13/03/2020 07:40

Tuyển tập bản án có văn bản công chứng bị Tòa tuyên vô hiệu

Tuyển tập bản án có văn bản công chứng bị Tòa tuyên vô hiệu

Trên thực tế có nhiều văn bản đã công chứng vẫn bị toà án tuyên vô hiệu vì nhiều lý do khác nhau. Sau đây là tổng hợp một số bản án có văn bản công chứng bị Tòa án tuyên vô hiệu, mọi người cùng tham khảo:

1. Văn bản công chứng vô hiệu khi nào?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Công chứng 2014 thì: “Văn bản công chứng là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định của Luật công chứng.”

Các trường hợp văn bản công chứng bị tuyên vô hiệu

 Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:

- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

- Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Theo đó, một văn bản công chứng bị tuyên vô hiệu khi không đáp ứng được điều kiện nêu trên.

2. Một số bản án có văn bản công chứng bị Tòa tuyên vô hiệu

Bản án 37/2019/DS-PT ngày 02/10/2019 về tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.

+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

+ Trích dẫn nội dung: “nguyên đơn đã làm giả Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô để ký kết hợp đồng nên cấp sơ thẩm tuyên bố hợp đồng này vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật và bị lừa dối là có căn cứ, đúng pháp luật”.

Bản án 06/2019/DS-PT ngày 30/01/2019 về tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình.

+ Kết quả giải quyết: Sửa một phần bản án Dân sự sơ thẩm.

+ Trích dẫn nội dung: “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 2011 giữa ông Hoàng H với anh Nguyễn V Q là không đúng, vi phạm pháp luật vì hợp đồng giả tạo do ông Hưng và anh Quả là những người không ký vào HĐCNQSDĐ/2011”.

Bản án 183/2017/DS-PT ngày 01/12/2017 về tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long.

+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

+ Trích dẫn nội dung: “xác định bà X đã 91 tuổi, tại thời điểm năm 2011 bà  X  bị lãng tai, mắt đã mờ, tay run không thể ký tên. Do cụ X không đọc được nhưng khi công chứng viên chứng nhận bản di chúc nói trên không yêu cầu người làm chứng chứng kiến là không tuân thủ đúng theo quy định”.

Bản án 209/2017/DS-PT ngày 30/08/2017 về yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại tại Thành phố Hồ Chí Minh.

+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

+ Trích dẫn nội dung: “Văn phòng công chứng T tiến hành các thủ tục công chứng đối với hợp đồng tặng cho tài sản nêu trên đã có một phần sơ xuất trong khâu kiểm tra nên để xảy ra việc bà Th cho người khác thay bà T ký và lăn tay vào văn bản công chứng”.

Bản án 124/2017/DS-PT ngày 26/09/2019 về yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

+ Trích dẫn nội dung: “bà P là người yêu cầu công chứng thời điểm đó đã 90 tuổi, mắt kém, tai điếc, lại không biết chữ nhưng Công chứng viên không xác minh làm rõ về năng lực hành vi dân sự của bà p, người làm chứng cũng không phải do bà P mời và không ghi âm, quay hình hoặc có người trong hàng thừa kế chứng kiến nên văn bản được công chứng không bảo đảm sự khách quan”.

Bản án 10/2018/DS-ST ngày 11/09/2018 về yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

+ Cấp xét xử: Sơ thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

+ Trích dẫn nội dung: “văn bản công chứng đã vi phạm về địa điểm công chứng, người ký, điềm chỉ trong văn bản công chứng không phải là chủ thể quyền sử dụng đất, các giấy tờ chứng minh chủ thể ký hợp đồng đều là giả.”.

Bản án 90/2018/DS-ST ngày 19/10/2018 về tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

+ Cấp xét xử: Sơ thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

+ Trích dẫn nội dung: “Việc ông H, bà Đ khi ra công chứng thỏa thuận tài sản của ông bà trong đó có phần đất đã cho xây nhà ở ổn định nhưng khi ra Công chứng thì chưa mô tả cụ thể cho Công chứng viên biết là vi phạm tại khoản 5, Điều 40 của Luật công chứng 2014

Bản án 87/2019/DS-PT ngày 28/03/2019 về tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Long An

+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

+ Trích dẫn nội dung: “hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 18/11/2016 giữa ông T và bà Đ với bà T có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật nên vô hiệu theo quy định tại Điều 123 của Bộ luật Dân sự năm 2015

Bản án 33/2019/DS-ST ngày 11/07/2019 về tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

+ Cấp xét xử: Sơ thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

+ Trích dẫn nội dung: “Tại văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế số 178/2015, quyển số 01/2015TP/CC-SCC/TK ngày 03/9/2015 và Văn bản điều chỉnh ngày 18/5/2016 của Phòng Công chứng A, tỉnh Đồng Nai thể hiện không có sự tham gia của ông Lai Kim Th1 là bỏ sót người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Th3- bà T1, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của ông Th1”.

Bản án về yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu số 209/2017/DS-PT

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại tại Thành phố Hồ Chí Minh

+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

+ Trích dẫn nội dung:"Xét quá trình Văn phòng công chứng T tiến hành các thủ tục công chứng đối với hợp đồng tặng cho tài sản nêu trên đã có một phần sơ xuất trong khâu kiểm tra nên để xảy ra việc bà Th cho người khác thay bà T ký và lăn tay vào văn bản công chứng. Bản án sơ thẩm nhận định lỗi dẫn đến việc văn bản công chứng vô hiệu do bà Th và Văn phòng Công chứng T là có căn cứ."

Bản án 22/2021/DS-PT ngày 04/03/2021 về yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử:Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa

+ Kết quả giải quyết:Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn.

+ Trích dẫn nội dung:"Thời điểm bà Nguyễn Thị X và ông Nguyễn Khắc M lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho vợ chồng bà Nguyễn Thị B và ông Hoàng Văn H1 thì bà X không biết chữ nên không viết được, không đọc được. Do vậy khi công chứng bắt buộc phải có người làm chứng. Tuy nhiên, hợp đồng công chứng do Văn phòng công chứng N lập lại không có người làm chứng, chỉ có bà X điểm chỉ là vi phạm khoản 1, Điều 9 Luật công chứng 2006"

Bản án 11/2021/DS-PT ngày 25/03/2021 về yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử:Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế

+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

+ Trích dẫn nội dung:" Theo quy định tại khoản 1 Điều 91 Luật nhà ở 2005 quy định về điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch là phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại thời điểm chứng thực Hợp đồng tặng cho nhà ở nói trên, nhà ở chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở nên việc tặng cho nhà ở là vi phạm điều cấm của pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm xác định trình tự, thủ tục công chứng, chứng thực các hợp đồng nói trên không đúng quy định của pháp luật. Hợp đồng tặng cho nhà ở vi phạm điều cấm của pháp luật.

Nguyễn Sáng
16013

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn