Bản án về tranh chấp các khoản phúc lợi liên quan đến hợp đồng lao động số 913/2020/LĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 913/2020/LĐ-PT NGÀY 23/09/2020 VỀ TRANH CHẤP CÁC KHOẢN PHÚC LỢI LIÊN QUAN ĐẾN HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Trong các ngày 08 và ngày 23 tháng 9 năm 2020, tại phòng xử án, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử công khai vụ án lao động phúc thẩm thụ lý số: 07/2020/TLPT-LĐ ngày 13 tháng 01 năm 2020 về việc “Tranh chấp về các khoản phúc lợi liên quan đến hợp đồng lao động”.Do Bản án lao động sơ thẩm số 85/2019/LĐ-ST ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 4229/2020/QĐ-PT ngày 11 tháng 8 năm 2020, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Bùi Thanh T, sinh năm: 1971; Cư trú tại: số 82, đường D, khu N, phường B, Quận I, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo uỷ quyền: Bà Lê Hoàng Diễm M, sinh năm 1995; Cư trú tại: Phòng G, Toà nhà T, 67 đường K, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh (Theo Giấy uỷ quyền số công chứng 015601ngày 03/9/2019 tại Văn phòng Công chứng N, Thành phố Hồ Chí Minh) (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trần Thái D và ông Trần Ánh D1 – Là Luật sư của Công ty N thuộc đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; Cư trú tại: Phòng G, Toà nhà T, 67 đường K, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

Bị đơn: Công ty C.

Trụ sở tại: Phòng H, lầu H, tòa nhà C, 37 Đường T, phường N, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo pháp luật: Ông R, sinh năm 1971; Chức vụ: Giám đốc; Cư trú tại: LC 10.2 L, Khu đô thị phát triển P, phường P, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Người đại diện theo uỷ quyền:

- Bà Lý Hoàng Mẫn N, sinh năm 1992 (vắng mặt);

- Ông Quách Vũ Ân K, sinh năm 1991(có mặt);

- Ông Phạm Hùng A, sinh năm 1996 (có mặt).

Cùng cư trú tại: Phòng 2&3, Lầu N, đường S, phường N, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh (Theo Giấy uỷ quyền ngày 112/5/2020 của Công ty C).

Người kháng cáo: Nguyên đơn là bà Bùi Thanh T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, quá trình tham gia tố tụng, nguyên đơn bà Bùi Thanh T có người đại diện theo ủy quyền là bà Lê Hoàng Diễm M trình bày:

Bà Bùi Thanh T và Công ty trách nhiệm hữu hạn Công ty C (sau đây gọi tắt là Công ty) có thỏa thuận ký kết thư đề nghị làm việc ngày 28/3/2016 với nội dung chấp nhận làm việc tại Công ty C và các điều khoản về việc làm như thời gian làm việc, lương, nghỉ phép hàng năm… Ngoài ra các bên còn thỏa thuận khác như bảo mật, chống cạnh tranh, luật điều chỉnh, hoa hồng, sở hữu trí tuệ, báo giá bán hàng... Ngày 11/4/2016, bà T và Công ty ký Hợp đồng lao động số 0616/HĐLĐ/CVN, nội dung hợp đồng lao động chỉ thỏa thuận đến công việc, lương, thời gian làm việc, không có thỏa thuận hưởng hoa hồng. Ngày 24/4/2018, đại diện bị đơn và nguyên đơn đã tiến hành họp thông báo về việc không tiếp tục gia hạn hợp đồng lao động với nguyên đơn. Đến ngày 5/7/2018, Công ty hoàn tất thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động với bà Bùi Thanh T. Trong thời gian làm việc tại Công ty, bà đã bỏ nhiều công sức và nguồn lực để cuối cùng Công ty đã ký kết thành công với Công ty cổ phần B (gọi tắt là Công ty B) hợp đồng số 48/17/HĐXD/B/SC-C ngày 13/6/2017 và Phụ lục số 01 ngày 27/10/2017. Theo đó Công ty đã ký hợp đồng với Công ty B về dự án liên quan đến tổng cộng 148 căn khối 4&6 với tổng giá trị của hợp đồng là 251.336.917.000 đồng, bao gồm 242.973.191.000 đồng của Hợp đồng số 48 và 8.363.726.000 đồng. Như vậy, theo thỏa thuận của Thư đề nghị ngày 28/3/2016 thì Công ty phải thanh toán cho bà khoản hoa hồng là 2% trên giá trị hợp đồng, tương đương số tiền là 5.026.738.340 đồng. Tiền lãi tính từ ngày 13/6/2017 do chậm thanh toán tiền hoa hồng theo Hợp đồng số 48, tính trên 13 tháng với mức lãi suất 0,83% tương đương số tiền 524.336.146 đồng và tiền lãi tính từ ngày 27/10/2017 do chậm thanh toán hoa hồng của phụ lúc số 01, tính trên số tiền 8.363.726 đồng x 2% x 0,83%/tháng x 9 tháng, tương đương số tiền 12.495.406 đồng. Tổng cộng bà T yêu cầu Công ty thanh toán tổng số tiền là 5.563.569.892 đồng.

- Tại phiên tòa sơ thẩm: Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, cụ thể nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn thanh toán 02% tiền hoa hồng trên giá trị hợp đồng mà Công ty ký với Công ty B không bao gồm giá trị VAT của hợp đồng, cụ thể nguyên đơn yêu cầu thanh toán 2% trên giá trị 4.569.762.127 đồng và trả lãi tính từ ngày 30/4/2018 là ngày bà T có văn bản yêu cầu thanh toán tính đến ngày xét xử sơ thẩm, tiền lãi là 714.329.983 đồng, tổng cộng 5.284.092.110 đồng.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn ông Trần Thái D trình bày:

Về giá trị pháp lý của điều khoản hoa hồng trong Thư thỏa thuận làm việc: Thư thỏa thuận làm việc có giá trị độc lập đối với Hợp đồng lao động theo các căn cứ sau:

Thứ nhất, tại các phiên tòa xét xử vụ án, đại diện của bị đơn đã trình bày rằng khi bà T nghỉ việc, đại diện Công ty có yêu cầu bà T thực hiện 02 nghĩa vụ là bảo mât thông tin và hoàn trả tài liệu. Đây là 02 nghĩa vụ đều được quy định trong Thư thỏa thuận làm việc nhưng hoàn toàn không được quy định trong Hợp đồng lao động. Nếu thư thỏa thuận làm việc bị thay thế bởi Hợp đồng lao động thì bà T sẽ không cần phải tuân thủ hai nghĩa vụ này.

Thứ hai, trong hợp đồng lao động giữa các bên có quy định về điều khoản giải quyết tranh chấp, quy định: “Khi có tranh chấp lao động giữa Người lao động và Bên sử dụng lao động thì việc giải quyết các tranh chấp sẽ được căn cứ vào Bộ luật Lao động, Nội quy làm việc của công ty, các văn bản hiện hành, Thỏa ước lao động tập thể (nếu có) và các bản cam kết giữa người lao động và bên sử dụng lao động, điều này có nghĩa khi có tranh chấp phát sinh thì bên cạnh hợp đồng lao động có thể căn cứ các thỏa thuận khác giữa hai bên để giải quyết tranh chấp.

Thứ ba, tại email trao đổi về nội dung của Thư thỏa thuận làm việc và Hợp đồng lao động giữa bà T và đại diện của Công ty (trích từ Vi bằng số 5701/2019/VB-TPLQ5 ngày 15/10/2019), đại diện của Công ty đã gửi các email cho bà T vào ngày 01/8/2016 và hai bên có đàm phán với nhau về nội dung các điều khoản hoa hồng, trong đó Thư thỏa thuận làm việc chỉ ghi nhận mức hoa hồng được nhận 2% đối với các dự án ngoài Việt Nam. Bà T cho rằng nội dung này không rõ ràng nên đề nghị ghi nhận là 2% hoa hồng sẽ được nhận tại Việt Nam đối với dự án ở Việt Nam và 2% hoa hồng nhận ở nước ngoài đối với dự án ở nước ngoài. Ngày 02/8/2016, đại diện của Công ty có gửi lại bản Thư thỏa thuận làm việc chỉnh sửa này và đến ngày 03/8/2016 thì bà T ký đồng thời cả Thư thỏa thuận làm việc và Hợp đồng lao động gửi lại cho bị đơn.

+ Về tổng số tiền hoa hồng Công ty phải thanh toán cho bà T:

Căn cứ điều khoản hoa hồng, Công ty phải thanh toán cho Bà T 02% (hai phần trăm) hoa hồng đối với dự án do bà T mang về và Công ty đã được giao để thực hiện dự án đó. Chiếu theo quy định này, bà T sẽ nhận được 02% hoa hồng dự án nếu (i) dự án đó được giao cho Công ty C thực hiện và (ii) bà T là người mang dự án về cho Công ty.

Căn cứ lời khai của bà T và sự xác nhận của đại diện Công ty (mục 7 Bản ý kiến của bị đơn đề ngày 04/01/2019), bà T đã mang dự án P về cho Công ty và Công ty C đã ký kết được hợp đồng để thực hiện dự án với Công ty B vào ngày 13/6/2017. Bên cạnh đó, việc bà T đóng góp công sức để mang dự án P về cho Công ty cũng được thể hiện trong email gửi ngày 16/10/2017 từ địa chỉ H (mailto: ivan.ho@Cgroup.com) đến địa chỉ thuy bui (thuy.bui@C.com.vn), nội dung email thể hiện rất rõ việc ông H thừa nhận những nỗ lực, cố gắng và sự đóng góp của bà T khi đã mang dự án P về cho Công ty. Do việc bà T mang dự án P về cho Công ty là sự thật đã được các bên thừa nhận nên đây là tình tiết không cần phải chứng minh được quy định tại khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

+ Về căn cứ để tính 02% hoa hồng, do Thư thỏa thuận làm việc không quy định một cách rõ ràng 02% hoa hồng này được tính trên giá trị dự án P hay một giá trị nào khác nên cần áp dụng các quy định về giải thích hợp đồng dân sự được quy định tại khoản 2 Điều 126 Bộ luật Dân sự năm 2005 dẫn chiếu đến Điều 409 Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải thích nội dung của điều khoản hoa hồng. Bên cạnh đó, Thư thỏa thuận làm việc là một hợp đồng dân sự theo mẫu do Công ty soạn thảo sẵn nên căn cứ khoản 2 Điều 407 Bộ luật Dân sự năm 2005, Công ty phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản hoa hồng. Theo tập quán giao dịch, hoa hồng thường được tính trên doanh số hàng hóa bán ra hoặc giá trị dịch vụ được cung cấp. Trong trường hợp này, hợp đồng với Công ty B do bà T mang về cho Công ty có tổng giá trị là 251.336.917.000 đồng và do các bên không có thỏa thuận cụ thể về giá trị để tính 02% hoa hồng nên chiếu theo quy định của khoản 2 Điều 407 Bộ luật Dân sự năm 2005, việc giải thích điều khoản hoa hồng phải theo hướng có lợi cho bà T tức là 02% hoa hồng được tính trên giá trị hợp đồng chưa bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng là 228.488.106.364 đồng. Điều này đồng nghĩa Công ty phải thanh toán cho bà T số tiền là 4.569.762.127 đồng tương đương 02% của số tiền 228.488.106.364 đồng.

+ Về thời hạn Công ty phải thanh toán tiền hoa hồng cho bà T:

Điều khoản hoa hồng không quy định cụ thể về thời hạn Công ty phải thanh toán tiền hoa hồng cho bà T; từ thực tế đó, chiếu theo quy định của khoản 2 Điều 285 Bộ luật Dân sự năm 2005 và khoản 3 Điều 278 Bộ luật Dân sự năm 2015, bà T có quyền yêu cầu Công ty thực hiện nghĩa vụ bất cứ lúc nào và chỉ cần thông báo cho Công ty một khoảng thời gian hợp lý.

Ngày 16/10/2017, bà T đã gửi email cho ông H (lúc đó là đại diện pháp luật của Công ty) với nội dung yêu cầu Công ty thanh toán tiền hoa hồng cho bà T. Cùng ngày, ông H đã gửi email phản hồi với nội dung: “Về yêu cầu tiền hoa hồng của bà, tôi sẽ cố gắng chuyển lời đến văn phòng hội đồng quản trị SG và sẽ thông báo lại”. Email của ông H thể hiện 02 nội dung gồm (i) Công ty đã nhận được yêu cầu thanh toán tiền hoa hồng của bà T và (ii) Công ty không phủ nhận trách nhiệm thanh toán hoa hồng cho bà T .

Mặt khác, ngày 24/4/2018, Công ty cũng nhận được Thư yêu cầu thanh toán số 01/CAO-BTT-CTN (“Thư yêu cầu thanh toán số 01”) đề ngày 23/4/2018 do Luật sư Cao Sỹ Nghị nhân danh bà T gửi đến Công ty và nội dung Thư yêu cầu thanh toán thể hiện Công ty có trách nhiệm thanh toán tiền hoa hồng và tiền lãi phát sinh cho bà T trước ngày 30/4/2018. Sau khi nhận được Thư yêu cầu thanh toán số 01, Công ty đã ủy quyền cho Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Rajah & Tann LCT Lawyers gửi phản hồi thư số 01/CAO-BTT-CTN đề ngày 23/4/2018 do Luật sư Cao Sỹ Nghị gửi.

Từ thực tế đã nêu trên, có thể thấy rất rõ rằng bà T đã hoàn thành nghĩa vụ thông báo trước cho Công ty (ấn định thời hạn để Công ty thanh toán tiền hoa hồng trước ngày 30/4/2018) nên Công ty có nghĩa vụ thanh toán tiền hoa hồng cho bà T trong thời hạn bà T đã ấn định chiếu theo quy định của khoản 3 Điều 278 Bộ luật Dân sự năm 2005.

+ Về số tiền lãi Công ty phải chịu do chậm thanh toán tiền hoa hồng:

Do Công ty hiện nay vẫn chưa thanh toán tiền hoa hồng cho bà T nên Công ty phải chịu lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 kể từ ngày ngày 30/4/2018.

Về lãi suất, bà T yêu cầu tính lãi kể từ ngày 30/4/2018 là thời điểm Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực. Trong trường hợp này, do các bên không thỏa thuận về lãi suất nên căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, mức lãi suất tối đa bà T được tính là 10%/năm.

Trong trường hợp này, bà T tính lãi suất là 9,96%/năm là phù hợp với với quy định của khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 nên mức lãi suất bà T yêu cầu áp dụng đối với Công ty là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Chi tiết tiền lãi Công ty phải chịu như sau:

Tiền lãi do chậm thanh toán hoa hồng của Hợp đồng số 48/17/HDXD/B/SC- C (tính từ 30/4/2018) tính đến ngày 17/10/2019 là 690.559.260 đồng; Tiền lãi do chậm thanh toán hoa hồng của Phụ lục 01 (tính từ 30/4/2018) tính đến ngày 17/10/2019 là 23.770.723 đồng; Tổng cộng tiền lãi tính đến 15/11/2019 là:

714.329.983 đồng.

Quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án bị đơn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công ty C có người đại diện theo uỷ quyền là bà Lý Hoàng Mẫn N, ông Quách Vũ Ân K, bà Vương Thiên Trang trình bày:

Ngày 28/3/2016, Công ty gửi đến bà T thư đề nghị 28/3/2016, đề xuất tuyển dụng bà T giữ chức vụ Giám đốc kinh doanh với thời gian làm việc chính thức kể từ ngày 11/4/2016. Cùng ngày, bà T đã ký xác nhận đồng ý với Thư đề nghị 28/3/2016 của bị đơn. Ngày 11/4/2016, bà T chính thức đến làm việc tại văn phòng bị đơn, các bên đã ký kết hợp đồng lao động số 0616/HĐLĐ/CVN căn cứ các nội dung đã thỏa thuận trong đề nghị 28/3/2016, chính thức xác lập quan hệ lao động. Ngày 24/4/2018, đại diện bị đơn và nguyên đơn đã tiến hành họp thông báo về việc không tiếp tục gia hạn hợp đồng lao động với nguyên đơn, từ ngày 25/4/2018, nguyên đơn không còn đến công ty bị đơn làm việc. Ngày 25/5/2018, Công ty gửi mail chủ đề “Notice Letter and hand-over form” (tạm dịch: “thư thông báo và mẫu bàn giao”) cho bà T vào lúc 07 giờ 1 phút, để thông báo về quy trình hoàn tất thủ tục nghỉ việc cho bà T. Ngày 5/7/2018, Công ty hoàn tất thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động với bà T. Theo đó, bà T đã ký xác nhận đã nhận đủ đợt thanh toán cuối cùng là số tiền 46.312.684 đồng và cam kết sẽ không khởi kiện vì bất cứ lý do gì. Công ty xác định về thẩm quyền ký kết và hiệu lực của Thư đề nghị 28/3/2016 được ký bởi ông Ko Chee Wah, là Tổng giám đốc đồng thời là đại diện theo pháp luật của Công ty tại thời điểm đó căn cứ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0310741632 đăng ký lần đầu ngày 27/03/2011 và thay đổi đăng ký lần thứ 2 ngày 16/03/2016. Đối với ý kiến của bà T cho rằng đã đóng góp trong thỏa thuận trong hợp đồng giữa bị đơn và Công ty B, Công ty ghi nhận các đóng góp của nguyên đơn trong việc ký kết hợp đồng B trong dự án P vào ngày 13/6/2017 tuy nhiên, sau đó nguyên đơn không còn tham gia vào dự án này nữa. Do đó yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không có cơ sở chấp nhận vì các lý do sau đây: Thứ nhất, thư đề nghị ngày 28/3/2016 không phải là cơ sơ để thanh toán tiền hoa hồng hay tiền thưởng mà chỉ là đề nghị giao kết hợp đồng lao động giũa các bên căn cứ theo quy định cả pháp luật Việt Nam. Nội dung thư đề nghị ngày 28/3/2016 không quy định cụ thể về tiền hoa hồng được tính trên khoản nào cũng như thời hạn thanh toán. Sau ngày ban hành thư đề nghị ngày 28/3/2016, các bên đã tiến hành ký kết hợp đồng lao động, tiền “Thưởng” quy định tại điều 3.1 Hợp đồng lao động: “thưởng (nếu có) khi được phê chuẩn của Ban Giám đốc và quyết định của Công ty căn cứ bảng đánh giá năng lực nhân sự”. Tiền hoa hồng nêu tại thư đề nghị ngày 28/3/2016 đã được các bên thống nhất thay thế quy định về tiền thưởng theo hợp đồng lao động căn cứ theo pháp luật Việt Nam và việc xác định và thanh toán các khoản tiền thưởng trong hợp đồng B (nếu có) trong thời gian nguyên đơn làm việc cho bị đơn sẽ do ban giám đốc công ty quyết định căn cứ vào năng lực của nguyên đơn. Thứ hai, cách tính tiền thưởng của nguyên đơn về việc tính tiền thưởng không có cơ sở về thực tế cũng như pháp lý. Căn cứ Điều 103 Bộ luật lao động: “Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.”. Do đó, cho đến khi và nếu bị đơn không nhận được giá trị hợp đồng, và có được lợi nhuận, từ dự án P từ một biên lợi nhuận gộp có thể xác định được, khoản hoa hồng không thể (và sẽ không) được tính. Bị đơn không thể thanh toán cho nguyên đơn bất kỳ khoản tiển thưởng nào từ dự án P khi chính bị đơn cũng chưa nhận được bất ký lợi nhuận nào từ dự án này. Thứ ba, trong mọi trường hợp, việc chấm dứt quan hệ lao động giữa nguyên đơn và bị đơn cũng đương nhiên chấm dứt toàn bộ các nghĩa vụ của bị đơn liên quan đến việc thanh toán tiền thưởng cho nguyên đơn theo hợp đồng lao động. Nguyên đơn cũng có văn bản xác nhận với bị đơn rằng bị đơn không có nghĩa vụ thanh toán bất cứ chi phí nào khác cho nguyên đơn. Cuối cùng, trên cơ sở cam kết về việc không khởi kiện bị đơn sau khi nhận được thanh toán cuối cùng của nguyên đơn, chúng tôi cho rằng, nguyên đơn đã vi phạm cam kết này do đã tiến hành khởi kiện bị đơn tại tòa án. Từ các nội dung trên bị đơn không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên toà sơ thẩm, bị đơn vẫn giữ nguyên ý kiến và quan điểm trình bày nêu trên, không đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì:

Thứ nhất, giá trị của các chứng cứ do nguyên đơn cung cấp là vi bằng ghi nhận sự việc trích dẫn nội dung các email mà nguyên đơn cho rằng của bà T và Công ty không đảm bảo. Do chức năng của Thừa phát lại là lập vi bằng ghi nhận sự việc chứ không đảm bảo tính hợp pháp về mặt nội dung. Vì vậy, các vi bằng của nguyên đơn cung cấp không có giá trị chứng minh.

Thứ hai, Thư đề nghị ngày 28/3/2016 không phải là cơ sở để đòi tiền hoa hồng vì bị đơn căn cứ vào pháp luật Việt Nam: Sau khi ký kết hợp đồng lao động các bên không có thỏa thuận nào khác về tiền hoa hồng. Do đó, điều khoản hoa hồng chưa bao giờ được các bên thừa nhận mà chỉ có điều khoản thưởng trong hợp đồng lao động.

Thứ ba, Căn cứ Điều 103 Bộ luật lao động: “Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động”. Do đó, cho đến khi và nếu bị đơn không nhận được giá trị hợp đồng, và có được lợi nhuận, từ dự án P từ một biên lợi nhuận gộp có thể xác định được, khoản tiền hoa hồng không thể (và sẽ không) được tính. Bị đơn không thể thanh toán cho Nguyên đơn bất kỳ khoản tiền thưởng nào từ dự án P khi chính bị đơn cũng chưa nhận được bất kỳ lợi nhuận nào từ dự án này.

Thứ tư, trong mọi trường hợp, việc chấm dứt quan hệ lao động giữa nguyên đơn và bị đơn cũng đương nhiên chấm dứt toàn bộ các nghĩa vụ của bị đơn liên quan đến việc thanh toán tiền thưởng cho nguyên đơn theo hợp đồng lao động. Nguyên đơn cũng đã có văn bản xác nhận với bị đơn rằng bị đơn không có nghĩa vụ thanh toán bất cứ khoản chi phí nào khác cho nguyên đơn.

Thứ năm, trên cơ sở cam kết về việc không khởi kiện bị đơn sau khi nhận được thanh toán cuối cùng của nguyên đơn, chúng tôi cho rằng, nguyên đơn đã vi phạm cam kết này do đã tiến hành khởi kiện bị đơn tại Tòa án.

Tại Bản án lao động sơ thẩm số 85/2019/LĐ-ST ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh, tuyên xử:

- Căn cứ vào Điểm a khoản 1 Điều 32, Điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, Điều 227, Điều 228, khoản 2 Điều 244, khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự;

- Căn cứ vào Điều 90, Điều 103 Bộ luật lao động;

- Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn – bà Bùi Thanh T về việc yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công ty C thanh toán các khoản phúc lợi liên quan đến hợp đồng lao động là 5.284.092.110 đồng.

2. Án phí lao động sơ thẩm: Bà Bùi Thanh T phải chịu án phí là 47.284.092 đồng. Số tiền án phí của bà T được trừ vào tiền tạm ứng án phí mà bà T đã nộp là 23.781.785 đồng theo biên lai thu số 0023613 ngày 04/10/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận A. Bà T còn phải nộp thêm án phí là 23.502.307 đồng.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo và quyền thi hành án của các đương sự.

Ngày 06 tháng 12 năm 2019, nguyên đơn bà Bùi Thanh T có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn là bà Bùi Thanh T không rút đơn khởi kiện, đồng thời cũng không rút đơn kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn bà Bùi Thanh T là luật sư Trần Thái D và luật sư Trần Ánh D1 cùng thống nhất trình bày:

Ngày 28/3/2016, bà Bùi Thanh T và Công ty C có ký kết thư đề nghị làm việc, trong thư có thỏa thuận tiền hoa hồng là 2%, việc thỏa thuận này là hợp pháp và không có điều khoản nào của hợp đồng lao động phủ nhận giá trị của thỏa thuận làm việc. Công ty đã đồng ý trả hoa hồng cho dự án Sheraton Đà Nẵng cho bà T, hai bên đã thống nhất về việc trả hoa hồng môi giới cho bà T được thể hiện trong Thư số RTLCT/CVN – THUY/31052018 ngày 31/05/2018 gửi đến bà T, do không đồng ý với cách tính 2% hoa hồng trên giá trị hợp đồng giao thầu và cho rằng tính 2% trên biên lợi nhuận gộp thực tế mới đúng. Như vậy, Công ty thừa nhận có nghĩa vụ trả 2% hoa hồng dự án B cho bà T. Căn cứ để tính hoa hồng là dựa trên giá trị hợp đồng giao thầu mà không dựa trên biên lợi nhuận gộp thực tế như Công ty đã trình bày, điều này được ông H (đại diện theo pháp luật của Công ty tại thời điểm Công ty ký hợp đồng giao thầu với B) đã xác nhận 2% được tính trên giá trị hợp đồng (có vi bằng chứng minh). Về thời hạn thanh toán tiền hoa hồng là khi hợp đồng giao thầu được ký kết. Thời hạn thanh toán tiền hoa hồng là ngày 19/06/2018. nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn thanh toán 02% tiền hoa hồng trên giá trị hợp đồng mà Công ty ký với Công ty B không bao gồm giá trị VAT của hợp đồng, cụ thể nguyên đơn yêu cầu thanh toán 2% trên giá trị 4.569.762.127 đồng và trả lãi tính từ ngày 20/06/2018 đến ngày 23/09/2020 theo mức lãi suất 9,96% /năm là 1.045.576.807 đồng. Tổng cộng: 5.615.338.934 đồng. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Bùi Thanh T là bà Lê Hoàng Diễm M trình bày:

Nguyên đơn thống nhất với ý kiến của Luật sư Trần Thái D và Luật sư và Trần Ánh D1 đã trình bày tại phiên tòa hôm nay, không có ý kiến bổ sung.

- Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn có bà Lý Hoàng Mẫn N, ông Quách Vũ Ân K, ông Phạm Hùng A cùng thống nhất trình bày:

Dự án B mà Công ty nhận được là thông qua đấu thầu dựa trên năng lực tài chính và kinh nghiệm của Công ty, không phải do bà T mang về. Không chỉ riêng dự án B mà toàn bộ các dự án mà Công ty có được đều thông qua đấu thầu. Từ trước đến nay Công ty không có tập quán về việc trả hoa hồng. Trong hợp đồng lao động được ký kết giữa bà T và Công ty không có bất kỳ điều khoản hoa hồng nào. Bà T cho rằng trước đây Công ty có trả tiền hoa hồng cho bà T nhiều dự án, cụ thể gần đây nhất là dự án Sheraton Đà Nẵng nhưng bà T không cung cấp được chứng cứ cho việc thanh toán bất kỳ khoản hoa hồng nào từ khi bà T làm việc cho Công ty đến khi nghỉ việc. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:

- Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa hôm nay, chủ tọa phiên tòa, hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa đã tuân thủ đúng quy trình tố tụng giải quyết vụ án. Những người tham gia tố tụng chấp hành đúng quy định pháp luật.

- Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà Bùi Thanh T. Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 85/2019/LĐ-ST ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà và sau khi nghe ý kiến phát biểu kết luận của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về hình thức: Ngày 06/12/2019, bà Bùi Thanh T có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung Bản án lao động sơ thẩm số 85/2019/LĐ-ST ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh. Căn cứ Điều 272, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đơn kháng cáo của bà T trong hạn luật định nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[2]. Về sự có mặt của đương sự: Tại phiên tòa ngày 08/9/2020, bà Lê Hoàng Mẫn N có mặt, đến phiên tòa ngày 23/9/2020 bà Lê Hoàng Mẫn N có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Căn cứ khoản 1 Điều 227 và khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt bà Nhi.

[3]. Về người tham gia tố tụng: Tại phiên tòa các bên đương sự yêu cầu đưa ông Ho Chee Cheong vào tham gia vụ kiện với tư cách là người làm chứng. Xét thấy, việc đưa ông Ho Chee Cheong vào tham gia vụ kiện với tư cách là người làm chứng là không cần thiết nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.

[4]. Về nội dung:

Xét kháng cáo của nguyên đơn bà Bùi Thanh T Hội đồng xét xử nhận thấy:

Căn cứ vào thư đề nghị làm việc đề ngày 28/03/2018 của Công ty C với bà Bùi Thanh T quy định về tiền hoa hồng như sau “Người lao động sẽ nhận được 2% tiền hoa hồng cho việc quản lý các dự án mà Người lao động đảm nhận và C đã được quyết định thực hiện dự án. Đối với những dự án được thực hiện tại Việt Nam, tiền hoa hồng sẽ được trả tại Việt Nam và đối với những dự án được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam, tiền hoa hồng sẽ được trả ngoài lãnh thổ Việt Nam”.Thư mời làm việc này có thời gian thử việc từ ngày 11/04/2016 đến ngày 10/6/2016.

Căn cứ Hợp đồng lao động số 0616/HĐLĐ/CVN lập ngày 11/04/2016 giữa Công ty với bà Bùi Thanh T thể hiện nội dung tại Điều 3 của hợp đồng về thưởng như sau “Thưởng (nếu có) khi được phê chuẩn của ban giám đốc và quyết định của Công ty căn cứ vào bảng đánh giá năng lực nhân sự”. Đồng thời, tại Điều 5 của hợp đồng lao động thể hiện “Những vấn đề về lao động không ghi trong hợp đồng lao động này thì giá trị áp dụng quy định của thỏa ước tập thể, trường hợp chưa có thỏa ước tập thể thì áp dụng quy định của pháp luật lao động”.

Tại phiên tòa, phía bị đơn xác định là Công ty chưa có thỏa ước lao động tập thể. Như vậy, Hội đồng xét xử áp dụng quy định của pháp luật lao động để giải quyết.

Căn cứ Điều 103 Bộ luật lao động năm 2012 quy định “1. Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động; 2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở”.

Như vậy, căn cứ vào toàn bộ tài liệu có trong hồ sơ, thì chỉ có duy nhất trong thư mời làm việc (thử việc từ ngày 11/4/2016 đến 10/6/2016 có quy định về tiền thưởng (2% tiền hoa hồng), còn trong hợp đồng lao động 0616/HĐLĐ/CVN thì không có thể hiện về tiền hoa hồng, bên cạnh đó sau khi hai bên kết thúc hợp đồng thì bà T có ký bản thanh toán cuối cùng với tổng số tiền Công ty phải thanh toán cho bà T là 46.312.684 đồng (không thể hiện có tiền hoa hồng, bản thanh toán này bà T ký nhận và cam kết sẽ không khiếu nại Công ty trong bất cứ trường hợp nào). Đồng thời thư mời làm việc (thử việc) không quy định trong hợp đồng 0616 là một bộ phận không thể tách rời của Hợp đồng lao động số 0616/HĐLĐ/CVN lập ngày 11/04/2016 giữa Công ty với bà Bùi Thanh T đã ký nên không đủ cơ sở xác định giữa các bên có thỏa thuận về tiền thưởng theo hợp đồng lao động.

Căn cứ vi bằng, người đại diện theo ủy quyền của bà T cho rằng, qua các email trao đổi có thỏa thuận về tiền hoa hồng là 2%, trả theo từng dự án do bà T mang về cho Công ty, nhưng theo hợp đồng lao động thì bà T được ký với chức danh là giám đốc kinh doanh nên bà T làm việc theo chức vụ được ký chứ không phải làm việc theo từng dự án. Vì vậy, đây không phải là cơ sở pháp lý để các bên thực hiện, đồng thời theo hợp đồng lao động không có thỏa thuận về 2% hoa hồng. Nếu xét email trao đồi này không có căn cứ để chấp nhận.

Tại phiên tòa ngày 08/9/2020, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cho rằng trước đây Công ty có trả tiền hoa hồng cho bà T nhiều dự án, cụ thể gần đây nhất là dự án Sheraton Đà Nẵng, nên từ đó mới yêu cầu trả tiền 2% hoa hồng đối với dự án B. Nhưng căn cứ vào toàn bộ tài liệu có trong hồ sơ vụ án không có chứng cứ nào thể hiện là Công ty trả tiền 2% hoa hồng đối với dự án Sheraton Đà Nẵng như luật sư và người đại diện của nguyên đơn trình bày. Vì vậy, xét lời trình bày này của luật sư và người đại diện của nguyên đơn là không có căn cứ để chấp nhận.

Tại phiên tòa hôm nay, Công ty có cung cấp cho Hội đồng xét xử Hợp đồng số 48/171/HĐXD/B-C ngày 13/6/2017 giữa Công ty với B; phụ lục Hợp đồng ngày 22/08/2016 và Thư mời tham gia đấu thầu để chứng minh cho việc hợp đồng B không phải do bà T mang về mà là do Công ty đấu thầu. Xét thấy các văn bản này chỉ thể hiện việc ký kết hợp đồng giữa Công ty và B không thể hiện việc hợp đồng này do bà T mang về. Đồng thời các tài liệu này là bản photo nên Hội đồng xét xử không xem là chứng cứ.

Xét kháng cáo của bà Bùi Thanh T về việc yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công ty C thanh toán các khoản phúc lợi liên quan đến hợp đồng lao động là 5.284.092.110 đồng là không có căn cứ.

Từ những nhận định trên, xét thấy, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Bùi Thanh T không có cơ sở để chấp nhận, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà Bùi Thanh T. Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 85/2019/LĐ-ST ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là có căn cứ nên chấp nhận. Hội đồng xét xử thống nhất với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà Bùi Thanh T, giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 85/2019/LĐ- ST ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

Án phí lao động phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên nguyên đơn bà Bùi Thanh T phải chịu án phí theo luật định.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào:

- Điều 147, Khoản 2 Điều 148 và Khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự;

- Điều 90, Điều 103 Bộ luật lao động;

- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quả lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

- Căn cứ Luật thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Bùi Thanh T. Giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 85/2019/LĐ-ST ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuyên xử:

[1]. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Bùi Thanh T về việc yêu cầu Công ty C thanh toán các khoản phúc lợi liên quan đến hợp đồng lao động là 5.615.338.934 (Năm tỷ sáu trăm mười lăm triệu ba trăm ba mươi tám nghìn chín trăm ba mươi bốn) đồng.

[2]. Về án phí:

[2.1]. Án phí lao động sơ thẩm: Bà Bùi Thanh T phải chịu án phí là 47.615.338 (Bốn mươi bảy triệu sáu trăm mười lăm nghìn ba trăm ba mươi tám) đồng nhưng được cấn trừ vào tiền tạm ứng án phí mà bà T đã nộp là 23.781.785 (Hai mươi ba triệu bảy trăm tám mươi mốt nghìn bảy trăm tám mươi lăm) đồng theo biên lai thu số AA/2017/0023613 ngày 04 tháng 10 năm 2018 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh. Bà T còn phải nộp thêm án phí là 23.833.553 (Hai mươi ba triệu tám trăm ba mươi ba nghìn năm trăm năm mươi ba) đồng.

[2.2]. Án phí lao động phúc thẩm: Bà Bùi Thanh T phải chịu là 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng nhưng được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.0000 (Ba trăm nghìn) đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2019/0005508 ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án dân sự, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

225
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp các khoản phúc lợi liên quan đến hợp đồng lao động số 913/2020/LĐ-PT

Số hiệu:913/2020/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 23/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về