07/06/2024 10:49

Nguyên quán và quê quán là gì? Cách ghi quê quán trong giấy khai sinh năm 2024

Nguyên quán và quê quán là gì? Cách ghi quê quán trong giấy khai sinh năm 2024

Nguyên quán và quê quán là 2 cụm thường bị nhầm lẫn là giống nhau, vậy làm cách nào để phân biệt chúng?

Chào bạn, Ban biên tập xin trả lời như sau:

1. Thế nào là nguyên quán, quê quán?

Nguyên quán là gì?

Nguyên quán là thuật ngữ được xác định dựa vào nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại.

Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông bà ngoại thì mới ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ.

Nguyên quán dùng để xác định nguồn gốc của một người, dựa vào những căn cứ nhất định, như: nơi sinh sống của ông, bà nội sinh (nếu khai sinh theo họ cha) hoặc ông, bà ngoại sinh (nếu khai sinh theo họ mẹ).

Quê quán là gì?

Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

Theo đó, quê quán và nguyên quán đều được hiểu là quê của công dân. Tuy nhiên, hai từ ngữ này không hoàn toàn được hiểu giống nhau. Hiểu một cách đơn giản, nguyên quán được xác định theo nơi sinh của ông bà nội hoặc ông bà ngoại, còn quê quán thì được xác định theo nơi sinh của cha, mẹ.

2. Cách ghi nguyên quán, quê quán trong giấy khai sinh

Cách ghi nguyên quán được hướng dẫn theo quy định trước đây tại điểm e khoản 2 Điều 7 Thông tư 36/2014/TT-BCA (đã hết hiệu lực) như sau:

Điều 7. Thông tin chung trong biểu mẫu

2. Cách ghi thông tin về cá nhân

e) Mục “Nguyên quán”: Ghi nguyên quán theo giấy khai sinh. Trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại. Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông bà ngoại thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ. Phải ghi cụ thể địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Trường hợp địa danh hành chính đã có thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính hiện tại;

Đồng thời, cách ghi quê quán được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:

Điều 6. Giá trị pháp lý của Giấy khai sinh

1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.

2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.

Hiện nay, do không còn cấp mới sổ hộ khẩu giấy nên theo Thông tư 55/2021/TT-BCA thì cụm từ nguyên quán không còn được sử dụng trong các giấy tờ hộ tịch. Vì thế, nguyên quán cũng không còn được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành. Do vậy, dựa trên tinh thần của Thông tư 36/2014/TT-BCA và Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì nguyên quán và quê quán được ghi theo giấy khai sinh của cá nhân như sau:

- Đối với nguyên quán: Trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại. Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông bà ngoại thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ.

- Đối với quê quán: Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về quê quán phải phù hợp với Giấy khai sinh (giấy tờ hộ tịch gốc) của người đó.

Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.

Theo khoản 1 Điều 6, Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, việc cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.

Như vậy, Ban biên tập đã phân biệt điểm khác nhau giữa nguyên quán và quê quán. Bên cạnh đó, nguyên quán và quê quán là 2 thông tin quan trọng cần phải điền trong giấy khai sinh. Trong trường hợp thông tin về quê quán trên giấy khai sinh (giấy tờ hộ tịch gốc) được xác định là có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch thì mới được cải chính, sửa đổi giấy khai sinh.

Trân trọng!

Lê Nguyễn Anh Vy
11886

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]