Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 54-LN/QĐ Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tổng cục Lâm nghiệp Người ký: Nguyễn Tạo
Ngày ban hành: 20/01/1967 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP

 

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số : 54-LN/QĐ

Hà Nội, ngày 20  tháng 01 năm 1967

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY TRÌNH TẠM THỜI VỀ KHAI THÁC TRE, NỨA

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 140-CP ngày 29-9-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Lâm nghiệp.
Căn cứ Nghị định số 596-TTg ngày 03-10-1955 ban hành điều lệ tạm thời về khai thác gỗ củi.
Căn cứ Nghị định số 124-CP ngày 24-8-1963 của Hội đồng Chính phủ quy định việc nghiên cứu, xây dựng, xét duyệt, ban hành và quản lý các quy phạm, quy trình kỹ thuật dùng trong sản xuất công nghiệp.
Theo đề nghị của các ông Cục trưởng Cục khai thác vận chuyển phân phối lâm sản, Cục trưởng Cục bảo vệ lâm nghiệp và sau khi Hội đồng khoa học kỹ thuật Tổng cục Lâm nghiệp đã thảo luận và có ý kiến.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành kèm theo quyết định này bản “quy trình tạm thời về khai thác tre, nứa” áp dụng cho tất cả các khu rừng tre, nứa được phép khai thác.

Điều 2. – Các ông Chánh văn phòng, Cục trưởng Cục khai thác vận chuyển phân phối lâm sản, Cục trưởng Cục bảo vệ lâm nghiệp, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng ty lâm nghiệp, Giám đốc công ty công nghiệp rừng, Giám đốc lâm trường trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP




Nguyễn Tạo

 

QUY TRÌNH TẠM THỜI

VỀ KHAI THÁC TRE, NỨA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 54-LN/QĐ ngày 20-1-1967 của Tổng cục Lâm nghiệp)

Điều 1. – Quy trình này đựơc ban hành để đưa dần công tác quản lý kỹ thuật khai thác tre, nứa và nền nếp, có tổ chức và kỷ luật, nhằm bảo vệ rừng, thực hiện tái sản xuất mở rộng tài nguyên rừng, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu, bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ công cụ thiết bị.

Quy trình này quy định cách làm, trình tự tiến hành, tiêu chuẩn kỹ thuật, chế độ trách nhiệm trong từng khâu của công tác khai thác trong các khu rừng được phép khai thác.

Điều 2. – Quy trình này áp dụng cho các loại rừng tre và rừng nứa kể cả rừng tự nhiên và rừng trồng. Đối với các rừng cây khác thuộc họ tre, nứa, mọc thành bụi như luồng, dùng… hoặc mọc lẻ từng cây như vàu, trúc, … thì các ông trưởng ty, giám đốc lâm trường có kế hoạch khai thác luồng, trúc… phải nghiên cứu vận dụng hợp lý quy trình này.

Điều 3. - Tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức khi được phép khai thác tre, nứa trong từng mở cho khai thác đều phải tuân theo quy trình này.

Chương 1

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 4. - Ở những khu rừng được phép khai thác, việc khai thác tre, nứa phải tùy theo điều kiện cụ thể của từng nơi mà tổ chức theo một trong hai hình thức sau đây:

1. Hình thức lâm trường, công trường: lâm trường, công trường thuộc ngành lâm nghiệp, công trường của các cơ quan, đơn vị bộ đội, hợp tác xã chuyên kinh doanh về rừng.

2. Hình thức xã viên hợp tác xã nông nghiệp khai thác tre, nứa: tổ chức thành các tổ phân tán chuyên nghiệp hay thời vụ.

Điều 5. – Căn cứ vào tổ thành của rừng và tán rừng, tạm thời phân chia rừng tre, nứa làm hai loại, rừng tre, nứa thuần loại và rừng tre, nứa có mọc xen cây thân gỗ hoặc các lâm sản khác (rừng tre, nứa pha gỗ).

Điều 6. - Đối với tất cả các loại rừng tre, nứa, khi tiến hành khai thác đều phải áp dụng phương thức khai thác chọn, trừ trường hợp đặc biệt được phép chặt trắng khi rừng tre, nứa bị khuy cần chặt gấp để tận dụng nguyên liệu, hoặc khi đã có quy hoạch và được phép sử dụng một diện tích đất rừng tre, nứa vào một mục đích khác.

Điều 7. - Chỉ được khai thác chọn từng cây trongb ụi, trừ trường hợp đặc biệt được phép chặt chọn cả từng bụi một, khi rừng tre, nứa có những bụi bị khuy, bị chết đứng.

Khi chặt chọn, được phép chặt hết cây quá già và cây già, chặt một phần cây vừa (nhiều nhất là một nửa số cây vừa), phải chừa lại toàn bộ cây non và phải bảo vệ măng. Cậy chặt phải phân bổ tương đối đều trên diện tích bụi. Những cây vừa chừa lại phải là những cây tốt để đảm bảo sinh măng, nuôi măng và cây non. Những cây dập gẫy, khô mục, sâu bệnh phải chặt hết.

Có thể cho phép chặt tỉa một số cây non để giải quyết một số nhu cầu đặc biệt như làm lạt phá, nhưng phải chú ý bảo vệ rừng.

Điều 8. - Đối với rừng tre, nứa pha gỗ không được diệt trừ gỗ, chỉ được chặt chọn một số cây gỗ già, sâu bệnh.

Đối với rừng tre, nứa khuy hàng loạt trênm diện tích lớn, nếu cây đang ra hoa hoặc hạt chưa chín thì khi chặt phải chừa lại 10% trữ lượng của rừng, những bụi chừa lại phải phân bố đều trên diện tích chặt, nếu hạt già và đã rụng thì chặt toàn bộ cây.

Đối với rừng tre, nứa khuy từng bụi thì chặt hết những bụi bị khuy.

Điều 9. - Tất cả các loại rừng tre, nứa khi tiến hành khai thác đều phải áp dụng luân kỳ khai thác cách năm, Chỉ những khu rừng nứa của các lâm trường, công trường quy hoạch để chuyên sản xuất nứa làm giấy mới được khai thác hàng năm.

Điều 10. - Sản lượng khai thác rừng tre, nứa phụ thuộc vào trữ lượng của rừng, phương thức và phương pháp khai thác, luân kỳ khai thác.

1. Khi khai thác nứa giấy theo luân kỳ hàng năm, thì sản lượng được phép lấy ra là từ 1/4 đến 1/3 trữ lượng của rừng.

2. Khi khai thác theo luân kỳ cách năm:

- Nếu là nhân kỳ 2 năm, thì sản lượng được phép lấy ra là từ 1/3 đến 1/2 trữ lượng của rừng nứa, và từ 1/5 đến 1/4 trữ lượng của rừng tre.

- Nếu là luân kỳ 3 năm, thì sản lượng được phép lấy ra là từ 1/2 đến 2/3 trữ lượng của rừng nứa và từ 1/4 đến 1/3 trữ lượng của rừng tre.

- Nếu là luân kỳ 4 năm (chỉ áp dụng đối với khai thác tre), thì sản lượng được phép lấy ra là từ 1/2 đến 2/3 trữ lượng của rừng tre.

Trường hợp rừng có nhiều cây quá già, cần khai thác vượt quá mức sản lượng quy định trên đây, thì phải được cơ quan lâm nghiệp cấp trên cho phép.

Điều 11. – Phân loại tre, nứa:

1. Theo tuổi thành thực tự nhiên, tạm thời chia tre, nứa thành các loại non, vừa, già.

- Tre từ 1 đến 2 năm là non, từ trên 2 năm đến 4 năm là vừa, trên 4 năm là già.

- Nứa từ đuôi én đến 1 năm là non, từ trên 1 năm đến 2 năm là vừa, từ trên 2 năm là già, trên 4 năm là quá già.

2. Theo cỡ đường kính, phân hạng ra:

- Tre hạng A, hạng B, hạng C.

- Nứa 5, nứa 7, nứa tép, nứa bổi, nứa ngộ (dại).

3. Theo loài cây, chia ra:

- Tre gai, tre gày, tre trinh…

- Nứa lá nhỏ, nứa lá to (nứa ngộ, dại).

Việc phân loại tre, nứa căn cứ vào quy cách, phẩm chất, kích thước cụ thể sẽ tiến hành theo các quy định hiện hành của Tổng cục Lâm nghiệp.

Chương 2

ĐIỀU KHOẢN ÁP DỤNG CHO CÁC LÂM TRƯỜNG CÔNG TRƯỜNG

Mục 1.

Quy hoạch khai thác.

Điều 12. – Các khu rừng giao cho lâm trường, công trường khai thác phải có quy hoạch chính thức và phải được khai thác theo đúng quy hoạch.

Nếu chưa có quy hoạch chính thức thì bộ phận điều tra quy hoạch phải lập một quy hoạch tạm thời trong đó ghi rõ:

1. Diện tích khu rừng được khai thác.

2. Địa giới khu rừng có đóng mốc rõ ràng.

3. Trữ lượng tre, nứa.

4. Phương thức và phương pháp khai thác, luân kỳ khai thác.

5. Phân khoảnh và trình tự khai thác các khoảnh.

6. Sản lượng khai thác hàng năm.

7. Những công tác vệ sinh rừng phải tiến hành trong khai thác.

Điều 13. – Quy hoạch tạm thời của các lâm trường trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp do Tổng cục Lâm nghiệp duyệt.

Quy hoạch tạm thời của các lâm trường, công trường thuộc phạm vi ty lâm nghiệp quản lý do Ủy ban hành chính tỉnh duyệt.

Điều 14. - Cấp có thẩm quyền duyệt quy hoạch tạm thời có thể cho phép tiến hành khai thác trong một thời gian không quá 3 tháng trước khi hoàn thành quy hoạch tạm thời.

Mục 2.

Giao nhận khoảnh khai thác.

Điều 15. - Trước ngày 31 tháng 5 mỗi năm, bộ phận khai thác trong các lâm trường, công trường phải làm xong kế hoạch khai thác tre, nứa của năm sau và đề nghị giao khoảnh khai thác. Bộ phận quản lý rừng phải chuẩn bị rừng từ trước để giao các khoảnh khai thác của năm sau cho bộ phận khai thác, chậm nhất là ngày 30 tháng 6 năm trước.

Điều 16. – Theo đúng quy hoạch và kế hoạch khai thác, bộ phận quản lý rừng của các ty, các lâm trường theo chỉ thị của trưởng ty, giám đốc lâm trường đứng ra giao các khoảnh khai thác tre, nứa hàng năm cho bộ phận khai thác.

Nơi chưa có quy hoạch, các ty, các lâm trường sẽ chỉ định khu vực khai thác tạm thời.

Điều 17. – Khi cắt khoảnh khai thác để giao, bộ phận quản lý rừng phải thực hiện các việc sau đây:

1. Chuẩn bị các khoảnh để giao kịp thời hạn đã định, mở đường ranh giới phân khoảnh, chôn cọc mốc có ghi rõ số hiệu khoảnh, diện tích, năm giao nhận…

2. Tính toán trữ lượng của từng lô trong đó phải phân ra được tre hoặc nứa non, vừa, già, quá già, tỷ lệ măng mọc hàng năm (chia ra khỏe, yếu).

Quy định sản lượng được khai thác của từng lô, phân chia ra theo cỡ đường kính, loại cây.

Quy định phương thức và phương pháp khai thác, luân kỳ khai thác.

Quy định các loại cây được chặt, loại cây phải chừa lại.

Điều 18. – Khi giao khoảnh khai thác, đại diện bộ phận quản lý rừng và đại diện bộ phận khai thác phải đến tại rừng để xác nhận:

1. Đường phân giới khoảnh, lô có đóng mốc bảng rõ ràng.

2. Diện tích khoảnh, lô, trữ, sản lượng tre, nứa.

3. Phương thức và phương pháp khai thác, loại cây được khai thác, những công việc vệ sinh rừng phải làm trong khai thác.

Hai bên phải lập biên bản giao nhận có kèm theo sơ đồ khoảnh.

Sau khi đã giao nhận không ai được tự ý sửa đổi lại khoảnh nếu không được sự đồng ý của cấp xét duyệt.

Nếu trong khi giao nhận có những điểm không thống nhất, mỗi bên ghi ý kiến của mình vào biên bản gửi về trưởng ty lâm nghiệp, giám đốc lâm trường để giải quyết hoặc cho tiến hành điều tra để xác minh lại, hoặc cho ý kiến kết luận.

Trường hợp đã điều tra xác minh lại mà hai bên vẫn có những ý kiến khác nhau, trưởng ty, giám đốc lâm trường phải báo cáo, đề nghị cách giải quyết lên Tổng cục Lâm nghiệp.

Điều 19. – Khi giao khoảnh khai thác, cán bộ quản lý rừng giao giấy phép khai thác và chuyển hồ sơ có liên quan đến khoảnh khai thác cho bộ phận khai thác.Bắt đầu từ khi nhận khoảnh, bộ phận khai thác có thể tiến hành các công tác chuẩn bị quy định dưới đây.

Mục 3.

Chuẩn bị khai thác.

Điều 20. – Khi đã tiếp nhận khoảnh khai thác, phải tiến hành các công tác chuẩn bị sau đây trước khi bắt đầu chặt tre, nứa:

1. Định trình tự chặt hạ, vận xuất từng giải hay lô. Diện tích một dải hay lô là 5 – 10 ha.

2. Làm các đường vận xuất chủ yếu.

3. Làm bãi, bến.

4. Làm các lán trại, chuồng trâu tạm thời.

5. Quy định biện pháp kỹ thuật về chặt hạ, vận xuất.

Điều 21. - Việc chuẩn bị khai thác là trách nhiệm của:

1. Bộ phận khai thác trong các lâm trường trực thuộc Tổng cục, dưới sự hướng dẫn của giám đốc kỹ thuật.

2. Cán bộ phụ trách lâm trường, công trường thuộc phạm vi ty lâm nghiệp quản lý, dưới sự hướng dẫn của ty.

Mục 4.

Tiến hành khai thác.

Điều 22. - Kỳ hạn khai thác là một năm kể từ ngày 1 tháng giêng đến ngày 31 tháng 12 của năm được khai thác.

Trong mùa măng chính của tre, nứa, các lâm trường, công trường phải đình chỉ khai thác trong vòng một tháng vào thời kỳ măng dễ bị đổ gây nhất. Tùy theo từng địa phương, các ty, lâm trường báo cáo Tổng cục tháng cụ thể phải đình sản xuất trong năm của đơn vị mình.

Khi tiến hành khai thác:

1. Không được chặt ra ngoài khoảnh đã giao nhận. Phải bố trí chặt gọn từng lô, chặt đúng thành phần và số lượng các loại cây được phép chặt. Những cây gẫy ngọn, sâu bệnh, cây khô còn dùng được cũng phải chặt mang ra.

2. Phải hết sức bảo vệ cây non và măng, tránh làm dập gãy măng, không được chặt cây non.

Điều 23. – Tre, nứa khai thác trong khoảnh phải vận xuất hết và ra khỏi rừng và tập trung tại các bãi, bến trong thời gian không quá 10 ngày sau khi chặt.

Mục 5.

Vệ sinh rừng tre, nứa trong khai thác.

Điều 24. – Khai thác đến đâu phải vệ sinh rừng đến đấy.

Bộ phận khai thác có trách nhiệm thực hiện công tác vệ sinh rừng trong khai thác dưới sự hướng dẫn của bộ phận quản lý rừng.

Công việc vệ sinh rừng trong khai thác gồm luỗng rừng trước khi khai thác, thu dọn ngọn và nhánh sau khi khai thác.

Điều 25. - Luỗng rừng trước khai thác chỉ áp dụng cho những rừng tre, nứa pha gỗ có nhiều dây leo, cây bụi xâm lấn. Trước khi khai thác ít nhất là một tháng phải phát dây leo và cây bụi mọc chung quanh bụi tre, nứa, cắt thành từng đoạn từ 1 đến 2 mét, rải đều thành dải hay đống nhỏ trên mặt đất ở những chỗ trống giữa các bụi và cách xa bụi ít nhất là 1 mét. Những cây bụi mọc xa bụi tre, nứa không ảnh hưởng đến việc sinh măng và an toàn lao động khi chặt cây thì không phải phát.

Luỗng rừng trước khai thác chỉ cần làm một lần vào kỳ khai thác đầu tiên, những lần khai thác của các luân kỳ sau không phải luỗng rừng.

Điều 26. – Sau khi khai thác phải:

1. Thu dọn các nhánh, đoạn ngọn và gốc không dùng được, cắt thành từng đoạn ngắn từ 1 đến 2 mét, xếp thành từng đống nhỏ hay từng dài trên các quãng đất trống giữa các bụi và cách xa bụi ít nhất là 1 mét.

2. Chặt cây khô mục, cắt thành từng đoạn ngắn rải trên mặt đất như đối với nhánh ngọn.

Điều 27. - Đối với rừng tre, nứa khuy, sau khi khai thác xong nếu hạt chưa mọc thì phải tiến hành phát quang đủ mức đảm bảo cho cây con mọc.

Điều 28. – Trong khai thác, phải hết sức phòng và chống cháy rừng, nhất là khai thác và dọn rừng vào mùa khô hanh.

Điều 29. – Sau khi đã vệ sinh rừng, phải đóng cửa rừng cho đến luân kỳ sau mới được khai thác lại. Trong thời gian đóng cửa rừng, cấm không ai được vào chặt phá, chăn trâu bò, lấy măng…

Mục 6.

Kiểm tra và thu hồi khoảnh khai thác.

Điều 30 - Bộ phận quản lý rừng có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra công việc bảo vệ rừng, khai thác, vệ sinh rừng của bộ phận khai thác trong quá trình khai thác.

Nếu thấy bộ phận khai thác có những việc làm vi phạm quy trình, bộ phận quản lý rừng cần nhận xét kịp thời, yêu cầu bộ phận khai thác sửa chữa. Nếu đã được báo rồi mà bộ phận quản lý rừng sẽ báo cáo lên cấp trên và đề nghị cách xử lý thích đáng.

Điều 31. – Trong vòng một tháng sau khi chặt hạ, vận xuất xong trên một khoảnh, bộ phận khai thác phải tiến hành kiểm tra lại toàn bộ diện tích và bổ khuyết những thiếu sót nếu có, sau đó báo cho bộ phận quản lý rừng biết và hai bên cùng nhau định ngày kiểm tra.

Sau khi kiểm tra, hai bên phải lập biên bản ghi rõ kết quả kiểm tra gồm các điểm sau đây:

1. Tình hình chặt hạ, vận xuất, vệ sinh rừng, cụ thể như các loại và số lượng tre, nứa đã khai thác, vận chuyển đi, diện tích rừng đã làm vệ sinh trong khai thác, số cây số (km) đường vận xuất, diện tích bãi, bến đã mở…

2. Tình hình vi phạm quy trình (nếu có), các việc đã sửa chữa.

3. Ý kiến và lý do của đại diện bộ phận khai thác.

Cán bộ phụ trách mỗi bên phải ký vào biên bản kiểm tra kèm theo giấy phép khai thác rừng.

Sau đó bộ phận quản lý rừng thu hồi khoảnh khai thác.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN ÁP DỤNG CHO CÁC TỔ KHAI THÁC PHÂN TÁN CỦA CÁC HỢP TÁC XÃ

Mục 1.

Quy hoạch sơ bộ và giao khoảnh khai thác.

Điều 32. – Các khu rừng giao cho các tổ khai thác phân tán của các hợp tác xã phải có quy hoạch sơ bộ và phân thành khoảng rõ ràng.

Trường hợp không có điều kiện quy hoạch sơ bộ thì dựa vào đặc điểm thiên nhiên của địa hình (đường, dông khe suối, đường cái) mà phân cho mỗi tổ một khu vực nhất định. Cần chọn thế nào để tre, nứa khai thác trong một khu vực có thể đem ra tập trung tại một số bãi, bến nhất định, không lẫn với tre, nứa khai thác ở khu vực bên cạnh.

Điều 33. – Khi đã có quy hoạch, bộ phận quản lý rừng tiến hành giao các khoảnh khai thác cho các tổ khai thác theo như thủ tục đối với lâm trường, công trường. Nếu chưa có quy hoạch, bộ phận quản lý rừng giao cho mỗi tổ một khu vực khai thác và cấp giấy phép khai thác trong đó có ghi rõ ranh giới khu vực và địa điểm đã chỉ định làm bãi, bến.

Mục 2.

Tiến hành khai thác.

Điều 34. – Các tổ khai thác phải triệt để tuân theo những điều đã quy định về phương thức và phương pháp khai thác, loại cây được chặt, loại cây phải chừa lại, tỷ lệ số cây chặt trên mỗi bụi tre, nứa, sản lượng được phép lấy ra trên một hécta và trên toàn diện tích khu rừng giao cho tổ.

Trong khi khai thác phải kết hợp chặt cả cây cụt ngọn, cây sâu bệnh mang ra và bảo vệ cây non, măng.

Bộ phận quản lý rừng phải thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc khai thác của các tổ.

Điều 35. – Không được khai thác ra ngoài phạm vi đã được phép. Tre, nứa khai thác của từng tổ phải được mang ra tập trung ở những bãi, bến đã quy định, không được để tại rừng quá 10 ngày sau khi chặt.

Mục 3.

Vệ sinh rừng trong khai thác.

Điều 36. - Chỉ tiến hành vệ sinh rừng trong khai thác đối với những khu vực của các tổ khai thác phân tán có đủ hai điều kiện sau đây:

1. Những rừng tre, nứa thuần loại hoặc pha gỗ tập trung, có trữ lượng cao, trữ lượng trên 1.500 cây một hécta đối với rừng tre và trên 8.000 cây một hécta đối với rừng nứa.

2. Có cán bộ của bộ phận quản lý rừng hướng dẫn, kiểm tra và nghiệm thu hết quả sau khi đã hoàn thành vệ sinh rừng.

Khi làm vệ sinh rừng phải theo đúng các quy định ở hai điều 25, 26 trên đây.

Điều 37. - Đối với những rừng tre, nứa trữ lượng nghèo, phân tán, thì chủ yếu là hướng dẫn, kiểm tra các tổ khai thác làm theo đúng những điều đã quy định về phương thức và phương pháp khai thác, loại cây được chặt, tỷ lệ số cây chặt trên mỗi bụi, kỹ thuật hặt hạ, cắt đoạn và xếp dọn các nhánh ngọn thành từng đống gọn gàng sau khi chặt.

 

Chương IV:

ĐIỀU KHOẢN ÁP DỤNG CHUNG CHO CẢ HAI HÌNH THỨC KHAI THÁC

Điều 38. – Ngoài những điều khoản áp dụng riêng cho từng hình thức, cả hai hình thức khai thác đều phải theo đúng những quy định chung dưới đây về chặt hạ, cắt đoạn, vận xuất, vận chuyển và bảo quản tre, nứa.

Mục 1.

Chặt hạ, cắt đoạn.

Điều 39. – Trong một bụi tre, nứa, các cây già và non mọc xen kẽ nhau, khi chặt phải chú ý lựa chọn chặt các cây già và vừa, chừa lại cây non. Đối với những bụi tre, nứa lớn, cây mọc dầy, những cây quá già và già thường ở giữa bụi, khi khai thác chỉ được chặt bụi cây theo kiểu hình móng ngựa.

Điều 40. - Để đảm bảo an toàn lao động và tiết kiệm nguyên liệu, gốc cây tre, nứa phải chặt thấp. Gốc chặt cao nhất ở phía ngoài bụi là 20 centimét, ở giữa bụi là 40 centimét. Phải chặt sát ngay phía trên mắt cây và chặt thật gọn tránh làm nứt vỡ gốc cây.

Điều 41. - Phải triệt để tận dụng nguyên liệu trong việc cắt đoạn tre, nứa.

1. Không được cắt đoạn tre, nứa theo lối chặt đoạn ngọn, đoạn gốc vứt lại rừng, chỉ lấy đoạn giữa thân cây.

2. Khi cắt đoạn tre, nứa phải tính toán, nếu cây dài có thể cắt thành hai, ba đoạn thì phải cắt lấy hai, ba đoạn, nếu cây ngắn cắt thành hai đoạn lỡ làng thì cắt một đoạn theo đúng kích thước quy định, còn một đoạn ngắn và bé hơn cũng phải mang ra.

3. Những cây dập, gãy còn dùng được cũng phải chặt và cắt đoạn mang ra làm tre, nứa bó, nứa giấy.

Điều 42. - Để đảm bảo an toàn lao động, cấm không được chặt và cắt đoạn tre, nứa theo kiểu vạt ống dầu (chặt đứt cây bằng một nhát dao).

Khi chặt cắt đoạn phải hết sức bảo vệ măng và cây non.

Cán bộ kỹ thuật của các lâm trường, công trường, hạt lâm nghiệp phải thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra công việc chặt hạ, cắt đoạn tre, nứa của công nhân quốc doanh cũng như các tổ khai thác phân tán của các hợp tác xã.

Mục 2.

Vận xuất.

Điều 43. – Tre, nứa chặt hạ xong phải lao kéo ra nơi tập trung ngay để đảm bảo xanh tươi.

Riêng đối với nứa giấy thì chặt xong có thể để tại bụi 2 – 3 ngày cho khô bớt nước rồi mới cắt đoạn và vận xuất.

Điều 44. - Phải hết sức lợi dụng, cải tạo khe ngòi để vận xuất tre, nứa. Những khe ngòi lớn là đường vận xuất chính của nhiều khu thì phải đầu tư phá đá, đắp phai đập, thường xuyên sửa sang để vận xuất được quanh năm.

Những nơi không có khe ngòi thì phải mở đường dùng các loại xe cải tiến để vận xuất. Các đường vận xuất chính dùng chung cho nhiều khu khai thác phải thường xuyên tu sửa.

Hết sức tránh tình trạng vác, kéo lết tre, nứa quá xa, chỉ được kéo lết không quá cự ly 2 cây số ở những nơi dốc, đường lầy không dùng xe cải tiến được.

Những nơi có độ dốc cao, tre, nứa tập trung, phải làm các máng lao, dây cáp để vận xuất.

Cán bộ kỹ thuật khai thác của các lâm trường, công trường, hạt lâm nghiệp có trách nhiệm nghiên cứu, hướng dẫn việc cải tiến công cụ vận xuất, mở đường, cải tạo khe ngòi trong các khu khai thác của đơn vị mình.

Mục 3.

Vận chuyển.

Điều 45. - Phải đặt kế hoạch vận chuyển tre, nứa cho khớp với kế hoạch khai thác vận xuất để vận xuất ra đến đâu có thể vận chuyển ngay đến đấy. Trước khi khai thác phải chuẩn bị mọi phương tiện và lực lượng để tranh thủ thời gian, vận chuyển nhanh, bảo đảm phẩm chất tre, nứa không bị giảm, không được để tre, nứa tập trung ở các bãi, bến quá 2 tháng.

Trong vận chuyển phải bảo quản tre, nứa, tránh làm dập gãy, rơi mất ở dọc đường.

Điều 46. - Phải tìm mọi biện pháp để vận chuyển bằng đường thủy vì cước phí rẻ và tre, nứa giữ được xanh tươi lâu, giá trị sử dụng cao. Chỉ những trường hợp sau đây mới được vận chuyển bộ.

1. Không có điều kiện vận chuyển thủy.

2. Sông ngòi bị cạn nên khả năng vận chuyển thủy không đảm bảo kế hoạch.

3. Trường hợp đột xuất hoặc phục vụ kế hoạch đặc biệt mà vận chuyển thủy không đảm bảo thời gian.

Điều 47. - Chỉ vận chuyển tre, nứa bằng ô tô hoặc phương tiện cơ giới trong những trường hợp sau đây:

1. Cự ly vận chuyển ngắn (không quá 30 cây số). Nếu có nhiều bãi, bến trên cùng một tuyến đường thì lấy cự ly bình quân của các bãi, bến.

2. Trường hợp đột xuất cần thỏa mãn một yêu cầu cấp bách, tuy chưa đạt tiêu chuẩn trên, nhưng được Tổng cục Lâm nghiệp cho phép.

Ở những nơi có điều kiện, phải sử dụng các loại xe cải tiến để vận chuyển tre, nứa thay thế phương tiện cơ giới, nhất là trên những cự ly vận chuyển ngắn.

Mục 4.

Bãi bến, bảo quản.

Điều 48. – Tre, nứa đã khai thác phải:

1. Tập trung ở những bãi, bến nhất định.

2. Xếp có thứ tự thành từng đống theo hàng lối để dễ kiểm điểm, thuận tiện cho việc xuất, nhập, bốc lên, dỡ xuống xe ô tô, đưa xuống nước, đóng cốn bè mảng. Các đống tre, nứa phải xếp theo đầu đuôi nhất định, giữa các lớp của mỗi đống phải có đà nhỏ kê cách.

3. Để trên các đà bằng gỗ có đường kính ít nhất là 20 cm. Đà để kê phải quét thuốc bảo quản hai lần.

4. Phân loại tre, nứa thành từng loại, hạng nhất định, tối thiểu cũng phải phân và xếp riêng ra:

- Tre: tre gày, tre gai, tre trinh, tre hạng A, B, C…

- Nứa: nứa 5, nứa 7, nứa tép, nứa bổi, nứa ngộ, nứa hàng, nứa giấy…

5. Bãi, bến phải có lối cho xe ô tô vào, ra, lối di chuyển xuống nước đóng cuốn thuận lợi. Phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ để bốc dỡ, đóng cốn tre, nứa như đòn xeo, hoành nín, lạt buộc, dây song…

Điều 49. – Tre nứa mang ra bãi, bến phải ghi rõ số lượng, loại hạng, phẩm chất. Thủ kho hoặc người phụ trách bãi, bến phải có sổ xuất nhập và ghi chép cho cập nhật.

Điều 50. – Các bãi bến phải có kế hoạch và chuẩn bị đầy đủ phương tiện để bảo quản tre, nứa chống bão, lũ.

1. Trong mùa lũ phải để tre, nứa ở trên bãi cao hơn mức nước cao nhất từ trước tới nay, vận chuyển được đến đâu mới cho dần xuống nước đến đấy.

2. Phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện giữ bè, xuôi bè như đây cáp, dây song, lạt, hoành, nín…

3. Trong mùa bão lũ phải có người thường trực canh gác, phải tổ chức lựcl ượng xung kích, lực lượng dự bị phòng, chống bão, lũ.

 

Chương V

:GIÁO DỤC VÀ THƯỞNG PHẠT

Điều 51. – Quy trình này cần được phổ biến sâu rộng tới toàn thể cán bộ, công nhân lâm nghiệp, các tổ khai thác phân tán của các hợp tác xã và nhân dân ở những nơi có rừng tre, nứa.

Các trường hợp đại học, trung cấp, sơ cấp lâm nghiệp, các lớp huấn luyện ngắn ngày cho cán bộ, công nhân khai thác phải đưa bàn tay trình này vào chương trình giảng dạy và huấn luyện.

Điều 52. - Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức khai thác tre, nứa, các cán bộ phụ trách khai thác, các cán bộ phụ trách quản lý bảo vệ rừng có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc chấp hành quy trình này và phải chịu trách nhiệm về những vụ vci phạm quy trình ở trong đơn vị mình.

Điều 53. – Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có thành tích trong việc thi hành quy trình này sẽ được khen thưởng thích đáng.

Người nào vi phạm quy trình này sẽ bị xử lý theo luật lệ hiện hành.

 

 

TỔNG CỤC TRƯỞNG
Tổng Cục Lâm Nghiệp




Nguyễn Tạo

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 54-LN/QĐ ngày 20/01/1967 về việc ban hành quy trình tạm thời về khai thác tre, nứa do Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


7.524

DMCA.com Protection Status
IP: 3.14.145.167
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!