21/09/2021 07:44

Mô hình “Xét xử trực tuyến thay xét xử tập trung”

Mô hình “Xét xử trực tuyến thay xét xử tập trung”

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Toà án bắt đầu từng bước thực hiện mô hình “Toà án điện tử” theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, với hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và trang thiết bị hiện có tại mỗi đơn vị Tòa án, tác giả đề xuất mô hình “ xét xử trực tuyến thay xét xử tập trung”.

Đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu, số lượng người mắc, tử vong tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, góp phần tích cực vào việc phòng, chống dịch bệnh; đồng thời duy trì các hoạt động bình thường của Tòa án các cấp. Nhằm tránh tập trung đông người, hạn chế lây lan dịch bệnh trong phòng xét xử, hệ thống Tòa án đã phải hạn chế/tạm dừng mở phiên tòa – phiên họp, tiếp công dân và một số hoạt động khác… Đây là việc làm cấp bách và cần thiết được toàn thể công chứng, người lao động nghiêm túc thực hiện trong giai đoạn dịch bùng phát như hiện nay. Tuy nhiên về lâu dài khi chưa có biện pháp ngăn chặn dịch bệnh một cách triệt để, mà việc tạm dừng xét xử, hạn chế một số hoạt động tố tụng, kéo dài thời gian giải quyết các loại án trong thời gian sắp tới sẽ dễ gây bức xúc trong dư luận, mất lòng tin của quần chúng nhân dân đối với hệ thống pháp luật và ảnh hưởng đến tình hình kinh tế – xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Toà án bắt đầu từng bước thực hiện mô hình “Toà án điện tử” theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và trang thiết bị hiện có tại mỗi đơn vị Tòa án, tôi xin đề xuất mô hình “phòng xét xử trực tuyến thay xét xử tập trung”.

1.Thực trạng tổ chức phiên tòa hiện nay

1.1.Phòng xét xử trực tuyến

Phòng xét xử trực tuyến (điện tử) là phòng xử án có hình thức bố trí theo quy định của luật tố tụng và được trang bị thêm thiết bị ghi âm, ghi hình, màn hình ti vi, máy tính, mạng internet, mạng truyền hình trực tuyến và các trang thiết bị khác phục vụ cho hoạt động phiên tòa, phiên họp.

Các chủ thể là thành phần của một phiên tòa sẽ tham gia vào phiên xét xử giống như một hội nghị video trực tuyến. Người tiến hành xét xử ngồi ở phòng xét xử tại trụ sở tòa án (điểm cầu trung tâm) và người tham gia tố tụng ngồi ở phòng xét xử tại trụ sở tòa án ở địa phương (điểm cầu địa phương) thông qua các thiết bị điện tử được thiết lập, liên kết nhau bằng internet và hoạt động bằng một chương trình phần mềm ứng dụng mà không cần các chủ thể phải có mặt tập trung tại một phòng xử như thông thường, mà vẫn nhìn thấy mặt, nói chuyện trực tiếp với nhau vào cùng một thời điểm. Hơn nữa, nếu được sự cho phép của điểm cầu trung tâm (HĐXX ), đông đảo người dân quan tâm đến vụ án có thể theo dõi quá trình xét xử vụ án mà không bị giới hạn số lượng người xem bởi không gian của phòng xử án thông thường.

1.2. Thực trạng xét xử hiện nay

Kết quả thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án đã có những bước phát triển mới, trong đó việc thực hiện Thông tư 02/2017/TT-TANDTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân tối cao về “quy chế tổ chức phiên tòa” đạt được những thành tựu to lớn, thể hiện rõ sự tôn nghiêm của Tòa án; Phiên tòa được tổ chức công khai (trừ trường hợp cần giữ bí mật, bảo vệ người dưới 18 tuổi) thực hiện rõ nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm cho việc xét xử được tiến hành bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật; góp phần tuyên truyền, giáo dục công dân chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của đời sống xã hội, nâng cao ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần giảm thiểu các vụ án oan sai…

Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực đã đạt được vẫn còn nhiều hạn chế bất cập như:

-Khi mở một phiên tòa nhất là các phiên tòa phúc thẩm, người tham gia tố tụng phải di chuyển một quãng đường xa để đến trụ sở xét xử phúc thẩm, đối với những địa phương rộng lớn phương tiện giao thông chưa thuận tiện và chưa quen đường đi dẫn đến trễ giờ xét xử. Đối với các phiên tòa có nhiều người tham gia tố tụng một số địa phương bị hạn chế về cơ sở vật chất không thể tổ chức trong phòng xử án mà phải tổ chức ngoài trời, một số vụ án được xét xử công khai lại hạn chế người tham dự phiên tòa do không gian phòng xử án chật hẹp…

-Đó là đối với những tòa án xét xử phúc thẩm trong một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, còn đối với các TANDCC đơn cử là nhiệm vụ chính trị thường xuyên và liên tục của TANDCC tại Tp Hồ Chí Minh thì việc xét xử lưu động những vụ án ở địa phương nằm cách xa trụ sợ hơn 200km là rất nhiều (12 tỉnh), buộc người tiến hành tố tụng phải dành ra 02 ngày đi về (có thể là ngày nghỉ cuối tuần hoặc là ngày làm việc) chỉ để di chuyển đến địa phương, chuẩn bị cho hôm sau mở phiên tòa. Theo kế hoạch (lịch xét xử) thì trung bình mỗi ngày đoàn gồm các thành viên Thẩm phán, Thư ký xử trên 03 vụ án/tỉnh, khi xử xong phải di chuyển qua các tỉnh thành lân cận để chuẩn bị xét xử tiếp, thường một chuyến đi kéo dài trung bình một tuần. Việc di chuyển xa, lạ chỗ ăn ngủ nên không đảm bảo sức khỏe cho người tiến hành tố tụng, và tốn kém rất nhiều chi phí của đơn vị. Có trường hợp vì một thành viên của Hội đồng xét xử bệnh không thể tiếp tục nhiệm vụ, trong khi ở rất xa, Chánh án không thể ra quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng để kịp thay thế thành viên hội đồng xét xử, nên buộc các vụ án đã thực hiện nhiều thủ tục tố tụng đưa vụ án ra xét xử phải hoãn.

Đơn cử, TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo lãnh thổ đối với 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực phía Nam, một địa bàn rộng lớn, với số lượng các án giải quyết hàng năm luôn tăng và đứng đầu cả nước. Sau khi có quyết định xét xử, thì về phía:

Người tiến hành tố tụng: Cần phải trích xuất bị cáo, triệu tập đương sự đi một quãng đường xa từ những địa phương lân cận về trụ sở Tòa án cấp cao để xét xử; hoặc buộc Hội đồng xét xử, Thư ký và Kiểm sát viên phải di chuyển đến các trụ sở Tòa án ở địa phương để tổ chức xét xử. Chi phí đi lại, ăn ở, thời gian di chuyển dài, liên tục làm cho người tiến hành và bộ phận hỗ trợ rất vất vả, mệt mỏi. Nhưng hiệu quả chỉ hơn 50% số vụ theo lịch trình đưa ra xét xử được, do vướng phải các thủ tục tố tụng khác như vắng mặt người tham gia tố tụng, xin hoãn…

Người tham gia tố tụng: Đối với các phiên tòa tại trụ sở Tòa án cấp cao, người tham gia tố tụng ở địa phương cũng buộc phải đi quãng đường xa, chưa quen đường nên thường không đúng giờ, không có mặt, và tốn rất nhiều thời gian, chi phí đi lại, gây phiền hà cho người dân và bức xúc xúc khi cố gắng đi xa chấp hành quy định mà lại không có kết quả.

Thay vì tiêu tốn thời gian, tài chính, sức khỏe phục vụ cho việc di chuyển xét xử lưu động thì sẽ giải quyết được nhiều vụ án hơn, để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của đơn vị. Trong tình hình dịch bệnh dễ lây nhiễm nếu tiếp xúc gần như hiện tại thì việc tổ chức một phiên tòa tập trung đông người là việc rất nguy hiểm.

2.Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xét xử

Hiện nay trên thế giới, hệ thống Tòa án của một số quốc gia đã tiến hành và thành công trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của mình như: hệ thống Tòa án của Úc, Singapore, Malaysia… và gần đây tại Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc đã tổ chức nhiều phiên tòa xét xử trực tuyến để tránh lây nhiễm Covid-19.

Qua kinh nghiệm của các nước, chúng ta có thể thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án mang lại rất nhiều lợi ích, như:

– Phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng, đúng với đường lối chủ trương của Đảng và nhà nước về áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong xét xử.

– Không tập trung đông tại một phòng xử án nên hạn chế sự lấy lan của dịch bệnh, phân tán con người giúp dễ dàng kiểm soát dịch bệnh trong giai đoạn hiện tại.

– Tòa án giảm bớt được chi phí, thời gian đi lại, ăn ở, tổ chức phiên tòa lưu động khi xét xử ở các địa phương.

– Đảm bảo an toàn cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và hồ sơ vụ án khi không phải di chuyển xa. Người tiến hành tố tụng không bị hành hung hay phát sinh các vấn đề khác từ các đương sự thiếu kiềm chế trong phòng xử cũng như trên đường di chuyển.

– Tạo điều kiện cho người tham gia tố tụng tham gia phiên tòa nếu điểm cầu nào di chuyển thuận tiện hơn, hạn chế việc vắng mặt, đến phiên xử trễ.

– Đông đảo người dân quan tâm đến vụ kiện có thể theo dõi quá trình xét xử mà không bị giới hạn số lượng như phòng xử án thông thường, nâng cao khả năng tiếp cận công lý, giảm các thủ tục và chi phí không cần thiết cho người dân, đặc biệt là những đương sự ở các khu vực xa trung tâm hay khu vực nông thôn;

– Các phiên tòa được ghi âm, ghi hình lại và lưu trữ tại điểm cầu trung tâm làm tài liệu nghiên cứu, rút kinh nghiệm…

– Hỗ trợ Thẩm phán, bất kể ở khu vực địa lý nào, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hiệu quả hơn. Hỗ trợ bộ phận quản lý hành chính tư pháp Tòa án thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được dễ dàng hơn.

3.Giải pháp thử nghiệm phiên tòa trực tuyến

3.1.Cơ sở vật chất

Hiện nay, Hội nghị trực tuyến mà ngành Tòa án đang sử dụng là một cải cách mạnh mẽ về phương thức hội họp, đem lại hiệu quả cao, mang lại sự thuận tiện, tiết kiệm chi phí và thời gian rất nhiều so với việc tổ chức hội nghị, phiên họp, đào tạo truyền thống.

Theo đó cơ sở vật chất, trang thiết bị và hạ tầng kỹ thuật mà tòa án cấp cao và các tòa án địa phương đã có như:

-Phòng xét xử đã được trang bị hệ thống âm thanh, hình ảnh: ampli, loa, micro, máy vi tính, màn hình hiển thị (Tivi hoặc máy chiếu), camera, máy fax, scan…

-Kết nối internet: đường truyền riêng cho ngành Tòa án (đang phục vụ cho hội nghị trực tuyến) và các đường truyền dịch vụ khác (do mỗi Tòa địa phương thuê để phục vụ riêng) có tính ổn định cao và tốc độ nhanh đủ để đáp ứng nhu cầu để thiết lập hệ thống trực tuyến.

– Các phần mềm: Vmeet (đang dùng để sử dụng hội nghị trực tuyến), các phần mềm gọi video trên máy tính (SureMeet – Lạc Việt, MegaMeeting – Mob ifone, Zoom, Google Meet, …), đa số miễn phí nhưng chất lượng ổn định, và lưu lại được video diễn biến cả phiên tòa.

3.2.Giải pháp thực hiện

Tổ chức phiên họp giữa Tòa án cấp cao, Viện kiểm sát cấp cao, Tòa án, Cảnh sát hỗ trợ tư pháp ở địa phương, thống nhất quy chế phối hợp, chuẩn bị trang thiết bị kỹ thuật trong phòng xử và hỗ trợ nhân sự trước và trong khi mở phiên tòa.

Tại trụ sở của điểm cầu trung tâm của người tiến hành tố tụng bố trí, lắp đặt các trang thiết bị như một phòng xử theo hướng dẫn. Phòng xử này cũng có thể có đương sự, người bảo vệ – Luật sư tham gia nếu họ cảm thấy thuận tiện.

Tại địa phương chọn 01 phòng xử làm điểm cầu tổ chức xét xử cho những người tham gia tố tụng, cảnh sát hỗ trợ tư pháp, người tham dự phiên tòa. Cũng có thể mở nhiều điểm cầu cho các cá nhân, đơn vị khác (phải có tài khoản và được sự cho phép của điểm cầu trung tâm) khi có yêu cầu được xem tại chỗ làm việc của mình. Tòa án địa phương cử 01 cán bộ công nghệ thông tin trực phiên tòa, xử lý sự cố kỹ thuật khi cần.

Kết nối hệ thống trực tuyến Tòa án cấp cao và địa phương, thử chất lượng hình ảnh, âm thanh, độ ổn định đường truyền, chạy thử nghiệm.

Mở 1 phiên tòa hình sự (ít bị cáo) để có trải nghiệm thực tế giữa HĐXX và bị cáo, từ đó điều chỉnh rút kinh nghiệm.

Điểm danh sự có mặt, vắng mặt của người tham tố tụng: Gửi danh sách triệu tập qua email cho Cảnh sát hỗ trợ tư pháp để giúp điểm danh, đánh dấu điểm danh xong, đưa cho cán bộ IT (của địa phương) scan/chụp hình gửi qua fax/zalo/viber để Thư ký ghi lại (in) báo HĐXX, trường hợp đến muộn thì thông báo nhắn tin điện thoại/zalo bổ sung cập nhật sau.

Phổ biến nội quy, ghi chép biên bản phiên tòa được thực hiện bình thường, Thư ký có thể sử dụng máy tính trung tâm để trực tiếp ghi biên bản phiên tòa.

Việc giao nhận tài liệu, chứng cứ: Yêu cầu người tham gia tố tụng (trong quyết định xét xử/giấy triệu tập) phải nộp cho Tòa án trước 05 ngày xét xử. Nếu có tài liệu phát sinh tại phiên tòa (đơn xin hoãn, đơn đề nghị xét xử vắng mặt, thủ tục Luật sư…) cán bộ IT(của địa phương) scan/chụp bản chính/photo gửi qua fax/zalo/viber để HĐXX nắm thông tin để xử lý trước, sau đó sẽ gửi tài liệu này sau. Trường hợp cần thiết, HĐXX cần đối chiếu bản chính thì quyết định hoãn phiên tòa (ít phát sinh). Do các tài liệu này đã được scan/sao chụp thì Thư ký cũng dễ đưa lên màn hình xét xử, để cho người tham gia tố tụng được nắm rõ.

Tổ chức tập huấn sử dụng hệ thống xét xử trực tuyến cho CBCC cơ quan và Tòa án địa phương.

Khi đã ổn định, giải quyết các vấn đề kỹ thuật và con người, thì tiến hành nhân rộng ở các tỉnh thuộc địa bàn khác, xét xử trực tuyến tương tự đối với tất cả các loại án khác như dân sự, hành chính…

4.Các vướng mắc, hạn chế dự kiến khi thực hiện và giải pháp khắc phục

Chúng ta có thể lường trước một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai rộng rãi mô hình xét xử mới mẻ này. Đó là:

– Về tâm lý của người mới sử dụng do đổi mới phương thức xét xử nên còn khó khăn khi tiếp xúc phương tiện, tâm lý e ngại khi thay đổi thói quen, nóng vội khi có sự cố về kỹ thuật: kiên trì thực hiện, tham gia các lớp tập huấn về xét xử trực tuyến, các phiên tòa trực tuyến mẫu để rút kinh nghiệm.

– Về trang thiết bị kỹ thuật: tận dụng các thiết bị hiện có: tivi, máy tính, dàn âm thanh, camera, máy fax, scan hoặc trang bị thêm.

– Về triệu tập người tham gia tố tụng: trên quyết định đưa vụ án ra xét xử ghi xét xử trực tuyến, yêu cầu phải có mặt tại một trong hai điểm cầu (đương sự tự chọn nơi thuận tiện nhất để tham gia), yêu cầu nộp các tài liệu có liên quan đến vụ án trong thời gian sớm nhất.

– Về Luật sư chỉ định: Vì hồ sơ tại trụ sở nên sẽ chỉ định tại địa phương nơi đặt trụ sở, hoặc tùy trường hợp mà mời Luật sư địa phương để thuận tiện cho việc bào chữa nhằm đảm bảo tốt nhất cho bị cáo.

– Về tuân theo sự điều khiển của HĐXX: Cảnh sát hỗ trợ tư pháp thực hiện nghiêm khi có yêu cầu từ HĐXX đối với những trường hợp không chấp hành nội quy phiên tòa.

– Phát sinh chi phí lắp đặt thiết bị cần thiết, nâng cấp đường truyền internet.

Tuy nhiên, những khó khăn vướng mắc này không lớn, sau những lúng túng ban đầu,  việc xét xử trực tuyến nhanh chóng trở nên quen thuộc, thành thạo mang lại lớn ích rất lớn về nhiều mặt cho không chỉ cơ quan xét xử mà các các bên liên quan, những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng.

Ths. LÊ ĐỨC ANH (Tòa Hình sự, TANDCC tại TP Hồ Chí Minh)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

339

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn


Từ khóa: Xét xử trực tuyến |