mẫu khác được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật nếu có.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 61. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.

2. Thông tư số 83/2014/TT-BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định về việc vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia hết hiệu lực từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 62. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Như Điều 62;
- Bộ trưởng Bộ GTVT;
- Văn phòng Chính phủ;
- Cơ quan thuộc Chính phủ;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, Vtải.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Đông

PHỤ LỤC

BÁO CÁO SẢN LƯỢNG VẬN TẢI HÀNG HÓA BẰNG ĐƯỜNG SẮT
(Ban hành kèm theo Thông tư số 22/2018/TT-BGTVTngày 02 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chỉ tiêu

Kế hoạch năm

Thực hiện

Tấn xếp

T. Km

Từ đầu năm đến hết tháng trước

Tháng/quý/năm

Từ đầu năm đến hết tháng...

Tấn xếp

T. Km

Tấn xếp

T. Km

Tấn xếp

T. Km

1

2

3

4

5

6

7=3+5

8=4+6

Nội địa

Đường sắt quốc gia

Đường sắt chuyên dùng có nối ray với ĐSQG

Quốc tế (ĐSVN)

Tổng cộng

MINISTRY OF TRANSPORT
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No.22/2018/TT-BGTVT

Hanoi, May 02, 2018

 

CIRCULAR

ON REGULATIONS ON TRANSPORT OF CARGO ON NATIONAL RAILWAYS AND DEDICATED RAILWAYS CONNECTED TO NATIONAL RAILWAYS

Pursuant to the law on railway no.06/2017/QH14 dated June 16, 2017;

Pursuant to Decree No.12/2017/ND-CP dated February 10, 2017 of the Government on functions, missions, rights and organizational structure of the Ministry of Transport;

At the request of Director General of the Department of Transport and Director of Vietnam Railway Authority;

The Minister of Transport promulgates a Circular on transport of cargo on national railways and dedicated railways connected to national railways.

Chapter I

GENERAL REGULATIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



This Circular provides for transport of cargo on national railways and dedicated railways connected to national railways.

Article 2. Regulated entities

This Circular shall apply to organizations and individuals regarding the transport of cargo on national railways and dedicated railways connected to national railways.

Article 3. Definitions

For the purpose of this Circular, the terms below shall be construed as follows:

1. “cargo” means the property of organizations or individuals transported on railways by the rail freight transport trader hired by its owner.

2. “less-than-carload freight" means cargo that does not require full capacity of a wagon for its transportation.

3. “full carload freight” means cargo loaded onto a single goods wagon, sent from one transport service buyer to one consignee, from one departure depot to one arrival depot.

4. “self-propelled cargo” means a railway vehicle registered and certified to satisfy technical standards for safety which allows it to be assembled into trains instead of being loaded onto the goods wagons during the transport.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. “technical carload” means the maximum weight of cargo loaded onto a goods wagon in consistent with the standard of its design.

7. “permissible technical carload" means the maximum quantity of cargo loaded onto a goods wagon in compliance with maximum load order on railways.

8. “force majeure” means events caused by acts of god, hostilities, epidemic or occurring to ensure social order and security not by faults of the freight transport trader, transport buyer or consignee although they have put great effort in solving the problems.

Chapter II

ORGANIZATION OF CARGO TRANSPORT

Article 4. Unit of measurement of time in cargo transport

The measurement unit of time in cargo transport is hour (60 minutes) or day (24 hours) and the residual time will be rounded as follows:

1. If the measurement unit is hour, the residual time greater than 30 minutes will be counted as 1 hour. This type of measurement shall not applied to residual time under 30 minutes

2. If the measurement unit is day, the residual time greater than 12 hours will be counted as 1 day. This type of measurement shall not apply to residual time under 12 hours.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The rail freight transport trader (hereinafter referred to as the transport trader) shall take responsibility to publish its place of transaction so that the transport buyer carries out the transport business.

2. Primary contents of this Circular and other regulations regarding the rail freight transport must be published at the place of transaction.

3. The transport trader shall take responsibility to publish information on the freight as prescribed in Clause 2 in Article 56 of the law on railway transport.

Article 6. Modes of transport

1. Rail freight transport in the forms of full carload (hereinafter referred to as full carload freight) or less-than-carload (hereinafter referred to as less-than-carload freight)

2. Other modes of rail freight transport stipulated by the transport trader.

Article 7. Full carload freight

Cargo required to be transported by in the form of full carload shall be listed as below:

1. Machines, equipments or instruments failing to be loaded onto a cover wagon

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Live animals

4. Hazardous cargo, unless otherwise prescribed.

5. Corpse.

6. Cargo transported under special requirement of the transport buyer or requiring good care and special protection.

Article 8. Goods wagons

A goods wagon must satisfy technical conditions and requirements specified in national technical regulations on railway transport and other relevant regulations of laws.

Chapter III

TRANSPORTING CARGO

Section 1. TRANSPORT OF ORFINARY CARGO

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The transport buyer shall take responsibility to accurately declare the name of cargo as required by the transport trader. The name of hazardous cargo must be provided in consistent with the one in the list of hazardous cargo transported on railways vehicles. The transport buyer shall take responsibility for consequences arising due to false declaration of the cargo’s name

2. Where necessary, the transport buyer might declare the name of cargo by using symbols for confidential protection of transported cargo but must inform the director of the transport trader.

3. For the case in which the name of cargo serving national defense and security purposes shall not be declared as prescribed in Clause 1 and 2 of this Article, the transport buyer must inform the person in charge of the freight transport and mutually develop methods for ensuring rail transport safety.

Article 10. Requirements applied to cargo to be transported

1. The transport trader shall receive transport order of all types of cargo excluding:

a) cargo that is prohibited to be transported in railway practices as regulated by laws;

b) cargo that fails to meet the technical condition for rail transport;

c) cargo that fails to comply with regulations specified in Article 62, 63, 64, 65 of the law on railway transport.

2. High-technique or high-quality cargo transport must be agreed by both the transport trader and transport buyer.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The transport trader shall transport cargo in order of priority as follows:

1. Cargo serving special missions or social security purposes as required by the competent regulatory agencies

2. With regard to cargo not prescribed in Clause 1 in this Article, transport them in the order of cargo receiving

3. With regard to cargo received at once, transport them in the following orders:

a) hazardous cargo, corpse, skeleton;

b) live animals, vulnerable cargo, cargo easy to lose its weight;

c) Other cargo not prescribed in above-mentioned regulations stipulated by the transport trader.

Article 12. Transport refusal or suspension

1. The transport trader may refuse or suspend cargo transport in following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The transport buyer fails to conform to provisions contained in the transport contract and breach relevant regulations in this Circular;

c) Railway congestion is caused by force majeure.

2. The transport buyer may refuse to buy cargo transport service or request the transport trader to cease the transport in the following cases:

a) The transport trader fails to conform to provisions contained in the transport contract and breaches relevant regulations in this Circular.

b) Events are caused by force majeure.

Article 13. Provision of goods wagons, transport instruments attached to them and reinforced materials

1. The transport trader shall take responsibility to sufficiently provide designated types of goods wagon at the loading point under the transport contract or agreement with the transport buyer on schedule.

2. Provided goods wagons must meet the technical requirements and conditions as prescribed in Article 8 in this Circular.

3. The transport buyer and transport trader shall come to an agreement on provision of necessary materials and instruments for the purpose of stably and safely reinforcing and protecting the cargo during the transport.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Pales, fixed chains on the wagon with open and flat deck if the cargo is loaded onto such wagon instead of a wagon enclosed with sides as expected.

b) Tarpaulin on the open wagon if the cargo is loaded onto such wagon instead of a fixed-roof wagon as expected.

5. The transport trader shall take responsibility to verify reinforced materials and instruments of the transport buyer and may not put them in use if such materials and instruments are found to fails to comply with regulations on transport safety assurance.

6. The transport trader is required to verify the technical safety standard, ask for appropriate replacement and repair to ensure transport safety of the goods wagon provided by the transport buyer.

Article 14. Notices of goods wagons arriving loading and unloading point

1. The transport trader must notify the transport buyer of the quantity and wagon number of the goods wagon arriving at the loading road or communication point at the latest 2 hours ahead of wagon provision time.

2. If the feeder roads and dedicated roads have been mentioned in the contract with prescribed daily time of wagon provision, the notice is not required.

3. The transport buyer must be notified of goods wagons arriving at the loading and unloading point 2 hour ahead of the time goods wagons are provided for the transport buyer. The transport trader must pay all costs incurred to the notice time if failing to notify or late notifying the transport buyer of cargo arrival.

Article 15. Time limit for carrying cargo to the departure depot

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 16. Cargo stored in warehouse and yard.

The cargo will be stored in the warehouse or wagon yard under the agreement between the transport buyer and the transport trader depending on requirements and capacity of both parties adhering to the principle of equality and mutual assistance during the transport.

Article 17. Technique of loading cargo onto the goods wagon

1. The weight and volume of each type of cargo must suitable for each type of goods wagon in each railway line regulated by the transport trader for safety assurance during the transportation.

2. Loading cargo onto the wagon must comply with the following regulations:

a) For the case in which the load is under the permissible technical carload or prescribed volume applied to each type of cargo, goods wagon in each railway line, the transport buyer must pay the freight according to permissible technical carload of the goods wagon in use;

b) If the cargo loading fails to satisfy the technical standard for weight or volume or cargo loading regulations, re-loading is required and the party in charge of loading cargo must pay the loading and unloading charge or other costs incurred due to overdue loading or unloading;

c) Overloading of cargo is prohibited. If the goods wagon is overloaded, the party in charge of loading cargo must unload the amount of cargo that excess the permissible technical load and pay unloading or reloading charge and the cost for prolong occupancy of the goods wagon

d) The amount of cargo loaded onto goods wagons with minimum carload or volume must consistent with the prescribed load or volume for transport safety assurance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 18. Responsibilities for loading and unloading cargo

The loading and unloading of cargo will be arranged by the transport trader and transport buyer. If the transport buyer in charge of the cargo loading, the transport trader shall take responsibility to provide guidelines and supervise the transport buyer during the loading of cargo. When discovering that the loading fails to comply with the regulations, the transport trader may ask the transport buyer to handle it before transporting cargo

Article 19. Loading and unloading time

1. Time for loading cargo onto a goods wagon will be counted from the time such wagon has arrived at the loading point and the transport trader has informed the transport buyer until the cargo has been loaded.

2. Time for unloading cargo onto a goods wagon will be counted from the time such wagon has arrived at the unloading point and the transport trader has informed the transport buyer until the cargo has been unloaded and the empty wagon has been returned to the transport trader including the time for cleaning and closing doors of the wagon.

3. The maximum time for loading and unloading cargo onto a goods wagon cluster will be the same as that for loading and unloading freight onto a wagon unless otherwise prescribed in the transport contract.

4. Maximum time limit for loading and unloading cargo onto a goods wagon or wagon cluster will be decided by the transport trader.

Article 20. Cargo that cannot be loaded onto a single wagon

Cargoes that must not be loaded onto the same wagon are listed as below:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Foods and stinking cargo

3. Liquid and moisture-susceptible cargo

4. Cargo transported under special conditions and those transported under ordinary conditions

5. Types of cargo that could cause chemical reaction or easily explode

Article 21. Cargo packaging

1. The transport buyer must package the cargo meeting the standard to prevent the cargo from being lost, losing weight, being damaged, having its quality impaired or affecting other cargo during the loading, unloading and transportation depending on the characteristic of cargo.

2. Cargo that is put into the coffin, box or parceled must have its brand, sign, symbol, characteristic (if any), weight and full name provided accurately and transparently.

3. Packaging corpse and skeleton must comply with regulations in Article 64 of the law on railway transport.

4. The transport trader may verify the cargo packaging and ask the transport buyer to add more information as regulated prior to transporting such cargo.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The transport buyer must attach a cargo tag to the top and bottom of the less-than-carload freight which clearly specifies: the name of departure and arrival depot, full name, address, contacts of the transport buyer, consignee, name and weight of the cargo, parcel number and quantity as well as other necessary information.

2. For the case in which the cargo tag cannot be attached to the less-than-carload freight, the transport buyer must write all information prescribed in Clause 1 in this Article on the part of the parcel that easily catch people's eye.

3. The transport trader shall take responsibility to offer the cargo tag and verify or instruct the transport buyer to use it.

Article 23. Determination of cargo weight

1. With regard to the less-than-carload freight: The transport trader shall determine the weight of cargo to estimate the freight; measure the volume of bulky cargo then convert into weight, for instance, 1 cubic meter equals 300 kilograms and write the results in the shipper’s declaration.

2. With regard to full carload freight: The transport buyer is required to determine the weight of cargo to be recorded in the shipper’s declaration; the transport trader may verify the weight and quantity of cargo provided by the transport buyer in the shipper’s declaration.

Article 24. Declaration of cargo value and insurance

1. If the cargo value is required to be declared, the transport buyer must pay the transport trader the cost of cargo value declaration under the terms of the transport contract.

2. Insurance for cargo transported on railways must be purchased under the terms of the transport contract and complying with regulations and law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. When receiving the cargo, the transport trader must verify its name and weight declared in the shipper’s declaration, on the packaging, lashing of the parcel of the transport buyer. The transport trader may ask the transport buyer to unwrap the package for verification if there is any doubt about the truthfulness of the information provided in the shipper’s declaration, unless otherwise prescribed in Clause 2 in this Article.

2. With regard to cargo that has been packaged with a security seal and loaded onto the goods wagon by the transport buyer, the transport trader shall check the cargo based on the information provided in the shipper’s declaration without verifying its name, weight, packaging standard and state. When transporting the cargo, if competent authorities request a verification of the truthfulness of the information provided in the shipper’s declaration, the transport trader may unseal the cargo or unwrap its packaging to serve the verification and immediately inform the transport buyer. If there is false information found against the information provided in the shipper’s declaration on the name, type, weight, packaging specifications and state of the cargo, all costs incurred will be paid the transport buyer.

3. When discovering any cargo with false information in the shipper’s declaration, the transport trader may ask the transport buyer to re-inventory the cargo and declare its name properly to be transported. If the transport buyer fails to re-declare the correct name of the cargo, the transport trader may refuse to transport such cargo.

Article 26. Cargo delivery and receipt

1. According to the cargo's characteristic, the transport trader and transport buyer shall discuss and select one of the delivery and receipt modes as follows:

a) Delivery and receipt according to the quantity of cargo by counting;

b) Delivery and receipt according to volume by measuring the volume of cargo in the wagon using measuring instruments;

c) Delivery and receipt according to weight by measuring the weight of cargo in the wagon using a scale;

d) Full carload delivery and receipt based on the unopened and undamaged sealed packaging;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Other modes of delivery and receipt under the agreement of the transport buyer and trader.

2. Cargo considered to be transported if the transport buyer sufficiently delivers it to the transport trader and receives a document of delivery and receipt bearing the signatures of both parties. Starting from this point, the transport trader is required to take full responsibility for the supervision and protection of the cargo transported without an escort, unless otherwise prescribed in Clause 2 in Article 25 of this Circular.

Article 27. Sealing goods wagons and cargo

1. Covered wagons, refrigerator cars, open wagons, tank wagons must be sealed as regulated when transporting cargo.

2. With regard to full carload freight, according to the mode of delivery and receipt under the terms in the transport contract, the wagon shall be:

a) sealed by the transport trader in case of delivery and receipt according to the weight or quantity of the cargo;

b) sealed by the transport buyer in case of delivery and receipt of full carload with security seal;

c) sealed under other agreements of the transport trader and transport buyer.

3. The transport buyer shall take responsibility to seal high-value cargo, container and self-operating machines. Cars, tractors and machines with removable components or not well packaged must be sealed in detail.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. The sealed sign will be decided by the party in charge of sealing the wagon and must be clear, adequate and recognizable during the transport. 6. The management and use of wagon seals shall be stipulated by the transport trader.

Article 28. Cargo maintenance

1. The transport trader is required to keep the cargo maintained from the time transporting until delivering it to the consignee, except for cargo transported with an escort during the transport as prescribed in Article 30 of this Circular.

2. Before receiving the cargo at the departure depot, if being requested by the transport buyer, the transport trader could carry out the maintenance of cargo from the time it is carried to the depot and collect the maintenance charge at the arrival depot; with regard to the cargo maintained by the transport trader, if such cargo is not received by the consignee although the cargo receipt period prescribed in Article 35 of this Circular has passed, the transport trader may continue to maintain it and collect maintenance charge and other costs (if any).

Article 29. Bill of lading

1. The bill of lading will be made as prescribed in Clause 2 and 3 in Article 55 of the law on railway transport.

2. Before preparing a bill of lading, the transport buyer must declare all information on the cargo including all contents prescribed in Clause 3 in Article 55 of the law on railway transport according to the form provided by the transport trader.

3. The transport buyer and transport trader must take responsibility for contents declared in the bill of lading and shipper’s declaration as regulated by laws.

Article 30. Accompanying cargo

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 31. Transport period

1. Transport period is calculated from the time the transport trader receives the cargo and fulfill all procedures at the departure depot until the consignee is notified of cargo arrival., including the following time:

a) Time at departure depot;

Journey time;

a) Time at arrival depot

2. The transport period shall be mutually decided by both parties in the transport contract. If the contract fails to provide for the transport period, such period will be determined as prescribed in Clause 3, 4 and 5 in this Article.

3. The journey time is calculated from 00:00 AM after the day the transport trader agree to transport the cargo.

a) With regard to the transport of full carload freight: every 300km or less than 300km will be counted as 1 day.

a) With regard to the transport of less-than-carload freight: every 250 km or less than 250 km will be counted as 1 day.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. The journey time shall be prescribed in Clause 3 in this Article and added the time for parking or stopping of the goods wagon in case of:

a) railway congestion caused by force majeure.

b) plant and animal care and quarantine;

c) amendments to conditions for cargo maintenance applied to fresh or vulnerable cargo;

d) repair, supplement or reinforcement of displaced cargo or damaged packaging not caused partly by the transport trader;

dd) cargo seized by competent regulatory agencies

6. Cargo is considered to be transported on schedule if it arrives the railway depot on the last day of the transport period and the consignee is notified of its arrival by the transport trader.

7. The transport trader must incur the cost of overdue shipment under the terms of the transport contract.

8. The transport trader may shorten the transport period prescribed in Clause 3 and 4 in this Article or in the transport contract and inform the transport buyer and must maintain the cargo under the terms of the contract if such cargo is not received by the consignee.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The cleaning and closing of goods wagons' doors shall be arranged by the transport trader and transport buyer Wagon cleaning must comply with regulations of the law on environmental protection.

Article 33. Documents attached to the bill of lading

1. The transport buyer is required to transfer adequate documents regarding the cargo as regulated by laws to the transport trader; declare all information in the shipper’s declaration and take full responsibility for the consequences of the failure to provide documents, insufficient documents or documents not required.

2. The transport trader shall take responsibility to preserve all documents attached to the bill of lading sent along with the goods wagon and transfer them to the consignee. When losing or damaging such documents, the transport trader must record the incident in written and send it along with the goods wagon.

3. The party causing loss, damage or lack of documents or incorrect contents of the documents which lead to the loss and delay during the transport must compensate to another party and take legal responsibility.

Article 34. Arrival notice

1. The transport trader must inform the consignee according to the name and address provided in the bill of lading right after the cargo arrives at the arrival depot.

2. The consignee could be directly or indirectly informed under the terms of the contract.

3. Contents informed must include the name, address of the consignee, date and time of informing.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Receipt period shall be calculated from the time the consignee is informed of arrival by the transport trader until taking the cargo out the depot.

2. The transport trader shall stipulate the receipt period for each type of cargo to be transported and publish it at the points of cargo transaction and depot trading cargo.

3. The consignee is not entitled to refuse the cargo when being informed of arrival by the transport trader, except for weight loss or quality reduction or damage of the cargo caused partly by the transport trader.

4. In case of overdue receipt, the consignee must pay all costs of prolong occupancy of goods wagons, demurrage, maintenance and moving of cargo, if any.

5. The consignee must be self-responsible for weight loss, quality impairment or damage of the cargo if it is received when the period of cargo receipt has been passed.

6. The transport trader must inform competent authorities if the consignee fails to receive hazardous cargoes such as fire-susceptible, explosive, poisonous or radioactive cargo, corpse and skeleton although the period of cargo receipt has been passed.

Article 36. Delivering cargo to the consignee

1. The transport trader shall take responsibility to preserve all documents attached to the bill of lading sent along with the goods wagon and deliver them to the consignee.

2. The mode of cargo delivery will be the same as that of the cargo transport, unless otherwise prescribed in the transport contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. When receiving cargo, if the consignee discover that the loss, weight loss, damage or quality impairment of the cargo or such incidents have been recorded in writing during the transportation, the transport trader and consignee shall take responsibility to define the actual losses of the cargo and make a carrier’s statement as the basis for handling. If both parties fail to reach an agreement on the loss of cargo, they could have the cargo inspected by the inspection organization. All expenses arising out of the inspection will be paid by the offending party.

5. The cargo is considered to be successfully delivered when the consignee signs the confirmation note and receive the bill of lading.

Article 37. Transport of cargo put in containers

1. The transport trader shall transport containers meeting the technical standard of the wagon; containers transported by the wagon must be consistent with the maximum load applied to bridge and railway road, dimensional limits of the railways and granted an unexpired safety certificate.

2. The transport buyer shall take responsibility for the cargo, loading method and the weight of cargo loaded into the container to ensure safety during the rail transportation.

3. Technical methods for transporting containers shall be prescribed by the transport trader.

Section 2. TRANSPORT OF SPECIAL CARGO

Article 38. Transport of overweighed and oversized cargo

1. Oversized cargo means:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) cargo whose length, once loaded, exceeds the length of the floor of the goods wagon

2. Overweighed cargo means:

a) cargo whose weight exceeds the permissible technical load of the wagon;

b) cargo whose length contacting the floor of the wagon is less than 2 meters and weighs over 16 tonnes.

3. The transport of oversized and overweighed cargo must comply with regulations in Clause 1 in Article 65 of the law on railway transport and other relevant legal documents.

4. The rail transport of oversized and overweighed cargo must be approved by the railway infrastructure trader.

Article 39. Transport of cargo serving special missions and social security

The transport of cargo serving special missions or social security must conform to regulations specified in Article 58 of the law on railway transport and other relevant legal documents.

Article 40. International transport of cargo

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 41. Transport of cargo from dedicated railways connected to national railways to national railways and vice versa

The transport of cargo from dedicated railways connected to national railways ton national railways and vice versa must comply with regulations prescribed in the law on railway transport and other relevant legislative documents.

Article 42. Rail transport freight

The freight must be decided as prescribed in Article 56 of the law on railway transport and laws on prices.

Chapter IV

SOLVING PROBLEMS ARISING DURING THE TRANSPORT

Article 43. Unloading of cargo in the absence of the consignee

For the case in which the consignee fails to receive the cargo as prescribed in Article 35 of this Circular irrespective of being informed of cargo arrival by the transport trader and although the receipt period has ended, the transport trader may unload the cargo depending to the capacity of the trader in the absence of the consignee and maintain it. When receiving cargo, the consignee must pay the unloading charge, maintenance charge and other costs incurred as required by the transport trader.

Article 44. Handling unaccounted cargo or refused cargo

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Before transporting the cargo, the transport trader and transport buyer shall enter into an agreement on handling unaccounted cargo as prescribed in Clause 1 in this Article; vulnerable cargo must be handled ahead of time prescribed in Clause 1 in this Article.

Article 45. Cargo considered lost

1. Cargo will be considered lost if the transport trader fails to inform the transport buyer of the arrival:

a) within 15 days from the date on which the transport period ends with regard to ordinary cargo;

b) within 04 days from the date on which the transport period ends with regard to vulnerable cargo;

2. The compensation for losses due to the lost cargo shall be made as prescribed in Article 54 of this Circular.

Article 46. Seized and handled cargo

During the transport, if the cargo is inspected, seized or handled by the competent regulatory agencies, the transport trader must make a record of delivery and receipt and immediately inform the consignee and transport buyer.

Article 47. Railway congestion

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Returning to the departure goods depot;

b) Returning to a goods depot located on the transportation route to unload the cargo

c) Transshipping the cargo to continue the journey;

d) Waiting for the congestion ease

2. If the congestion is caused partly by the transport trader, the transport buyer may ask the trader to transport the cargo using one of mode of transport prescribed in Clause 1 in Article. The freight shall be paid as follows:

A) If the cargo is returned to the departure depot, the transport trader must refund the whole freight and all costs received from the transport buyer under the terms of the transport contract;

b) If the cargo is returned to be unloaded at a depot located road on the transportation route, the transport trader must refund the cost for transporting the cargo from the depot where the cargo is unloaded to the destination designated in the bill of lading;

c) If the cargo is transshipped to continue the journey, cargo transshipment shall be done depending on the capability of the transport trader and the transport buyer is not required to pay the transshipment charge.

3. If the congestion is not caused partly by the transport trader, the transport buyer shall discuss with the trader to select one of the transport modes prescribed in Clause 1 in this Article. The freight shall be paid as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) If the cargo is transshipped to continue the journey, cargo transshipment shall be done depending on the capability of the transport trader and the transport buyer must pay all expenses arising out of the transshipment.

4. In case the transport trader receives no response from the transport buyer in spite of informing the transport buyer of the congestion, the cargo will be handled as follows:

a) With regard to vulnerable cargo or live animals, the transport trader may handle in accordance with regulations prescribed in Article 44 of this Circular after 4 days from the date on which the transport buyer is informed but not give any response to the problem;

b) With regard to other cargo, the transport trader shall wait for the congestion ease to continue the journey.

5. The transport trader shall not ask the transport buyer to pay the cost for transshipping full carload in cases prescribed in this Article.

Article 48. Actions against falsification of the cargo's name during the transport

1. With regard to ordinary cargo, if discovering that the name of cargo has been declared inaccurately, the transport trader shall continue the transport and ask the consignee to pay the missing freight due to false declaration of cargo's name.

2. With regard to hazardous cargo or cargo requiring special protection, if the transport trader discovers that the name of such cargo has been declared inaccurately, the trader shall:

unloaded the cargo at the nearest incoming depot and inform the transport buyer as well as the consignee if such cargo poses a risk to the safety of transport or other cargoes. The transport trader shall re-calculate the freight and collect the cost incurred during the transport;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 49. Cargo loaded overweight or overloaded

In case the cargo is loaded overweight or overloaded, it shall be handled as follows:

1. When the wagon is overloaded, the transport trader must incur all costs and take legal responsibility if it is in charge of cargo loading.

2. For the case in which the transport buyer is in charge of cargo loading:

a) If total weight of the cargo loaded onto the wagon does not exceed 5% of technical load and permissible technical load of the wagon, the transport trader may continue the journey and ask the consignee to pay the cost for transporting the excess load as required by such transport trader.

b) If total weight of the cargo loaded onto a wagon exceeds 5% of technical load or permissible technical load of such wagon, the transport trader may unload the excess load, inform the transport buyer and come to an agreement on solutions. The transport trader may collect the cost for transporting the excess load and all costs incurred in accordance of its own regulations. If the transport buyer asks the transport trader to continue to carry the excess load to the arrival depot, it will be transported under a new agreement.

Article 50. Canceling the transport

The transport trader or transport buyer may request a cancelation of the transport if the train does not leave the departure depot and pay all costs incurred due to such cancelation.

Article 51. Changing the consignee

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The transport trader must specify particular costs incurred due to the re-designation of new consignee

Article 52. Changing the destination

1. The transport buyer may re-designate the destination even if the cargo is on the journey or already arrives at the destination and pay all cost incurred due to the change of destination.

2. The transport trader must specify particular costs incurred due to the change of destination

Chapter V

DISPUTE SETTLEMENT AND COMPENSATION

Article 53. Exemption from compensation liability for the loss, weight loss, damage or quality reduction of cargo

The transport trader shall not pay a compensation for the loss, weight loss, damage or quality reduction of cargo in the following cases

1. Due to force majeure 2. Due to inherent nature or defect of the cargo; due to characteristics of the cargo causing fire, degeneration, loss, rust or cracking; infected live animals.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The cargo packaged or loaded into the container by the transport buyer failing to meet technical requirements

5. False declaration of the cargo's name or wrong symbol of the parcel

6. Untouched seal or mark of the cargo sealed by the sender when unloading cargo or no trace of opening or unblocking of the wagon or container

7. Untouched seal, thick lashing, intact packaging or sufficient quantity of the cargo loaded onto the open wagon; no trace of being opened or unblocked.

8. Weight loss, damage or quality reduction of cargo due to overdue receipt as prescribed in Article 35 of this Circular

9. The loss, weight loss, damage or quality reduction of cargo in that it has been seized or forced to be inspected by the competent regulatory agencies

Article 54. Compensation for lost or damage cargo, cargo having its weight or quality reduced caused partly by the transport trader

The transport trader shall pay a compensation for lost or damaged cargo, cargo having it weight or quality reduced as regulated below:

1. All lost, partly lost, damaged cargo or cargo having its weight or quality reduced must be compensated for the loss, partly loss, damage, reduced quality of the reduced weight; if the damaged part leads to the loss in using value of the cargo, it must be fully compensated and the transport trader is entitled to own the compensated loss amount.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) For cargo with value declared in the bill of lading, compensation shall be made for the declared value; in case actual damage amount is lower that the declared value as proved by the transport trader, compensation will be made for the value of actual damage;

b) For cargo without value declared in the bill of lading, compensation shall be made according to the level under an agreement of two parties; the market price of such cargo at the time the freight is paid and at the delivery point; if there is no market price of such cargo, compensate according to the average value of the cargo in same category or having same weight in the area where the cargo is delivered.

3. For cargo covered by an insurance purchased by the transport buyer, compensation shall be made under the terms of the insurance contract.

4. Apart from compensating for damage as prescribed in Clause 1, 2 and 3 in this Article, the transport trader must refund all freight and other costs paid during the transport for the quantity of lost, damaged cargo or cargo having its quality or weight reduced.

5. The transport buyer, consignee and transport trader shall come to an agreement on modes and levels of compensation prescribed in Clause 1, 2 and 3 in this Article or other modes and levels mutually decided by both parties. If the parties fail to reach an agreement, the compensation shall be made as prescribed in Article 46 of this Circular.

Article 55. Compensation for prolong occupancy of goods wagons, damage of locomotive and transporting instruments

1. During the loading, unloading and transport, the transport buyer, consignee or transport trader causing damage of the transporting vehicles or instruments, loss of components or equipments of the vehicle must compensate to the offending party.

2. The transport buyer or consignee must compensate the transport trader for prolong occupancy of goods wagons and their attached transporting instruments if holding them longer than the occupancy time prescribed caused by the fault of the transport buyer and the time limit. The price for prolong occupancy of a wagon and its attached transporting instruments shall be prescribed by the transport trader.

Article 56. Dispute settlement

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The order and procedure for settling a dispute shall be compliant with regulations of laws.

Chapter VI

RESPONSIBILITIES OF ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS IN RAIL FREIGHT TRANSPORT BUSINESS

Article 57. Rights and obligations of the transport trader

1. The transport trader is entitled to:

a) refuse to transport the cargo that fails to comply with regulations on package, symbol, code and cargo prohibited from being transported;

b) ask the transport buyer to or consignee to fully pay the freight and all costs incurred;

c) ask the transport buyer to compensate for damage caused by his/her fault;

d) ask for inspection of the cargo where necessary;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) ask the consignor and consignee to pay for prolonged occupancy of wagons;

g) exercise other rights as prescribed in Clause 1 in Article 53 of the law on railway transport

2. The transport trader is required to:

a) carry the cargo to the destination and deliver it to the consignee under the terms of the transport contract;

b) timely inform the transport buyer and consignee of cargo arrival or interruption of the transport;

c) maintain the cargo in case the consignee refuse to receive it or the cargo fails to be delivered and inform the transport buyer;

d) compensate to the transport buyer if causing loss, damage, quality or weight reduction of cargo or overdue shipment;

dd) enable the transport buyer to hire sufficient type of wagons required by the transport buyer;

e) publicly inform the transport buyer of regulations regulated by the transport trader and the law before signing the transport contract;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



h) fulfill other obligations as prescribed in Clause 2 in Article 53 of the law on railway transport.

Article 58. Rights and obligations of the transport buyer

1. The transport buyer is entitled to:

a) come to an agreement with the transport trader on conditions for transporting, loading, unloading, accompanying the cargo, providing wagons for loading cargo, shipment period, delivery period, receipt period and other relevant issues in the transport contract; verify to agree or refuse to transport the cargo loaded onto the wagon if founding it fails to conform to regulations in Article 8 of this Circular.

b) ask the transport trader to verify the quantity and seal the cargo sent;

c) ask for inspection of cargo where necessary;

d) receive compensation for damage of his/her cargo as agreed in the contract and regulated by laws;

dd) receive a compensate for late provision of wagons or transporting instruments attached to them caused by the fault of the transport trader;

e) authorize an organization or individual to implement a part or whole transport contract on his/her behalf as regulated by regulations of laws but still take responsibility for all commitments specified in the transport contract;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The transport buyer is required to:

a) book the quantity and type of the wagon, time and place for loading cargo with the transport trader;

b) appoint a person accompanying the cargo if such cargo is required to be accompanied;

c) pay the freight and other costs on schedule and according to the payment method as agreed in the contract;

d) pay the costs incurred due to prolong occupancy of wagons and their attached transporting instruments; demurrage, maintenance charge and other costs incurred;

dd) handle all consequence and incur all costs in case the consignee does to receive the cargo;

e) fulfill other obligations as prescribed in Clause 2 in Article 61 of the law on railway transport and relevant legislative document.

Article 59. Rights and obligations of the consignee

A consignee could be the transport buyer or a third person designated by the transport buyer. The consignee shall have rights and obligations as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) verify the quantity, quality and seal of the cargo arriving at the destination;

b) receive such cargo;

c) ask for compensation for lost, damaged cargo or cargo having its weight of quality reduced cause partly by the transport trader;

d) ask for inspection of the cargo where necessary;

2. The consignee is required to:

a) arrive at the depot where the cargo is conveyed to in the prescribed time and perform tasks prescribed in Article 19 and 35 of this Circular when receiving the arrival notice;

b) present the bill of lading and other documents as proof of entitlement to receive the cargo;

c) pay loading and unloading charge if there is no other agreement;

d) pay all costs incurred due to overdue receipt;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 60. Report regime

1. A report of statistic of cargo transport works performed by the transport trader shall be sent to the Vietnam Railway Authority periodically (monthly, quarterly or annually) or irregularly as required.

2. Report term

a) For monthly report: from the 1st to the last date of the month;

b) For quarterly report: from the 1st of the first month in the quarter to the last day of the last month in such quarter

c) For annual report: from January 01 of the year to December 31 inclusive of such year.

3. Report time: Prior to the 10th of the month preceding the month of the report term.

4. Contents and forms of the report must be made according to the Appendix of this Circular and other forms provided in legislative document, if any.

Chapter VII

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 61. Effect

1. This Circular comes into force from July 01, 2018.

2. Circular No.83/2014/TT-BGTVT dated December 30, 2014 of the Minister of Transport on regulations on transport of cargo on national railways will expire from the day on which this Circular comes into force.

Article 62. Implementation

Chief of the Ministry Office, Chief Ministry Inspectorate, Director General, Director of Vietnam Railway Authority, Directors of agencies, entities and relevant individuals shall take responsibility to implement this Circular./.

 

 

 

MINISTER
DEPUTY MINISTER




Nguyen Ngoc Dong

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 22/2018/TT-BGTVT ngày 02/05/2018 quy định về vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


13.503

DMCA.com Protection Status
IP: 3.141.244.201
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!